Tháng Ba, khi Giáo hội dành kính Thánh Giuse, người ta lại nhắc nhiều đến hình ảnh người cha trong gia đình. Những người cha sống tốt đều để lại trong lòng con cái những dấu ấn khó phai. Họ trở thành tấm gương để các con học hỏi, noi theo trên suốt hành trình cuộc đời…
HỌC Ở CHA TỪ NHỮNG CÁI RẤT NHỎ
Chị Ðậu Thị Thu Thủy (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Ðăk Lăk): Có lẽ, đối với một số người nữ, tình cảm dành cho cha có phần đặc biệt. Tôi thuộc trong số đó và thấy mình có nhiều nét giống cha. Cha dạy nhiều cái từ nhỏ nhất. Ðơn giản như cha tôi rất tôn trọng người già và tôi cũng tôn trọng người già. Cha nói, người già có nhiều kinh nghiệm, vì đời sống họ phong phú, tựa như cổ thụ sẽ vững chãi hơn để người trẻ học hỏi. Cha thường sửa dạy con gái bằng lời nói nhẹ nhàng chứ không chửi mắng. Một lần, năm học lớp 8, tôi trốn nhà đi chơi tới tối mịt chưa về, cha phải chạy đi kiếm khắp đó đây. Tới khi tìm gặp, cha bình tĩnh chở tôi về trên xe, để tôi ăn tối, tắm rửa xong sau đó nói chuyện nhỏ nhẹ, cha hỏi nguyên nhân và phân tích không nên đi chơi khuya không báo trước… Những việc rất nhỏ nhưng đọng lại trong tôi ý nghĩa sâu sắc. Cha cũng lắng nghe tôi giải thích và ở cha, tôi thấy được sự tôn trọng, lắng nghe người khác. Vì vậy, sau này khi đi dạy học, tôi cũng lắng nghe học sinh của mình, dù các em đúng hay sai vẫn có quyền tỏ bày tâm tư, suy nghĩ để thầy và trò hiểu nhau hơn. Hiện tại, do bận việc gia đình nên tôi thu xếp không công tác ở TPHCM mà về quê sinh sống, có thời gian gần cha hơn. Tôi trân quý quãng thời gian này.
NHƯ NGÔI SAO DẪN ÐƯỜNG…
Em Trần Hà Anh Thư (Học sinh lớp 8 trường THCS Lê Lợi, quận 3 - TPHCM) : Ba em là một người rất bình thường, nhưng với em, ba như một thần tượng. Vì từ một người buôn bán nhỏ khi gặp mẹ, giờ đây ba đã có một cơ ngơi - làm chủ một cửa hàng và phát triển thành một doanh nghiệp nhỏ. Ðiều đáng nói là ba em không vì là trụ cột, là người làm ra tiền chính trong gia đình mà xem thường mẹ em hay tỏ ra “gia trưởng” với các con. Ba luôn nói chuyện nhỏ nhẹ, ngọt ngào với chúng em. Trong gia đình, nếu có bất đồng ý kiến nhau, ba luôn từ tốn, nhỏ nhẹ thuyết phục mọi người, hoặc theo ý các con nếu ông thấy hợp lý. Với ông bà chú bác cô dì và cả hàng xóm, ba luôn nhã nhặn và giúp đỡ họ trong khả năng của mình khi cần. Ba thường khuyến khích em học hành nhưng không hề đặt lên vai các con chút áp lực nào. Chính điều đó khiến em cảm thấy thoải mái và dễ hoàn thiện bản thân mình hơn để xứng đáng với những mong đợi của ba mẹ. Không cần roi vọt, không cần những lời mắng mỏ, nhân cách và gương chăm chỉ của ba như ngôi sao dẫn đường để chúng em thành người tốt và tự lập trong cuộc sống.
CHỮ TÍN
Anh Nguyễn Hoàng Nam (Cai Lậy, Tiền Giang): Cha tôi năm nay ngoài sáu mươi, một viên chức về hưu. Những ngày này, cha gắn bó bên mảnh vườn, an hưởng tuổi già bên con cháu. Gánh nặng cuộc đời làm cha trông già đi nhiều. Như bao người ở nông thôn, tính cha bình dị. Cuộc sống ngày trước khá vất vả nên để lo cho các con học hành tử tế, phát triển nên người, những phần thiệt thòi, cha nhận về mình. Ở cha, tôi học được nhiều bài học quý, từ cách sống giản dị, hòa đồng với bà con xóm làng. Ðặc biệt, bài học về chữ tín. Dân gian ta nói: “Một lần thất tín, vạn lần bất tin”. Cha thường không trễ hẹn, giữ đúng lời hứa. Cha hay chỉ ra cho chúng tôi thấy rằng hình ảnh về bản thân, lời nói của bản thân rất quan trọng. Nếu một khi mình không giữ được lời hứa là đã mất điểm trong lòng người khác. Nhìn cách sống của cha được mọi người tôn trọng, quý mến, từ việc cha gần gũi chan hòa và coi trọng chữ tín, tôi cũng tâm niệm cố gắng theo cha.
NHỚ VỀ BỐ…
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải (Quận Gò Vấp, TPHCM): Nghe bản nhạc “Ðường xưa” (sáng tác của nhạc sĩ Quốc Dũng), tôi cảm nghiệm “đường xưa” không chỉ nói về con đường tình mà còn là con đường trở về ký ức, và từ “người ấy” không phải bao giờ cũng dùng để gọi người yêu cũ… Tôi như nhìn thấy con đường rừng heo hút ở Sơn La, được bố mình cõng đi - lúc ấy tôi mới hơn 3 tuổi - lội qua con suối về khu sơ tán; thấy con đường vắt qua những thửa ruộng mà bố đưa anh em tôi về Bắc Ninh; thấy tôi đang đứng ở cổng nhìn con đường tối sẫm ngóng bố đi làm về muộn; thấy bố thăm tôi ở ký túc xá Trường Y Hà Nội; bố cùng cả nhà đưa tôi đi sinh rồi đón con gái tôi chào đời... Rồi khi bố mất, tôi từ Sài Gòn về Hà Nội chịu tang bố, làm sao quên được cái khoảnh khắc xe tang đưa bố chầm chậm vào Ðài hóa thân hoàn vũ! Giờ đây, dù bố đang ở một cõi khác, tôi vẫn luôn tin rằng không lúc nào bố thôi yêu thương và che chở cho mình… Tôi nhớ bài học bố để lại cho mình: Cuộc đời của mỗi người đều là một cuộc tu hành, tu dưỡng cái tâm yêu thương và thanh thản. Bởi thế bố không chỉ dạy con cái, mà còn không ngừng tự dạy mình, để sống là mình và giữ được chính mình trong mọi biến động của thời cuộc. Cách bố yêu thương, tôn trọng và chung thủy với mẹ đã giúp tôi trân trọng, phát triển nữ tính và theo đuổi hạnh phúc.
ẢNH HƯỞNG MẠNH TỪ CHA
Bà Huỳnh Thị Nghiêm (Quận 8, TPHCM): Mỗi lần nhớ về cha mình, trong tôi vẫn đọng lại nhiều dấu ấn, mà nhớ nhất là những việc cha vẫn làm để giúp người nghèo. Năm 1968, thời chiến tranh loạn lạc, khi ấy tôi còn ở tuổi niên thiếu nhưng đã theo cha gánh từng gánh gạo, nước mắm, dưa cải… của gia đình cũng như thực phẩm quyên góp được, mang đến cho những người đi tản cư dọc theo các con đường ở quê mình, giúp họ có cái ăn trong cơn đói khát. Là thầy thuốc Ðông y, mỗi lần khám bệnh, bốc thuốc cho bệnh nhân, thấy ai có hoàn cảnh khó khăn, cha tôi thường không lấy tiền. Tấm gương làm việc thiện của cha đã ảnh hưởng nhiều đến tôi, giúp tôi cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn khi mình biết cho đi. Ngay từ thời học sinh, tôi đã thường xuyên tham gia các công tác xã hội trong trường học. Nhiều năm nay, mình vẫn gắn bó với những việc bác ái. Dù đã rời quê lên Sài Gòn sinh sống từ cuối thập niên 90, song tôi vẫn đi đi về về giữa thành phố và quê mình là xã Lương Hòa Lạc (Chợ Gạo, Tiền Giang), khi còn nằm trong Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thì ngoài việc sinh hoạt với Hội, tôi lại rảo đây đó xem có ai khó khăn cần giúp đỡ, nhất là phụ nữ và trẻ em. Tôi hướng dẫn một số chị em ở các hộ nghèo cách thức vay vốn ngân hàng vì họ không biết gì về các chính sách cho vay ở ngân hàng; rồi ủng hộ hay phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ vận động quyên góp để cất nhà tình thương cho những gia đình khốn khó. Sau này ở tuổi hưu, tôi vẫn cộng tác từ xa với Hội trong việc quyên góp gây quỹ giúp người nghèo. Còn bản thân mình thì hầu như năm nào cũng có những chuyến đi về quê làm từ thiện, trao tặng quà cho người khuyết tật, người già, trẻ mồ côi…
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com