CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG WEB TRUYỀN THÔNG GIÁO XỨ THÁNH TÂM      (website đang được phát triển - eMail: GXThanhTamHN@gmail.com) Vatican gia tăng biện pháp an ninh cho Năm Thánh Nhằm đảm bảo an ninh cho Năm Thánh, Quốc gia Thành Vatican tăng phạt hành chính và phạt tù đối với những ai vi phạm các quy định an ninh. Đọc tất cả   Bắc Hàn tiếp tục là quốc gia bách hại Kitô hữu mạnh mẽ nhất trên thế giới Theo phúc trình được công bố hôm thứ Tư 15/01 của Tổ chức Open Doors (Những cánh cửa mở), tính từ ngày 01/10/2023 đến 30/9/2024, có hơn 380 triệu Kitô hữu bị bách hại trên khắp thế giới. Bắc Hàn tiếp tục là quốc gia đứng đầu trong danh sách này, và Kyrgyzstan là quốc gia mức độ bách hại Kitô hữu tăng vượt bậc. Đọc tất cả   Chế độ độc tài Nicaragua đóng cửa thêm nhiều tổ chức, bao gồm cộng đoàn các nữ tu Đaminh Khởi đầu năm mới 2025, chế độ độc tài Nicaragua do Tổng thống Daniel Ortega và vợ ông Rosario Murillo, “đồng chủ tịch”, lãnh đạo đã hủy bỏ tư cách pháp nhân của 15 tổ chức phi lợi nhuận. Tính từ năm 2018, chế độ này đã đóng cửa hơn 5.400 tổ chức phi chính phủ. Đọc tất cả   Các tổ chức Công giáo huy động cứu trợ các nạn nhân hỏa hoạn ở Los Angeles Các giáo phận và các tổ chức Công giáo trên khắp Hoa Kỳ đang nỗ lực quyên góp để giúp các nạn nhân của các đám cháy ở Los Angeles. Các cơ sở của các giáo xứ và trường học đang trở thành các trung tâm thu nhận quần áo, đồ dùng vệ sinh, chăn và đồ chơi, cũng như nơi cung cấp các bữa ăn và chỗ tắm giặt... Đọc tất cả   Các Giám mục Slovenia bác bỏ đề xuất lập pháp về trợ tử Trong một tuyên bố của Hội đồng thường trực – gồm Chủ tịch Hội đồng giám mục Andrej Saje, Phó chủ tịch Peter Štumpf và Giám mục Maksimilijan Matjaž, các Giám mục Slovenia nêu lên nghi ngại về ba đề xuất lập pháp đang được thảo luận tại Quốc hội Slovenia, trong đó có đề xuất về trợ tử. Các ngài nói rằng đề xuất này hạ thấp giá trị của sự sống con người. Đọc tất cả   Tiếp kiến chung 15/01/2025 - Đừng đồng lõa với tệ nạn bóc lột trẻ em Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 15/1/2025, nói về tệ nạn bóc lột trẻ em, Đức Thánh Cha nói rằng bất kỳ sự lạm dụng nào đối với trẻ em cũng là vi phạm điều răn của Chúa. Ngài kêu gọi đừng đồng lõa với tệ nạn bóc lột trẻ em. Ngài mời gọi mỗi người tự hỏi xem mình có thể làm gì một cách cụ thể để chăm sóc và bảo vệ trẻ em đang phải chịu đựng hoặc có nguy cơ rơi vào mạng lưới lạm dụng và bóc lột? Đọc tất cả   Chương trình Năm Thánh của giới Truyền thông Các chuyên gia truyền thông từ nhiều quốc gia sẽ tụ họp tại Roma từ ngày 24 đến 26/1/2025 để tham dự sự kiện Năm Thánh đầu tiên - Năm Thánh của giới Truyền thông, trong đó có buổi yết kiến Đức Thánh Cha. Đọc tất cả   “Biết cười, men tạo nên niềm vui”. Tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô Ngày 12/1/2025, nhật báo “Tương lai” (Avvenire) của Hội đồng Giám mục Ý đã đăng một phần trong cuốn tự truyện của Đức Thánh Cha. Phần trích đăng này có tựa đề: “Biết cười, men tạo nên niềm vui”. Đức Thánh Cha nói rằng hài hước giúp chúng ta có sức mạnh đối mặt với khó khăn và vượt qua chúng. Ngài mời gọi hãy tìm lại khả năng vui cười như trẻ thơ và sống thật lòng mình. Đọc tất cả   Ngoại trưởng Tòa Thánh thăm Congo và nói rằng Đức Thánh Cha yêu mến quốc gia này Trong chuyến thăm thủ đô Brazzaville của Congo để cử hành Thánh lễ Năm Thánh của các phong trào giáo hội, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh gửi lời chào và sự gần gũi của Đức Thánh Cha Phanxicô đến người dân Cộng hòa Congo, nơi đang phải chịu thử thách bởi thiên tai, xung đột bộ lạc và những khó khăn trong cuộc sống và xã hội. Đọc tất cả   Các Giám mục Hoa Kỳ công bố hướng dẫn cải cách nhập cư Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ công bố hướng dẫn cải cách nhập cư, khuyến khích các nhà làm luật bảo vệ các cộng đồng “có đích nhắm, tương xứng và nhân đạo”. Đọc tất cả  

Giáo Hội Việt Nam

Từ bỏ tất cả mọi sự để ở với Chúa trong tâm tình tin tưởng

23/09/2022 - 26


TỪ BỎ TẤT CẢ MỌI SỰ ĐỂ Ở VỚI CHÚA TRONG TÂM TÌNH TIN TƯỞNG

Lm. Canisius Niyonsaba


GIỚI THIỆU

I. TỪ BỎ MỌI SỰ VÌ THIÊN CHÚA. 2

      1. Từ bỏ mọi sự như là bản chất của chính chúng ta. 2

      2. Những nghi vấn về việc từ bỏ mọi thứ. 2

      3. Từ bỏ mọi sự để thành toàn chính mình. 3

      4. Từ bỏ tất cả mọi sự là gì 3

      5. Ai phải từ bỏ tất cả. 4

II. SỐNG TRONG SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA. 4

      1. Chúa Giêsu là Emmanuel của chúng ta “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. 4

      2. Chính trong đức tin, chúng ta khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa. 5

      3. Chúa hiện diện trong lịch sử của chúng ta. 5

4. Lời cầu nguyện của chúng ta, nơi dừng lại để hiệp thông với Thiên Chúa. 5

III. TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA. 6

      1. Dựa vào Lời Chúa. 6

      2. Đừng bao giờ nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa. 7

      3. Lời cầu nguyện tin tưởng vào Chúa. 7

KẾT LUẬN


GIỚI THIỆU

Thư gửi Philípphê tiết lộ cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu Kitô “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Philípphê 2, 6-7). Để thuộc về Thiên Chúa, điểm khởi đầu là từ bỏ mọi sự: đặc ân, an ủi, tiện nghi, thuận lợi, sự che chở… để chỉ dựa vào Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã bỏ lại mọi sự, thần tính, vương quốc, Cha Ngài để đến với chúng ta. Một Thiên Chúa trở thành hư không, không còn bất cứ điều gì. Ngài tự bỏ những gì Ngài đã từng là để khoác vào những gì không phải là Ngài.

Theo nữ thi sĩ Hadewijch thành Antwerp (1200-1248)[1], từ bỏ tất cả, tước bỏ mọi ý chí của chúng ta, sức mạnh của chúng ta, khả năng của chúng ta, cho đến khi tự mất mình trong những gì là phục sinh, cho đến khi trở thành không còn gì nữa, “đó là số phận đẹp đẽ nhất”. Cần phải có tâm thế quân bình thì mới có thể không còn cậy dựa vào chính mình, mà phó thác và buông bỏ chính mình cho Thiên Chúa. Cần phải trưởng thành thì mới có thể làm cho mình trở nên nhỏ bé, cần phải tin tưởng thì mới có thể hiểu rằng người ta có thể sống hoàn toàn theo ý muốn của Thiên Chúa. Khi chúng ta buông bỏ chính mình cho Thiên Chúa, đó không phải là đánh mất tự do trong cuộc sống mà là tin cậy hoàn toàn nơi Ngài.

Cần phải chín chắn nhiều, thời gian nhiều, để sống theo Thánh Thần của Chúa Giêsu, để mở lòng đón nhận ân huệ Thánh Thần của Ngài. Từ bỏ mọi thứ là khai thông lực “hướng tâm”, cởi mở ra với người khác chứ không phải giảm thiểu lực “ly tâm” để tập trung vào chính chúng ta. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc chối từ, buông bỏ, chết cho chính mình này nhưng đó không phải là việc mất mát chỉ để mất mát, đóng vai kẻ thua cuộc! Đối với Chúa Giêsu, vấn đề là nắm cho chặt tay cái khát vọng sống, khát vọng chiến thắng này, nhưng bằng một cách khác. Kitô giáo không phải là tôn giáo của kẻ yếu nhược và bị đánh bại như lời tuyên bố của triết gia Friedrich Nietzsche (1844-1900).[2]

 

I. TỪ BỎ MỌI SỰ VÌ THIÊN CHÚA

1. Từ bỏ mọi sự như là bản chất của chính chúng ta

Từ bỏ tất cả là việc của chúng ta. Chúng ta từ bỏ tuổi thơ, tuổi trẻ, mái ấm, môi trường của mình để đi đến một nơi khác. Trong lãnh vực tâm linh, từ bỏ mọi sự là điều kiện để làm theo ý Chúa. Từ bỏ mọi sự cần phải có sự lìa xa hoặc dứt bỏ, buông bỏ hoàn toàn. Thật không dễ dàng để từ bỏ một thói quen, một thái độ, sự chiếm hữu hay sự hấp dẫn, nhưng khi mệnh lệnh đến từ phía trên, bạn phải tuân theo. “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt19,21). Chúa Giêsu nói với người thanh niên giàu có như thế. Lời kêu gọi “anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa”  (2 Ph 1, 4) là mục tiêu của việc từ bỏ mọi sự. Cần phải từ bỏ bản tính của mình để đón nhận một bản chất mới, bản tính của Thiên Chúa. Người ta không trở thành môn đệ của Chúa Giêsu mà không từ bỏ điều gì đó bởi vì bản chất của chúng ta không đương nhiên là Kitô hữu, người ta không sinh ra đã là Kitô hữu mà người ta trở thành Kitô hữu.

2. Những nghi vấn về việc từ bỏ mọi thứ

Những gì mà đức tin đòi hỏi ở chúng ta là điều quá khó khăn. Nghĩ như vậy là chuyện thường tình của con người. Từ bỏ mọi sự vì Thiên Chúa đôi khi có vẻ vô nhân đạo và bất khả thi: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26). Chúng ta cũng có thể hỏi Chúa Giêsu câu hỏi tương tự như ông Phêrô: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27). Người ta có thể thực sự từ bỏ tất cả không? Theo quan niệm của các nhà linh đạo, việc từ bỏ mọi thứ là điều không thể nếu không đón nhận Thần Khí của Thiên Chúa, nếu không có một lời hứa mới. Chính Thiên Chúa đã đặt vào lòng người tín hữu ý muốn từ bỏ tất cả để hiến thân theo ý Ngài. Như Thánh Phaolô đã nói, chính Thiên Chúa muốn tạo ra chúng ta “nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài” (Rm 8, 29). Chính Ngài đã biến đổi chúng ta một cách căn bản để biến chúng ta thành những tạo vật mới. “Những ai thuộc về Chúa Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gal 5, 24-25).

3. Từ bỏ mọi sự để thành toàn chính mình

Thánh Inhaxiô Antiôkia trên con đường tử đạo thú nhận “Khi tôi đến đó, tôi sẽ là con người. Nếu tôi gắn kết với Chúa tôi sẽ là một ai đó.” Chính vị tử đạo đặc biệt này đã nói: “Đừng nói về Chúa Giêsu khi bạn còn khao khát thế gian. Trong tôi không còn sự nhiệt tình yêu vật chất nữa mà là một dòng nước hằng sống đang sống và đang nói, nói sâu bên trong tôi: Hãy đến với Chúa Cha”. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta từ bỏ mọi sự để vui hưởng một sự thân mật hơn với Ngài. Từ bỏ tất cả để đến với mục tiêu của cả cuộc đời, để đi vào sự ngây ngất với người mình yêu. Từ bỏ tất cả mọi sự là biểu tượng của cái chết để được sự sống. Thánh Têrêxa Avila không ngớt nói: “Vì không được chết nên tôi dần chết đi.” Từ bỏ tất cả mọi sự là mong muốn của những người muốn sự hiện hữu của họ được đầy tràn, của những người tìm kiếm cuộc sống viên mãn.

4. Từ bỏ tất cả mọi sự là gì

Cần phải nhìn ra những gì chúng ta đang có để thấy trước những gì chúng ta đang tìm kiếm. Thánh Gioan Thánh giá nói rằng chúng ta phải bỏ đi những tình cảm, những thèm khát, những đam mê của chúng ta như sự hung hăng, giận dữ, ghen tị, kiêu hãnh, với ước muốn quyền lực vốn dĩ là sự đánh giá quá cao bản thân. Từ bỏ những lo âu của chúng ta hoặc ít nhất nếu chúng ta không thể, hãy dâng chúng cho Chúa một cách đơn sơ. Hãy từ bỏ sự lệch tâm này của bản thân để nhìn thế giới không phải bằng đôi mắt của chúng ta mà bằng đôi mắt của Thiên Chúa. Từ bỏ, để thấy mình trống rỗng mọi thứ. Thiên Chúa chỉ xuống nơi nào có sự trống rỗng. Ngài không thể làm đầy những gì đã đầy ắp. Jean Tauler OP[3], một nhà thần bí của thế kỷ 14 đã nói trong các bài giảng của mình: “Vì vậy, nếu bạn ra khỏi mình trọn vẹn, Thiên Chúa sẽ bước vào trọn vẹn; bạn ra khỏi mình bao nhiêu, Ngài bước vào bấy nhiêu, không hơn không kém.” Ông cũng nói rằng điều duy nhất mà Thiên Chúa mong muốn “là tìm thấy khoảng trống và chuẩn bị nền tảng cao quý mà Ngài đã đặt trong tâm trí cao quý của con người, để có thể hoàn thành ở đó công trình cao quý và thánh thiêng của Ngài.” Chính Chúa Giêsu nói rõ ràng: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình” (Mt16, 24) hay thậm chí “Ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 35). Muốn có được Thiên Chúa, trước hết người ta phải mất tất cả, vì con đường của tâm hồn là con đường hạ xuống thấp. Tự cởi bỏ chính mình để giữ lại trang phục sống lại.

5. Ai phải từ bỏ tất cả

Có những người nghĩ rằng họ không có gì để từ bỏ vì họ nghèo nàn và hầu như không có gì. Nhưng vấn đề cần phải được xem xét đó là sự sẵn sàng của cõi lòng chứ không phải chuyện tài sản. Những gì chúng ta có là không đủ để cho đi vì Chúa. Ngay cả nếu người ta cho Ngài tất cả những gì người ta có, việc đó vẫn chẳng là gì cả. Chúa Giêsu không nói với bà góa trong Tin mừng rằng bà không cho gì cả nhưng “Bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết (…) bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Lc 21, 3-4) Nhưng trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta chỉ có một thứ rất nhỏ bé không là gì mà chúng ta phải từ bỏ để đón nhận Ngài. Tất cả chúng ta phải lột bỏ lòng tự yêu mình để chỉ yêu Thiên Chúa. Theo Đức Hồng Y Ratzinger, chúng ta phải “đồng ý với cuộc phiêu lưu thánh thiêng mất đi chính mình” này. Bất cứ đời sống đức tin nào đều giống như hạt lúa gieo vào lòng đất: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12: 24).

II. SỐNG TRONG SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA

Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta mầu nhiệm hiệp thông với Cha Ngài “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Ngài. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15, 9-11) Sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa bao gồm ước muốn yêu mến, tôn trọng các điều răn của Thiên Chúa. Từ bỏ ước muốn của mình để làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Có thể sống như vậy với một điều kiện: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Chúa Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Col 3, 1-2) Cuối cùng, sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa là gắn kết chính mình với đời sống thiêng liêng bằng cầu nguyện. Chỉ trong cầu nguyện, chúng ta mới nghe được tiếng Chúa.

1. Chúa Giêsu là Emmanuel của chúng ta “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”

Chúa Giêsu là ngôi hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngài tự xác định mình là Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở cùng loài người. Ở trước mặt Chúa không gì khác hơn là sống trong sự hiện diện của Chúa, đó là tin vào Ngài. Qua sự phục sinh, Chúa Giêsu đã trở thành bạn đồng hành của tất cả những ai muốn ở trong Lòng Chúa Thương Xót. Không bỏ rơi chúng ta, Ngài đồng hành với chúng ta trên hành trình cuộc đời:

Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,

biết cả khi con đứng con ngồi.

Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,

đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,

mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả…”

 (Xem Tv 138).

2. Chính trong đức tin, chúng ta khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Với cái nhìn của đức tin, mọi sự đều cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, mọi sự. Sự vật, sự kiện và con người. Trong đại dịch covid-19 này, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta nhưng Ngài mặc khải cho chúng ta thấy rằng chúng ta rất mong manh, rằng chúng ta phải dựa vào Ngài. Ngài cho chúng ta thấy rằng điều quan trọng nhất không phải là hành động mà là sống sự hiện diện của Ngài. Chúng ta không được sợ hãi mà phải nhận ra rằng chính Ngài là Đấng mang lại sự tồn tại cho mọi thứ và bảo tồn mọi thứ. Ngài cho chúng ta thấy rằng khi mỗi người chăm lo cuộc sống của người khác, thì không gì có thể khiến chúng ta sợ hãi. Thiên Chúa ở với chúng ta, Ngài muốn biểu lộ chính mình, để chúng ta biết về Ngài, mỗi người cần phải mở mắt mình ra với cái nhìn của đức tin và nhận ra Ngài, điều đó tùy thuộc vào mỗi người. Làm ngược lại sẽ là một thứ đui mù hoặc một thứ cận thị.

3. Chúa hiện diện trong lịch sử của chúng ta

Một nhà thần học vĩ đại người Bỉ, Edward Schillebeeckx (1914-2009)[4], đã để lại cho chúng ta một tác phẩm tuyệt vời, “Lịch sử loài người, chuyện kể của Thiên Chúa”. Quả thật, Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử và trong lịch sử cá nhân của chúng ta, lịch sử của mỗi ngày. Thiên Chúa thường biểu lộ qua hành động và lời nói của người khác, qua những ân sủng mà Thánh Thần ban cho chúng ta, cơ hội để trưởng thành, các bí tích, v.v… Đừng nghĩ rằng Chúa nhất thiết phải hiện diện trong những sự kiện trọng đại của lịch sử chúng ta. Ngài trao ban cho chúng ta tình yêu của Ngài một cách khiêm tốn và đơn sơ. Đừng giăng bẫy Ngài, và nghĩ rằng chỉ khi Ngài làm theo chương trình của chúng ta thì Ngài mới là một vị Thiên Chúa quyền năng và yêu thương. Ngài hành động khi Ngài muốn và theo cách Ngài muốn. Ngài không có trách nhiệm giải trình với chúng ta, Ngài không phải là nô lệ của chúng ta.

4. Lời cầu nguyện của chúng ta, nơi dừng lại để hiệp thông với Thiên Chúa

Không có lời cầu nguyện thì không thể hiệp thông với Thiên Chúa. Làm từ thiện là rất quan trọng nhưng những người không tin có thể cho đi và làm từ thiện nhiều hơn các môn đệ của Chúa Giêsu. Mọi điều chúng ta làm nhân danh Chúa Giêsu đều đưa chúng ta vào sự hiệp thông với Ngài. Chúng ta hãy nhân danh Chúa Giêsu làm điều thiện nhưng chúng ta đừng bao giờ quên hiệp thông với Ngài qua lời cầu nguyện. Một lời cầu nguyện, như các nhà thần bí khác nhau nói, là một tiếng kêu từ trái tim hướng về Thiên Chúa. Giáo hội nhắc nhở chúng ta rằng Thánh lễ là lời cầu nguyện ở mức độ cao nhất vì trong đó có Thánh Thể và sự hiện diện cao cả nhất của Chúa Giêsu. Đừng bỏ lỡ việc Chầu Thánh Thể và Rước Lễ. Hãy biết rằng có việc rước lễ thiêng liêng hoặc rước lễ bằng ước muốn khi không còn có thể rước Thánh Thể nữa: “Bởi vì chúng ta gặp chính Thiên Chúa trong mầu nhiệm ấy, và chính Thiên Chúa kết hợp với chúng ta bằng một mối liên kết hoàn hảo nhất.” Chính vì thế mà vun trồng trong các tâm hồn niềm ao ước Bí Tích Thánh Thể triền miên là điều rất thích hợp. Cũng chính vì thế đã khai sinh một cách thức “rước lễ thiêng liêng”, được phổ biến tốt đẹp từ nhiều thế kỷ trong Giáo Hội và rất được các bậc thầy thánh thiện về đời sống thiêng liêng khuyến khích. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã viết: “Khi bạn không thể rước lễ trong thánh lễ được thì bạn hãy rước lễ thiêng liêng vậy, vì đó là một cách thức mang lại nhiều lợi ích […] ; bằng cách đó bạn ghi khắc trong lòng tình yêu sâu xa với Chúa chúng ta[5].

III. TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA

Khi chúng ta đã từ bỏ mọi sự để hiệp thông với Thiên Chúa, thì không có gì trên đời có thể làm chúng ta khiếp sợ và sự đảm bảo cũng như an toàn của chúng ta trở nên trọn vẹn. Do đó, điều đầu tiên là phải tin tưởng vào Thiên Chúa, vào những lời hứa của Ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong chuyến thăm mục vụ giáo xứ Thánh Tâm, Rôma, Chúa nhật ngày 19 tháng 1 năm 2014, rằng “Ai không đặt niềm tin vào Thiên Chúa thì mất tất cả; đó là chìa khóa thành công trong cuộc sống; Chúa không bao giờ làm ai thất vọng, không bao giờ.” Những lời này của Đức Thánh Cha có thể mang lại cho chúng ta sự nhẹ nhõm đặc biệt là trong những lúc khó khăn, đau khổ, và sợ hãi.

1. Dựa vào Lời Chúa

Lời Chúa trấn an chúng ta rằng Chúa luôn thực hiện những lời hứa của Ngài. Ngài an ủi và giúp đỡ dân Ngài và Ngài giúp chúng ta xa khỏi những thử thách. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói trong Tweet ngày 11 tháng Tư năm 2014 của mình rằng: Chỉ có sự tin tưởng vào Thiên Chúa mới có khả năng biến sự nghi ngờ thành sự chắc chắn, điều xấu thành điều tốt, đêm tối thành bình minh rạng rỡ.

2. Đừng bao giờ nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa

Tình yêu của Thiên Chúa là vô điều kiện, mang lại niềm tin vì tình yêu ấy là trọn vẹn và trung thành “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, 10). Tình yêu thương này bảo đảm cho chúng ta sự chiến thắng và sự sống sót “Dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 38-39). Ý thức về tình yêu này mạnh hơn chúng ta có thể tưởng tượng, trong những ngày tốt cũng như những ngày xấu, chúng ta phải cậy dựa vào Thiên Chúa chứ không phải cậy dựa vào phương tiện của riêng mình. Thánh vịnh nói với chúng ta: “Ẩn thân bên cạnh Chúa trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian” (Tv 118, 8).

3. Lời cầu nguyện tin tưởng vào Chúa

Đây là lời cầu nguyện tin tưởng vào Chúa của Cha Thomas Merton (1915-1968), tu sĩ dòng Xitô Nhặt Phép người Mỹ:

“Lạy Chúa, Thiên Chúa của con, con không biết mình đang đi đâu, con không thấy con đường phía trước, con không thể đoán chắc con đường đó sẽ kết thúc ở đâu. Con thực sự không biết bản thân mình, và dù con thành thực tin rằng con đang làm theo ý muốn của Ngài, điều đó không có nghĩa là con thực sự đang sống phù hợp với ý Chúa. Tuy nhiên, con tin rằng ước ao làm hài lòng Chúa của con cũng đã làm hài lòng Chúa. Con hy vọng có được ước ao này giữa mọi thứ con làm và không bao giờ làm bất cứ điều gì trong tương lai mà không có ước ao này. Làm như vậy, con biết rằng Ngài sẽ dẫn con đi trên con đường đúng đắn, ngay cả khi chính con không biết điều đó. Vì vậy, con sẽ luôn tin tưởng Chúa, ngay cả khi con cảm thấy như con đã mất đi chính mình và con đang đi trong bóng đen của cái chết. Con sẽ không sợ hãi vì Ngài luôn ở bên con và Ngài sẽ không bao giờ để con một mình trong cơn nguy hiểm.” Amen.

KẾT LUẬN

Kể từ khi bắt đầu sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã gặp nhiều thử thách nhưng Ngài không bao giờ nghi ngờ quyền năng của Cha Ngài, Đấng mà Ngài đã đặt mọi hy vọng. Cho đến chết, và chết trên thập giá, Chúa Giêsu vẫn kiên trì tin cậy, như thế làm chứng rằng Thiên Chúa gần gũi mỗi người khi họ bị hắt hủi, thất bại và loại trừ. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi những ai hy vọng vào lời Ngài và những ai tin vào tình yêu của Ngài.

Trên thập giá, Thiên Chúa không bỏ mặc Con Ngài một mình, nhưng Ngài đã bày tỏ một tình yêu tự hiến trong khiêm hạ vì sự chết không phải là một thất bại đối với những ai tin. Đó là bàn đạp cho cuộc sống viên mãn. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói rằng “Hạnh phúc là thành công trong việc quên mình đi.” Sức mạnh của Chúa Giêsu đến từ sự hiểu biết mà Ngài có về Cha của Ngài. Ngài biết rằng Cha của Ngài là tình yêu nguyên tuyền. Do đó, Chúa Giêsu là con đường của chúng ta để đến với Chúa Cha, chính từ nơi Ngài mà chúng ta cần phải học mọi sự để được hiệp thông với Thiên Chúa.

Trong những thời điểm khó khăn đau khổ trong cuộc sống, chúng ta đừng ngần ngại đặt gánh nặng đau đớn của mình dưới chân Chúa Giêsu Kitô trong lời cầu nguyện khiêm hạ của mình. Chúa Giêsu tỏ mình ra là một Thiên Chúa nhân từ, thương xót trong sự khốn cùng của chúng ta “Ngài trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14, 14). Qua việc phục sinh, Chúa Giêsu loan báo chiến thắng mà một ngày nào đó Thiên Chúa sẽ dứt khoát mang lại trên sự dữ và sự chết, khi ấy chúng ta sẽ liên kết với chiến thắng đó một cách trọn vẹn với lòng tin tưởng.

Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: yonne.catholique.fr (2020)
WHĐ (22.9.2022)



[1] Hadewijch Antwerp sống vào những năm 1200 và là một thành viên của Beguines, một cộng đoàn những phụ nữ ở các thành phố miền Bắc châu Âu, bắt đầu từ thời Trung cổ, sống một cuộc đời đạo hạnh như các nữ tu nhưng không gia nhập một dòng tu. Họ được tổ chức để sống đời tăng trưởng tâm linh và để làm việc bác ái. Hadewijch Antwerp đã sống một mối tương quan tình yêu mãnh liệt với Thiên Chúa được thể hiện qua những vần thơ thiết tha. (Chú thích của người dịch)

[2] Vài câu trích dẫn từ Friedrich Nietzsche:

- “Chính những người bệnh cùng những kẻ hấp hối đã khinh bỉ thân xác và mặt đất, đã tạo ra những sự vật thiên đình” (Friedrich Nietzsche, Zarathustra Đã Nói Như Thế, 60).

- “Chính những kẻ ốm yếu và suy tàn đã coi thường thân thể và trái đất, đã tạo ra cõi thiên đàng và những giọt máu cứu chuộc: nhưng họ đã lấy ngay cả những chất độc ngọt ngào và u ám này từ thân thể và trái đất. Họ muốn thoát khỏi sự khốn khổ của chính họ, nhưng những ngôi sao ở xa họ quá.” (Friedrich Nietzsche, Thus Spoke Zarathustra: A Book for All and None, 1883-1885). (Chú thích của người dịch)

[3] Johannes Tauler OP (sinh khoảng  năm 1300 – mất ngày 16 tháng 6 năm 1361) là một linh mục Công giáo La Mã, tu sĩ dòng Đa Minh, một nhà thần học và một nhà thần bí người Đức. Là đệ tử của Meister Eckhart,Tauler được biết đến như một trong những nhà thần bí quan trọng nhất của vùng Rhineland. Ông cổ vũ một chiều kích tân platon nhất định trong linh đạo dòng Đa Minh vào thời của ông. (Chú thích của người dịch)

[4] Edward Cornelis Florentius Alfonsus Schillebeeckx, OP (sinh ngày 12 tháng 11 năm 1914 – mất ngày 23 tháng 12 năm 2009) là một linh mục và nhà thần học Công giáo người Bỉ sinh ra ở Antwerp. Ông là một tu sĩ Dòng Đa Minh. Ông giảng dạy tại Đại học Công giáo ở Nijmegen. Các sách về thần học của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, và những đóng góp của ông cho Công đồng Vatican II đã khiến ông được cả thế giới biết đến. (Chú thích của người dịch)

[5] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp “Ecclesia De Eucharistia vivit - Giáo hội sống nhờ Bí tích Thánh Thể”, 2003



Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com

× Thành công! Câu hỏi của cộng đoàn đã được gửi. Câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.