Hoàng Anh
Tĩnh tâm là sinh hoạt đạo đức thường kỳ của người Công giáo. Ngoài các dịp tĩnh tâm Mùa Vọng, Mùa Chay, còn có các cuộc tĩnh tâm dịp Năm Thánh, dịp lễ quan thầy của giáo xứ, của các cộng đoàn dòng tu, hội đoàn đoàn thể. Các cộng đoàn dòng tu còn có tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm.
Các cuộc tĩnh tâm là cơ hội giúp các Kitô hữu chỉnh đốn đời sống nội tâm nhằm loại bỏ những quyến luyến lệch lạc, nghiệm xét lại những bất toàn yếu đuối và tội lỗi để hoán cải một cách triệt để và là cơ hội giúp nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, tìm kiếm ý Chúa hầu sắp đặt cuộc đời làm sao để có thể mưu ích cho linh hồn.
![]() |
Các cuộc tĩnh tâm còn nhằm nâng cao đời sống đạo của giáo xứ, cộng đoàn. Cũng như thuở xưa, trong dân Chúa, cách một khoảng thời gian, Thiên Chúa lại gởi đến một vài vị ngôn sứ để thức tỉnh lòng dân, chỉ ra những cái gì xấu xa, dạy bảo đường lối của Thiên Chúa, để dân được đổi mới trong sự trung thành giữ giao ước với Thiên Chúa.
Đối với các giáo xứ, thường có quy mô rộng lớn và đông đảo giáo dân, một vài ngày tĩnh tâm thông thường theo tục lệ hằng năm vào Mùa Chay, với vài bài giảng, một linh mục không có đủ thời giờ và sức lực để khuấy động và làm sống dậy cả một giáo xứ được, nên cần phải có một nỗ lực tổ chức lớn hơn, rộng hơn như “tuần đại phúc”.
Sách “Đời sống linh mục” của Benoit Valuy SJ., do TCV Hoan Thiện, TGP. Huế phổ biến (1964, tái bản 2003) và Đức cố Hồng y FX Nguyễn Văn Thuận giới thiệu, có đoạn: “Về Tuần Đại Phúc”, trích lời Thánh Anphong Ligori: “Tất cả các nhà tông đồ đều công nhận rằng Đại Phúc là phương thế thứ nhất để cải thiện một giáo xứ. Đại Phúc đánh thức giáo dân nhớ đến phần rỗi, đến các chân lý đời đời, sửa chữa những lần xưng tội phạm thánh, khiến người ta hoàn lại của gian, làm hòa với nhau, chấm dứt các gương xấu… Đại Phúc dọn những kẻ Chúa sắp gọi trong năm được ơn chết lành, giúp chính những người sa ngã lại được chỗi dậy… Khi trong thành phố có những vấn đề (ngày nay gọi là những tệ nạn) mà cha sở không thể sửa chữa được thì cha sở phải cố gắng cho tổ chức một tuần Đại Phúc” (trang 95-96).
![]() |
Như vậy, Đại Phúc là một mục vụ ngoại thường để phụ lực với mục vụ bình thường của cha xứ, là một thời gian đem “ơn cứu chuộc chan chứa nơi Chúa” (Tv 130.7) đổ xuống dồi dào.
Ngoài bồi bổ tâm linh, củng cố đời sống đức tin cho từng cá nhân hoặc cộng đoàn, các kỳ tĩnh tâm hoặc tuần đại phúc ngày nay còn thúc đẩy mọi người thực hiện các công trình trần thế, thực thi các công việc bác ái, chủ yếu đối với người nghèo khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi, sống bên lề xã hội.
Chắc hẳn các đề tài liên quan đến Lòng Chúa Xót Thương sẽ được nhiều giáo xứ, cộng đoàn suy gẫm trong các đợt tĩnh tâm Mùa Chay 2016. Trong Tông huấn “Dung mạo lòng thương xót”, ĐTC Phanxicô cũng đã từng nhắn nhủ: “Như Chúa Cha yêu thương, con cái của Người cũng phải như thế. Như Chúa Cha đầy lòng thương xót, chúng ta cũng được mời gọi để xót thương nhau” (MV, số 9).
Trong đời sống tâm linh, tĩnh tâm có giá trị đặc thù. Chính Chúa Giêsu, ban ngày vất vả giảng dạy, đến tối thường lên núi, lánh mình vào nơi thinh lặng, âm thầm cầu nguyện (Mt 14, 23); hay sáng sớm tinh mơ, “lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng để cầu nguyện” (Mc 1, 35); hoặc trước khi quyết định tuyển chọn 12 tông đồ, Người cũng đã “lên núi, thức suốt đêm, cầu nguyện cùng Thiên Chúa” ( Lc 6, 12); nhất là trước cuộc khổ nạn kinh hoàng, Đức Giêsu đã cầu nguyện liên lỉ suốt đêm trong vườn Giêtsimani thanh vắng (Mt 26,36).
Điều đang vui mừng là tại Việt Nam, nhiều giáo hữu luôn sốt sắng tham dự các ngày tĩnh tâm.
Hoàng Anh
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com