TÔNG HIẾN MỚI VỀ GIÁO TRIỀU ROMA BẮT ĐẦU CÓ HIỆU LỰC
G. Trần Đức Anh, O.P.
Vatican News (04.6.2022) - Một trang sử mới của Giáo triều
Roma được mở ra: từ Chúa Nhật 5/6 này, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Tông hiến
mới về giáo triều Roma với tựa đề: “Praedicate Evangelium - Các con hãy loan
báo Tin Mừng”, bắt đầu có hiệu lực. Đâu là viễn tượng đổi mới này?
Tông hiến được ĐTC Phanxicô
công bố ngày 19/3 năm nay, thay thế Tông hiến “Pastor Bonus - Mục tử nhân
lành”, do thánh Gioan Phaolô 2 ban hành cách đây 34 năm, hồi tháng 6 năm 1988.
Việc áp dụng Tông Hiến mới sẽ trải qua vài năm thử nghiệm và những năm tới đây,
người ta sẽ thấy tính hiệu quả của Văn kiện mới trong việc cải tổ giáo triều.
Vài điểm mới nổi bật
Từ nay, các cơ quan Tòa
Thánh, trừ các tòa án, đều được gọi là “Dicastero” và không còn phân biệt giữa
“Congregazione”, Bộ, hay là Hội đồng như cho đến nay. Trên nguyên tắc các
“Dicastero” đều bình đẳng về phẩm giá, nhưng có 3 bộ đứng hàng đầu, trước tiên
là Bộ Loan báo Tin Mừng, được ĐTC đích thân đảm nhận chức vụ Bộ trưởng
(Prefetto) của Bộ này để chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của ngài, đồng thời nói
lên tầm quan trọng hàng đầu của việc truyền giảng Tin Mừng, một “Giáo Hội đi
ra”. Trong Bộ này, phụ giúp ĐTC có hai vị Quyền Bộ Trưởng (Pro-Prefetto) đảm
trách hai phân bộ: Phân bộ thứ I đặc trách các vấn đề cơ bản trong việc loan
báo Tin Mừng trên thế giới, trước đây là nhiệm vụ của Hội đồng Tòa Thánh tái
truyền giảng Tin Mừng; và Phân bộ thứ II đặc trách về việc loan báo Tin Mừng
cho dân ngoại và các giáo phận mới thuộc vùng truyền giáo, cụ thể là Bộ Loan
báo Tin mừng như cho đến nay.
Bộ Giáo lý Đức tin trước kia
đứng đầu trong các Bộ, nay đứng hàng thứ hai sau Bộ Loan báo Tin Mừng. Bộ này gồm
có hai phân bộ: thứ I là thăng tiến và bảo vệ toàn vẹn đạo lý đức tin và luân
lý; thứ II là phân bộ kỷ luật. Thuộc bộ này, có Ủy ban thần học quốc tế và Ủy
ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên.
Bộ Bác ái. Đây là một sự
thăng cấp sở từ thiện của ĐTC. Nay vị phụ trách được gọi là Bộ trưởng. Cho đến
nay được gọi là Chánh sở từ thiện của ĐTC và danh xưng này vẫn được giữ nguyên
trong Tông Hiến mới.
Các bộ khác và 3 tòa án hầu
như không có thay đổi đáng kể. Riêng Bộ Văn hóa và Giáo dục được hình thành bằng
cách gộp lại Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa và Bộ giáo dục Công Giáo.
Về phương diện kinh tế, thì vẫn
có Hội đồng Kinh tế gồm 8 hồng y và 7 giáo dân chuyên gia, có nhiệm vụ canh chừng
về các cơ cấu và hoạt động quản trị, tài chánh của các cơ quan trung ương Tòa
Thánh. Một điểm mới đặc biệt liên quan đến Bộ này là tại Bộ kinh tế sẽ thành lập
Phân bộ nhân viên Tòa Thánh. Thẩm quyền này trước đây thuộc Phủ Quốc vụ khanh.
Hiện nay Bộ Kinh tế đang
nghiên cứu việc du nhập các biện pháp khuyến khích và khen thưởng, đào tạo nội
bộ, lập kế hoạch và tuyển chọn nhân sự để nâng cao giá trị khả năng chuyên môn,
thăng tiến tình hiệp thông và tham gia sứ mạng của mình. Phân bộ cũng có những
chương trình huấn luyện, và tạo điều kiện dễ dàng cho sự thuyên chuyển nội bộ
và nâng cao khả năng chuyên môn của các nhân viên Tòa Thánh. Sẽ có một hệ thống
đánh giá khách quan công việc của mỗi người.
Một điểm đáng chú ý khác là vấn
đề lương bổng và những khích lệ. Đây là điều mới mẻ tại Tòa Thánh. Để gia tăng
động lực của các nhân viên, ngoài những mức lương bổng đã được ấn định, Bộ
nghiên cứu việc lập thêm một hệ thống tiền thưởng cho những người xứng đáng, dựa
trên thủ tục đánh giá hoạt động của họ.
Thay đổi nhân sự
Trong thời gian tới đây, ĐTC
sẽ tiến hành những bổ nhiệm mới cho giáo triều để thực thi chương trình cải tổ.
Một số vị sẽ được củng cố trong nhiệm vụ hiện tại, như ĐHY Michael Czerny, dòng
Tên, 75 tuổi, mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Phục vụ Phát triển con người
toàn diện. Một số khác, nhất là những vị cao tuổi có thể sẽ rời chức vụ. Ví dụ
ĐHY Leonardo Sandri, người Argentina gốc Ý, 78 tuổi và làm Tổng trưởng Bộ các
Giáo Hội Công Giáo Đông phương từ 14 năm nay, tức là 3 nhiệm kỳ, hoặc ĐHY Luis
Ladaria, dòng Tên, 78 tuổi, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin từ 5 năm nay (2017).
ĐHY Oscar Rodriguez, dòng Don
Bosco, TGM Tegucigalpa, Honduras, Điều hợp viên Hội đồng 7 HY cố vấn của ĐTC,
nhấn mạnh tầm quan trọng quyết định của việc bổ nhiệm các vị lãnh đạo mới trong
giáo triều. Ngài nói: “Tôi tin rằng cuộc cải tổ này không thể áp dụng cho những
người đã thi hành nhiệm vụ ở đây vì đã tròn 5 năm ở giáo triều và phải từ nhiệm,
tuy có thể gia hạn thêm 5 năm, nhưng tôi nghĩ rằng để áp dụng Tông hiến mới cần
có những người mới.” (EFE 7-5-2022).
Với quy luật được khẳng định
trong Tông Hiến mới, mỗi nhiệm kỳ của các chức sắc trong giáo triều sẽ là 5
năm, và được gia hạn 1 lần thêm 5 năm, như vậy có khả thể thay đổi nhân sự nhiều
hơn, và sự quốc tế hóa giáo triều như Công đồng chung Vatican 2 yêu cầu, có hy
vọng được thực hiện tốt đẹp hơn.
Thực vậy, 9 năm sau khi ĐGH
Phanxicô cai quản Giáo Hội, giáo triều Roma vẫn có đại đa số là người Âu Châu,
chiếm 79% các chức vụ lãnh đạo, trong đó gần 1 nửa là người Ý. Tiếp đến là Tây
Ban Nha 8%, Pháp và Hoa Kỳ mỗi nước chiếm 6%. Hiện thời không có vị lãnh đạo
nào người Phi châu hoặc từ Úc châu. ĐHY Peter Turkson người Ghana, trước đây
làm Bộ trưởng Phục vụ Phát triển con người toàn diện, nhưng không được ĐTC gia
hạn, và hiện làm Chủ tịch các Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học và khoa xã hội,
một vai trò “khiêm nhường” hơn nhiều so với trước kia.
Con đường còn dài
ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ
khanh Tòa Thánh, tuyên bố hôm 10/4 vừa qua trong một cuộc phỏng vấn, rằng việc
công bố Tông Hiến mới và bắt đầu có hiệu lực không nhất thiết có nghĩa là kết
thúc cuộc cải tổ giáo triều Roma và các cơ quan mới có thể được thiết lập thêm.
ĐHY nói: “Giáo triều Roma là một tổ chức sinh động, dĩ nhiên nó luôn tiến hành
theo những chỉ dẫn của ĐTC.”
Nguồn: vaticannews.va (04.6.2022)
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com