CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG WEB TRUYỀN THÔNG GIÁO XỨ THÁNH TÂM      (website đang được phát triển - eMail: GXThanhTamHN@gmail.com) Đức Thánh Cha gởi sứ điệp đến hội nghị FAO: “Đã đến lúc hành động, không chỉ là khẩu hiệu” Nhân dịp Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) kỷ niệm 80 năm thành lập và đang nhóm Hội nghị lần thứ 44, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã gửi một sứ điệp kêu gọi hành động khẩn thiết để chấm dứt nạn đói, bảo vệ người nghèo và thúc đẩy hòa bình toàn cầu. Đọc tất cả   Cha sở giáo xứ Công giáo ở Gaza: Sự im lặng của quốc tế giết chết hy vọng Phát biểu với hãng tin SIR của Hội đồng Giám mục Ý, Cha Gabriel Romanelli, cha sở giáo xứ Công giáo Thánh Gia, giáo xứ duy nhất ở Dải Gaza, nói rằng “Không chỉ có vũ khí giết người ở Gaza, mà sự im lặng của quốc tế hiện cũng đang đè nặng lên Dải Gaza”. Ngài kêu gọi quốc tế lên tiếng về cuộc chiến và không được quen với tình trạng đang xảy ra ở Gaza. Đọc tất cả   Các nhà thờ ở Syria cử hành lại phụng vụ trong bối cảnh an ninh thắt chặt Một tuần sau khi Nhà thờ Mar Elias ở Damascus, Syria, bị tấn công, vào Chúa Nhật ngày 29/6/2025, các nhà thờ đã cử hành lại phụng vụ, dù số người tham dự ít hơn đáng kể do bầu không khí sợ hãi và lo lắng bao trùm. Đọc tất cả   ĐHY Parolin mời gọi các Giám mục Nhật Bản làm chứng tá cho sự hiệp nhất và phổ quát của Giáo hội Đồng tế Thánh lễ với các giám mục Nhật Bản tại Nhà thờ chính tòa Đức Maria ở Osaka, Đức Hồng y Pietro Parolin nói rằng “khi mà mọi khía cạnh của cuộc sống — văn hóa, sắc tộc, lợi ích kinh tế, chính trị, địa vị xã hội — dường như là nguồn gốc của sự chia rẽ, thì sự hiệp nhất của chúng ta chính là lời chứng lớn nhất và chân thực nhất mà các môn đệ của Chúa Kitô có thể mang đến cho thế giới”. Đọc tất cả   Văn khố Tòa Thánh ở Vatican, giữa ký ức và tương lai Văn khố Tòa Thánh ở Vatican, trước đây được gọi là “Văn khố mật”, có nghĩa là chỉ dành riêng cho Giáo hoàng, được thành lập vào năm 1612, là một Văn khố to lớn chứa những tài liệu quan trọng. Văn khố này cũng được xem là văn khố của thế giới bởi vì chứa những tài liệu mà các văn khố lớn trên thế giới không có. Ngày nay, Văn khố Tòa Thánh được nhiều học giả đăng ký tham khảo. Đọc tất cả   Các nữ tu Ucraina mang an bình và niềm vui cho người dân giữa đau khổ chiến tranh Tại thành phố Kryvyi Rih, nằm trong vùng chiến tranh Dnipropetrovsk của Ucraina, Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ mang an bình và niềm vui cho cộng đồng. Giữa những âm thanh không ngừng của tiếng còi báo động không kích và những khó khăn hàng ngày của cuộc xung đột, họ không ngừng phục vụ bữa ăn cho người nghèo, hỗ trợ trẻ em địa phương và tạo ra những khoảnh khắc thoải mái thông qua âm nhạc. Đọc tất cả   Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thổ Nhĩ Kỳ mong đợi ĐTC Lêô thăm Nixêa Trò chuyện với hãng tin Fides, Đức Cha Martin Kmetec, Tổng giám mục giáo phận Izmir và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết Giáo hội nước này chờ đợi tin Đức Thánh Cha viếng thăm Nixêa nhân năm kỷ niệm 1700 năm Công đồng chung đầu tiên được tổ chức tại Nixêa, nay là thành phố Iznik của Thổ Nhĩ Kỳ. Đọc tất cả   Kỷ niệm 350 năm ngày Chúa Giêsu hiện ra với Thánh Margarita Maria Alacoque Trong bốn ngày, từ ngày 26 đến 29/6/2025, Đền thánh Thánh Tâm Pháp tại Paray-le-Monial, vùng Burgundy, phía đông nam Paris, đã kết thúc các cử hành kỷ niệm 350 năm ngày Chúa Giêsu hiện ra với Thánh Margaret Mary Alacoque, nữ tu Dòng Thăm Viếng, tỏ cho thánh nữ xem Thánh Tâm của Người. Đọc tất cả   ĐHY Parolin: Tòa Thánh và Nhật Bản cùng dấn thân cho nền hoà bình khiêm nhường và bền bỉ Trong bài phát biểu chào mừng tại Triển lãm Thế giới Expo Osaka 2025, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh đã nhắc lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Lêô vào ngày ngài được bầu, kêu gọi nỗ lực vì một nền hòa bình không vũ trang, xây dựng cầu nối và khởi động lại đối thoại. Đọc tất cả   ĐTC Lêô XIV tiếp kiến Phó Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân Sáng thứ Hai, ngày 30 tháng 6 năm 2025, tại Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã tiếp kiến Bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đọc tất cả  

Giáo Hội Việt Nam

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA LÊÔ XIV GỬI HỘI NGHỊ CỦA TỔ CHỨC LƯƠNG THỰC VÀ NÔNG NGHIỆP LIÊN HỢP QUỐC NĂM 2025

02/07/2025 - 5

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV

GỬI CÁC THAM DỰ VIÊN KHOÁ HỌP THỨ 44

CỦA HỘI NGHỊ FAO

_____________

Thưa ngài Chủ tịch,
Ngài Tổng Giám đốc FAO,
Quý Đại sứ,
và toàn thể Quý vị,

Tôi chân thành cảm ơn vì đã cho tôi cơ hội được lần đầu tiên ngỏ lời với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO), tổ chức năm nay kỷ niệm 80 năm ngày thành lập. Tôi xin gửi lời chào thân ái đến tất cả quý tham dự viên Khoá họp lần thứ 44 của Hội nghị – cơ quan điều hành cao nhất của tổ chức – và đặc biệt đến ngài Tổng Giám đốc Qu Dongyu, với sự cảm kích vì công việc mà Tổ chức không ngừng thực hiện mỗi ngày nhằm tìm ra những giải pháp phù hợp cho vấn đề mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng – vốn vẫn là một trong những thách đố lớn nhất của thời đại chúng ta.

Giáo hội khích lệ mọi sáng kiến nhằm chấm dứt nạn đói trên thế giới, mang lấy chính tâm tình của Chúa Giêsu, Đấng – như các sách Tin mừng thuật lại – khi thấy đám đông tuôn đến để lắng nghe lời Người thì điều đầu tiên Người quan tâm là cho họ ăn, và vì thế Người yêu cầu các môn đệ đảm nhận vấn đề này, đồng thời ban phúc lành dư dật cho những nỗ lực của họ (x. Ga 6,1-13). Tuy nhiên, khi đọc tường thuật về điều thường được gọi là “phép lạ hóa bánh ra nhiều” (x. Mt 14,13-21; Mc 6,30-44; Lc 9,12-17; Ga 6,1-13), chúng ta nhận ra rằng phép lạ đích thực mà Chúa Kitô đã thực hiện chính là việc Người chỉ cho thấy chìa khóa để vượt thắng nạn đói nằm ở việc chia sẻ, chứ không phải ở lòng tham tích trữ một cách ích kỷ. Đây chính là điều mà ngày nay có lẽ chúng ta đã quên mất, bởi lẽ, dù đã có những bước tiến đáng kể, an ninh lương thực toàn cầu vẫn tiếp tục suy giảm, khiến cho mục tiêu “Không còn nạn đói” trong chương trình Nghị sự 2030 ngày càng trở nên xa vời. Điều này có nghĩa là chúng ta vẫn còn rất xa việc hoàn thành sứ mạng đã dẫn đến sự ra đời của tổ chức liên chính phủ này vào năm 1945.

Vẫn còn biết bao người đang chịu cảnh khốn cùng và khao khát được đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của họ. Chúng ta đều biết rõ rằng họ không thể tự mình đáp ứng những nhu cầu ấy. Bi kịch kéo dài của nạn đói và suy dinh dưỡng lan rộng, vốn vẫn còn tồn tại ở nhiều quốc gia ngày nay, lại càng trở nên buồn thảm và đáng xấu hổ hơn khi chúng ta nhận ra rằng, dù trái đất có đủ khả năng sản xuất lương thực cho toàn thể nhân loại, và mặc cho những cam kết quốc tế về an ninh lương thực, thì vẫn còn rất nhiều người nghèo trên thế giới thiếu lương thực hằng ngày.

Mặt khác, hiện nay chúng ta đang chứng kiến một cách đầy tuyệt vọng việc nạn đói bị sử dụng một cách bất công như một vũ khí chiến tranh. Bỏ đói dân chúng đến chết là một cách tiến hành chiến tranh với chi phí rất thấp. Đó là lý do tại sao ngày nay, khi phần lớn các cuộc xung đột không còn do các đội quân chính quy tiến hành mà do những nhóm dân quân vũ trang với nguồn lực hạn chế đảm trách, thì việc đốt phá ruộng đồng, cướp đoạt gia súc, ngăn chặn viện trợ đang trở thành những chiến thuật ngày càng phổ biến của những kẻ tìm cách kiểm soát toàn bộ các cộng đồng dân cư không có khả năng tự vệ. Trong loại xung đột này, những mục tiêu quân sự đầu tiên chính là các mạng lưới cung cấp nước và các tuyến giao thông. Nông dân không thể bán nông sản trong môi trường bị bạo lực đe dọa, và lạm phát thì tăng vọt. Điều này dẫn đến việc hàng loạt người dân rơi vào cảnh chết đói, trong khi tình hình càng thêm nghiêm trọng bởi thực tế là: khi thường dân phải sống trong khốn khổ, thì các nhà lãnh đạo chính trị lại béo lên nhờ lợi nhuận từ xung đột.

Trì hoãn việc tìm kiếm giải pháp cho thực trạng tàn khốc này sẽ không đem lại ích lợi gì; trái lại, sự đau khổ và khốn khó của những người đang thiếu thốn sẽ tiếp tục gia tăng, khiến con đường phía trước càng thêm gian nan và rối ren. Vì thế, điều cấp thiết là phải chuyển từ lời nói sang hành động, đặt trọng tâm vào những biện pháp hiệu quả để giúp những con người ấy có thể nhìn về hiện tại và tương lai với niềm tin và sự thanh thản, chứ không phải chỉ với sự cam chịu. Như vậy, chúng ta mới có thể chấm dứt thời đại của các khẩu hiệu suông và những lời hứa hão huyền. Về điểm này, chúng ta không được quên rằng, sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ phải trả lời trước các thế hệ tương lai, những người sẽ phải thừa hưởng một di sản đầy rẫy bất công và bất bình đẳng, nếu ngay từ bây giờ chúng ta không hành động một cách khôn ngoan.

Các cuộc khủng hoảng chính trị, xung đột vũ trang và biến động kinh tế đóng vai trò then chốt trong việc làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực, vì chúng cản trở hoạt động cứu trợ nhân đạo và làm suy yếu sản xuất nông nghiệp tại địa phương, từ đó tước đi không chỉ quyền tiếp cận thực phẩm, mà còn cả quyền sống một cuộc đời có phẩm giá và đầy cơ hội. Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu chúng ta không chữa lành những vết thương và rạn nứt do bao năm ích kỷ và hời hợt gây ra. Tương tự, nếu không có hòa bình và sự ổn định, sẽ không thể bảo đảm được một hệ thống nông nghiệp và lương thực vững bền, cũng như không thể đảm bảo nguồn lương thực lành mạnh, dễ tiếp cận và bền vững cho tất cả mọi người. Vì thế, cần phải có đối thoại – trong đó các bên liên quan không chỉ sẵn sàng nói chuyện với nhau, mà còn biết lắng nghe nhau, thấu hiểu nhau và cùng nhau hành động. Sẽ không thiếu những trở ngại, nhưng với tính nhân văn và tình huynh đệ, kết quả đạt được chắc chắn sẽ là những điều tích cực.

Các hệ thống lương thực có ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu và đồng thời cũng bị ảnh hưởng bởi nó. Những bất công xã hội do thiên tai và sự mất mát đa dạng sinh học gây ra cần phải được khắc phục để hướng đến một quá trình chuyển đổi sinh thái công bằng, đặt con người và môi trường vào vị trí trung tâm. Để bảo vệ các hệ sinh thái và các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất – trong đó có các dân tộc bản địa – cần có sự huy động nguồn lực từ các chính phủ, các tổ chức công và tư, cũng như các cơ quan ở cả cấp quốc gia lẫn địa phương, nhằm áp dụng các chiến lược ưu tiên cho việc tái tạo đa dạng sinh học và sự màu mỡ của đất đai. Nếu không có hành động quyết liệt và phối hợp về khí hậu, sẽ không thể bảo đảm một hệ thống nông nghiệp và lương thực có khả năng nuôi sống dân số thế giới ngày càng gia tăng. Việc sản xuất lương thực thôi là chưa đủ; điều quan trọng không kém là bảo đảm các hệ thống lương thực ấy phải bền vững và cung cấp chế độ dinh dưỡng lành mạnh, và khả thi cho tất cả mọi người. Vì vậy, điều thiết yếu là phải suy nghĩ lại và canh tân các hệ thống lương thực của chúng ta trong một viễn tượng mang tính liên đới, vượt qua não trạng khai thác thiên nhiên một cách vô độ, đồng thời định hướng lại cam kết của chúng ta trong việc trồng trọt, chăm sóc môi trường và các tài nguyên của nó, nhằm bảo đảm an ninh lương thực và tiến tới một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh cho tất cả mọi người.

Thưa ngài Chủ tịch, hiện nay chúng ta đang chứng kiến một sự phân cực nghiêm trọng trong các mối quan hệ quốc tế do những cuộc khủng hoảng và xung đột đang diễn ra. Các nguồn lực tài chính và công nghệ sáng tạo, vốn lẽ ra phải được dùng để xóa đói giảm nghèo và chống nạn đói trên thế giới, lại bị chuyển hướng sang sản xuất và buôn bán vũ khí. Theo cách này, những ý thức hệ đáng ngờ được cổ xúy, trong khi các mối tương quan giữa con người trở nên nguội lạnh, làm suy giảm sự hiệp thông và bóp nghẹt tình huynh đệ cũng như tình bằng hữu xã hội.

Chưa bao giờ việc chúng ta trở thành những người kiến tạo hòa bình, dấn thân vì công ích – vì lợi ích chung của tất cả mọi người chứ không chỉ của một số ít, vốn luôn là những người được hưởng lợi – lại cấp thiết như lúc này. Để bảo đảm hòa bình và phát triển – nghĩa là cải thiện điều kiện sống của các cộng đồng đang chịu cảnh đói khát, chiến tranh và túng thiếu – cần có những hành động cụ thể, được đặt nền trên các định hướng nghiêm túc và có tầm nhìn xa. Vì vậy, chúng ta cần phải gạt sang một bên những lời hùng biện sáo rỗng, để với một ý chí chính trị kiên quyết, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói, “hóa giải các xung đột và nhờ đó… thúc đẩy một bầu khí hợp tác và tin tưởng lẫn nhau, để đáp ứng những nhu cầu chung”. [Diễn văn trước Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh ngày 09/01/2023]

Kính thưa quý vị, để đạt được mục tiêu cao cả này, tôi xin cam đoan rằng Tòa Thánh sẽ luôn dấn thân phục vụ cho sự hòa hợp giữa các dân tộc, và sẽ không mỏi mệt trong việc cộng tác vì công ích của đại gia đình nhân loại, với một sự quan tâm đặc biệt dành cho những con người đang phải chịu nhiều đau khổ nhất – những người đói khát – cũng như những vùng sâu vùng xa không thể ngẩng dậy khỏi tình trạng kiệt quệ vì sự thờ ơ của những người lẽ ra phải lấy tình liên đới kiên định làm biểu tượng cho đời sống của họ. Với niềm hy vọng này, và thay mặt cho tất cả những ai trên thế giới đang bị giày vò vì cảnh khốn cùng, tôi khẩn cầu Thiên Chúa Toàn Năng ban cho công việc của quý vị sinh nhiều hoa trái và mang lại lợi ích cho những người yếu thế nhất cũng như cho toàn thể nhân loại.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: vatican.va (30/6/2025)



Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com

× Thành công! Câu hỏi của cộng đoàn đã được gửi. Câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.