CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG WEB TRUYỀN THÔNG GIÁO XỨ THÁNH TÂM      (website đang được phát triển - eMail: GXThanhTamHN@gmail.com) ĐTC Lêô kêu gọi hành động cho việc Chăm sóc thụ tạo Ngày 2/7, hướng đến Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo lần thứ 10 sẽ được cử hành vào ngày 1/9, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã công bố sứ điệp với chủ đề “Hạt giống của Hòa bình và Hy vọng”, gợi lại hình ảnh Kinh Thánh về hạt giống được gieo vào lòng đất để sinh hoa kết trái, như chính Chúa Kitô là hạt giống đem lại sự sống cho trần gian. Đọc tất cả   Lời kêu gọi của Giáo hội Nam bán cầu về công bằng khí hậu và hoán cải sinh thái Trong văn kiện “Lời kêu gọi công bằng khí hậu và Ngôi nhà chung: hoán cải về sinh thái, chuyển đổi và chống lại các giải pháp sai lầm”, các Giám mục ở Nam bán cầu kêu gọi công bằng, công lý, bảo vệ” để bảo vệ các nhóm dân bản địa, hệ sinh thái, cộng đồng nghèo đói, những người dễ bị tổn thương; cổ võ hoán cải sinh thái thực sự và thay đổi các mô hình của nền kinh tế ngày nay, phê bình mạnh mẽ chủ nghĩa tư bản “xanh” và các cách tiếp cận kỹ trị. Đọc tất cả   Các Giám mục Peru mời Đức Thánh Cha Lêô viếng thăm nước này Theo một thông báo của Hội đồng Giám mục Peru, phái đoàn các Giám mục, trong đó có Đức Cha Carlos García Camader, Giám mục giáo phận Lurín, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, đã yết kiến Đức Thánh Cha Lêô XIV hôm 30/6/2025 và chính thức mời ngài viếng thăm Peru với lời bảo đảm rằng sự hiện diện của ngài sẽ canh tân niềm hy vọng của người dân Peru. Đọc tất cả   Đức Hồng y Dri, vị giải tội được Đức Phanxicô xem là gương mẫu về lòng thương xót, qua đời Đức Hồng y Luis Pascual Dri, quen được gọi là Cha Dri, một tu sĩ người Argentina thuộc dòng Capuchino, người được Đức Giáo hoàng Phanxicô xem như mẫu gương trong tòa giải tội khi giải tội nhiều giờ và luôn tha thứ theo gương Chúa Giêsu, đã qua đời ngày 30/6 tại Buenos Aires, hưởng thọ 98 tuổi. Đọc tất cả   Tài liệu đồng hành với giai đoạn thực hiện của Thượng Hội đồng về hiệp hành sẽ được công bố ngày 7/7 Vào ngày 7/7/2025, tài liệu được soạn thảo để đồng hành với giai đoạn thực hiện của tiến trình hiệp hành sẽ được công bố trên trang web của Ủy ban Thư ký Thượng Hội đồng (www.synod.va). Tài liệu đã được thông qua bởi Hội đồng thường trực của Thượng Hội đồng lần thứ 16 diễn ra trong hai ngày 26 và 27/6/2025. Đọc tất cả   Gặp gỡ các Giám mục Ucraina, ĐTC Lêô XIV cầu nguyện cho hòa bình trở lại với Ucraina Gặp gỡ các Giám mục thành viên của Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina vào sáng thứ Tư ngày 2/7/2025, Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng trong bối cảnh lịch sử hiện tại, khó nói về hy vọng cho những người Ucraina, nhưng nhiều chứng từ về đức tin và hy vọng của người Ucraina cho thấy sức mạnh của Thiên Chúa giữa đống đổ nát của hủy diệt. Ngài cầu cho hòa bình trở lại trên Ucraina. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha gởi sứ điệp đến hội nghị FAO: “Đã đến lúc hành động, không chỉ là khẩu hiệu” Nhân dịp Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) kỷ niệm 80 năm thành lập và đang nhóm Hội nghị lần thứ 44, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã gửi một sứ điệp kêu gọi hành động khẩn thiết để chấm dứt nạn đói, bảo vệ người nghèo và thúc đẩy hòa bình toàn cầu. Đọc tất cả   Cha sở giáo xứ Công giáo ở Gaza: Sự im lặng của quốc tế giết chết hy vọng Phát biểu với hãng tin SIR của Hội đồng Giám mục Ý, Cha Gabriel Romanelli, cha sở giáo xứ Công giáo Thánh Gia, giáo xứ duy nhất ở Dải Gaza, nói rằng “Không chỉ có vũ khí giết người ở Gaza, mà sự im lặng của quốc tế hiện cũng đang đè nặng lên Dải Gaza”. Ngài kêu gọi quốc tế lên tiếng về cuộc chiến và không được quen với tình trạng đang xảy ra ở Gaza. Đọc tất cả   Các nhà thờ ở Syria cử hành lại phụng vụ trong bối cảnh an ninh thắt chặt Một tuần sau khi Nhà thờ Mar Elias ở Damascus, Syria, bị tấn công, vào Chúa Nhật ngày 29/6/2025, các nhà thờ đã cử hành lại phụng vụ, dù số người tham dự ít hơn đáng kể do bầu không khí sợ hãi và lo lắng bao trùm. Đọc tất cả   ĐHY Parolin mời gọi các Giám mục Nhật Bản làm chứng tá cho sự hiệp nhất và phổ quát của Giáo hội Đồng tế Thánh lễ với các giám mục Nhật Bản tại Nhà thờ chính tòa Đức Maria ở Osaka, Đức Hồng y Pietro Parolin nói rằng “khi mà mọi khía cạnh của cuộc sống — văn hóa, sắc tộc, lợi ích kinh tế, chính trị, địa vị xã hội — dường như là nguồn gốc của sự chia rẽ, thì sự hiệp nhất của chúng ta chính là lời chứng lớn nhất và chân thực nhất mà các môn đệ của Chúa Kitô có thể mang đến cho thế giới”. Đọc tất cả  

Giáo Hội Việt Nam

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO VIỆC CHĂM SÓC THỤ TẠO NĂM 2025: HẠT GIỐNG CỦA HÒA BÌNH VÀ HY VỌNG

03/07/2025 - 8

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA LÊÔ XIV

NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO VIỆC CHĂM SÓC THỤ TẠO LẦN THỨ 10

Ngày 01 tháng 9 năm 2025

Hạt giống của Hòa bình và Hy vọng

Anh chị em thân mến!

Chủ đề của ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo năm nay, được Đức Thánh Cha Phanxicô yêu quý của chúng ta chọn là: “Hạt giống của Hòa bình và Hy vọng.” Vào dịp kỷ niệm mười năm thiết lập ngày Cầu nguyện này, trùng với thời điểm công bố Thông điệp Laudato Si’, chúng ta đang cử hành Năm thánh hiện tại như là “Những người hành hương của hy vọng.” Do đó, chủ đề năm nay thực sự đúng thời điểm và mang nhiều ý nghĩa.

Khi loan báo Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu thường dùng hình ảnh hạt giống. Khi gần đến cuộc Thương khó, Ngài đã áp dụng hình ảnh đó cho chính mình, khi sánh ví mình như hạt lúa mì phải chết đi để sinh nhiều bông hạt (x. Ga 12,24). Hạt giống được vùi trong lòng đất, và từ đó – một cách thật kỳ diệu – sự sống nảy mầm, ngay cả ở những nơi không ngờ tới, như một lời hứa về khởi đầu mới. Chúng ta có thể nghĩ đến những bông hoa mọc lên bên vệ đường từ những hạt giống rơi xuống cách ngẫu nhiên. Khi những bông hoa đó lớn lên, chúng làm bừng sáng mặt đường xám xịt và thậm chí còn có thể xuyên qua bề mặt cứng rắn ấy.

Trong Đức Kitô, chúng ta cũng là những hạt giống – và thật vậy, là “hạt giống của hòa bình và hy vọng.” Ngôn sứ Isaia nói với chúng ta rằng Thần Khí Thiên Chúa có thể biến sa mạc khô cằn thành vườn cây, nơi nghỉ ngơi và thanh thản. Ngài nói: “Cho đến ngày, từ trên cao, thần khí sẽ được đổ xuống trên chúng ta. Bấy giờ, sa mạc sẽ trở nên vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ được coi như một cánh rừng. Lẽ chính trực sẽ ở trong sa mạc, và đức công minh trong vườn cây ăn trái. Sự nghiệp của đức công minh sẽ là hoà bình. Thành quả của đức công minh sẽ là sự yên hàn và an ninh vĩnh cửu. Dân Ta sẽ ở trong cảnh thái bình, trong nơi ở an toàn, trong chốn nghỉ thảnh thơi” (Is 32,15-18).

Những lời của ngôn sứ Isaia sẽ đồng hành trong “Mùa Thụ Tạo,” một sáng kiến đại kết được cử hành từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 04 tháng 10 năm 2025. Những lời ấy nhắc chúng ta rằng, cùng với việc cầu nguyện, chúng ta cần có quyết tâm và hành động cụ thể, để “sự âu yếm của Thiên Chúa” có thể trở nên hữu hình trong thế giới chúng ta (x. Laudato Si’, 84). Ngôn sứ đã đặt công lý và luật pháp đối lập với sự hoang tàn của sa mạc. Sứ điệp của ngài đặc biệt thích hợp cho ngày nay, khi chúng ta chứng kiến nhiều nơi trên thế giới đang bị tàn phá. Bất công ở khắp nơi, vi phạm luật pháp quốc tế và quyền của các dân tộc, sự bất bình đẳng nghiêm trọng và lòng tham dẫn đến nạn phá rừng, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học. Những hiện tượng thiên nhiên cực đoan do biến đổi khí hậu bởi con người gây ra đang ngày càng gia tăng cả về cường độ lẫn tần suất (x. Laudato Deum, 5), chưa kể đến những hậu quả trung hạn và dài hạn ảnh hưởng đến con người và sinh thái do các cuộc xung đột vũ trang gây ra.

Cho đến nay, chúng ta dường như vẫn chưa nhận ra rằng sự tàn phá thiên nhiên không ảnh hưởng đến mọi người như nhau. Khi công lý và hòa bình bị chà đạp, những người bị tổn thương nhiều nhất là người nghèo, những người bị gạt ra bên lề và những người bị loại trừ. Nỗi đau của các cộng đồng bản địa là một biểu tượng điển hình cho vấn đề này.

Không chỉ vậy, thiên nhiên đôi khi còn bị biến thành một món hàng để mặc cả, một món đồ để đổi chác vì lợi ích kinh tế hay chính trị. Hậu quả là công trình sáng tạo của Thiên Chúa bị biến thành chiến trường để giành quyền kiểm soát những tài nguyên thiết yếu. Chúng ta thấy điều này nơi các vùng nông nghiệp và rừng rậm bị rải mìn, các chính sách “đốt sạch”[1], những cuộc xung đột về nguồn nước và sự phân phối không đồng đều các nguyên liệu thô, làm tổn hại các quốc gia nghèo hơn và đe dọa sự ổn định xã hội.

Tất cả những vết thương này là hậu quả của tội lỗi. Đây chắc chắn không phải là điều Thiên Chúa mong muốn khi Ngài trao phó trái đất cho con người, những thụ tạo được tạo dựng theo hình ảnh Ngài (x. St 1,24-29). Kinh Thánh không hề biện minh cho việc con người “tàn nhẫn với công trình tạo dựng” (Laudato Si’, 200). Trái lại, “các bản văn Kinh Thánh cần được đọc trong bối cảnh của chúng, với một phương pháp chú giải thích hợp, và nhận ra rằng Lời Chúa mời gọi chúng ta ‘canh tác và giữ gìn’ khu vườn thế giới [x. St 2,15]. ‘Canh tác’ có nghĩa là trồng trọt, cày xới hay lao động, trong khi ‘giữ gìn’ nghĩa là chăm sóc, bảo vệ, trông coi và duy trì. Điều này hàm ý một mối tương quan đầy trách nhiệm lẫn nhau giữa con người và thiên nhiên” (sđd, 67).

Công lý môi sinh – được các ngôn sứ ngầm loan báo – không còn có thể bị coi là một khái niệm trừu tượng hay một mục tiêu xa vời. Đó là một nhu cầu khẩn thiết, vượt quá khuôn khổ của việc bảo vệ môi trường đơn thuần. Bởi vì đây là vấn đề công lý – xã hội, kinh tế và nhân bản. Đối với người tín hữu, đó cũng là một bổn phận phát xuất từ đức tin, bởi vũ trụ phản chiếu dung mạo Chúa Giêsu Kitô, trong Ngài muôn vật đã được tạo thành và cứu chuộc. Trong một thế giới nơi những anh chị em dễ bị tổn thương nhất của chúng ta là những người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả tàn phá do biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và ô nhiễm, việc chăm sóc muôn loài thụ tạo trở thành một biểu hiện của đức tin và nhân tính của chúng ta.

Đây là lúc chúng ta cần biến lời nói thành hành động. “Sống ơn gọi làm người bảo vệ công trình tay Chúa sáng tạo là yếu tố thiết yếu của đời sống nhân đức; chứ không phải là một chọn lựa hay một khía cạnh thứ yếu của kinh nghiệm Kitô giáo” (Laudato Si’, 217). Khi chúng ta làm việc với tình yêu và kiên trì, chúng ta có thể gieo vãi nhiều hạt giống công lý, từ đó góp phần vào sự triển nở của hòa bình và canh tân niềm hy vọng. Có thể sẽ mất nhiều năm để cây non này sinh hoa trái đầu mùa – những năm tháng ấy đòi hỏi một hệ sinh thái hoàn chỉnh bao gồm sự liên tục, lòng trung thành, tinh thần cộng tác và tình yêu – đặc biệt là khi tình yêu ấy phản chiếu chính Tình yêu tự hiến của Chúa.

Giữa các sáng kiến của Giáo hội như những hạt giống gieo vào mảnh đất này, tôi xin đặc biệt nhắc đến dự án Làng Laudato Si’ (Borgo Laudato Si’) mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã để lại cho chúng ta tại Castel Gandolfo. Đây là một hạt giống đầy hứa hẹn mang lại hoa trái của công lý và hòa bình, là một dự án giáo dục về sinh thái toàn diện, có thể là hình mẫu cho một lối sống, lao động và xây dựng cộng đoàn theo những nguyên lý của Thông điệp Laudato Si’.

Tôi cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng ban cho chúng ta dồi dào “Thần Khí từ trên cao” (Is 32,15), để những hạt giống này – và những hạt giống tương tự – có thể sinh hoa kết trái dồi dào của hòa bình và hy vọng.

Thông điệp Laudato Si’ đến nay đã đồng hành với Giáo hội Công giáo và những người thiện chí trong suốt mười năm qua. Ước gì Thông điệp này tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng ta, và cho sinh thái toàn diện ngày càng được đón nhận như con đường đúng đắn để bước theo. Như thế, những hạt giống hy vọng sẽ ngày càng sinh sôi, để được “canh tác và gìn giữ” nhờ ân sủng của niềm Hy vọng vĩ đại và không bao giờ thất vọng của chúng ta, chính là Đức Kitô Phục sinh. Nhân danh Ngài, tôi ban phép lành cho tất cả anh chị em.

Tại Vatican, ngày 30 tháng 6 năm 2025

Lễ nhớ Các Thánh Tử đạo Tiên khởi của Giáo đoàn Rôma

ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV

 

Phêrô Lê Minh Hải, OFM & Tâm Bùi

Chuyển ngữ từ: vatican.va

 ---------

[1] X. HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH, Đất đai và Lương thực, Nhà xuất bản Vatican, 2015, tr. 51-53.



Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com

× Thành công! Câu hỏi của cộng đoàn đã được gửi. Câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.