Kỷ luật và tự do vốn không hề đối lập nhau, ngược lại ta sẽ tiến gần hơn đến tự do nếu tự rèn luyện kỷ luật bản thân.
Trong vô số điều thú vị trên mạng, tôi tìm được một tấm ảnh khá hài hước, đồng thời đáng suy ngẫm: Một người mẹ trẻ người phương Tây buộc dây vào người con mình dắt đi, trong khi chú chó cảnh của cô thì không cần mang xích. Cư dân mạng bình luận tưng bừng dưới bức ảnh, có nhóm tranh luận về quyền trẻ em, nhóm khác lại cười cho sự ngược đời trong ảnh, một số người ý kiến rằng cảnh đó khiến họ ngẫm nghĩ khá nhiều.
Tại sao bà mẹ phải buộc dây dắt con mình đi? Không phải vì cô coi đứa bé như thú cưng, mà vì cô muốn con vẫn được chạy chơi, tìm hiểu thế giới xung quanh nhưng không rời xa vòng tay mẹ. Sợi dây cột vào người cậu bé không mang tính cầm tù, mà để bảo vệ cậu khỏi tai nạn như lạc đường, xe tông, bắt cóc…
Tại sao bà mẹ không xích cổ chú chó? Vì nó đã được dạy dỗ chu đáo và hiểu các nguyên tắc cơ bản. Chú chó sẽ không chạy loạn, không làm phiền người khác và sẽ luôn biết đi theo chủ. Bà chủ không phải lo lắng nhiều cho nó, bởi chú chó đã có tính kỷ luật làm dây cương. Kỷ luật giúp nó tự do thoải mái, không bị trói buộc.
Ở trường, thầy cô thường nghiêm khắc, khó tính với những học sinh quậy phá, cá biệt hoặc hơi “anh chị”. Trong khi đó, các cô cậu bé ngoan ngoãn, chăm chỉ lại được giáo viên tin tưởng và được đối xử mềm mỏng hơn. Với các em tuổi dậy thì, như vậy thật là bất công. Nhưng sự uốn nắn, kèm cặp và luật lệ lại rất cần thiết để người trẻ trưởng thành, giúp họ không đi sai đường hoặc đâm đầu vào rắc rối.
Một người chưa thể tuân thủ kỷ luật của bản thân sẽ giống như đứa bé nghịch ngợm, bị mẹ buộc dây vào người dắt đi thay vì được làm theo ý mình. Càng bất mãn vùng vẫy, càng chứng minh sợi dây kìm giữ họ là cần thiết.
Có người dù đã lớn nhưng vẫn như đứa học trò phá phách, thường xuyên bị “thầy cô” trường đời trách mắng, giám sát. Chẳng hạn các ông chồng ham chơi, ham nhậu, bị vợ cằn nhằn, than vãn, thậm chí bị quát nạt “như mẹ dạy con”. Các ông thấy nhức đầu và phiền phức, lại càng muốn trốn nhà đi chơi cho khuây khỏa. Thế là “gông cùm” do các bà vợ đặt ra càng siết chặt hơn, đến nỗi chồng hầu như không còn tí tự do nào.
Giả sử những người chồng này biết nghĩ tới gia đình, tự giác về nhà sau giờ làm thay vì đi chơi với hội bạn, bớt “cả nể” khi bị ép rượu, không để tâm khi bạn bè trêu là “sợ vợ”, liệu vợ họ có trở nên lắm điều và xét nét không? Trách ai bây giờ? Trách vợ “quản” chồng quá chặt, thiếu tin tưởng hay trách chồng đã sống buông thả và tự đánh mất tự do của mình?
Hay mấy hàng xóm thích hát karaoke thâu đêm suốt sáng, ai nhắc nhở thì sửng cồ lên, bảo đó là quyền tự do cá nhân. Hoặc những kẻ đua xe nẹt pô ầm ĩ giữa đêm khuya, những “con bạc khát nước”, những người nghiện mạng xã hội chẳng đủ thời gian làm việc gì…đều là hiện thân của đứa trẻ không có sợi dây kỷ luật kìm giữ, tùy tiện chạy lung tung khắp nơi, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.
Theo Erich Fromm (1900 - 1980), nhà tâm lý học, triết học và xã hội học người Mỹ gốc Ðức, “tự do” được chia làm hai loại: Tự do tích cực và tự do tiêu cực. Tự do tích cực là khả năng làm chủ ý chí để tự do thể hiện bản thân theo cách mình muốn. Ngược lại, tự do tiêu cực là phương pháp tìm cách thoát khỏi ràng buộc, rào cản, hay những sự kiềm chế từ bên ngoài đối với hành động của cá nhân.
Thời nay nhiều người cho rằng “tự do tiêu cực” mới là tự do đích thực. Thực ra nó chỉ biến họ thành nô lệ cho hai thứ: “Dây cương” kỷ luật của xã hội và dục vọng của chính mình. Vì vậy nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh gia Frank Herbert (1920 - 1986) mới nói: “Tìm kiếm tự do và trở thành tù nhân của dục vọng. Tìm kiếm kỷ luật và tìm thấy tự do”.
**
Kỷ luật và tự do vốn không hề đối lập nhau, ngược lại ta sẽ tiến gần hơn đến tự do nếu tự rèn luyện kỷ luật bản thân. Một người sống nề nếp, biết giữ chữ tín, tôn trọng mọi người sẽ được đáp lại bằng thái độ tôn trọng, lòng tin và nhất là sự tự do không gò bó. Suy cho cùng, luật lệ thường được tạo ra cho những người không sẵn lòng xây dựng luật lệ cho chính mình.
Ths-Bs LAN HẢI
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com