SỐNG BÁC ÁI
Joseph Nguyễn
WGPVL (07.6.2022) - Dành ít phút ngồi nhìn lại, tôi thấy
mình dường như thích nhận hơn là cho. Đôi lúc được người này người nọ cho hết
cái này đến cái kia, tự thấy mình nhận về rất nhiều mà cho ra chẳng bao nhiêu.
Lắm lúc khi đọc kinh 14 mối thương người mà cảm thấy hổ thẹn hết sức, bởi có mấy
khi biết cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt
cùng kẻ tù rạc…Thật sự mà nói, nếu bảo mình chẳng bao giờ cho người nghèo thì
cũng không đúng. Bởi, đôi lúc tôi cũng cho, nhưng chỉ dám cho đồng tiền lẻ, cho
để khỏi bị quấy rầy, cho để khỏi mang tiếng là keo kiệt, cho để khỏi áy náy
lương tâm vậy mà có khi cảm thấy có chút tiếc xót. Đó có phải là sống bác ái
không?
Ngồi suy nghĩ, tôi thấy có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta
không muốn cho đi. Đầu tiên phải kể đến, đó là nhiều người ngày nay sống theo
kiểu “đèn nhà ai nấy sáng”, sống hờ hững,
ít quan tâm tới nhau. Nhiều người sống dửng dưng để rồi xem chuyện người khác
như không dính líu đến mình, bỏ mặc người khác theo kiểu “sống chết mặc bay”. Kế đến, một số người sử dụng mọi thủ đoạn,
chiêu trò nhằm lừa gạt, lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi, khiến nhiều
người luôn cảnh giác, nghi ngờ và đề phòng, họ ngại cho đi vì sợ bị gạt. Bên cạnh
đó, nhiều người ăn xin ngày nay hành động rất thiếu thiện cảm, ăn xin kiểu gì
mà như đòi nợ, đeo bám nài nỉ đến khi nào được cho mới thôi, khiến nhiều người
muốn thương cũng thương chẳng nổi. Nguyên nhân cuối cùng, có lẽ trong ước muốn
của nhiều người ai cũng muốn cho, nhưng chư vượt qua nỗi sợ: họ sợ người khác
hiểu lầm, sợ người khác nghĩ mình lợi dụng, sợ người khác không đón nhận lòng tốt,
sợ được khen là nổi cơn đạo đức...để rồi chẳng dám làm gì. Tâm lý chung của con
người, ai cũng muốn thu vén, tích lũy, không muốn cho đi, đôi lúc còn vịn nhiều
lý do để biện minh để rồi bỏ qua những dịp thuận tiện để làm bác ái, ngoảnh mặt
làm ngơ trước những nhu cầu cần giúp đỡ của người khác.
Nhiều người nghĩ cho đi là mất, bởi đã cho thì đâu còn thuộc
quyền sở hữu của mình. Nhưng có lúc cho đi, không phải là mất. Tôi xin đưa ra một
ví dụ, bạn có một ý tưởng, tôi cũng có một ý tưởng, chúng ta trao đổi cho nhau,
mỗi người chúng ta có 2 ý tưởng. Cái bạn cho bạn vẫn còn, cái tôi nhận bạn cũng
không mất. Hơn nữa, khi cho đi cũng là lúc nhận về niềm vui, niềm hạnh phúc khi
làm được điều tốt cho ai đó. Như lời kinh hòa bình của Thánh Phanxicô: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh”.
Đối với những người biết yêu thương: “càng
cho nhiều họ càng có nhiều”. Khi giúp người khác sẽ có người giúp lại ta và
hơn nữa “cho có phúc hơn là nhận” (Cv
20,35). Thánh Phaolô khuyên: “Trong
mọi việc, tôi khuyên anh em hãy đặt tình bác ái lên trên hết ” (2Cr
2,8). Hãy sống lời mời gọi của Chúa: “Anh
em đã lãnh nhận như không, anh em hãy cho đi như không” (Mt 10,8).
Làm bác ái phải xuất phát từ
tình thương, làm một cách vô vị lợi không tính toán thiệt hơn. Nhiều người ngày
nay làm bác ái vì tiếng tăm, làm để phô trương danh tiếng, làm để được người đời
khen ngợi, ca tụng. Và như thế thì chúng ta đã được phần thưởng ở đời này rồi,
còn gì là công phúc đời sau nữa. Nhiều người còn biến việc bác ái thành công cụ
để đạt được ý đồ riêng, cho để được nhận lại theo kiểu “bánh ích đi, bánh quy lại”, điều đó thực
chất là cho mình chứ đâu cho người. Thánh Phaolô khuyên: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ” (Rm
12,9), “Ai làm bác ái hãy vui vẻ mà
làm” (x. Rm12,8). Làm bác ái phải xuất phát từ tình yêu, như mẹ Têrêsa
Calcutta nói: “Không phải những gì bạn
làm là quan trọng, nhưng quan trọng là bạn đã đặt bao nhiêu tình yêu vào trong
đó” hay như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu dạy: “hãy làm việc nhỏ với tình yêu lớn”, Thánh Têrêsa Avila nói: “Chúa không cần việc làm của chúng ta. Ngài
chỉ muốn tình yêu thúc đẩy chúng ta làm việc ấy”. Chính tình yêu sẽ làm cho
công việc bác ái của bạn trở nên giá trị hơn.
Nói về bác ái, chắc hẳn nhiều người đã từng nghe câu chuyện
về Thánh Martin de Porres. Ngay từ nhỏ thánh nhân đã có lòng yêu người. Lợi dụng
những lần mẹ sai đi chợ mua những đồ lặt vặt, thánh Martin đã xén bớt tiền để
cho người nghèo. Sau này khi vào Dòng Đaminh, trong một lần ngài đi lang thang
trên đường, thánh nhân thấy một người quần áo rách tả tơi, mình đầy u nhọt hôi
hám và mắc chứng bệnh đau nhức cùng cực. Thánh nhân bèn cõng người ấy về phòng
mình, đặt nằm trên giường, tắm rửa, thay quần áo, cho ăn uống, chăm sóc tận tụy.
Có lẽ trong chúng ta ít ai có thể làm điều tương tự như thánh nhân, nhưng có thể
từng bước học được điều này qua cách mà Mẹ Têrêsa Calcutta dạy các chị em mới
vô Dòng chiến đấu chống lại cám dỗ chán ngán, ghê tởm khi chăm sóc bệnh nhân và
những người hấp hối. Mẹ dạy chị em, hãy xòe bàn tay phải ra rồi nắm từng ngón
tay lại theo lần lượt mỗi ngón đọc một lời sau đây: chính là/ cho ta/ mà/ con/
đã làm. Đó là lời Chúa Giêsu: “Mỗi lần
các ngươi làm như thế cho một trong những anh em nhỏ nhất của Ta đây, là các
ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Để làm được điều này thật
không dễ, nhưng mỗi khi làm bác ái chúng ta có thể tập như Mẹ Têrêsa Calcutta dạy,
nó như một lời khích lệ bản thân cố gắng làm bác ái hơn, một lời nguyện tắt với
chút tâm tình dâng cho Chúa. Cứ thử đi, bạn sẽ thấy hiệu quả bất ngờ.
Để kết thúc, tôi xin mượn lời nhắn nhủ của Đức hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong quyển Đường Hy Vọng số 741 có viết : “Đừng nghĩ có tiền mới có thể làm bác ái? Chúng ta có thể bác ái bằng một nụ cười, một cái bắt tay, một sự cảm thông, một lần đi thăm viếng hay dâng những lời cầu nguyện nhỏ bé. Nhiều người kém may mắn không cần cái bạn cho, bằng cái họ hiểu bạn thương họ”. Việc làm bác ái phải là ưu tiên số một của bạn: “Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6,10).
Nguồn: giaophanvinhlong.net
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com