ƠN GỌI CỦA GIÁO HỘI LÀ GÌ?
TỌA ĐÀM GIỮA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
VÀ TU SĨ DÒNG TÊN TẠI MALTA
Antonio Spadaro SJ
Tạp chí La Civiltà
Cattolica.[1]
WHĐ (21.8.2022) - Vào lúc 7 giờ 20 sáng ngày
Chúa Nhật 3 tháng 4 [vừa qua], Đức Thánh Cha Phanxicô bước vào tiền sảnh
Toà Sứ thần tại Malta, nơi tụ họp 38 tu sĩ Dòng Tên tại Malta, trong đó có cha
Roberto Del Riccio – Giám tỉnh Dòng Tên tỉnh dòng Châu Âu và các nước thuộc Địa
Trung Hải (Euro-Mediterranean) bao gồm các nước Malta, Ý, An-ba-ni và Ru-ma-ni. Đức Thánh Cha chào từng người có mặt và bắt đầu một buổi tọa đàm cách tự nguyện và tự
phát, như một thói quen ngài hay làm trong những dịp như thế này. Trong bầu khí
thân mật huynh đệ ấy, Đức Thánh Cha đã khởi đầu:
Ký ức duy nhất tôi có với các tu sĩ Dòng Tên
Malta là khi tôi cùng đồng hành với anh em ấy khi tôi học triết. Các anh em ấy
được gởi đến Chilê. Lúc đó tôi đang ở năm dự bị (juniorate)[2]
tại Chilê. Sau đó anh em được gởi đi học tại Buenos Aires. Tôi đã nói chuyện với
người cuối cùng của nhóm đó qua điện thoại một năm về trước, trước khi anh ấy
qua đời. Xin anh em tự do đặt những câu hỏi và chúng ta có thể trò chuyện với
nhau một chút.
Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha thực tại của Giáo hội (GH) của chúng ta hôm nay đang thay đổi. GH đang dần
nhỏ hơn, và nhỏ hơn trong một Châu Âu duy vật, thế tục. Cùng một trật, GH đang
phát triển ở Châu Á và Châu Phi. GH của tương lai sẽ như thế nào? Liệu GH có nhỏ
hơn, nhưng sẽ thuần khiết hơn và khiêm nhường hơn chăng? Còn về hành trình hiệp
hành của GH thì như thế nào? Đang đi tới đâu?
Đức Thánh Cha: Đức Thánh Cha Bênêđictô là một ngôn sứ khi ngài đã từng nói về tương lai của GH, một GH sẽ trở
nên nhỏ bé hơn, mất đi nhiều những đặc quyền, trở nên khiêm nhường và thuần khiết
hơn, và sẽ tìm ra năng lượng cho những gì cần thiết nhất. GH ấy sẽ là một GH
thiêng liêng hơn, nghèo khó hơn và giảm tính chính trị hơn: một GH của những
người bé nhỏ. Trong tư cách là Giám mục, Đức Bênêđictô đã nói: chúng ta hãy chuẩn
bị chính mình để trở nên một GH nhỏ bé hơn. Đây là một trong những hiểu biết
sâu sắc kiệt xuất nhất của ngài.
Đúng vậy, ngày nay có vấn đề về ơn gọi. Điều
này cũng đúng trong một Châu Âu có ít người trẻ hơn. Trước đây, mỗi gia đình có
tới ba đến bốn người con. Bây giờ thường chỉ có một. Đời sống hôn nhân đang suy
giảm, trong khi người ta tập trung nhiều cho nghề nghiệp của họ. Tôi nói với những
người mẹ có những người con đã 35 tuổi đời mà vẫn còn ở với cha mẹ là đừng ủi đồ
cho con nữa!
Thực trạng này còn có một nguy cơ thiếu phân định
thích hợp trong việc tìm kiếm ơn gọi. Tôi nhớ năm 1994 đã có một Thượng Hội Đồng
về đời sống thánh hiến. Tôi tham dự trong tư cách đại diện từ Argentina. Đồng
thời, những tai tiếng của các tập sinh Philippines đã bị phanh phui: các dòng
tu tới Philippines tìm kiếm ơn gọi để “nhập khẩu” vào Châu Âu. Đây là một điều
tệ hại. Châu Âu đã già đi. Chúng ta phải tập làm quen với điều này, nhưng chúng
ta cũng cần tập làm quen một cách sáng tạo, để đảm bảo cho ơn gọi giữ được những
phẩm chất mà đã được đề cập tới một cách chung đối với GH nơi câu hỏi của anh:
một GH khiêm nhường, phục vụ, và thuần khiết.
[Câu hỏi] cũng đề cập đến con đường hiệp hành.
Và đây là một bước xa hơn. Chúng ta đang học và viết “trong Thượng Hội Đồng”
(in Synod). Đức Phaolô VI chính là người đã khôi phục lại việc bàn luận về hiệp
hành, điều đã bị đánh mất. Kể từ đó chúng ta đã hướng tới trong việc tìm hiểu,
hiểu biết về Thượng Hội Đồng là gì. Tôi còn nhớ khi làm Tổng Tường trình viên
cho Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2001. Thật ra, Đức Hồng y Egan được chọn làm Tổng
Tường trình viên, nhưng vì biến cố toà tháp đôi ngày 11 tháng 9, Ngài phải trở
về New York, địa phận của ngài. Tôi đã thay thế ngài. Những ý kiến của mọi người,
kể cả của những nhóm riêng lẻ, đều được tập hợp lại và gởi về cho văn phòng Tổng
Thư ký. Tôi thu lại tất cả các tài liệu và sắp xếp chúng. Thư ký của Thượng Hội
Đồng sẽ xem xét các tài liệu đó và sẽ loại bỏ bớt, từ những gì đã được phê chuẩn
bởi việc bỏ phiếu của nhiều nhóm. Có những ý kiến không được coi là tương
thích. Tóm lại, có một sự chọn lựa trong số các tài liệu. Rõ ràng đó là một thiếu
sót để có thể hiểu hết về Thượng Hội Đồng. Ngày nay chúng ta đang hướng về phía
trước và không có một sự thoái lui. Thượng Hội Đồng vừa rồi kết thúc bằng việc
khảo sát các chủ đề cho Thượng Hội Đồng kế tiếp, hai chủ đề đầu tiên là đời sống
linh mục và tính hiệp hành. Điều này cho tôi thấy có vẻ rõ ràng rằng đó là một
ao ước trong suy tư thần học về tính hiệp hành để tiến tới bước quyết định cho
một GH hiệp hành.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng chúng ta phải nhớ
đến một di sản đó là Tông huấn Loan báo Tin Mừng của Đức Phaolô VI. Ơn gọi của
GH là gì? Đó không phải là số lượng. Ơn gọi ấy là để loan báo Tin Mừng. Niềm
vui của GH là loan báo Tin Mừng. Tóm lại, vấn đề thật sự không phải ở số lượng
ít người, nhưng vấn đề là liệu GH có Phúc Âm hoá không. Trong những cuộc gặp gỡ
trước khi diễn ra Mật nghị Hồng y, chúng ta đã nói về hình ảnh của vị giáo
hoàng mới phải như thế nào. Chính xác là ở đó, trong mật nghị, hình ảnh về một
GH tiến về phía trước đã được nói đến. Trong sách Khải Huyền đã nói: “Này đây
ta đứng trước cửa mà gõ.” Nhưng ngày nay Thiên Chúa đang gõ cửa từ bên trong để
được đi ra ngoài. Đó là nhu cầu của hôm nay, ơn gọi của GH hôm nay.
Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, xin cho phép con được cám ơn cha vì đời sống và gương sống của cha, một
cách đặc biệt là về Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ (Gaudete et Exsultate) của
cha. Con cũng gởi lời chào từ Venerable English College nơi con làm việc. Nơi
đó mọi người đang cầu nguyện cho cha và đang cám ơn cha. Câu hỏi của con là:
đâu là đề nghị của cha cho các nhà linh hướng và các chủng sinh chuẩn bị trở
thành linh mục trong thiên niên kỷ thứ ba?
Đức Thánh Cha (hỏi lại): Điều gì đánh động anh trong Tông huấn
Hãy vui mừng hoan hỉ?
Người được hỏi trả lời: Trên tất cả, là làm sao để
sống các mối phúc. Kế đến là dấu chỉ của sự thánh thiện. Con thực sự bị đánh động
bởi trích dẫn về sự hóm hỉnh…
Đức Thánh Cha: À! Trong chú thích số 101[3],
về Thomas More! Đúng vậy, tông huấn đó đã được lưu trữ, cha rất vui thích khi
các tập sinh đọc tông huấn đó. Anh hỏi cha họ nên làm gì. Cha sẽ đề nghị các chủng
sinh làm một điều: hãy là người bình thường, đừng hình dung mình là “các tông đồ
vĩ đại” hay “những người dấn thân bé nhỏ” (little devotees). Hãy là những kẻ
bình thường, có khả năng đưa ra những quyết định về hướng đi đời mình. Và vì thế
bạn cũng cần những bề trên bình thường.
Thói đạo đức giả của một số bề trên khiến cha
sững sờ. Dùng lối đạo đức giả để quản trị là một điều tệ hại. Với thói đạo đức
giả anh không nhận ra những trăn trở, những vấn đề và tội lỗi ẩn sâu trong anh.
Các anh phải loại bỏ tất cả cái đạo đức giả, cái làm hư hại con đường của người
trẻ.
Tôi nhớ một học viên Dòng Tên sau này đã lập
gia đình. Lúc đó anh ta đang ở năm đầu triết học. Anh bạn đó đã gặp và yêu một
cô bạn gái. Anh ta muốn gặp gỡ người bạn gái mỗi ngày. Buổi tối anh ta đã trốn
ra ngoài gặp gỡ và ở bên người bạn gái. Anh ta bắt đầu bị sụt cân vì thiếu ngủ.
Nhưng may thay chàng trai này rơi vào tay của một cha linh hướng cao niên, một
người không biết sợ hãi và cũng không phải là một người đạo đức giả. Cha ấy đã
cảm nhận được vấn đề lúc đó như thế nào. Và cha ấy đã nói với anh học viên,
“anh có vấn đề.” Và cha ấy đã khuyên anh học viên hãy đối diện, cha ấy đã đồng
hành với anh trong tiến trình rời dòng. Sau đó anh học viên trẻ này lập gia
đình.
Tôi nhớ rằng chính tôi trong nhiều năm về trước
đã lắng nghe một tu sĩ trẻ từ tỉnh dòng Châu Âu, anh ấy đang thực hành tông đồ
sau khi học Triết học. Anh ta đã xin với vị giám tỉnh của mình chuyển qua một
thành phố khác để được ở gần với người mẹ, bà đang sắp chết vì ung thư. Sau đó
anh ta đã đi vào nhà nguyện để cầu nguyện mong cha giám tỉnh cho anh điều anh
mong muốn. Anh ta ở lại nhà nguyện đó rất muộn. Khi trở về phòng, anh ta thấy
lá thư từ cha giám tỉnh đặt ở trước cửa, lá thư đề ngày hôm sau, đề nghị tu sĩ
trẻ ấy ở lại nơi mình đang làm việc, và trong thư cha giám tỉnh nói rằng ngài
đã đưa ra quyết định này sau khi suy nghĩ và cầu nguyện. Nhưng điều đó không thật!
Cha giám tỉnh đã đưa lá thư ký tên ngày hôm trước cho người quản lý để hôm sau
người quản lý phân phát thư, nhưng vì đã quá trễ, người quản lý đã đưa thư từ đêm
trước. Anh tu sĩ trẻ này đã hoàn toàn sụp đổ. Đây là thói đạo đức giả. Mong sao
đừng bao giờ có thói đạo đức giả này trong Dòng! Thà bị trách mắng còn hơn là đối
diện với thái độ này!
Ở giữa các anh em Dòng Tên với nhau, anh em
không thể đồng hành với một người anh em không có được sự tin tưởng và trong
sáng. Nếu một người không tin tưởng vào các bề trên hay những người hướng dẫn
mình thì không tốt chút nào cả. Các bề trên phải làm cho người khác tin cậy. Và
sau đó họ phải tin tưởng vào “ơn đặc sủng” để qua đó, Chúa Thánh Thần, sẽ cho họ
lời khuyên đúng. Và hãy để họ học nơi sự khôn ngoan mà GH đã tích lũy qua bao
năm tháng. Nhưng một người không nên để bất kỳ điều gì đe doạ mình. Không bao
giờ nên để cho một người trẻ bị “mặc đồng phục”. Mỗi một người là một cá vị: vì
mỗi một người làm ra từ một cái khuôn và sau đó khuôn này bị đập vỡ. Và cũng
hãy để cho các bề trên làm quen với một số anh em vẫn còn kiểu trẻ con. Các bề
trên ấy phải kiên nhẫn, sửa dậy họ, nhưng sự thường thì các anh em trẻ đều là
những người thật sự tốt. Hết thảy chúng ta không giống nhau: chúng ta đều có những
thẻ căn cước riêng.
Hỏi: Lắng
nghe những bài phát biểu ngày hôm qua, có nói rằng Matla đang trở thành một đất
nước chào đón những người di dân. Con bị lúng túng. Chúng con cũng đồng ý với vấn
đề Libya, về việc gởi những người di cư trở lại. Có lẽ cha đã nghe về thảm kịch
từ những người thuộc các nước Địa Trung Hải vào thứ Bảy tuần trước khi 90 người
di dân Libya bị thiệt mạng. Chỉ có 4 người sống sót. Cha sẽ gặp một số người di
dân. Tuy nhiên cha sẽ không thấy được những trại tập trung nơi mà đang gặp khó
khăn hơn nhiều. Điều này cũng đúng khi nói rằng đây là vấn đề của toàn Châu Âu,
nơi không giúp đỡ đất nước của chúng con. Đây cũng là sự thật trong việc tiếp
nhận những người Ukraina.
Đức Thánh Cha: Đúng thế: di dân là vấn đề của Châu Âu.
Nhiều quốc gia chưa sẵn sàng để đón nhận hiệp ước. Cha hiểu điều này không dễ đối
với Ý, đảo Síp, Malta, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Họ là những quốc gia đón nhận di
dân vì những nước này là những bến cảng đầu tiên, nhưng sau đó Châu Âu phải đảm
nhận. Ở Châu Âu, chúng ta phải tiến tới việc tôn trọng quyền con người nhằm loại
ra thứ văn hoá vứt bỏ và trù dập. Chúng ta cũng phải tránh đưa ra việc hợp thức
hoá trong việc bắt tay với những thứ quyền bính luôn luôn có, ngay cả trong những
cuộc gặp gỡ và tụ họp.
Trên máy bay người ta đưa cho cha bức vẽ của cậu
bé Daniel, cậu vẽ lên nỗi đau đớn của mình khi cậu đang đuối nước và muốn cứu
người bạn của mình đang chìm. Cha viết lời giới thiệu một cuốn sách tên
Hermanito (Little Brother), cuốn sách xuất bản năm ngoái. Đó là câu chuyện về một
người anh lớn đã rời bỏ Guinea (một quốc gia thuộc Tây Phi) để tìm kiếm người
em của mình. Câu chuyện này giúp chúng ta hiểu được thế nào là vượt qua sa mạc,
việc di cư của những người di dân, sự tù đày, tra tấn, hành trình vượt biển…Và
với anh, cám ơn anh về những điều không nói lên lời. Những điều chúng ta đang
nói về một trong những nỗi xấu hổ của nhân loại khi đề cập đến những chính sách
của các quốc gia.
Hỏi: Nếu
có lửa ở phòng kế bên chúng ta phải làm gì? Liệu chúng ta vẫn ở đó và tiếp tục
buổi tọa đàm của chúng ta? Nó là một hình ảnh: một điều tương tự xảy ra trên thế
giới chúng ta về sự biến đổi khí hậu. Thế giới đang cháy và chúng ta đứng yên.
Làm sao để cha nối kết giữa Phúc Âm hoá và sự biến đổi khí hậu?
Đức Thánh Cha: Đúng vậy, hãy làm việc gì với điều này.
Không bận tâm đến sự biến đổi khí hậu là tội chống lại tạo vật là quà tặng của
Chúa. Với cha, nó là hình thức của chủ nghĩa ngoại giáo: đó là việc dùng những
gì Chúa trao ban cho chúng ta vì vinh quang và ca tụng ngài như thể chúng là một
ngẫu tượng. Không chăm lo cho tạo vật thì chẳng khác gì là ngẫu tượng hoá
chúng, giảm thiểu chúng xuống thành ngẫu tượng, tách chúng ta khỏi quà tặng của
tạo thành. Theo nghĩa này, chăm lo cho ngôi nhà chung của chúng ta đã là “Phúc
Âm hoá” rồi. Và nó là việc cấp bách. Nếu mọi sự cứ tiến triển như thế này, con
cái chúng ta sẽ không còn có thể sống trên hành tinh của chúng ta nữa.
Hỏi: Giờ
cũng đã trễ và cha phải đi. Con sẽ hỏi cha một câu hỏi nhanh: đâu là những an ủi
và sầu khổ của cha, hoặc những sự thất vọng, về tiến trình hiệp hành.
Đức Thánh Cha: Có những an ủi và những thất vọng. Cha chỉ
đưa ra cho anh một ví dụ thôi: những phần đầu tiên của Thượng Hội Đồng về tình
hình ở Amazon có nhiều tập trung về vấn đề các linh mục có gia đình. Sau đó
Chúa Thánh Thần cũng cho chúng tôi hiểu rằng nhiều vấn đề khác đã bị bỏ qua:
các giáo lý viên, các phó tế vĩnh viễn, chủng sinh bản địa, các linh mục đến từ
các giáo phận khác hay được chuyển đổi ngay trong cùng một giáo phận. Tất cả những
điều này đã được trải nghiệm ngay giữa những an ủi và những thất vọng. Đây là
năng động thiêng liêng của Thượng Hội Đồng.
Kết thúc buổi gặp gỡ kéo dài khoảng 40 phút, Đức
Phanxicô mời gọi các tu sĩ cùng đọc kinh Kính Mừng. Sau đó Ngài ban phép lành
cho những người hiện diện, chào mọi người và xin mọi người cầu nguyện cho mình,
và trao cho mỗi người món quà là chàng chuỗi Mân Côi.
Vũ Duy Cường
SJ
Chuyển ngữ
từ: laciviltacattolica.com (15.4.2022)
[1] https://www.laciviltacattolica.com/what-is-the-churchs-vocation-pope-francis-in-conversation-with-the-maltese-jesuits/
[3] Cha khuyên hãy cầu nguyện bằng lời kinh do
Thánh Thomas More soạn thảo: “Lạy Chúa,
xin ban cho con một hệ tiêu hóa tốt, và cũng xin ban cho con một món gì đó để
tiêu hóa. Xin ban cho con sức khỏe thể lý, với những giác quan cần thiết để
lãnh nhận chúng một cách tốt nhất trong mức độ bao nhiêu có thể. Lạy Chúa, xin
ban cho con một tấm lòng thánh thiện biết luôn lưu tâm đến những gì tốt lành và
tinh tuyền, để nó không cảm thấy hoảng hốt khi phát hiện ra những tội lỗi,
nhưng tìm ra phương cách để đưa mọi sự trở lại trật tự. Xin ban cho con một tâm
hồn luôn xa lạ với sự nhàm chán, không biết gì tới sự càu nhàu, cũng không biết
tới sự thở vắn than dài, và đừng để con phải bận tâm quá nhiều đến việc mở rộng
điều được gọi là “Cái Tôi”. Lạy Chúa, xin ban cho con một cách nghĩ hài hước,
xin ban ơn cho con hiểu được một lời nói đùa, để con biết được một chút hạnh
phúc trong cuộc sống và chia sẻ nó với người khác” (Dịch giả chú thích).
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com