Truyền thông, nếu sử dụng tốt, chúng ta sẽ nối kết nhau và lan tỏa bao vẻ đẹp. Thi thoảng, lướt trên mạng xã hội, tôi dễ bắt gặp những hình ảnh như đám cưới ở quê dựng rạp, trang trí bằng lá dừa nước; mấy đứa trẻ con chạy ngoài đồng thả diều; chiếc đò dọc với hai hàng khách đông đúc hay căn nhà lá dột mưa lõm chõm, dưới đất được để mấy thau chậu, hứng nước… Tất cả gợi nhớ về một thời đã qua! Thời ấy, nói xa không xa mà gần cũng chẳng. Bởi lẽ chưa đi qua hết một thế hệ. Những năm 90 thế kỷ trước hay năm 2000, thậm chí tới cả bây giờ, ở một số gia đình nơi xa xôi, vẫn còn thấy cảnh xơ xác, lạc hậu, dẫu ít. Nghèo đói luôn là bài toán của thời đại. Những hình ảnh ấy được chụp cách chân thực bằng những thước phim, ảnh mà nay đã úa màu.
Trên những trang mạng, nhiều người lập các hội nhóm tìm đồng hương và nơi đó, họ còn có thể… tìm lại những điều xưa cũ. Thời đại ngày nay là thời kinh tế, công nghệ phát triển vượt bậc. Cuộc sống có phần khấm khá hơn. Người ta không chỉ lo ăn no mặc ấm mà còn hướng tới ăn ngon mặc đẹp. Và còn nhiều yếu tố nữa. Những thứ đồ dùng phải sang trọng, đẳng cấp. Dĩ nhiên xã hội phát triển là điều đáng mừng của mọi quốc gia. Song, sống trong buổi tiện nghi sẽ có lúc người ta thèm những điều bình dị trong ký ức, nhất là với những người sinh ra từ làng bản mộc mạc. Ðó là một buổi trưa hè đi làm đồng, năm bảy người ngồi dưới bóng tre cùng ăn cơm, hái dừa uống. Ðó là khi tới mùa nước nổi, đàn ông chèo xuồng giăng cá, bốn bên bờ cõi thành trận địa nước mênh mông. Những người phụ nữ ở nhà chờ chồng mang tôm cá về làm mắm. Trẻ nhỏ thỏa chí lội sông. Phút thảnh thơi dôi ra, mấy chú, mấy bác kiếm vài trái ổi, con khô, xị rượu…
Nhắc lại chuyện cũ, cảnh cũ sẽ có người ám ảnh. Ám ảnh cũng dễ hiểu. Bởi khi cái nghèo vận vào người quá lâu chẳng chịu buông bỏ, dứt được nó là điều thầm mong của cả kiếp người. Nhưng sống trong cái nghèo, cũng có những nét văn hóa đậm đà. Tôi nhớ có lần đưa cho mẹ xem những tấm hình trên mạng chụp cảnh cũ, nếp xưa, bà thảng thốt. Ðôi khi mẹ bảo nhớ thời con gái đi ruộng cấy lúa với bà. Lúc lập gia đình riêng, cha mẹ vẫn làm ruộng, nghèo khổ. Bây giờ, cuộc sống đổi khác, bà biết ơn quá khứ chông chênh đã thách đố để cố gắng vươn dậy. Có lẽ vì từng sống trong cái nghèo nên với người hoàn cảnh khó khăn hơn, mẹ luôn sẵn lòng giúp đỡ, luôn tôn trọng họ. Món quà ở quê có khi là nải chuối chín hay nửa ký đường. Mẹ tham gia hội đoàn trong xóm đạo, dành dụm tiền bỏ heo đất, nhà ai có chuyện không may, lại cùng các chị em đi thăm, chia sẻ…
Nông thôn ngày nay khoác lên mình chiếc áo mới. Ðường nhựa bằng phẳng. Xe lớn, xe nhỏ chạy nhộn nhịp. Gần đây, mẹ biết xài facebook. Sau một ngày mệt nhọc, buổi tối, nằm trên võng, mẹ bật xem chuyện bốn phương, thấy hình ảnh hài hước, lại đưa cha cùng xem. Cả hai bật cười. Tôi về nhà, chọn cho mẹ một số trang hay, có giá trị để tham gia, theo dõi, nhất là những hội nhóm lưu giữ hương vị ngày xưa của đồng bằng. Trong những bức hình mang cả dáng dấp mẹ thời son trẻ, cần lao!
ANH NGUYÊN
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com