Mầu nhiệm thứ Ba trong năm Sự Sáng khá rộng lớn: “Kêu gọi hoán cải và công bố Triều Đại Thiên Chúa.” Toàn bộ lời rao giảng của Chúa Giêsu trong ba năm là “công bố Triều Đại Thiên Chúa”. Chúng ta cũng có thể đề cập đến bản chất lời giảng dạy của Chúa Giêsu.
Tại sao Con Thiên Chúa lại trở thành người? Chúng ta trả lời câu hỏi đó vào mỗi Chúa Nhật trong Lời Tuyên Xưng Đức Tin: “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Ngài đã từ trời xuống thế.”
“Để cứu rỗi chúng ta.” Con Thiên Chúa đã trở thành con người vì con người đã mất đi mối tương quan với Thiên Chúa, con người nếu muốn trở nên công chính thì phải khôi phục lại mối tương quan đó, nhưng trong thực tế con người không có khả năng làm như vậy. Thiên Chúa có thể để mặc con người trong tình trạng đáng thương của họ. Nhưng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” để cứu chúng ta (Gioan 3:16).
Và khi Chúa Giêsu bắt đầu ba năm rao giảng công khai, mệnh lệnh đầu tiên được thốt ra từ miệng Ngài là “Hãy sám hối!” “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!” (Máccô 1:15).
Lời kêu gọi sám hối là “Tin Mừng” của sách Phúc Âm. Lời kêu gọi sám hối là cách Thiên Chúa “đón chào” con người. “Có điều gì đó rất sai trái nơi con mà con không thể sửa chữa được. Ta sẽ làm mọi thứ có thể để chữa lành con, nhưng có một điều Ta không thể làm. Chỉ có con mới có thể muốn thay đổi mọi thứ. Chỉ có con mới có thể muốn từ bỏ tội lỗi. Chỉ có con mới có thể sám hối.”
Sứ điệp của Chúa Kitô là Tin Mừng là thước đo của chúng ta. Chúng ta không phải là thước đo của Tin Mừng.
Điều này có phải là “tiêu cực” không? Điều này có phải là một thông điệp “không mời mà đến” không? Chỉ những người hời hợt với cảm xúc của họ mới nghĩ như vậy. Nhưng mọi người đều nhận ra có điều gì đó không ổn, điều gì đó họ cần, điều gì đó họ không thể sửa chữa, miễn là họ dừng lại đủ lâu để tự xét mình.
Thiên Chúa cũng nhận ra rằng có điều gì đó sai trái nơi con người, điều gì đó mà con người cần, điều gì đó mà con người không thể sửa chữa. Và Thiên Chúa muốn làm cho điều đó trở thành đúng, đáp ứng nhu cầu của con người như Ngài đã đổ đầy các chum nước của Cana bằng rượu ngon nhất, sửa chữa những gì bị đổ vỡ.
Nhưng ngay cả Thiên Chúa cũng không thể xóa bỏ những tội lỗi mà người ta muốn giữ lại. Tại sao? Bởi vì ngay cả Thiên Chúa cũng không thể khiến người ta yêu Ngài hay biến những gì không phải là tình yêu trở thành “tình yêu”. Khi làm những điều như thế, bạn muốn một nhà ảo thuật lừa gạt bạn, chứ không phải muốn Thiên Chúa, vốn LÀ Tình yêu (1Gioan 4:8).
Đó là cốt lõi của mầu nhiệm thứ Ba trong năm Sự Sáng: lời kêu gọi hoán cải. Đó là lời kêu gọi mà chúng ta được kêu mời đáp lại. Đó là lời kêu gọi mà chúng ta có thể chối từ. Và đó là lời kêu gọi vốn là ơn gọi suốt đời.
Phép rửa là bí tích cơ bản của sự hoán cải. Sự hoán cải bao gồm hai điều: quay về với Thiên Chúa và từ bỏ bất cứ ngẫu tượng nào mà chúng ta đặt vào vị trí của Thiên Chúa. Những ngẫu tượng đó thường là những tội lỗi mà chúng ta ưa thích nhất. Nhưng, giống như một đồng xu hai mặt, chúng ta không thể làm điều này mà không có điều kia: chúng ta không thể quay về với Thiên Chúa mà không từ bỏ tội lỗi. Phép rửa là sự hoán cải cơ bản đó, đánh dấu chúng ta vĩnh viễn thuộc về Chúa Kitô. Ngay cả khi sau đó chúng ta từ chối Ngài, vì phép rửa không tước đi ý chí tự do, chúng ta vẫn được ghi dấu ấn của Chúa Kitô. Và chúng ta sẽ mang ấn tín của Ngài mãi mãi: trong vinh quang trên thiên đàng hoặc trong ô nhục dưới hỏa ngục.
Phép rửa là sự chuyển hướng cơ bản từ tội lỗi sang ân sủng. Nhưng sự hoán cải là một quá trình liên tục, vì Thiên Chúa mời gọi chúng ta “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mátthêu 5:48). Và vì chúng ta sẽ không bao giờ hoàn thiện như Thiên Chúa, nên luôn có chỗ cho chúng ta lớn lên trong sự thánh thiện.
Chúng ta nói: “Nhưng tôi không bao giờ có thể giống như Thiên Chúa, vậy thì tại sao phải bận tâm?” Vâng, nếu chúng ta nói với người mà chúng ta yêu thương rằng, “Anh yêu em, thế là đủ rồi chứ?” chúng ta có nghĩ rằng phản ứng của người đó sẽ là, “Tuyệt vời, anh ấy đã đạt đến đỉnh cao của tình yêu!” Không phải thế, người đó sẽ nhận ra rằng nếu một người không lớn lên trong tình yêu, người đó sẽ thụt lùi khỏi tình yêu. Không có lúc nào là đứng yên một chỗ, không có chuyện “thế là đủ rồi” trong tình yêu. Cũng không có chuyện “thế là đủ rồi” trong việc hoán cải.
Và đôi khi, chúng ta có thể thực sự sa ngã, thực sự mất đi tình yêu và ân sủng. Thiên Chúa, trong tình yêu của Ngài, không bỏ rơi chúng ta. Đó là lý do tại sao Ngài ban cho chúng ta bí tích Giải tội. Giáo hội gọi đó là “tấm ván sau vụ đắm tàu tội lỗi”. Theo giáo lý Công giáo, đối với một người phạm tội trọng sau khi chịu phép rửa tội, thì bí tích Giải tội cũng cần thiết đối với người đó như phép rửa tội đã từng là điều cần thiết cho họ.
Vì vậy, việc hoán cải không bao giờ là một nhiệm vụ “một lần là xong”. Lời kêu gọi hoán cải là điều liên tục trong đời sống Kitô hữu, vì việc bước vào Nước Trời đòi hỏi tình yêu, và tình yêu thì vừa năng động vừa vô hạn.
Một khi chúng ta hiểu được điều đó, chúng ta có thể suy ngẫm về những cách mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta vào Nước của Ngài. Chúng ta có thể suy ngẫm về sự nhẫn nại đầy yêu thương và sự sửa dạy đầy tình phụ tử của Thiên Chúa. Chúng ta có thể kinh ngạc về “Vương quyền” của Thiên Chúa như thế nào, nó khác với cách mà “thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân” và lý do tại sao “giữa anh em thì không được như vậy” (Mátthêu 20:25-26).
Nhưng tất cả những suy tư của chúng ta về Nước Chúa, về Tình yêu và lòng thương xót của Ngài, và về thiên đàng phải luôn quay trở lại với nhận thức về những gì chúng ta đã được cứu khỏi đó. Chúng ta phải liên tục quay trở lại và củng cố đoan hứa hoán cải của chúng ta. Và chúng ta phải làm như vậy với sự tỉnh táo vì, như thánh Phaolô cảnh báo, chúng ta “hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ” (Philíp 2:12-13). Chúng ta cần điều đó không phải vì Thiên Chúa không trung tín mà vì chúng ta hay thay đổi và vì “ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Phêrô 5:8-10).
Làm thế nào để mô tả mầu nhiệm hôm nay trong nghệ thuật thánh? Tất nhiên, có nhiều bức tranh về những lời giảng dạy cụ thể của Chúa Giêsu về Nước Trời, nhưng lời kêu gọi hoán cải thì trừu tượng hơn. Tôi đã chọn bức tranh thế kỷ 17 của Ottavio Vanini, “Thánh Gioan Tẩy Giả chỉ Chúa Kitô cho Thánh Anrê”.
Ottavio Vanini, “Thánh Gioan Tẩy giả chỉ Chúa Kitô cho Thánh Anrê,” Thế kỷ 17 (ảnh: Public Domain)
Tôi chọn bức tranh đó vì một số lý do:
Sứ điệp của Gioan là Tiền Hô cho Chúa Giêsu: giống như Chúa Giêsu, Gioan rao giảng và kêu gọi sám hối. Những người chấp nhận phép rửa của Gioan đã làm như vậy như một dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng sám hối.
Cảnh này xảy ra vào thời điểm bắt đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Gioan vừa mới làm phép rửa cho Chúa Giêsu và nhận ra Ngài là Đấng Kitô, nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Gioan ngay lập tức tuyên xưng Chúa Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Gioan 1:29). Lời tuyên xưng của Gioan cho thấy Chúa Giêsu là ai và sứ mệnh của Ngài là gì. Sứ mệnh cốt lõi của Chúa Giêsu là “xoá bỏ tội trần gian”. Lưu ý rằng, trong bức tranh, khi Gioan chỉ vào Chúa Giêsu, Vanini mô tả hào quang của Chúa Kitô dưới dạng cây thánh giá: theo Chúa Kitô bao gồm việc đi theo con đường Thập giá.
“Chiên Thiên Chúa” này là ai? Tại sao Gioan lại dùng danh hiệu đó thay vì, chẳng hạn, “Đấng Kitô” hay “Đấng Mêsia?” Đó là một sự ám chỉ cố ý đến Chiên Con Vượt Qua. Chiên Con đó đã bị hiến tế. Máu của Ngài, được bôi lên các cột cửa của người Do Thái ở Ai cập, đã cứu họ khỏi tai họa đứa con đầu lòng bị giết chết và khởi động việc giải phóng họ khỏi vùng đất Ai cập (Xuất hành 12:12-13). Kitô giáo luôn coi Chiên Con Vượt Qua là hình ảnh báo trước về “Chiên Thiên Chúa” đích thực bị giết trên đồi Canvê, “đã lấy máu mình thánh hiến cửa nhà người tín hữu” (bài công bố Tin mừng Phục Sinh Exsultet- Mừng vui lên - trong Thánh lễ vọng Phục sinh).
Gioan lặp lại cũng một căn tính đó với Anrê: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Gioan 1:35). Gioan đặt mình sang một bên để chỉ cho Anrê, lúc đó là môn đệ của ông, Đấng đã đến và lớn hơn ông. Và kết quả là các môn đệ của Gioan “nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu” (Gioan 1: 37).
Đó là căn tính của Chúa Giêsu và sứ điệp tiếp đón của Ngài. Trong Gioan (1:35-51), chúng ta thấy ngay năm môn đệ đi theo Chúa Giêsu và Ngài mời họ “đến mà xem”.
Nhận thức được tội lỗi của mình có thể khiến một số người nản lòng. Nhưng sứ điệp của Kitô giáo không phải nói về tội lỗi mà là chữa lành khỏi tội lỗi bằng cách đối mặt với sự thật về tình trạng tội lỗi của chúng ta. Đó là lời kêu gọi hoán cải và là điều kiện tiên quyết để bước vào Nước Thiên đàng. Đó là cốt tủy của mầu nhiệm này.
Để biết thêm về bức tranh này, hãy xem tại đây:
https://www.pottypadre.com/the-pointer/
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: ncregister.com (21/01/2024)
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com