Vatican News Tiếng Việt
Vatican News (05.6.2022) – Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Thánh Cha suy tư về hai hành động của Chúa Thánh Thần - dạy và nhắc nhớ cho các tông đồ những lời của Chúa Giêsu - như Chúa đã hứa. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, đặc biệt là trước những thời khắc quan trọng.
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, Lễ trọng Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta cử hành việc Chúa Thánh Thần được ban xuống trên các Tông đồ, diễn ra năm mươi ngày sau Lễ Phục sinh. Chúa Giêsu đã hứa điều đó nhiều lần. Trong Phụng vụ hôm nay, Tin Mừng ghi lại một trong những lời hứa này, khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Người sẽ dạy anh em mọi sự và nhắc nhớ anh em tất cả những gì Thầy đã nói với anh em" (Ga 14,26). Đây là những gì Chúa Thánh Thần làm: dạy và nhắc nhớ chúng ta những gì Chúa Kitô đã nói. Chúng ta hãy suy tư về hai hành động này, dạy dỗ và nhắc nhớ, vì đây là cách Người đưa Phúc Âm của Chúa Giêsu vào trong lòng chúng ta.
Trước hết, Chúa Thánh Thần dạy dỗ. Bằng cách này, Người giúp chúng ta vượt qua một trở ngại nảy sinh trong kinh nghiệm đức tin: đó là khoảng cách. Thật vậy, có thể nảy sinh nỗi nghi ngờ rằng giữa Tin Mừng và đời thường có rất nhiều khoảng cách: Chúa Giêsu đã sống cách đây hai ngàn năm, họ thuộc về những thời điểm khác, những hoàn cảnh khác, và do đó Tin Mừng, với các nhu cầu của và các vấn đề của mình, có vẻ lỗi thời, không phù hợp để nói về thời đại của chúng ta ngày nay, với những câu hỏi và vấn đề của nó. Câu hỏi này cũng đến với chúng ta: Tin Mừng có thể nói gì trong thời đại internet và toàn cầu hóa? Lời của Tin Mừng có thể có tác động nào?
Chúa Thánh Thần là một chuyên gia trong việc nối kết các khoảng cách, dạy chúng ta vượt qua chúng. Chính Người kết nối giáo huấn của Chúa Giêsu với mọi thời đại và mọi người. Với Người, những lời của Đức Kitô ngày nay trở nên sống động! Đúng vậy, Chúa Thánh Thần làm cho những lời này trở nên sống động cho chúng ta: qua Sách Thánh, Người nói với chúng ta và hướng dẫn chúng ta trong hiện tại. Người không sợ các thế kỷ trôi qua; trái lại, Người giúp các tín hữu chú ý đến những vấn đề và sự kiện của thời đại họ. Thật vậy, khi dạy dỗ, Chúa Thánh Thần hiện thực hoá: Người luôn giữ cho đức tin luôn tươi trẻ. Chúng ta có nguy cơ biến niềm tin thành một thứ của viện bảo tàng, nhưng Người đặt nó theo bước thời đại. Bởi vì Chúa Thánh Thần không dính với các thời đại hay cách thức đã qua đi, nhưng mang thực tại của Chúa Giêsu, đã sống lại và đang sống, vào thế giới hôm nay.
Chúa Thánh Thần làm điều này như thế nào? Người làm cho chúng ta nhớ. Đây là động từ thứ hai, nhắc lại, nghĩa là mang lại vào trái tim: Chúa Thánh Thần mang Phúc Âm trở lại trái tim chúng ta. Điều đó xảy ra như đối với các Tông đồ: các ngài đã lắng nghe Chúa Giêsu nhiều lần, nhưng hiểu rất ít về Ngài. Nhưng từ Lễ Ngũ Tuần trở đi, với Chúa Thánh Thần, các ngài nhớ và hiểu. Các ngài đón nhận những lời của Người như được dành đặc biệt cho họ và chuyển từ kiến thức bên ngoài sang mối quan hệ sống động, xác tín, vui vẻ với Chúa. Chính Chúa Thánh Thần làm điều này, làm cho từ "nghe nói" chuyển thành sự hiểu biết cá nhân về Chúa Giêsu, điều đi vào tâm hồn. Vì vậy, Chúa Thánh Thần thay đổi cuộc sống của chúng ta: Người làm cho tư tưởng của Chúa Giêsu trở thành tư tưởng của chúng ta. Và Người làm điều này bằng cách nhắc chúng ta nhớ lời của Chúa.
Thưa anh chị em, nếu không có Chúa Thánh Thần nhắc nhớ chúng ta về Chúa Giêsu, thì đức tin trở nên lãng quên. Và chúng ta - chúng ta thử tự hỏi mình - chúng ta có phải là những Kitô hữu hay quên không? Có thể là chỉ cần một sự mâu thuẫn, một vất vả mệt mỏi, một khủng hoảng đủ để quên đi tình yêu của Chúa Giêsu và rơi vào nghi ngờ và sợ hãi? Biện pháp khắc phục là cầu khẩn Chúa Thánh Thần. Hãy làm điều đó thường xuyên, đặc biệt là trong những thời điểm quan trọng, trước những quyết định khó khăn. Chúng ta hãy cầm lấy Phúc Âm trong tay và cầu khẩn Chúa Thánh Thần. Chúng ta có thể nói như thế này: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy nhắc con về Chúa Giêsu, hãy soi sáng lòng con”. Sau đó, chúng ta hãy mở Phúc âm và đọc một đoạn ngắn, chậm rãi. Và Chúa Thánh Thần sẽ làm cho lời Phúc Âm nói với cuộc sống của chúng ta.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, khơi dậy trong chúng ta lòng khao khát cầu nguyện với Người và đón nhận Lời Chúa.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com