Có con bắt đầu đến tuổi vào mẫu giáo, nhiều phụ huynh thường nghĩ đến những trường do các nữ tu phụ trách…
![]() |
Cô Mỹ Linh và các bạn lớp Chồi trong lễ hội xuân 2020 |
Con đi học “trường sơ”
Mỗi buổi sáng, trường Mầm non Hồng Nhi (Q. Bình Thạnh) do dòng Mến Thánh Giá Nha Trang phụ trách, lại ồn ã tiếng xe, tiếng chào hỏi, tiếng nói chuyện của phụ huynh đưa con đến trường, có cả tiếng khóc của trẻ, hòa cùng tiếng nhạc vang lên rộn ràng. Phụ huynh trực tiếp đến quan sát từ sân chơi, cơ sở vật chất, chương trình giáo dục, học phí, nhưng điều được họ quan tâm nhất là những cảm nhận khi tiếp xúc với các nữ tu. Chị Nguyễn Thanh Thùy, phụ huynh cháu Linh Ðan (lớp Bé) cho biết: “Trường rất sạch sẽ. Cô giáo thân thiện, ân cần với phụ huynh, nhiệt tình với các bé. Tôi cảm thấy an toàn, yên tâm nên gởi con đến học”. Một phụ huynh khác, chị Phạm Thị Thanh Trúc có ba người con, đều lần lượt gởi ở “trường sơ”. Chị bày tỏ: “Các nữ tu dạy bé biết tự lập, không dựa dẫm, biết viết, biết đọc và hiểu ý người khác. Gởi cả ba đứa con vào trường sơ, tôi rất yên tâm và tin tưởng”. Các bậc cha mẹ luôn muốn tìm một môi trường không những có cơ sở vật chất tốt mà còn quan tâm tới năng lực, phẩm chất của giáo viên.
Ngoài những yếu tố nêu trên, còn một điều làm trường có các sơ là giáo viên rất được tin tưởng: “Các nữ tu không bị áp lực về kinh tế, gia đình, lại có trái tim yêu thương nên sẽ dốc tâm giáo dục con trẻ”, chị Lưu Việt Vũ (40 tuổi), phụ huynh bé Nguyễn Chí Thiện (lớp Chồi) chia sẻ.
Biết tên học trò lớp khác
Ðể tạo được niềm tin là một quá trình nỗ lực và cố gắng không ngừng của tập thể giáo viên, và hơn thế nữa, đó là cả hành trình giáo dục bằng tấm lòng và tình yêu của sơ dành cho trẻ. Một ngày làm việc của cô giáo mầm non kéo dài từ 9 đến 10 tiếng. Cụ thể, 6 giờ sáng, các sơ lên lớp, làm vệ sinh hành lang, sàn nhà, tưới cây, chuẩn bị bàn cho bé ăn sáng. Tới 6 giờ 30, các sơ ăn sáng nhanh chóng rồi lên lớp đón bé và bắt đầu dạy học. Ngày làm việc kết thúc vào lúc 16 giờ.
Cô giáo quán xuyến mọi việc: Pha sữa, lo cho bé ăn, bé ngủ, dọn dẹp, vệ sinh, lên tiết dạy học… và tối về soạn giáo án, chuẩn bị đồ dùng dạy học cho ngày mai. Với đòi hỏi của công việc, các nữ tu có rất ít thời gian để ăn sáng và ăn trưa, còn bữa tối có nhiều thời gian hơn một chút thì cũng tràn đầy hình ảnh và những câu chuyện về các học trò nhỏ, những tình huống xảy ra trong ngày, những câu nói, hành động của bé luôn được các cô “phát lại” trong bữa ăn. Sơ Phan Thị Sinh hào hứng kể lại những câu nói ngây ngô của trẻ: “Tại sao lá lại tô màu xanh? Sao cô không mặc váy giống mẹ con? Cô kia đeo kiếng mà sao cô không đeo? Tại sao mặt trời màu đỏ?” làm mọi người giòn tan.
Những câu chuyện về các bé cứ kéo dài từ sơ này sang sơ khác, nhiều nữ tu còn diễn lại những tình huống của học trò làm ai cũng được một phen cười vui vẻ, thoải mái, quên cả mệt nhọc. Chính những khoảnh khắc này đã gắn kết các cô giáo lại với nhau và giúp mọi người biết rõ về học sinh trong trường mình. Nên nhiều phụ huynh thấy lạ là con không học lớp của sơ này nhưng sơ vẫn biết tên con mình và thân thiện như học trò của sơ chủ nhiệm.
![]() |
Giáo dục trẻ với các nữ tu không chỉ là nghề nghiệp mà còn là sứ mạng |
Yêu thương và yêu thương
Quan sát cách các nữ tu vui đùa bên học trò, tận tụy hướng dẫn bé từng con chữ, từng kỹ năng, kiên nhẫn khi trẻ không làm theo ý mình, đều thấy tình yêu dành cho con trẻ. Giáo dục mầm non là một công việc cần sự dấn thân, ngoài chuyên môn, còn cần tình yêu.
Với bé 2 tuổi, chưa từng rời xa vòng tay yêu thương của cha mẹ, khi tới trường, tiếp xúc với môi trường mới, bé sẽ hay khóc. Có những bé bị bệnh, nhưng ba mẹ vì công việc đành gởi bé cho sơ. Các sơ phải quan tâm tới bé cách đặc biệt hơn, cho bé uống sữa, uống thuốc đúng giờ, liều lượng như ba mẹ bé dặn dò, và vẫn chăm lo chu đáo cho những bé khác trong lớp. Những lúc như vậy cần phải có tình yêu rất lớn. Sơ Phạm Thanh Thúy bộc bạch: “Khi mới đi học, bé khóc ghê lắm. Còn khi bị bệnh, bé quấy, khóc nhè suốt. Những lúc như thế nếu không có tình yêu trẻ thì sẽ rất dễ nản”.
Mỗi độ tuổi, mỗi giai đoạn của bé gắn liền với những đặc điểm tâm lý và chương trình học riêng. Bé sẽ có những biểu hiện tâm lý khác nhau tùy theo lứa tuổi. Cô giáo biết, hiểu, đồng cảm và yêu quý mới giáo dục bé tốt: “Lớp Mầm, bé 3 tuổi rất thích làm theo ý riêng, bướng bỉnh. Mình nói một đàng, bé làm một nẻo. Mình phải kiên nhẫn vì bé đang giai đoạn khủng hoảng tuổi lên ba, nếu không dễ nổi nóng lắm”, sơ Nguyễn Thảo Sương giải thích.
Ðể dạy dỗ, uốn nắn một em bé không phải đơn giản. Các em mầm non như tờ giấy trắng, các cô sẽ là người dạy những chữ cái, những kỹ năng đầu tiên, phải trang bị cho bé đủ kiến thức để phát triển tốt.
Nhung Nguyễn
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com