KHI NÀO BỎ QUA HÀNH ĐỘNG THỐNG HỐI VÀ KINH THƯƠNG XÓT TRONG THÁNH LỄ?
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
WHĐ (14.9.2022) - Chúng ta thỉnh
thoảng bị lúng túng trong một số cử hành phụng vụ khi không biết rõ trường hợp
nào thì chỉ bỏ qua “Hành Động Thống Hối” mà vẫn đọc/hát “Kinh Thương Xót” và
trong trường hợp nào thì bỏ qua cả hai cử hành này?
I. MẤU CHỐT CỦA VẤN ĐỀ
Mấu chốt của vấn đề và lý do nảy
sinh sự lúng túng trên đây là ở chỗ: nhiều người có thể hiểu lầm rằng Kinh “Lạy
Chúa, Xin Thương Xót” (tạm gọi tắt là “Kinh Thương Xót”) nằm trong hoặc là thuộc
về phần Hành Động Thống Hối/Nghi Thức Thống Hối.
Thật ra, Quy chế Tổng quát Sách lễ Rô-ma [tại các số 46, 51-52, 125, 258] và
Sách Lễ Nghi Giám Mục [số 255] đã mô
tả cách rõ ràng Kinh Thương Xót bao gồm vừa lời tung hô (Kyrie/Lạy Chúa)[1] vừa lời kêu cầu lòng thương
xót của Chúa (eleison/xin thương xót);
nó không phải là Hành Động Thống Hối (actus
penitentialis) hay là thành phần của Hành Động Thống Hối nhưng chỉ là được
ghép/đặt trong bối cảnh thống hối. Chỉ một lần duy nhất Kinh Thương Xót thuộc thành phần của Nghi Thức Thống Hối/Hành
Động Thống Hối là khi vị tư tế chọn cử hành theo Công Thức/Mẫu Sám Hối thứ III:[2] “Lạy Chúa Kitô, Chúa đã được sai đến để cứu chữa những tâm hồn sám hối (x.
Is 61,1)/Xin Chúa thương xót chúng con” – “Lạy
Chúa Kitô, Chúa đã đến trần gian để kêu gọi những người tội lỗi (Mt 9,13;
Lc 5,32)/Xin Chúa Kitô thương xót chúng
con” – “Lạy Chúa, Chúa ngự bên hữu Chúa Cha để chuyển cầu cho chúng con (Rm
8,34; Hr 7,25)/Xin Chúa thương xót chúng
con”.[3]
Như vậy, mặc dầu cả Kinh Thương Xót và
Hành Động Thống Hối đều thuộc về Nghi Thức Đầu Lễ và có tương quan sát sao với
nhau nhưng Kinh Thương Xót thật ra vẫn
là phần tách biệt khỏi Hành Động Thống Hối ngoại trừ trong Mẫu Thống Hối thứ
III. Sự gắn kết và tách biệt này sẽ dẫn đến những trường hợp cụ thể mà Hội
Thánh đề nghị chúng ta bỏ cử hành phần này hay phần kia hoặc là không cử hành cả
hai như trình bày dưới đây:
II. KHÔNG CỬ HÀNH HÀNH ĐỘNG THỐNG HỐI NHƯNG TÙY NGHI VẪN HÁT/ĐỌC KINH
THƯƠNG XÓT HOẶC BỎ LUÔN KINH THƯƠNG XÓT
Những trường hợp dưới đây, chữ đỏ
hướng dẫn khá giống nhau, đó là bỏ qua Hành Động Thống Hối, và tùy nghi, thì bỏ
qua cả Kinh Thương Xót nữa.
1. Thánh Lễ với nghi thức tiếp đón Đức Giám mục tại nhà thờ chính tòa của
ngài[4]
và Thánh Lễ với nghi thức trao dây Pallium[5]
Đối với 2 trường hợp này, chúng
ta bỏ qua cử hành Hành Động Thống Hối là vì: (1) việc tiếp đón Đức Giám mục diễn
ra; (2) theo mẫu của phụng vụ Rôma, nếu ở phần đầu của Thánh Lễ có những yếu tố
khác thường thêm vào, Hành Động Thống Hối sẽ được bỏ qua. Chúng ta cũng có thể
tùy nghi bỏ qua cả Kinh Thương Xót nữa bởi vì ở đây có nghi thức Đức Giám mục rảy
nước thánh khi ngài được chào đón vào nhà thờ của mình[6]
cũng như do nghi thức tiếp đón diễn ra khá dài.
2. Thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro
Đối với trường hợp này, (1) thứ
nhất, chúng ta bỏ qua Hành Động Thống Hối vì Sách Lễ Rôma đã ghi rõ: “Bỏ
Nghi Thức Sám Hối, thay thế vào đó sẽ có nghi thức xức tro”;[7] (2) thứ hai, chúng ta bỏ
Hành Động Thống Hối và tùy nghi bỏ luôn cả Kinh Thương Xót nếu có tổ chức đi rước
với hình thức tập họp truyền thống của Giáo Hội địa phương theo kiểu “trạm cử
hành" Rôma (điều này hiếm xảy ra tại VN). Cụ thể, Sách lễ Rôma hướng dẫn như sau: “Sau khi chào dân chúng, linh mục đọc Lời Nguyện Nhập Lễ về mầu nhiệm
Thánh giá hoặc xin ơn tha tội, hoặc cầu cho Hội Thánh, đặc biệt là Hội Thánh địa
phương hay đọc một trong những lời cầu nguyện trên dân chúng. Sau đó bắt đầu rước
đến nhà thờ cử hành, đang khi rước đọc Kinh Cầu Các Thánh, trong đó có thể thêm
vào những chỗ thích hợp những lời kêu cầu Thánh Bổn mạng hoặc vị Sáng lập cũng
như các Thánh của Hội Thánh địa phương. Khi rước tới nhà thờ, linh mục chào
kính bàn thờ và tùy nghi xông hương. Không cử hành Nghi Thức Đầu Lễ và tùy
nghi không đọc Kinh Xin Chúa Thương Xót, linh mục đọc Lời Nguyện Nhập Lễ,
sau đó tiếp tục Thánh Lễ như thường lệ.”
Nói rằng “tùy nghi không đọc Kinh
Xin Chúa Thương Xót” vì trong đoàn rước trọng thể thường đi kèm với việc
hát Kinh Thương Xót.
3. Chúa Nhật Lễ Lá
Khi cử hành Chúa Nhật Lễ Lá, dù
là theo hình thức thứ I (Rước Kiệu) hay hình thức thứ II (Nghi Thức Nhập Lễ Trọng
Thể), chúng ta đều bỏ qua Hành Động Thống Hối, và tùy nghi, thì bỏ qua cả Kinh
Thương Xót nữa vì Sách lễ Rôma ghi rằng:
“Tới bàn thờ, chủ tế chào kính bàn thờ,
và tùy nghi xông hương bàn thờ. Sau đó, tiến về ghế ngồi (cởi áo choàng, mặc áo
lễ) đọc ngay Lời Nguyện Nhập Lễ rồi tiếp tục Thánh Lễ như thường lệ.”[8]
4. Cử hành phối hợp Kinh Sáng/Kinh Chiều với Thánh Lễ
Khi phối hợp Kinh Sáng/Kinh Chiều
với Thánh Lễ, chúng ta bỏ qua Hành Động Thống Hối và Kinh Thương Xót luôn; hoặc
bỏ qua Hành Động Thống Hối nhưng vẫn đọc/hát Kinh Thương Xót. Thực hành này dựa
theo quy định của:
a. Văn kiện Trình bày và Quy định Các Giờ Kinh Phụng Vụ:
(i) “Khi cử hành
giờ Kinh Sáng ngay trước Thánh Lễ, có thể khởi sự bằng câu giáo đầu và thánh
thi, nhất là những ngày thường hoặc bằng bài ca nhập lễ trong khi rước chủ tế
vào nhà thờ rồi đến lời chào của chủ tế, nhất là trong các ngày lễ lớn. Tùy trường
hợp, có thể bỏ một trong hai Nghi Thức Đầu Lễ như vừa nói. Đoạn, bắt đầu đọc ca
vịnh của giờ kinh như thường cho đến bài đọc vắn mà thôi. Sau ca vịnh, bỏ Phần
Sám Hối và Kinh Thương Xót, đọc Kinh Vinh Danh, tùy luật chữ đỏ theo ngày,
rồi chủ tế đọc Lời Nguyện Nhập Lễ, sau đó cử hành Phụng Vụ Lời Chúa như thường
lệ” (số 94);
(ii) Cũng có thế
phối hợp Kinh Chiều với Thánh Lễ như Kinh Sáng, khi Thánh Lễ và Kinh Chiều
cùng thuộc một ngày… (số 96).
b. Sách Lễ Rôma (phần về Lễ Vọng Chúa Nhật Hiện Xuống):
Nếu cử hành Kinh Chiều I tại cung kinh sĩ (choro) hay cùng với cộng
đoàn ngay trước Thánh Lễ, có thể bắt đầu bằng câu giáo đầu hay Thánh Thi “Xin
ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo”, hoặc bằng Ca Nhập Lễ (Tình yêu Thiên Chúa,
hay Dum sanctificatus) cùng với cuộc rước chủ tế đến bàn thờ và lời chào chúc của
ngài. Trong cả hai trường hợp đều bỏ qua Nghi Thức Thống Hối.[9]
Sau phần ca vịnh của Kinh Chiều cho tới bài đọc ngắn (không đọc bài đọc ngắn), bỏ
qua Hành Động Thống Hối, tùy nghi có thể hát Lạy Chúa, Xin Thương Xót, sau
đó linh mục đọc Lời Nguyện Nhập Lễ: Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con nài xin
Chúa ban ơn như Lời Nguyện Nhập Lễ II (Hoặc) của Lễ Vọng theo nghi thức đơn giản.
III. NHỮNG TRƯỜNG HỢP BỎ QUA CẢ HÀNH ĐỘNG THỐNG HỐI LẪN KINH THƯƠNG
XÓT
1. Khi cử hành “Nghi Thức Làm Phép Và Rảy Nước Thánh” trong Thánh Lễ
Dựa vào Sách Lễ Rôma [ấn bản thứ III – 2002], tại phần “Phụ Lục”, “Nghi Thức
Chúc Lành Cho Nước Và Rảy Nước Thánh” ghi rõ: “Ngày Chúa nhật, nhất là trong mùa Phục sinh, có thể cử hành nghi thức
làm phép và rảy nước thánh, cả trong các Thánh Lễ chiều Thứ Bảy, trong mọi nhà
thờ, nhà nguyện, để nhớ lại bí tích Rửa tội. Khi được cử hành trong Thánh Lễ,
nghi thức này thay thế Hành Động Thống Hối đầu lễ.” (số 1); Sau khi rảy nước
thánh xong, Sách Lễ ghi ngay là “Đọc hoặc hát Kinh Vinh Danh theo chữ đỏ” (số
6). Như vậy, rõ ràng là cả Hành Động Thống Hối lẫn Kyrie đều được bỏ qua.
Sách Lễ Nghi Giám Mục dạy rằng: (1) Sau Hành Vi Thống Hối thì đọc
Kinh Thương Xót, trừ khi đã rảy nước thánh hoặc đã dùng công thức III để làm
Hành Vi Thống Hối, hoặc “chữ đỏ” dạy thể khác (số 134). Như vậy, nếu có rảy nước
thánh thì bỏ cả Hành Vi Thống Hối lẫn Kinh Thương Xót; (2) Trong dịp cử hành
“Cung Hiến Nhà Thờ” / “Cung Hiến Bàn Thờ”, ĐGM sẽ làm phép và rảy nước thánh (số
893/937); Tiến hành mọi việc xong, ĐGM trở về Tòa. Và hát xong, thì ngài đứng
chắp tay đọc: “Xin Chúa là Cha đầy lòng
thương xót, đến ngự…”; đoạn hát Kinh Vinh Danh, trừ Chúa Nhật Mùa Vọng và
Mùa Chay (số 894/939). Như vậy, sau những nghi thức cần thiết, chúng ta hát
Kinh Vinh Danh luôn mà không cử hành Hành Vi Thống Hối và cũng không hát/đọc
Kinh Thương Xót.
2. Khi cử hành “Lễ Ban Bí Tích Thánh Tẩy”
Tại phần “Lễ Ban Bí Tích Thánh Tẩy”
nằm trong mục “LỄ CÓ NGHI THỨC RIÊNG”, Sách
Lễ Rôma [ấn bản thứ III – 2002] hướng dẫn như sau: “Thông thường, các bí tích Khai tâm Kitô giáo được cử hành trong Lễ Canh
Thức Đêm Thánh Phục Sinh. Tuy nhiên, nếu vì nhu cầu phải cử hành ngoài lễ trọng
Phục sinh, thì cũng có thể sử dụng bài lễ này với lễ phục trắng hay lễ phục của
những ngày được phép cử hành lễ có nghi thức. Cũng có thể dùng bài lễ này khi
ban bí tích Rửa tội cho trẻ em, với những điều kiện nói trên. Trong Thánh Lễ
này bỏ Hành Động Thống Hối đầu lễ, [bỏ] Kinh Xin Chúa Thương Xót và Kinh
Tin Kính, nhưng đọc Kinh Vinh Danh.”
3. Khi cử hành “Nghi Thức Chúc Lành Cho Ghế Giám Mục Hay Ghế Chủ Tọa”
trong Thánh Lễ[10]
Trường hợp này, chữ đỏ chỉ nói
đơn giản là “Bỏ qua Hành Động Thống Hối và tiếp tục Thánh Lễ như thường lệ” mà
không đề cập gì đến Kyrie.[11] Tuy vậy, chúng ta có thể dựa
vào “Nghi Thức Chúc Lành Cho Nước Và Rảy Nước Thánh” như một tham chiếu tốt để
đi đến thực hành là bỏ luôn cả Kinh Xin Chúa Thương Xót nữa.
4. Khi cử hành “Nghi Thức Hôn Nhân” trong Thánh Lễ
Trường hợp này, cuốn “Nghi Thức Cử Hành Hôn Nhân” chỉ nói: “Bỏ
qua Hành Động Thống Hối” mà không đề cập gì đến Kinh Thương Xót (số 53). Cuốn “Nghi Thức Cử hành Hôn nhân” hiện nay bao
gồm hai cách/hai mẫu dẫn nhập trong “Những nghi lễ mở đầu” trước khi hát Kinh
Vinh Danh. Những bản văn dẫn nhập này giúp chủ tế dễ dàng dịch chuyển từ cuộc
rước, chào đón đôi hôn phối, dấu thánh giá, chào những người hiện diện, lời ngỏ
cùng cộng đoàn (các số 52-53) sang việc xướng Kinh Vinh Danh luôn mà không cần
hát Kinh Thương Xót nữa.
IV. PHẢI CỬ HÀNH CẢ HÀNH ĐỘNG THỐNG HỐI LẪN KINH THƯƠNG XÓT
Ngoài những trường hợp nêu trên
thì khi chọn theo Mẫu Thống Hối/Công Thức Thống Hối thứ I và thứ II, chúng ta
phải cử hành vừa Hành Động Thống Hối lẫn Kinh Thương Xót. Có 3 Công Thức/Mẫu
Sám Hối trong Sách Lễ Rôma hiện hành:
1/ Công Thức/Mẫu Thống Hối thứ I
là Kinh Thú Tội (Kinh Cáo Mình). Sau lời xá giải của linh mục: “Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội
và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời”, cộng đoàn phải đọc/hát Kinh
Thương Xót.[12]
2/ Công Thức/Mẩu Thống Hối thứ II
gồm hai câu nài xin lòng thương xót của Chúa:
- Chủ tế: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con – Cộng
đoàn: Vì chúng con đã xúc phạm đến Chúa (Tv
50,1)
- Chủ tế: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng
con – Cộng đoàn: Và ban ơn cứu rỗi
cho chúng con (Tv 84,8).
Sau lời xá giải của linh mục: “Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội
và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời”, cộng đoàn cũng phải đọc/hát Kinh
Thương Xót.[13]
3/ Công Thức/Mẩu Thống Hối thứ
III có bản văn mẫu như sau:
- Chủ tế:[14] Lạy Chúa Kitô, Chúa đã được sai đến để cứu chữa những tâm hồn sám hối (x.
Is 61,1). Xin thương xót chúng con – Cộng
đoàn: Xin thương xót chúng con.
- Chủ tế: Lạy Chúa Kitô, Chúa đã đến trần gian để kêu
gọi những người tội lỗi (Mt 9,13; Lc 5,32). Xin thương xót chúng con – Cộng đoàn: Xin thương xót chúng con.
- Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đang ngự bên hữu Chúa Cha để
chuyển cầu cho chúng con (Rm 8,34; Hr 7,25). Xin thương xót chúng con - Cộng đoàn: Xin thương xót chúng con.
Chủ tế có thể tùy nghi chọn lựa cử
hành một trong 3 Mẫu Thống Hối dựa vào mùa phụng vụ, hoặc ngày lễ, hay dịp/hoàn
cảnh đặc biệt. Nếu dùng Công Thức Thống Hối thứ I và II thì phải đọc Kinh
Thương Xót mà không được bỏ. Nếu dùng công thức III sẽ không đọc/hát thêm Kinh
Thương Xót nữa vì Kinh Thương Xót đã nằm trong chính Mẫu Thống Hối này rồi.
Tất cả thực hành này dựa trên những
hướng dẫn sau:
- Nghi thức Thánh Lễ [số 7]: “Tiếp đến là
Kinh Xin Chúa Thương Xót, nếu trước đó không đọc trong Công Thức Thống Hối.”
- Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [số 52]:
“Sau Hành Động Thống Hối, bao giờ cũng xướng Kinh Lạy Chúa, Xin Thương Xót trừ
khi đã đọc lời tung hô này trong Hành Động Thống Hối.”
- Sách Lễ Nghi Giám Mục [số 134]: “Sau
Nghi Thức Thống Hối thì xướng Kinh Thương Xót, trừ khi sử dụng Mẫu Thống Hối thứ
III.”
V. TÓM LẠI
- CÁC TRƯỜNG HỢP BỎ QUA HÀNH
ĐỘNG THỐNG HỐI NHƯNG TÙY NGHI CÓ THỂ HÁT/ĐỌC KINH THƯƠNG XÓT
1/ Thánh Lễ với nghi thức tiếp đón
ĐGM tại nhà thờ chính tòa của ngài
2/ Thánh Lễ với nghi thức trao dây
Pallium
3/ Thánh Lễ Thứ Tư Lễ Tro
4/ Chúa Nhật Lễ Lá
5/ Cử hành phối hợp Kinh Sáng/Kinh
Chiều với Thánh Lễ
- CÁC TRƯỜNG HỢP BỎ QUA CẢ
HÀNH ĐỘNG THỐNG HỐI LẪN KINH THƯƠNG XÓT
1/ Khi cử hành “Nghi Thức Làm Phép
Và Rảy Nước Thánh” trong Thánh Lễ
2/ Khi cử hành “Lễ Ban Bí Tích
Thánh Tẩy”, kể cả rửa tội cho trẻ em [trong Thánh Lễ Chúa nhật]
3/ Khi cử hành “Nghi Thức Chúc Lành
Cho Ghế Giám Mục hay Ghế Chủ Tọa” trong Thánh Lễ
4/ Khi cử hành “Nghi Thức Hôn Nhân”
trong Thánh Lễ
- NGOÀI CÁC TRƯỜNG HỢP TRÊN THÌ PHẢI CỬ HÀNH CẢ HÀNH ĐỘNG THỐNG HỐI VÀ
KINH THƯƠNG XÓT TRỪ KHI SỬ DỤNG MẪU THỐNG HỐI THỨ III
[2] X. Elliott, Ceremonies of the
Modern Roman Rite, no. 252: footnote số 15, 94; Jeff Ostrowski, “Is the
Kyrie part of the Penitential Rite?” (Feb. 24, 2014), https://www.ccwatershed.org/2014/02/24/kyrie-part-penitential-rite/.
[12] Nghi Thức Thánh Lễ, số 7; Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, số 52; Sách Lễ Nghi Giám Mục, số 134.
[14] Ngoài chủ tế thì thầy phó tế/thầy đọc sách (/người lãnh tác vụ đọc
sách)/xướng viên/ca đoàn đều có thể xướng lên những lời khẩn nguyện, ngợi khen
chúc tụng Chúa Kitô trong Mẫu Thống Hối thứ III này (x. Sách Lễ Nghi Giám Mục, số 132; Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite [San Francisco: Ignatius Press,
2004], no. 252)
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com