HIỆN TẠI HÓA HÀNH TRÌNH EMMAU TRONG XÃ HỘI HÔM NAY: SỐNG
NIỀM VUI CHÚA PHỤC SINH TRONG TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH: GẶP GỠ, LẮNG NGHE, PHÂN ĐỊNH
ĐỂ DẪN ĐẾN HÀNH ĐỘNG: HIỆP THÔNG, THAM GIA, SỨ VỤ
(Tin Mừng theo thánh Luca 24, 13-35. Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau)
Lm. Giuse Nguyễn Ý
Định
Lời ca quen thuộc vang lên trong mùa Phục
Sinh: “Trên đường Emmau, hai người lữ
khách bước đi bên nhau. Mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường
dài...” [1] Buổi chiều nhạt nắng, hai người lữ khách lê
bước chân buồn, lầm lũi mệt mỏi để lại Giêrusalem phía sau. Giêrusalem vừa qua
đại lễ, nhưng tâm hồn hai lữ khách thì vẫn là đại tang. Giêrusalem vẫn còn đôi
chút âm hưởng của lễ Vượt Qua nhiều xáo động, còn họ thì ngút ngàn thất vọng,
buồn thương. Giêsu Thầy đáng kính đã chết thê thảm. Đó là dấu chấm hết cho mọi
ước vọng, họ thất vọng trên đường lý tưởng. Mộng vàng đã tan thành mây khói.
Buồn bã, chán nản, âm thầm rút lui, lìa bỏ cộng
đoàn thân yêu ba năm buồn vui chia sẻ. Mặc dù có nghe “Tin Mừng Phục Sinh” từ sáng sớm, nhưng làm sao mà tin được chuyện
của “mấy người phụ nữ”. Họ đã nghe
nhưng họ không thấy và họ phân định theo ý riêng để quyết định trở về quê cũ để
quên đi ... may ra sẽ quên được tất cả.
May mắn là khi còn nói về Đức Giêsu, cho dù là
một Giêsu của quá khứ thì hai lữ khách vẫn còn coi mình là môn đệ của Người.
Cái nhóm hai người của Cleopas và bạn mình cần có sự bổ sung. Họ chưa hiệp
hành. Họ cần sự thông hiểu của ai đó để có cái nhìn mới. Họ cần có người nhắc lại
lịch sử trong Kinh Thánh để cảm nhận ơn cứu độ đã và đang được thực hiện. Họ cần
một năng lực siêu nhiên để tâm lòng được bừng cháy lên. Họ cần Thầy mình đồng
hành.
Bạn đồng hành mới, Người bạn tốt lành đã nhẹ
nhàng xuất hiện, “Đang khi họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến
gần và cùng đi với họ” (Lc 24, 15). Chúa Giêsu đã thực hiện lời hứa “Khi có hai ba người họp lại nhân danh Thầy
thì Thầy ở giữa họ” (Mt, 18, 20).
Hành trình không có Đức Kitô thì sẽ đi đâu về
đâu? Có Đức Kitô cùng đi hành trình trở thành con đường hiệp hành. Chính Chúa
Giêsu đã tự giới thiệu Ngài là “con đường,
sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6) và “các
Kitô hữu, những người đi theo Ngài, ban đầu được gọi là những môn đệ của con đường
đó” (x. Cv 9, 2; 19, 9.23; 22, 4; 24, 14.22)”[2].
Con đường mới đã khởi đầu từ Đức Kitô và với Đức Kitô.
Ngài đã đến gặp gỡ hai lữ khách đường xa. Đúng
hơn là Ngài tìm gặp các môn đệ quý yêu. Ngài đi vào cuộc đời của họ. Ngài muốn
môn đệ nhớ rằng Ngài đã xem họ như là bạn hữu thân tình: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ
làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi
Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15).
Đức Kitô không bao giờ bỏ rơi môn đệ, các bạn
hữu của Ngài và chính vì thế Ngài đã đi đến tột cùng của tình bạn: “Không có tình thương nào quý giá hơn tình
thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Cuộc
gặp gỡ của bạn hữu đem lại bao điều tốt lành, giải quyết nhiều vấn đề. Tình
thân, tình bạn, tình thương, sự cảm thông chia sẻ là nền tảng cần thiết cho mọi
cuộc gặp gỡ trong tiến trình Hiệp hành, tiến trình cùng nhau cất bước hành
trình. Đấng Phục Sinh đã âm thầm nhen nhúm lên trong lòng hai môn đệ “khả năng hiệp thông tình huynh đệ, có sự
tham gia và bổ trợ, trung thành với những gì Hội Thánh công bố.”[3]
Hai môn đệ đã không nhận ra Thầy mình từ cái
nhìn đầu tiên (Lc 24,16) “mắt họ bị ngăn
cản”, đôi mắt trần gian không thể thấy và nhận ra Chúa Giêsu được. Chỉ những
môn đệ tin và đón nhận sự sống lại của Đấng sống lại và Hằng Sống mới nhận ra
Ngài đang cùng “cất bước hành trình”
tiến về Thiên Chúa Cha, Đấng đang mong đợi.[4]
“Họ
không nhận ra Người”(Lc 24, 16). Không nhận ra vì Đức
Kitô đã thay đổi hình thể, dáng vẻ? Vì hai môn đệ dè dặt, khép kín? Vì tâm hồn
họ còn đang ngổn ngang, xáo trộn, họ còn đang chìm vào nỗi sầu buồn cá nhân? Hoặc
là một quyền lực thần linh đã ngăn cản mắt họ, không cho họ được tự do nói hết
tâm tư với người bạn đồng hành mới đến?
“Cùng
nhau cất bước hành trình”. Chính Đức Kitô đặt câu hỏi
trước: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với
nhau chuyện gì vậy?” Câu hỏi bày tỏ sự quan tâm và muốn nhập cuộc tâm tư
tình cảm với bạn đồng hành. Câu hỏi gọi mời “Hãy
nói đi, tôi đang lắng nghe bạn”.
Với nghệ thuật khơi gợi dẫn dắt đi vào vấn đề
muốn diễn giải Đức Kitô Phục Sinh đã cho môn đệ một cơ hội để tỏ bày, đối thoại:
“Sự việc
liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực
trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà
các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh
Người vào thập giá.” (Lc 24, 19-20)
“Phần
chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay
đã đến ngày thứ ba rồi” (Lc 24, 21).
Vẫn chưa thể tin được Tin Mừng Phục Sinh cho
dù có thêm dữ liệu: “Nhưng mấy phụ nữ
trong nhóm chúng tôi, quả thật đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng.
Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người
đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng
như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp” (Lc 24, 22-24).
Môn đệ đã phát biểu và Thầy lắng nghe. “Họ đã nói lên được những gì quan trọng đối
với họ”.[5]
Họ đã đặt cược cuộc đời, đặt trọn niềm tin nơi Đức Giêsu Nadarét, Đấng Cứu Chuộc
Israel, Người là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Họ mong ước được nhìn thấy
vinh quang của Thầy. Và nếu như chấp nhận Người đã chết và nay đã phục sinh thì
cũng phải là một cuộc phục sinh vinh hiển, tỏ hiện, chính họ cũng được dự phần
nở mày, nở mặt. Dường như người ta chỉ tin những gì mình muốn tin và như thế
hành trình Đức Tin đi vào ngõ cụt, mịt mờ tăm tối.
Hai môn đệ đã phát biểu và giờ đây họ phải lắng nghe lời giải thích đến từ bạn đồng
hành, Người còn đang giấu tông tích nhưng lại là nhân vật chính của câu chuyện
họ phải bận tâm, thao thức: “Bấy giờ Đức
Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là
chậm tin vào lời các ngôn sứ: Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế,
rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”” (Lc 24, 25-26).
Hai môn đệ phân định sự việc dựa trên suy luận
của lý trí con người trần gian, thế tục. Chúa Giêsu mời gọi lắng nghe Kinh
Thánh để phân định. “Rồi bắt đầu từ ông
Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến
Người trong tất cả các sách Thánh” (Lc 24, 27).
Khởi đi từ niềm tin của Israel và sự kết hợp với
những khát vọng riêng tư, khát vọng của toàn thể nhân loại để Kinh Thánh soi dẫn,
người môn đệ sẽ đặt trọn niềm tin vào Thầy của mình, chấp nhận hành trình Vượt
Qua đau thương và tin chắc vào mầu nhiệm Phục Sinh vinh hiển. Kinh Thánh đã ghi
chép đầy đủ tiên báo về Người. “Những gì
liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 27). “Chúa Giêsu không chỉ nhắc lại những bản văn
loan báo cuộc Thương Khó và Sự Sống Lại của Người, như Is 50; 52,13 và tt; Dcr
12, 11; Tv 22, 69, mà cả những chỗ cho thấy kế hoạch của Thiên Chúa được hoàn
thành qua thử thách và lăng nhục”.[6]
Chúa Giêsu đã cho môn đệ hiểu và nhận biết Thầy
mình là trung tâm của lịch sử cứu độ. Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ cho muôn
dân nơi Người Con. Vinh quang của Người Con chính là vâng phục thánh ý Cha cho
đến chết và chết trên thập giá. Sự Phục Sinh là điều tất yếu của vinh quang
Chúa Cha dành cho con của mình.
Bài giảng trên đường đi đã làm tâm hồn hai môn
đệ bùng cháy lên. Chúa Giêsu đã giúp môn đệ “phân định”, những phân định mới dựa
trên Kinh Thánh. Phân định chính xác dẫn đến quyết định hành động đúng đắn.
“Khi gần
đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ
nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp
tàn”. Người liền vào với các ông” (Lc 24, 28-29).
Niềm vui đã dần trở lại, nhưng câu chuyện thì
đã hết. Có thể sẽ là một lời tạm biệt để cho người lữ khách mới quen tiếp tục
hành trình riêng tư? Chia tay là chuyện đương nhiên. Thế nhưng lửa đã cháy lên
trong lòng, ngọn lửa yêu mến, ngọn lửa tinh thần. Hành trình tâm linh đã bắt đầu
nhìn về một hướng. Để cho Người đi qua, biết có lần nào gặp lại? Niềm vui hội
ngộ cần được kéo dài... Thật ra chính Đấng Phục Sinh đang âm thầm trao ban Thần
Khí soi sáng, Thần Khí sự thật, Thần Khí tình yêu. Môn đệ lãnh nhận cho dù họ
không ý thức. Chính khi họ đồng ý nói chuyện về Người, với Người, họ phát biểu,
họ lắng nghe. là họ đã mở lòng đón nhận ân sủng của Đấng Phục Sinh và họ quyết
định: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời
đã xế chiều, và ngày sắp tàn”. “Người liền vào với các ông” (Lc 24, 29). Một
quyết định mang tính quyết định thành bại cho hành động tiếp theo và cho cả
hành trình sắp đến.
Lời nài xin “Ngài hãy ở lại” mở ra cơ hội gắn bó thân thiết hơn. Hai môn đệ đã
mở cửa đón Đấng Phục Sinh. Khi nhận lời họ, Chúa Giêsu thật sự đã đi vào tâm hồn,
đi vào trái tim tình yêu của họ như Người nói trong sách Khải Huyền: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng
Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa tối với Ta”
(Kh 3, 20).
Đấng Phục Sinh đã cho hai môn đệ cơ hội để hiệp
thông trọn vẹn, mật thiết qua việc tái diễn cử hành bữa tiệc ly: “Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm
bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra
Người. Đoạn Người biến mất”. Thánh sử Luca dùng bốn cụm từ trong Bữa Tiệc
Ly để nói về bí Tích Thánh Thể. Được kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô Phục
Sinh, được hiệp thông với nhau trong Thân Thể Chúa Kitô, họ nhận ra Người, nhận
ra Đấng Phục Sinh đang hiện diện, ngay cả khi Người không hiện diện thể lý hữu
hình. Đôi mắt Đức Tin không còn bị ngăn cản nữa, họ đã thấy và nhận ra Người.
Niềm vui Phục Sinh tràn ngập tâm hồn. Chúa
Kitô đã đến và ở lại. Các môn đệ cảm nhận lòng mình đã bùng cháy, đã sốt sắng
lên khi lắng nghe Kinh Thánh và giờ đây lại được mời gọi tham gia vào sứ vụ của
Đấng Cứu Thế. “Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi
cuộc đời mình. Gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh”. Đức Kitô đã Phục Sinh
và môn đệ được tái sinh để hiệp thông với Thầy mình như Thánh Phaolô đã từng cảm
nghiệm: “Tôi sống, nhưng không còn phải
là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).
Niềm vui Phục Sinh, niềm vui gặp gỡ Đức Kitô,
Đấng hằng sống, không thể giữ riêng cho mình, niềm vui đòi được chia sẻ và tỏa
lan. Thế là họ lại lên đường, “cất bước
hành trình”, một cuộc hành trình trở về Giêrusalem, về với cộng đoàn, về với
anh em để cùng tham gia niềm vui thi hành sứ vụ Đấng Phục Sinh trao phó.
Chúa Giêsu Kitô đã hoàn tất sứ vụ cứu độ trần
thế, nhưng sứ vụ ấy vẫn tiếp tục nơi các môn đệ trong Hội Thánh cho đến ngày tận
thế: Sứ vụ loan báo Tin Mừng, sứ vụ làm chứng cho Đức Kitô. “Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy
đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và
các Thánh Vịnh đã chép về Thầy phải được ứng nghiệm”. Bấy giờ Người mở trí cho
các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô
phải chịu khổ hình,rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người
mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn
tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này”” (Lc 24, 44-48).
“Thầy đã
được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân
trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa
Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy
ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt, 28,
18-20; Ga 20, 19-23; Cv 1, 6-8).
Trở về Giêrusalem, trở về với Phêrô, với Hội
Thánh, hai môn đệ ý thức mình đồng trách
nhiệm với Nhóm Mười Một, với hàng trăm anh chị em môn đệ của Đấng Phục Sinh
và với toàn thể Hội Thánh. Họ cùng nhau hiệp
hành, cùng nhau cất bước hành trình trong niềm vui có Chúa Phục Sinh đồng
hành. Mọi môn đệ của Chúa Kitô đều nhận biết rằng: “Sự hiệp hành là để phục vụ sứ mạng của Hội Thánh, mọi thành viên trong
Hội Thánh đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng này. Vì tất cả chúng ta đều là
môn đệ truyền giáo, mỗi người đã lãnh Phép Rửa đều được kêu gọi trở thành chủ
thể tích cực trong sứ vụ này như thế nào?”[7].
“Đường mới
đã mở, khách đường mới hát khúc tân ca” (Thánh
Augustinô). Bạn đồng hành đông hơn bội phần và niềm vui tràn ngập tâm hồn những
người môn đệ Đức Kitô Phục Sinh, Họ cùng nhau hát vang bài ca “cất bước hành trình”.
Thế giới hôm nay tang thương, buồn bã, lắm lo
âu, nhiều sợ hãi. Rất nhiều thảm kịch đã và đang xảy ra. Có những thảm kịch
toàn cầu, có những thảm kịch quốc gia, thảm kịch xã hội, thảm kịch diễn ra
trong gia đình và thảm kịch cho chính cá nhân từng người. Câu chuyện hai lữ
khách trên đường về Emmau được hiện tại hóa trong xã hội ưu phiền, nản lòng, thất
vọng hôm nay. “Lịch sử được ghi dấu bởi
những biến chuyển lớn trong xã hội và bởi một giai đoạn then chốt trong đời sống
Hội thánh: chính trong những biến động phức tạp của bối cảnh này cùng những
căng thẳng và những mâu thuẫn của nó, chúng ta được mời gọi “tìm hiểu tường tận
các dấu chỉ của thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy dưới ánh sáng Tin Mừng”
(GS ,4).[8]
Trên con đường khổ nạn hôm nay, chúng ta không
phải là người ngoài cuộc. Chúng ta là Cleopas, là người môn đệ ẩn danh. Chúng
ta có một chỗ trên con thuyền lênh đênh giữa bão tố cuộc đời.
“Thảm kịch
toàn cầu như Covid 19” có lúc đã khơi lại cái cảm thức
chúng ta là một cộng đồng thế giới đang chèo chống trên cùng một con thuyền, ở
đó điều gây tổn hại cho người này cũng gây tổn hại cho người khác. Phải nhớ rằng,
nếu được cứu, thì tất cả cùng được cứu, chứ chẳng có chuyện chỉ có riêng ai đó
được cứu”.[9]
Có tôi, có chúng ta trong cả đoàn người nhân
loại đau thương vác thập giá riêng và thập giá chung cất bước hành trình. Điều
quan trọng nhất đó là chúng ta nhận biết Đấng Cứu Độ trần gian đã đến, đã nhận
lấy thập giá khổ đau để đồng hành với chúng ta: “Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ nhất quyết phải duy trì địa
vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy
thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ
mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl
2, 6-8).
Thánh giám mục Paolino Nola nhìn thấy hình ảnh
Đức Kitô chịu đau khổ nơi từng con người khổ đau từ thuở sơ khai đến ngày tận
thế. Đau khổ, cái chết bi thảm và sự chiến thắng, phục sinh vinh quang là hành
trình Đức Tin của những người môn đệ Đức Kitô hôm nay: “Từ ngày tạo thiên lập địa, Đức Kitô đã từng đau khổ với từng người nhà
của mình. Người là khởi thủy và cùng tận” (Kh 1,8). Ẩn nấp trong lề luật, mặc khải trong Phúc Âm. Người vẫn là Vị Chúa muôn
đời đáng chiêm ngưỡng, đã đau khổ và chiến thắng trong các Thánh của Người”
(Tv 67, 36).
“Cũng
chính Người, giờ đây đang mang lấy tất cả những yếu đuối, khổ đau, bệnh tật của
chúng ta vì chính Người đã làm người.
Người đã
phải đối diện với mọi khổ đau như chúng ta và mang lấy sự yếu hèn đau thương mà
chúng ta hoàn toàn không có khả năng gánh vác, nếu không có Người”.
Đau khổ và cái chết không phải là tiếng nói cuối
cùng, nhưng là một chặng đường cần vượt qua để tiến vào niềm vui, hạnh phúc, sự
sống muôn đời.
Đấng Dẫn Đường, Bạn Đồng Hành đã đi qua đau khổ
và cái chết để chiến thắng vinh quang, phục sinh vinh hiển và xứng đáng được
Thiên Chúa siêu tôn, đó chính là niềm vui và hy vọng tràn ngập tâm hồn chúng
ta:“Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn
Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa
nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải
bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, tất cả mọi loài phải mở miệng tuyên
xưng rằng: “Đức Kitô là Chúa”” (Pl 2, 9-11).
Chúng ta không tìm thấy lời giải đáp trọn vẹn,
tận căn cho mọi đau khổ trong đời; nhưng chúng ta gặp được một Đức Giêsu trong
dòng lịch sử nhân loại cùng chịu đau khổ với chúng ta. Như vậy đau khổ và cái
chết trở thành một cách thế, một cơ hội để minh chứng tình yêu tột cùng. Đau khổ
cũng là cách mà Người mang lấy tội lỗi của chúng ta để chiến thắng tội lỗi, chiến
thắng thần chết.
Dòng lịch sử của nhân loại, dòng lịch sử của từng
người cá vị in đậm khuôn mặt Đức Giêsu. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết: Tôi nghĩ rằng chính Đức Giêsu này - Đức
Giêsu trong các sách Phúc âm - là một nhân vật hợp lý và có tính thuyết phục về
mặt lịch sử. Chỉ khi nào có điều gì đó phi thường xảy ra, khi tính cách và lời
nói của Chúa Giêsu hoàn toàn vượt quá mọi niềm hy vọng và mong đợi bình thường,
thì việc Người chịu đóng đinh mới sáng tỏ và hiệu quả của việc ấy mới sáng tỏ.
Khoảng
20 năm sau cái chết của Đức Giêsu, chúng ta đã gặp được nơi bài thánh thi tuyệt
vời về Chúa Kitô trong thư gửi tín hữu Philipphê (2, 6-11) một nền Kitô học được
khai triển trọn vẹn, trong đó nói về Chúa Giêsu rằng Người vốn ngang hàng với
Thiên Chúa, nhưng đã cởi bỏ chính mình, trở thành con người, tự hạ đến chết
trên thập giá, và cả vũ trụ suy tôn thờ lạy Người, sự thờ lạy mà trong sách
ngôn sứ Isaia (45,23) Thiên Chúa loan báo chỉ dành riêng cho Thiên Chúa mà
thôi.[10]
Chúng ta phải xác tín Chúa Giêsu Phục Sinh
không bỏ rơi chúng ta. Người vẫn tìm gặp và đồng hành với chúng ta. Như hai môn
đệ, chúng ta cần lắng nghe Kinh Thánh. Chính Đấng Phục Sinh giải thích Kinh
Thánh và làm cho lòng chúng ta bừng cháy, sốt sắng lên. Chúng ta sẽ nhận ra Người,
và khi bẻ bánh, cử hành Thánh Thể, chúng ta tin rằng Người hiện diện và muốn đi
vào tâm hồn chúng ta. Mỗi người làm chủ ngôi nhà tâm hồn mình. Phải mở cửa để
Chúa có thể vào.
William Holman Hunt (1827-1910) là một họa sỹ
nổi tiếng của nước Anh. Ông thường vẽ những bức tranh tôn giáo với nhiều ý
nghĩa ẩn dụ. Năm 1854, ông vẽ bức tranh được đặt tên là “Ánh Sáng Thế Giới”. Bức tranh vẽ hình Chúa Giêsu đứng trước cửa một
ngôi nhà và Người đang gõ cửa. Sau khi trưng bày, một người bạn nêu ý kiến: “Bức tranh thật ấn tượng, nhưng dường như có
một thiếu sót. Nó không có tay nắm cửa từ phía bên ngoài”. Hunt trả lời “Đúng thế, nếu cánh cửa có tay nắm then cài
từ phía ngoài thì Chúa Kitô có thể vào bất cứ lúc nào. Trái tim con người không
có tay nắm từ bên ngoài, nó chỉ có thể được mở từ bên trong”.[11]
Được mở từ bên trong có nghĩa là Người tôn trọng
tự do của chúng ta, Người chờ đợi chúng ta tha thiết xin: “Xin Ngài ở lại với chúng con vì trời đã về chiều. Lạy Chúa, con không
đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành
mạnh”.
Đức thánh cha Bênêđictô XVI đã nhắn nhủ các bạn
trẻ, hãy kết bạn thân thiết với Chúa Kitô: “Nếu
chúng ta để Chúa Kitô đi vào cuộc đời mình, chúng ta không mất gì hết, không mất
gì, tuyệt đối không mất sự gì khiến chúng ta có một cuộc sống tự do, tươi đẹp
và tuyệt vời. Chỉ trong tình bạn này những cánh cửa cuộc đời mới được mở rộng.
Chỉ trong tình bạn này sự hiện hữu nhân sinh mới được tỏ lộ. Chỉ trong tình bạn
này chúng ta mới trải nghiệm được vẻ đẹp và sự giải thoát.Như vậy, hôm nay với
sức mạnh lớn lao và niềm tin vững chắc đặt nền tảng trên kinh nghiệm lâu dài
trong cuộc sống, Cha muốn nói với chúng con, hỡi các bạn trẻ: Đừng sợ Chúa
Kitô! Người không lấy đi điều gì của chúng con nhưng Người ban cho chúng con mọi
sự. Khi chúng ta dâng hiến chính mình cho Chúa, Người đón nhận và trả lại gấp
trăm. Vâng, hãy mở cửa, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô và chúng con sẽ tìm thấy
sự sống đích thực. Amen”.
Diễn tiến hành trình Emmau của hai môn đệ có
thể được coi như là cơ cấu của một Thánh Lễ kéo dài.
Hai phần: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh
Thể, dần dẫn đưa chúng ta đến cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi - Mở
lòng đón nhận ân sủng, tình yêu và ơn thông hiệp - đó chính là niềm vui vô cùng
lớn lao mà những người đã đến, đã mở cửa tâm hồn, tin và đón nhận: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa
chúng ta, Tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất
cả anh chị em” (Lời chào đầu Thánh Lễ).
“Có niềm
vui nào lớn hơn khi chúng ta tiến bước vào nhà Chúa để được tham dự siêu nhiên
vào sự sống thần linh, được hiệp nhất với Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu, Con của Người
(1Ga 1, 3b) trong Chúa Thánh Thần
(2Cr 13, 13). Thánh Phaolô chỉ khao khát
biết Chúa Kitô, với quyền năng và sự phục sinh của Người và sự hiệp thông vào
các đau khổ của Đấng chịu đau khổ và chịu chết trên thập tự” (Pl 3, 10).[12]
Trong nhà Chúa nơi Bàn Tiệc Thánh nhờ cùng
tham dự bí Tích Thánh Thể, chúng ta nhận ra và được hiệp thông với Mẹ Maria,
triều thần thiên quốc và niềm vui có mối tương quan, liên hệ huynh đệ với các
Kitô hữu đang cùng hiện diện và trên toàn thế giới chúng ta hiệp thông với anh
chị em mình vì tất cả được ơn hiệp nhất với Ba Ngôi Thiên Chúa nhờ bí Tích
Thánh Thể.
Tham dự Thánh Lễ, lắng nghe Lời Chúa, hiệp
thông Mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Kitô Phục Sinh đã đi vào và ở lại trong chúng
ta. Niềm vui tuyệt vời khi nhận ra chúng ta thuộc về nơi này, chúng ta là một
thành viên của Gia đình Thiên Chúa, chúng ta là chi thể trong Thân Thể Mầu Nhiệm
Chúa Kitô, chúng ta là anh chị em thân thiết, con của Cha Trên Trời, và Chúa
Thánh Thần ban niềm hoan lạc, niềm vui ơn cứu độ cho tất cả chúng ta. “Hội Thánh hiệp hành là Hội Thánh tham gia
và đồng trách nhiệm”. Khi đến Nhà Chúa, đến với anh chị em chúng ta tham
gia niềm vui tin nhận Chúa Kitô Phục Sinh đang hiện diện và đồng hành đến với Chúa
Cha. Hành trình tươi đẹp đó có sự tham gia của từng người chúng ta.
Chúng ta là những thành viên của một Hội Thánh
Hiệp Hành. “Sự hiệp hành là để phục vụ sứ
mạng của Hội Thánh, mọi thành viên trong Hội Thánh đều được mời gọi tham gia
vào sứ mạng này. Vì tất cả chúng ta đều là môn đệ truyền giáo, mỗi người đã
lãnh Phép Rửa được kêu gọi trở thành chủ thể tích cực trong sứ vụ này...’”[13].
Vâng phục đấng kế vị thánh Phêrô cũng như vâng phục đấng kế vị các thánh
tông đồ tại Hội Thánh địa phương, chúng ta cũng được cộng tác và có trách nhiệm.
Mỗi người đều có trách nhiệm và đồng trách nhiệm với các thành viên khác của Đại
Gia Đình Thiên Chúa, của Hội Thánh Hiệp Hành. Hội Thánh tiếp tục được xây dựng,
được củng cố và sẵn sàng lên đường loan báo Tin Mừng Cứu Độ.
Xin Chúa ban đầy tràn niềm vui: “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và
trọn cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai để cho Người cứu độ, sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi đau
buồn, khỏi cuộc sống trống rỗng, khỏi cô đơn. Niềm vui phát sinh và luôn tái
sinh cùng với Chúa Giêsu Kitô.”[14]
Niềm vui cần được tỏa lan. “Điều thiện hảo
luôn muốn được chia sẻ”. Sứ vụ của chúng ta là loan báo Tin Mừng vì chúng ta đã
gặp Đức Giêsu trong dòng lịch sử, Chúa Giêsu Kitô của niềm tin, “Người là Đấng đầu tiên và vĩ đại loan báo
Tin Mừng”[15]
trong cái chết và sự phục sinh của Người, Thiên Chúa đã tỏ lộ tình yêu sung mãn
cho chúng ta. “Niềm vui Kitô giáo của
chúng ta tuôn trào từ tình yêu sung mãn của Người. Người hứa với các môn đệ:
“Anh em sẽ khóc lóc than van, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”
(Ga 16, 20). Người nhấn mạnh. “Thầy sẽ gặp
lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất
được” (Ga 16, 22). Và sau này khi nhìn thấy Đấng Phục Sinh, “họ được tràn
ngập niềm vui” (Ga 20, 20).”[16]
Bão táp Covid-19 đã và còn đang kéo qua đây với
nhiều hệ lụy đáng buồn và đáng sợ. Vẫn có hàng ngàn người đứng lên, hành trình
tiến vào tâm bão để cứu giúp, để an ủi, nâng đỡ và nhất là để trao tặng món quà
của tình yêu thương nhân loại. Trong đó có rất nhiều những môn đệ của Chúa Kitô
chịu đóng đinh, Người đã phục sinh và đang đồng hành với thế giới tang thương
đau khổ.
Giữa tiếng gầm rú của bom rơi, đạn nổ của cuộc
chiến kinh hoàng đang diễn ra tại Ucraina, người ta thấy những cánh cửa nhà thờ
rộng mở để đón nhận chở che những khuôn mặt đau thương của Đức Kitô chịu khổ nạn
và người ta cũng nghe được những lời thánh ca vang lên từ đau thương bi ai tột
cùng... là lời cậy trông, tín thác và hy vọng vào một ngày mai đất nước của họ
sẽ được phục sinh.
Tại Giáo hội Việt Nam, cuối năm Tân Sửu chuẩn
bị đón Tết Nhâm Dần, mọi người bàng hoàng rung động vì cái chết bi thương, khủng
khiếp của vị linh mục trẻ tuổi, tươi đẹp và đạo đức nhiệt thành, cha Giuse Trần
Ngọc Thanh OP. Người bị sát hại tàn nhẫn đang khi thi hành sứ vụ linh mục trên
vùng truyền giáo, đồi núi heo hút gió mùa Kontum. Giữa tiếng khóc nấc nghẹn
thương tiếc, người ta nghe được lời kêu gọi cảm thông, tha thứ. Người ta được
xem “Dấu chân truyền giáo” trên
youtube để nhớ đến vị linh mục trẻ tuổi, đáng kính và dễ mến. Người ta cũng
nhìn thấy những người thân yêu của cha Giuse, cùng với các Đấng bậc bề trên tìm
đến, gặp gỡ người nhà của hung thủ để trao ban bình an, tha thứ. Bình an của Chúa
Kitô Phục Sinh. Và còn nhiều, còn nhiều nữa những câu chuyện, những con người
mang dung mạo Đấng Tử Nạn và Phục Sinh đến với tôi và chính tôi, rất nhiều khi
cũng phải trở nên một Đức Kitô khác, khi đến với tha nhân đang lầm lũi trên
hành trình Emmau của cuộc đời.
Và như vậy, từ khắp mọi nơi cho đến tận cùng
cõi địa cầu, mọi người đã nghe được “Lời
Kêu Gọi Cùng Nhau Cất Bước Hành Trình.” Xin cho tôi được vui mừng tìm thấy tôi
và anh chị em tôi, giữa đoàn người vô cùng đông đảo, cùng Cất Bước Hành Trình
trong một Hội Thánh Hiệp Hành: Hiệp Thông - Tham Gia và Sứ Vụ. Để rồi cũng có mặt
trong đoàn người tiến đến trước Ngai Vàng và trước mặt Con Chiên vì “tất cả đã
từ đau khổ lớn lao mà đến đã giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”
(Kh 7, 14).
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 129 (Tháng 5 & 6 năm 2022)
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com