CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG WEB TRUYỀN THÔNG GIÁO XỨ THÁNH TÂM      (website đang được phát triển - eMail: GXThanhTamHN@gmail.com) ĐHY Pizzaballa khuyến khích các tín hữu: “Tình yêu mạnh hơn sợ hãi” Trong sứ điệp Chúa Nhật Lễ Lá từ Giêrusalem, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa kêu gọi các tín hữu kiên vững trong đức tin giữa những khó khăn hiện tại, đáp lại hận thù bằng hòa bình, chia rẽ bằng hiệp nhất. Đọc tất cả   Đại hội Thánh Thể đầu tiên tại Hoa Kỳ dành cho người khiếm thính Từ ngày 4 đến ngày 6/4/2025, hơn 200 tín hữu Công giáo khiếm thính từ khắp Hoa Kỳ đã tụ họp tại Đền thánh Quốc gia Thánh Elizabeth Ann Seton ở Emmitsburg, Maryland, để cầu nguyện và tôn vinh Thánh Thể trong một Đại hội Thánh Thể của riêng họ - Đại hội Thánh Thể đầu tiên dành cho người khiếm thính ở Hoa Kỳ. Đọc tất cả   Đàng Thánh Giá của các cựu tù binh và thương binh ở Ucraina Tối ngày 11/4/2025, các cựu tù binh, thương binh và người thân của những người lính mất tích đã tham gia buổi cầu nguyện mang ý nghĩa đại kết có tên “Đàng Thánh Giá dành cho tù binh và cầu mong hòa bình trở lại cho Ucraina”. Buổi ngắm Đàng Thánh Giá đã diễn ra trước Nhà thờ chính tòa Thánh Sophia ở thủ đô của Ucraina. Đọc tất cả   Kiến trúc sư Antoni Gaudí, nhà thiết kế Đền thánh Sagrada Familia ở Barcelona, được tôn là “Đấng Đáng kính” Ngày 14/4/2025, Đức Thánh Cha đã cho phép Bộ Tuyên thánh công bố các sắc lệnh, trong đó có sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa kiến trúc sư người Tây Ban Nha Antonio Gaudí. Với sắc lệnh này, “kiến trúc sư của Thiên Chúa” Antonio Gaudí trở thành Đấng Đáng kính. Đây là một bước quan trọng trong tiến trình tuyên phong Chân phước và phong thánh. Đọc tất cả   Vatican tiếp tục quá trình chuyển đổi sinh thái với 14 xe điện mới Bắt đầu từ ngày 16/4/2025, Vatican sẽ có 14 xe mới sử dụng điện để cổ võ việc di chuyển bằng năng lượng sạch và giảm ô nhiễm. Hai trong số các xe, được điều chỉnh đặc biệt, sẽ được tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Đọc tất cả   3.000 sinh viên của các đại học Opus Dei tham dự Tuần Thánh tại Roma Từ ngày 13/4/2025, khoảng 3.000 sinh viên đã tụ họp tại Roma để tham dự Đại hội Univ 2025, một cuộc gặp gỡ quốc tế của sinh viên đại học mong muốn cùng Đức Thánh Cha và Roma sống “Tuần Thánh và lễ Phục sinh trong Năm Thánh này”. Đọc tất cả   Trường nội trú Thánh Giá ở Banahappa mang hy vọng cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/SIDA ở Ấn Độ Tại một quốc gia mà HIV/SIDA vẫn còn rất bị kỳ thị, một trường nội trú nhỏ ở Jharkhand đang thay đổi cuộc sống. Trường nội trú Thánh Giá tại Banahappa cung cấp giáo dục, chăm sóc sức khỏe và là nơi trú ẩn cho trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/SIDA. Được thành lập vào năm 2014 với chỉ 45 học sinh, trường hiện đang phục vụ 230 trẻ em. Điều này chứng minh rằng lòng trắc ẩn và sự kiên trì có thể phá vỡ rào cản. Đọc tất cả   Tổng Giám mục Seoul kêu gọi tín hữu hiệp nhất trong hy vọng giữa bất ổn chính trị Trong sứ điệp Phục Sinh năm 2025, Đức Tổng Giám mục Peter Chung Soon-taick của Seoul mời gọi các tín hữu giữ vững tinh thần hiệp nhất trong hy vọng đứng trước tình trạng bất ổn sâu sắc về chính trị mà Hàn Quốc đang đối mặt. Đọc tất cả   Các lãnh đạo của Hội đồng Thế giới các Giáo hội kêu gọi cử hành một ngày lễ Phục sinh chung cố định Lễ Phục Sinh năm nay là một trường hợp đặc biệt bởi vì tất cả các Giáo hội Kitô, Đông phương cũng như Tây phương, đều sẽ cử hành vào ngày 20/4/2025. Nhân sự kiện này, các lãnh đạo Hội đồng Thế giới các Giáo hội đang kêu gọi để việc cử hành cùng một ngày trở thành cố định, như một “dấu hiệu rõ ràng của sự hòa giải và là biểu hiện cụ thể của sự hiệp nhất mà Chúa Kitô đã cầu nguyện”. Đọc tất cả   Israel chỉ cấp giấy phép cho 6.000 Kitô hữu Palestine ở Bờ Tây tham dự lễ Phục Sinh tại các nơi thánh Cha Ibrahim Faltas, Đại diện Dòng Phanxicô tại Thánh Địa, chia sẻ với hãng tin SIR rằng Phục Sinh năm nay, chính quyền Israel chỉ cấp 6.000 giấy phép, chỉ cho một tuần, cho các Kitô hữu Palestine ở Bờ Tây đến tham dự các nghi lễ Tuần Thánh tại các nơi thánh ở Thánh Địa. Đọc tất cả  

Giáo Hội Việt Nam

Hãy nhìn xem (07.04.2024 – Chúa Nhật Tuần 2 Phục SInh, Năm B - Chúa Nhật về Lòng Thương xót của Thiên Chúa)

06/04/2024 - 28

Bài Ðọc I: Cv 4, 32-35

“Họ đồng tâm nhất trí”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Lúc bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ.

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 117, 2-4. 16ab. 18. 22-24

Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở.

Xướng: 1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.

Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở.

2) Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên, tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. Chúa sửa trị, Chúa sửa trị tôi, nhưng Người đã không nạp tôi cho tử thần.

Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở.

3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.

Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở.


Bài Ðọc II: 1Ga 5, 1-6

“Mọi cái sinh ra bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, ai tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, thì kẻ ấy sinh bởi Thiên Chúa, và ai yêu mến Ðấng sinh thành, thì cũng yêu mến kẻ sinh ra bởi Ðấng đó. Cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến con cái Thiên Chúa, là khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn Người. Vì chưng, lòng yêu mến Thiên Chúa là chúng ta tuân giữ giới răn Người, và giới răn của Người không nặng nề.

Vì những gì sinh bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian, và đây là cuộc thắng trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta. Ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Ðấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Ðức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa, có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý.

Ðó là lời Chúa.


Alleluia: Ga 20,29

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. - Alleluia.


Phúc Âm: Ga 20, 19-31

“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do Thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

Ðó là lời Chúa.


Suy niệm 1: HÃY NHÌN XEM

Thân xác chúng ta thường mang những vết sẹo,

hậu quả của những lần bị trầy trụa, té ngã.

Có những vết sẹo gợi lại cả một vùng kỷ niệm.

Dù vui hay buồn thì cũng là chuyện đã qua.

Vết sẹo làm ta kém đẹp, nhưng không làm đau như xưa.

Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra thăm các môn đệ,

Ngài giúp họ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo.

Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn.

Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng:

Thầy chính là Ðấng đã bị đóng đinh và đâm thâu;

Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được cái chết.

Chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Chúa phục sinh có sẹo,

dù điều đó chẳng đẹp gì.

Ngài không ngượng mà cho các môn đệ xem.

Những cái sẹo sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc.

Chúng gợi lên những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau.

Nhưng nếu không có chúng thì cũng chẳng có phục sinh.

Chẳng cần phải xóa đi khỏi ký ức

cuộc khổ nạn kinh hoàng và cái chết nhục nhã.

Chúng ta cũng lên thiên đàng với các vết sẹo của mình.

Sống ở đời sao tránh khỏi những dập gẫy, thương tích.

Nếu chúng ta đón nhận mọi sự với tình yêu

thì mọi sự sẽ trở nên nhịp cầu cứu độ.

Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành.

Có những vết thương tưởng  chẳng thể nào thành sẹo.

Chúng ta có dám cho người khác thấy sẹo của mình không?

Cuộc khổ nạn của Thầy đã làm các môn đệ bị thương.

Các vết sẹo của Thầy sẽ chữa lành những vết thương đó.

Hẳn Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh.

Chính lúc đó ông khám phá thật sâu một Tình Yêu.

Tình yêu hy sinh mạng sống và đủ mạnh để lấy lại.

Tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục ông.

Ông đâu dám mong Thầy sẽ đích thân hiện đến

để thỏa mãn những đòi hỏi quá quắt của mình.

Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân.

Ông ra khỏi được sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập,

để bước vào thế giới của lòng tin.

Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy.

Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy,

nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông.

Tin bao giờ cũng đòi một bước nhảy vọt khỏi cái thấy.

Chúng ta không được phúc thấy Chúa theo kiểu Tôma,

nhưng chúng ta vẫn được thấy Chúa theo những kiểu khác.

Cần tập thấy Chúa để rồi tin.

Có khi phải tập nhìn lại những vết sẹo của mình,

của Hội Thánh, của cả thế giới,

để rồi tin rằng Chúa phục sinh vẫn đang có mặt

giữa những trăn trở và vấp váp, thất bại và khổ đau.

“Phúc cho những ai không thấy mà tin”,

và phúc cho những ai biết thấy nên tin.

 

Cầu nguyện:


Lạy Chúa,

xin cho con luôn vui tươi.

dù có phải lo âu và thống khổ,

xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;

nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,

những người -cũng như con- đang cần một người bạn.


Nếu như con nên yếu đuối,

thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,

thông cảm và nhân từ hơn.


Nếu bàn tay con run rẩy,

thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.

Khi lâm tử,

xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật

như một lời kinh.


Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,

như một lời xin vâng cuối cùng.

Và con sẽ về nhà Chúa,

để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.

 

Suy niệm 2: BÌNH AN CHO ANH EM


Giáo hội đặc biệt dành Chúa nhật thứ hai sau lễ Phục sinh

để kính Lòng Chúa Thương xót.

Khi đi rao giảng, Đức Giêsu hay chạnh lòng thương

trước những người bệnh tật, khổ đau, tội lỗi.

Khi bước vào cuộc Khổ nạn và đi đến cái chết,

chúng ta cũng thấy trái tim Ngài đầy tình xót thương.


Ngài thương các môn đệ khi mắt họ nặng trĩu ở Vườn Dầu,

Ngài để cho họ ngủ dù rất mong họ thức (Mt 26,43-44).

Ngài chấp nhận nụ hôn phản bội của Giuđa

và đứng ra bảo vệ để các môn đệ rút lui an toàn (Ga 18,8-9).

Ngài sờ vào tai của anh đầy tớ vị thượng tế để chữa lành,

sau khi tai anh bị chém đứt (Lc 22,51).

Lúc gà gáy, Ngài quay lại nhìn Phêrô sau khi ông chối Ngài.

Cái nhìn cảm thông, tha thứ, khiến ông bật khóc (Lc 23,62).

Trên đường lên Núi Sọ, khi các phụ nữ khóc thương Ngài,

Ngài lại tỏ lòng thương họ, vì tai họa họ sắp phải chịu (Lc 23,28).

Trên thập giá, Ngài xin Cha tha thứ cho những kẻ giết mình,

và ban ơn cứu độ cho người trộm biết thống hối (Lc 23,34.43).

Cử chỉ tình yêu cuối cùng của Ngài là gắn kết

Mẹ của mình với anh môn đệ mình thương:

“Đây là con của Bà… Đây là Mẹ của anh” (Ga 19,26-27).


Khi Đức Giêsu được Thiên Chúa Cha phục sinh từ cõi chết,

Ngài được đưa vào vinh quang đã có trước đây (Ga 17,24),

được Cha trao mọi quyền năng trên trời dưới đất (Mt 28,18).

Nhưng Đấng chiến thắng khải hoàn vẫn là Chúa xót thương,

Đấng đầy quyền năng thần linh vẫn tôn trọng tự do con người.

Chúa phục sinh đã không đi gặp Philatô,

để trừng phạt ông này về tội hèn nhát, không dám tha.

Ngài không hiện ra để lên án sự vô trách nhiệm của ông.

Chúa phục sinh cũng không đi gặp các thượng tế

để vạch trần lòng dạ xấu xa của họ,

khi họ lên kịch bản công phu nhằm hãm hại Ngài.

Họ đã thách thức Ngài xuống khỏi thập giá để họ tin (Mt 27,42).

Bây giờ Ngài đủ khả năng để bắt họ tin bằng việc hiện ra với họ.

Nhưng Ngài đã không làm.

Những người được Đấng phục sinh hiện ra,

đều là các môn đệ và tín hữu (1Cr 15,3-8).


Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho ta thấy

lòng thương xót vô bờ của Đấng phục sinh đối với các môn đệ.

Ngài đi bước trước đến với họ,

để nâng đỡ họ sau biến cố thập giá kinh hoàng,

biến cố làm vỡ tan mọi hy vọng và sụp đổ mọi ước mơ.

Các môn đệ đã mang những mặc cảm do vấp ngã.

Thầy đến để an ủi chữa lành các thương tích

bằng việc cho họ thấy các vết thương trên thân thể mình.

Các dấu đinh ở tay chân, và dấu đâm ở cạnh sườn Thầy

đem lại niềm vui và niềm tin về vị Thầy đã chết

nhưng nay đang sống và đang đứng bên họ.

Đấng phục sinh tế nhị không nhắc lại chuyện đã qua.

Ngài đẩy họ về phía trước, và sai phái họ lên đường.

Rồi sẽ đến lúc họ phải mở toang mọi cánh cửa khép,

thắng vượt mọi sợ hãi, chấp nhận chung số phận với Thầy.


Đấng phục sinh là Đấng có trái tim thương xót.

Ngài không muốn mất Tôma, vì Ngài biết tính của anh ấy.

Ngài hiểu những đòi hỏi có vẻ quá đáng của anh,

và biết anh muốn tin một cách nghiêm túc.

Chính vì thế một tuần sau, Ngài đã trở lại để gặp anh,

và thỏa mãn mọi điều anh đòi hỏi (Ga 20,27).

Thầy Giêsu vui sướng khi thấy lòng tin của anh mềm lại.

Anh chịu thua khi thấy tình thương Thầy dành cho mình,

chỉ biết thốt lên lời tuyên xưng: Lạy Thiên Chúa của con!


Tình thương của Đấng phục sinh không chỉ dành cho Tôma,

mà còn trải rộng đến đoàn tín hữu tương lai.

Vẫn có những con chiên cần được đưa về ràn (Ga 10,16).

Vẫn có những người vì không thấy nên chưa tin (Ga 20,29).

Vẫn có những người đã tin nhưng nay đức tin bị mất.

Mùa Phục sinh là thời gian bắt chước Đấng phục sinh

đi thăm các Tôma ở quanh ta…

 

Cầu nguyện:


Lạy Cha là Chúa trời đất,

Cha là Cha toàn năng,

nhưng Cha lại không phải là nhà độc tài.

Cha không quyết định một cách vô lý và độc đoán.

Cha đã cho con người cùng được chia sẻ tự do của Cha,

và Cha luôn tôn trọng tự do ấy,

dù con người vẫn lạm dụng tự do để làm điều xấu.


Lạy Cha toàn năng,

Khi trao cho loài người chúng con tự do,

Cha đã muốn tự giới hạn phần nào sự toàn năng của Cha.

Bởi đó sự dữ có sức tung hoành trong thế gian này.

Khi lòng độc ác của một số người đã treo Con Cha lên,

chúng con hiểu Cha có đủ quyền năng để đưa Ngài xuống.

Nhưng Cha đã muốn Con Cha chia sẻ cái chết bất công

của bao người thấp cổ bé miệng trên thế giới.

Cha muốn cái chết ô nhục trên thập giá của Con Cha

trở nên dấu chỉ cao nhất của tình yêu Cha

đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.

 

Lạy Cha toàn năng và khiêm hạ,

chúng con tin Cha vẫn đang làm việc để phục vụ chúng con.

Cha vẫn trao ban bánh và cá cho nhu cầu hàng ngày.

Cha vẫn mở cửa khi nghe tiếng gõ rụt rè của chúng con.

Chúng con tin vào tình yêu Cha

dành cho từng người ngay giữa sóng gió.

Và chúng con biết mình không bao giờ phải thất vọng. Amen. 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J



Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com

× Thành công! Câu hỏi của cộng đoàn đã được gửi. Câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.