GIÁO HỘI HIỆP HÀNH: HIỆP THÔNG
Lm. Đaminh Ngô Công Sứ
Giáo phận Xuân Lộc
WGPXL (26.7.2022) - Giáo hội của Thiên Chúa được triệu tập trong Thượng Hội Đồng Giám
Mục Thế giới lần thứ XVI với tên gọi “Hướng
đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”. Con đường Hiệp
Hành này đã khai mạc trọng thể vào các ngày 9-10 tháng 10 năm 2021 tại Rôma và
sau đó tại mỗi Giáo Hội địa phương. Để tham gia một cách tích cực vào tiến
trình Hiệp Hành của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI này, Giáo phận
Xuân Lộc đã dựa trên những tài liệu hướng dẫn của Văn phòng Thượng Hội Đồng
Giám Mục Thế Giới; của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam; cùng với những chỉ dẫn trực
tiếp và cụ thể của Đức Giám Mục Giáo phận, để tiến hành lập lên một tiến trình
Hiệp Hành cho riêng Giáo phận.
Cao điểm của giai đoạn Giáo phận
là Hội nghị Tiền - Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới được tổ chức tại giáo phận
Xuân Lộc chúng ta hôm nay. Hội nghị này tập hợp các thành phần tiêu biểu của
toàn Giáo phận để cùng nhau tham dự phụng vụ, cầu nguyện, lắng nghe, suy
tư và phân định những phản hồi nổi bật từ các cuộc thỉnh ý hiệp hành trên toàn
Giáo phận. Đây chính là con đường Giáo hội mong đợi, khi chúng ta đem những
thao thức này vào chung với nhịp đập của trái tim Giáo hội, chúng ta gọi tên đó
là Hiệp Thông.
I. HIỆP HÀNH: HIỆP THÔNG - THAM GIA - SỨ VỤ
1. Hiệp Thông trong Hiệp Hành
Chủ đề của Thượng Hội đồng là “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành:
Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ.” Ba chiều kích của chủ đề là hiệp thông,
tham gia và sứ vụ. Ba chiều kích này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chúng
là những trụ cột quan trọng của một Giáo Hội hiệp hành. Không có thứ
bậc chính và phụ giữa chúng[1] Vì thế, chỉ có “hiệp hành” khi có “hiệp thông, tham gia và sứ vụ”; cũng vậy, không thể nói đến hiệp
thông mà không liên can gì đến hai khía cạnh: tham gia và sứ mạng.
2. Hiệp hành là cùng đi trên một con đường
Hiệp
Hành là cùng đi trên một con đường: con đường Giêsu, Đấng tự giới thiệu chính
Ngài là “con đường, sự thật và sự sống”
(Ga 14, 6). Cùng đi trên con đường Giêsu bằng cách nào? Những người
qua bí tích Rửa tội chia sẻ cùng một phẩm giá và ơn gọi, họ có bổn phận phải
liên đới với nhau để cùng nhau tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa
trong Kinh Thánh và truyền thống sống động của Giáo hội, tham gia vào sứ mạng của
Giáo hội trong sự hiệp thông mà Đức Kitô thiết lập giữa chúng ta.
Hiệp hành là cùng nhau tìm hiểu
những điều đẹp ý Chúa và giúp nhau thực thi những điều Chúa truyền dạy, nhằm
làm cho gia đình trở thành mái ấm tình thương, cộng đoàn giáo xứ thánh thiện
hơn và rộng hơn nữa, thế giới phát triển tốt đẹp, lành mạnh hơn.
3. Hiệp Hành cần có Hiệp Thông
Tuy nhiên, nhiều khi đi trên cùng
một con đường nhưng người đi trước người đi sau theo kiểu mạnh ai nấy đi. Và vì
thế, không đi đến đâu. Bởi vì muốn đi xa, phải đi cùng, có nghĩa là phải cùng
đi với nhau, nương nhau, dìu nhau, đợi nhau, theo nhau đi…
Cùng đi trên một con đường, nhưng
có người thấy hoa, người thấy cỏ; người thấy đường đẹp người thấy đường xấu;
người thấy dễ đi người thấy khó đi; người thấy nhanh người thấy chậm; người thấy
vui người thấy buồn… mỗi người tuỳ theo tâm trạng, tính khí, tư duy, sở thích,
khả năng của mình mà thấy cái này mà không thấy cái kia… Cũng vậy hiệp hành sẽ
mãi là khẩu hiệu, là kiểu nói hay, nếu không có hiệp thông.
II. Ý NGHĨA CỦA HIỆP THÔNG
Hiệp thông có thể được coi là nhịp
tim đầu tiên cho thân thể sống động của Đức Kitô. Cha ông chúng ta thường
nói : “Anh em như thể tay chân” để
nói lên sự liên kết, gắn bó trong một gia đình, một dòng tộc. Trong Giáo hội
Chúa Kitô, sự liên kết này còn bền chặt hơn nữa. Không phải chúng ta chỉ coi
nhau như thể tay chân, mà chúng ta thực sự là tay chân của nhau. Thánh Phaolô
quảng diễn mối hiệp thông nội tại trong thư gửi tín hữu Côrintô (1 Cr
12,12-13.17).
“Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các
bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy.
Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta
đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả
chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.... Giả như toàn thân chỉ là mắt,
thì lấy gì mà nghe ? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi ?”
1. Hiệp thông theo chiều đứng và chiều ngang
Khi tuyên xưng Giáo Hội là “Mầu nhiệm hiệp thông”, ý niệm hiệp thông
không là một ý niệm đơn nghĩa, nhưng phải được hiểu trước hết theo “chiều đứng”
với Chúa, rồi mới theo “chiều ngang” với nhau. Thiếu chiều đứng, không có Giáo
hội theo nghĩa Kitô giáo, mà chỉ còn là một “tập thể” như những tập thể trần
gian khác. Hiệp thông trước hết là “Hiệp
thông với Thiên Chúa Ba Ngôi”: trong Chúa Thánh Thần chúng ta nên một với
Chúa Giêsu, và nhờ Chúa Giêsu chúng ta nên một với Thiên Chúa. Rồi mới đến chiều
ngang là “nhờ kết hợp với Chúa Giêsu
trong Chúa Thánh Thần, chúng ta nên một với nhau, làm thành Giáo Hội, “Thân Thể
mầu nhiệm” của Chúa.
2. Hiệp thông hữu hình và vô hình
Hiệp thông Giáo hội vừa là vô
hình, vừa là hữu hình. Khía cạnh vô hình, chính là sự hiệp thông của mỗi người
với Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, sự hiệp thông với những người
được cùng chia sẻ bản tính thần linh của Thiên Chúa. Ngoài sự hiệp thông vô
hình, còn có “hiệp thông hữu hình”
trong “Giáo lý các Tông đồ”, trong “đời sống Bí tích” và trong “phẩm trật Hội Thánh”.
Bộ mặt hữu hình rõ rệt nhất là “Cộng đồng các tín hữu”, là tập thể các
Kitô hữu, những người môn đệ của Chúa Giêsu, những con người tin và bước theo
Chúa Giêsu, được tổ chức theo “phẩm trật”. Phẩm trật trong Giáo hội được Chúa
Giêsu lập ra, để phục vụ và hướng dẫn Giáo hội. Phẩm trật không đi ngược với sự
hiệp thông, trái lại được Chúa Thánh Thần sử dụng để hoàn toàn phục vụ sự hiệp
thông.
Đức Thánh Cha là người kế vị
Thánh Phêrô được Đức Kitô đặt làm đầu toàn thể Giáo Hội, là “đầu mối hiệp thông” trong Giáo hội phổ
quát. Giám mục là những người tiếp nối sứ vụ các Thánh Tông đồ, “đầu mối hiệp thông” trong giáo phận được
trao phó cho các ngài.
3. Nguồn gốc và cùng
đích của Hiệp Thông
Hiệp thông được Cẩm nang cho Thượng
Hội đồng về tính hiệp hành phát biểu:
“Hiệp thông: Do ý muốn nhân lành, qua giao ước ban cho
dân, Thiên Chúa quy tụ chúng ta lại với nhau như những dân khác biệt nhưng cùng
một đức tin. Cội nguồn sâu xa nhất của sự hiệp thông mà chúng ta cùng chia sẻ
phát xuất từ tình yêu và sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi.....”[2]
Hiệp thông không phải là ước muốn
hay ý thích của chúng ta hay của Giáo Hội. Hiệp thông khởi nguồn từ Thiên Chúa,
Thiên Chúa nơi Người là sự hiệp thông: Thiên Chúa duy nhất là: Cha và Con và
Thánh Thần. Thiên Chúa tạo dựng con người cũng để cho con người được hiệp thông
với Ngài. Sự nhập thể cứu độ của Ngôi Lời cũng với mục đích tái lập sự hiệp
thông giữa con người với Thiên Chúa và liên kết con người với nhau trong Chúa
Thánh Thần.
Lời khẩn cầu của Chúa Giêsu với
Chúa Cha cho chúng ta hiểu rằng: Hiệp thông bao gồm sự hiệp thông với nhau và
hiệp thông với Chúa, theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi: “Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng : “Lạy Cha,
Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ
mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ
cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21).
Tắt một lời, nhờ Chúa Thánh Thần,
chúng ta được hiệp thông với Chúa, hiệp thông với nhau, và đạt tới cùng đích là
hiệp thông mãi mãi trong Thiên Chúa Ba Ngôi.
4. Giới hạn của Hiệp Thông
4.1. Ranh giới của Hiệp
Thông là không giới hạn.
Trong lời cầu nguyện của Đức
Giêsu nói rõ sự không biên giới ấy: “Con
không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà
tin vào Con” (Ga 17, 20), cùng
với sứ mạng Ngài trao cho các tông đồ trước khi về trời: “Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại
Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất”
(Cv 1, 7-8).
Điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô
kêu gọi chúng ta: “ra đi đến vùng
ngoại biên”. Và đấy là biên cương xa xôi không bao giờ bị giới hạn.
Hiệp thông mời gọi mọi người “cùng nhau cất
bước hành trình”, không để ai xa cách, không để ai bên lề mà không cùng đi
trên con đường. Hiệp thông mời gọi chúng ta tích cực lắng nghe, tìm mọi cách để
mọi người được phát biểu, đặc biệt là những thành phần Giáo hội đã lãng quên
hay bỏ rơi, những người bị xã hội loại trừ, những người đã trải qua những đau
khổ khốn cùng…
4.2. Hiệp thông bị dừng lại
trước các thực tại xấu
Thật vậy, mặc dầu chúng ta đang ở
trong thời đại 4.0, mặc dầu thế giới ngày nay được gọi là “thế giới phẳng” qua
xu thế toàn cầu hoá và tác động internet trên cuộc sống thực của mỗi chúng ta.
Những gì xảy ra trên thế giới chúng ta có thể biết cách tức khắc, nhưng ta lại
không hiệp thông thực sự với thế giới ấy, và thế giới ấy không có sự hiệp
thông.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn
Niềm vui Tin mừng đã cho ta một cái nhìn về thực trạng thế giới toàn cầu
hoá, đồng thời Ngài kêu gọi chúng ta hãy nói không với các thực trạng xấu này:
“Nói không với một nền kinh tế loại trừ [53-54]; Nói không với ngẫu thần mới là tiền bạc [55-56]; Nói không với với một hệ thống tài chánh
thống trị thay vì phục vụ [57-58]; Nói không với sự bất bình đẳng, nguồn gốc
của bạo lực [59-60]”.
III. ĐÚC KẾT TIẾN TRÌNH THỈNH Ý về HIỆP THÔNG TẠI GIÁO PHẬN
XUÂN LỘC
1. Tổng Quan Giáo phận
Xuân Lộc, một giáo phận đông giáo
hữu nhất trên quê hương đất nước Việt Nam, tính đến 31.12.2021, giáo phận có:
- Giáo hữu: 1,073,179 nhân danh ;
Số gia đình: 286,830
- Linh mục triều - dòng: 680
- Tu sĩ hiện diện trong các giáo
xứ nam: 276; nữ: 1644
- Giáo xứ 275; Giáo họ Biệt lập:
33 (= 308 đơn vị)
Xuân Lộc là một giáo phận lớn, được
nhiều người biết đến với những công trình cơ sở tôn giáo tầm cỡ như Tòa Giám mục
và Đại chủng viện, trường Cao Đẳng Nghề Hòa Bình, Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ
Núi Cúi. Giáo phận có những đóng góp vào công cuộc bác ái xã hội cũng có tên tuổi…
Xin được đúc kết một vài điểm về
khía cạnh Hiệp Thông qua tiến trình thỉnh ý để nhận ra sự hiệp thông trong giáo
phận đạt đến mức độ nào.
2. Hiệp Thông qua tiến trình thỉnh ý tại Giáo Phận
2.1. Cách thỉnh ý:
Theo hướng dẫn của Đức Giám mục
Giáo phận: bản thỉnh ý được phổ biến 2 cách: bằng văn bản và Biểu mẫu online
Google Forms
- Với linh mục, tu sĩ, chủng
sinh: thỉnh ý từng vị.
- Với giáo hữu thỉnh
ý từng gia đình, mỗi gia đình cùng trả lời chung 1 bản.
+ Bản thỉnh ý giáo hữu đăng tải
trên biểu mẫu online Google Forms giúp tiếp cận với những thành phần dân Chúa
xa nhà, xa xứ.
+ Lại nữa, các giáo xứ ngoài việc thỉnh ý các gia đình, cũng được mời gọi thỉnh
ý đối với các thành viên trong các hội đoàn của giáo xứ. Vì thế, có những giáo
xứ có số trả lời thỉnh ý vượt qua số gia đình trong giáo xứ, nên có những con số
với tỉ lệ cao hơn 100%.
- Tỉ lệ ghi trong bản đúc kết được
tính dựa trên hai con số được thống kê của giáo phận tính đến ngày 31.12.2021.
+ với giáo hữu theo tổng số gia
đình (286,830 gia đình/ giáo phận);
+ linh mục, tu sĩ, chủng sinh (472 lm triều + 186 lm dòng + 428 chủng sinh +
1,937
tu sĩ = 2,923)
2.2. Tiếng nói của con số kết quả thỉnh ý
Số phiếu thỉnh ý và tỷ lệ đóng góp ý kiến tổng quát:
Đối tượng |
Số phiếu trả lời |
Tổng số |
Tỉ lệ |
Giáo dân |
169,883 |
286,830 |
59,23% |
Linh mục, tu sĩ, chủng sinh |
2,519 |
3,023 |
83,33% |
Con số 83,33% đóng góp ý kiến nói
lên sự hiệp thông trong giáo phận về phía linh mục tu sĩ chủng sinh khá cao,
còn về phía giáo dân chỉ trên mức trung bình là 59,23%.
2.3. Khảo sát thực trạng về
Số lượng trả lời cho mỗi chọn lựa
của mỗi câu hỏi cũng nói cho ta biết được các gia đình, giáo xứ đã làm gì để hiệp
thông với nhau, cũng như thực trạng về sự hiệp thông trong các gia đình, nơi
các giáo xứ như thế nào.
Trong bản thỉnh ý bao gồm những
câu hỏi khảo sát nhằm nhận biết mức độ của tinh thần hiệp thông trong giáo phận.
1* Hiểu khái niệm
về hiệp thông:
Đây có thể là một từ ngữ đã khá
quen thuộc với nhiều Kitô hữu, nhưng không dễ để đưa ra một định nghĩa cho thỏa
đáng. Vì thế, phần lớn các tín hữu chưa hiểu hết khái niệm về sự hiệp thông
trong Giáo hội là thế nào. Theo kiểu diễn tả của sách Công vụ tông đồ, hiệp
thông chính là ‘một lòng một ý’ hay ‘đồng tâm nhất trí.’ Điều ấy được diễn tả
rõ nét qua nguyên tắc sống nền tảng của cộng đoàn Giáo Hội sơ khai như sau: ‘Không ai trong các tín hữu phải thiếu thốn,
vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, đem số tiền thu được đặt
dưới chân các Tông đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu’
(Cv 4, 34-35).
Như thế, Hiệp thông trong Giáo Hội
là “Cộng đồng các tín hữu” gắn bó với
nhau, kết hợp với nhau, nhưng không phải bởi một tình bằng hữu thuần túy tự
nhiên, hoặc một khế ước “thuần túy xã hội”,
nhưng là một “Dân Thánh”, được quy tụ
bởi “Tình yêu Ba Ngôi”, được kết hợp
với Thiên Chúa và nối kết với nhau nhờ “Hồng
ân Thánh Thần” mà họ lãnh nhận qua Lời Chúa và các Bí tích.
2* Những thực hành cụ thể cho sự hiệp
thông[3]:
- Hiệp thông trong
gia đình:
Có lẽ nhiều người giáo hữu đã ý
thức được về sự cần thiết của việc cầu nguyện trong gia đình, 44.1% những người
trả lời thỉnh ý nói việc đọc kinh chung gia đình sẽ tăng thêm tình hiệp thông.
Tuy vậy, phần lớn chưa nhận ra tầm quan trọng của điều này, hoặc có nhận ra thì
vì hoàn cảnh, vì lười biếng nên việc thực hành đi lễ chung, cầu nguyện chung
còn rất hạn chế.
Nhiều người khác cho ý kiến trong
sinh hoạt hằng ngày tình hiệp thông gia đình được biểu lộ nhiều nhất qua những
cơm chung gia đình 43.6%, và trong những cuộc trao đổi truyện trò hằng ngày với
nhau.
- Hiệp thông trong
giáo xứ:
Hiệp thông với giáo xứ được thể
hiện qua sự hiện diện tích cực trong các cử hành phụng vụ, các việc đạo đức
chung, nhất là trong thánh lễ Chúa nhật. 48.6% người trả lời cho rằng đi lễ
Chúa nhật là dấu chỉ của sự hiệp thông trong giáo xứ. Tuy vậy, ngày nay với chủ
trương ngày Chúa nhật tiện đâu đi lễ ở đó, tiện lúc nào đi lúc đó, làm cho người
ta ít quan tâm đến giáo xứ của mình hơn.
Một dấu chỉ hiệp thông nữa trong
giáo xứ là tham gia vào các hội đoàn công giáo. Nhưng hiện nay việc này càng
lúc càng khó đối với các giáo hữu. Nhiều giáo xứ tìm không ra người phục vụ ở
các lãnh vực cần thiết và quan trọng như: ban hành giáo, giáo lý viên, ca
đoàn..... Vì thế, nói đến các hội đoàn có khi như là một thứ xa xỉ, và đối với
nhiều giáo hữu có những hội đoàn có khi họ chưa hề nghe nói đến các tên gọi bao
giờ.
- Hiệp thông với giáo phận
Hiệp thông với giáo phận còn là
chuyện khó hơn nữa đối với các giáo hữu ngày nay. Chẳng hạn, việc cầu nguyện
hay hưởng ứng các lời kêu gọi của các Chủ chăn giáo phận vẫn còn xa lạ, không
thiết thực. Sự nhắc nhớ nhau cộng tác vào các chương trình mục vụ của giáo phận
dường như ít về phía mục tử, và càng ít hơn về phía giáo dân.
Những công cuộc bác ái xã hội vẫn có, những quan tâm đến các cộng đoàn khác
cũng có, giúp đỡ truyền giáo và những anh em ngoại giáo cũng có nhiều, nhưng
thường chỉ dừng lại chỗ giúp họ thoát đói nghèo, cứu trợ hoạn nạn chứ không nhắm
đến phần rỗi của họ.
3* Những hạn chế trong tình hiệp thông
- Nơi các Gia đình, đoàn thể, giáo xứ, cộng đoàn dòng tu:
Tính ích kỷ luôn đứng đầu trong
việc hạn chế tình hiệp thông (37,3%), sau đó là phe nhóm (31,2%), tính độc đoán
(19,3%) của các thành viên trong gia đình hay trong các đoàn thể.
Thứ hai là những thách đố của thời
đại như: Tình trạng sống chung mà không có hôn nhân, hôn nhân đồng tính, hoàn cảnh
các bà mẹ đơn thân; những quan niệm dễ dãi về việc phá thai, ly dị, ngoại tình,
sống thử trước hôn nhân… cũng làm mất sự hiệp thông với cộng đoàn Đức Tin và
gia đình. Ta thấy rõ điều này khi bản thỉnh ý đề ra ngày càng nhiều đối tượng cần
quan tâm liên quan đến đời sống gia đình.
- Nơi các mục tử:
Một số ít ý kiến điều làm cản trở
tình hiệp thông trong giáo xứ khi các ngài nóng tính, cư xử thiếu thông cảm, tế
nhị, và không nghe những góp ý của người khác.
- Với cộng đoàn dòng tu tại các giáo xứ:
Trong đời sống cộng đoàn, nếu mỗi thành viên biết đón nhận và xây dựng cho nhau thì đời sống cộng đoàn sẽ triển nở và đi đến hiệp thông trọn vẹn. Một cộng đoàn thiếu yêu thương, hiệp nhất sẽ là dấu hiệu phản chứng tình yêu Chúa trong môi trường mình đang phục vụ.
Đa phần quý cộng đoàn dòng tu đã lấy được tín nhiệm từ giáo hữu, nhưng vẫn còn
một số ít phản ảnh về tương quan chưa tốt, hay còn xa giáo lạ (có thể do từ phía xứ / cộng đoàn dòng tu).
KẾT LUẬN :
Dù cho hiệp thông trong lòng Giáo
hội chỗ này chỗ kia đang có những nguy cơ rạn vỡ. Chẳng hạn “Con đường công nghị” của Giáo hội Công
giáo Đức bắt đầu ngày 01/12/2019 và dự kiến sẽ kết thúc vào năm nay, nhắm cải tổ
cơ cấu và đạo lý Giáo hội trong 4 lãnh vực:
- Thực thi quyền bính trong Giáo
hội và cổ võ những biện pháp dân chủ hóa;
- Thứ hai là cải tổ luân lý tính
dục cho hợp thời;
- Thứ ba là cải tổ luật độc thân
linh mục, bị coi là một nguyên do gây nên nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục;
- Sau cùng là vai trò phụ nữ, cổ
võ truyền chức cho nữ giới, đang làm cho sự hiệp thông trong Giáo hội bị lung
lay.
Thì tại giáo phận Xuân Lộc, hiệp thông vẫn còn là nét son đẹp trong các sinh hoạt của giáo phận, từ chủ chăn đến đoàn chiên luôn gắn bó với nhau, và tôn phục huấn quyền của Phêrô là Đức Giáo Hoàng. Đó cũng chính là biểu tượng cho sự hiệp thông của Giáo hội địa phương với Giáo hội hoàn vũ, một cách cụ thể với Đức Thánh Cha là dấu chỉ và là nguyên lý hữu hình của sự hiệp nhất trong toàn thể Hội Thánh[4].
Hội nghị hôm nay tại giáo phận là theo sát hướng dẫn của Toà Thánh về tiến trình chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 16 với chủ đề Hiệp Hành, chúng ta không thể không xúc động trước thao thức và những nỗ lực của Đức Thánh Cha Phanxicô cho một Giáo hội biết lắng nghe, bởi không biết lắng nghe, Giáo hội sẽ xa dần thế giới, mục tử sẽ xa dần đàn chiên, và nhiều Kitô hữu sẽ rời xa nhau, rời bỏ Giáo hội.
Ước gì chúng ta cùng khởi đầu tiến trình Hiệp Hành bằng khởi sự lắng nghe: mục
tử lắng nghe con chiên, con chiên lắng nghe nhau và cùng nhau lắng nghe mục tử.
Lắng nghe nhau với lòng thương xót như Đức Chúa đã lắng nghe tiếng dân Ngài “kêu than vì bọn cai hành hạ”, và sai
Môsê đi giải thoát họ (X. Xh 3, 7-8);lắng nghe nhau với lòng nhân hậu và quả cảm
thực thi bác ái, như Thiên Chúa đã lắng nghe và ra tay bênh vực những “mẹ góa con côi bị ức hiếp” (X. Xh 22,
11-22);lắng nghe nhau với lòng tín thác, khiêm nhường như Samuen vì lắng nghe
thầy cả Êli nên mới nghe được tiếng Chúa dạy bảo cậu (X. S 3, 1-14); và chỉ
khi chiên lắng nghe chủ chăn, chủ chăn lắng nghe chiên, mà không “mũ ni che tai, làm ngơ, giả điếc” với
nhau, thì Thiên Chúa mới lắng nghe chúng ta thân thưa, kêu cầu Ngài (X. S 3,
1-14).
Nói cách khác, không biết lắng
nghe, tâm hồn sẽ khép kín, trái tim sẽ đóng chặt, và hội nghị này không là cuộc
sum họp hiệp thông của toàn giáo phận tiền Thượng Hội Đồng Giám Mục. Hơn nữa
không biết lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần thì làm sao nghe được tiếng
sai đi loan báo Tin mừng cho Dân ngoại (ad Gentes) như Lời Chúa chúng ta nghe
lúc bắt đầu Hội nghị.
Trở ngại lớn nhất trong công cuộc loan báo Tin Mừng không phải là những khó khăn bên ngoài, nhưng là tình trạng các môn đệ của Đức Kitô an phận khép kín, chưa thao thức “đi ra” đến những người còn ở xa. Trở ngại lớn nhất là tình trạng thiếu lửa trong Giáo hội, thiếu nhiệt tình và niềm vui Tin Mừng, thậm chí đánh mất chính Tin Mừng.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đừng nói rằng thời nay khó hơn, nó chỉ khác thôi. Hãy học nơi các thánh là những người đi trước đã đối diện với khó khăn trong thời của họ thế nào. Họ là những người tràn trề niềm vui, can đảm không mỏi mệt và nhiệt tình trong việc rao giảng Tin Mừng”[5].
Về với giáo phận, là trở về trung tâm của Giáo hội địa phương, không chỉ như một
không gian địa lý nhưng còn như một cuộc trở về nguồn là chính trái tim đang
truyền sự sống của toàn thể Dân Chúa trong giáo phận. Một cuộc sum họp hiệp
hành bao giờ cũng chan chứa tình hiệp thông và yêu mến hướng tới một tương lai
tươi sáng.
Nguồn: giaophanxuanloc.net
[1] Cẩm Nang (Cho Thượng Hội Đồng về Tính Hiệp Hành) XB 1.2021, số
1.4 Các từ then chốt dành cho tiến trình hiệp hành.
[2] Cẩm Nang (Cho Thượng Hội Đồng về Tính Hiệp Hành) XB
1.2021, số 1.4 Các từ then chốt dành cho tiến trình hiệp hành.
[5] Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 263.
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com