GIÁ TRỊ CỦA LỐI SỐNG HIỆP HÀNH TRONG ĐỜI THÁNH HIẾN
Nữ tu Ngọc Lan, FMM
Trong lá thư vào ngày 17/1/2022 gởi đến các Bề
trên Thượng cấp của các Dòng tu và Hiệp hội, Đức hồng y João Braz de Aviz, Bộ
trưởng Bộ Đời sống Thánh hiến và Hiệp hội Đời sống Tông đồ cùng với Đức hồng y
Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, đã hướng dẫn những người sống
đời thánh hiến tham gia vào tiến trình Hiệp Hành của Thượng Hội đồng Giám mục
XVI. Lá thư nói rõ rằng con đường Hiệp Hành mà Giáo hội đang trải qua được nên
phong phú một cách vô giá nhờ các đặc sủng do Thánh Thần nâng đỡ; trong số những
đặc sủng này, những đặc sủng của anh chị em sống đời thánh hiến có một vị trí đặc
biệt, vì thế họ nên suy ngẫm về sự đóng góp mà đời sống thánh hiến, vốn luôn được
đặc trưng bởi các phong cách và hình thức tham gia vào đời sống và quản trị của
các cộng đoàn, có thể cống hiến cho sự tăng trưởng của một Giáo hội Hiệp Hành
đích thực.[1]
Điều đó cho thấy sự hiện diện của những người sống đời thánh hiến và tiếng nói
của họ đóng góp một phần không thể thiếu trong đời sống của các Giáo hội địa
phương cũng như của Hội thánh toàn cầu, làm nên vẻ đẹp phong phú đa dạng của cộng
đồng Dân Chúa giữa lòng thế giới.
Riêng đối với Giáo hội Việt Nam, vào chiều
ngày 20-2-2022 vừa qua tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn, Đức Tổng Giám mục
Marek Zalewski - Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam - cùng với ĐTGM Giuse Nguyễn
Năng, đã có cuộc gặp gỡ các tình nguyện viên tu sĩ và linh mục tham gia phục vụ
nơi tuyến đầu trong các đợt đại dịch bùng nổ tại Việt Nam năm 2021.[2]
Con số 417 tình nguyện viên hiện diện mới chỉ là hơn nửa số tham gia thực sự,
vì nhiều anh chị em đã trở về lại với sứ vụ nơi các địa phương khác không thể đến
dự. Nhưng sự hiện diện đó cũng đã vượt quá mong chờ của Ban tổ chức, và cho thấy
cả một lực lượng người trẻ sống đời thánh hiến sẵn sàng “ra quân” đáp lời, để
phục vụ cho những người cùng khốn nhất trong hoàn cảnh đầy bấp bênh lo sợ, khi
chứng kiến bao con người ở bên bờ
sinh tử... Như thế, trong lúc cả thế giới oằn mình trước những hệ luỵ kinh khủng
của đại dịch, kinh nghiệm phục vụ của nhóm tình nguyện viên tu sĩ và linh mục tại
Việt Nam là điều rất đặc biệt giữa một đất nước cộng sản, và điều đó cũng không
xảy ra nơi các nước khác. Vì thế ĐTGM Marek đã ngỏ ý xin đoạn video trình bày
hoạt động của nhóm tình nguyện viên tu sĩ và linh mục tại Việt Nam để gởi về
cho Đức giáo hoàng xem, vì nó cho thấy rằng Giáo hội Việt Nam đã đọc được dấu
chỉ thời đại và mau mắn hiện diện ở những nơi đang cần đến Giáo hội.[3]
Một cách nào đó, việc tham gia hoạt động tình
nguyện thời đại dịch cũng có thể được xem là kinh nghiệm Hiệp Hành của anh chị
em tu sĩ, khi họ tín thác vào Chúa và cùng chung vai góp sức với nhau để dấn
thân vì đồng bào của mình, bất chấp mọi thách đố hiểm nguy. Ngay chính bản thân
các tình nguyện viên tu sĩ và linh mục cũng có những người đã trải qua kinh
nghiệm “dương tính với Covid” trong thời gian phục vụ và có người đã vĩnh viễn
ra đi. Thế nhưng trước tình cảnh của những con người đau khổ cần đến sự chăm
sóc phục vụ yêu thương, anh chị em tình nguyện viên tu sĩ - linh mục vẫn không
lùi bước, mà sát cánh chung vai trong một cuộc chiến thầm lặng. Họ tranh thủ thời
gian mỗi ngày để gặp gỡ lắng nghe Chúa, nhận lấy sức mạnh thiêng liêng cho
mình, để rồi có thể chung tay cùng nhau chia sẻ cho người khác những ân ban, sự
nâng đỡ an ủi khích lệ, và đem lại bình an cho những ai đang mất đi niềm hy vọng...
Thiết nghĩ việc học hỏi và thực hành Hiệp Hành trong các cộng đoàn Dòng Tu qua
hướng dẫn từ các Tài liệu Hiệp Hành của Giáo hội sẽ đem lại nhiều ích lợi cho đời
sống thánh hiến nói chung, cũng như đời sống của mỗi tu sĩ nói riêng. Bài viết
này muốn làm rõ ý nghĩa và giá trị của lối sống Hiệp Hành đối với đời tu trong
bối cảnh thế giới hôm nay.
Theo Tông huấn về đời sống Thánh hiến Vita Consecrata (VC) do Đức Thánh giáo
hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 25/3/1996, bản chất của đời tu là bước theo
Đức Kitô, bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Người, đó là một ân huệ
Thiên Chúa Cha ban cho Giáo hội qua trung gian của Thánh Thần (X. VC số 1). Vì
thế người tu sĩ được mời gọi gắn kết với Chúa mỗi ngày qua đời sống cầu nguyện
để hiệp thông với Chúa và mở ra để hiệp thông với nhau trong Người. Đồng thời họ
cũng được mời gọi để đồng hành với anh chị em của mình trong đời sống cộng đoàn
và các sứ vụ khác nhau, nhằm góp phần xây dựng Nước Trời và biểu lộ khuôn mặt
yêu thương của Thiên Chúa cho con người hôm nay. Hiệp thông và đồng hành như thế
chính là hai chiều kích thiết yếu của đời tu, giúp người tu sĩ biết mở ra để lắng
nghe Chúa và lắng nghe nhau. Đó cũng là những nét chính của lối sống Hiệp Hành
mà Đức thánh cha Phanxicô mời gọi cả Giáo hội cùng sống trong tiến trình của
Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI đang diễn ra hiện nay. Nói cách khác, lối
sống Hiệp Hành không phải là điều xa lạ gì với đời sống thánh hiến, nhưng chính
là điều mà người tu sĩ đã chọn lựa và kết sống, khi dấn thân vào con đường tu
trì trong lòng Giáo hội.
Lý tưởng là như thế, nhưng trong thực tế đời
tu hôm nay đang đối diện với rất nhiều thách đố lớn lao. Con số ơn gọi trong
các dòng tu ngày càng ít đi so với trước đây, không chỉ ở các nước Âu Mỹ mà
ngay cả tại Việt Nam hoặc những nơi được xem là đang còn nhiều ơn gọi. Các gia
đình ngày càng ít con và người trẻ lớn lên trong một xã hội toàn cầu hoá với những
cám dỗ về lối sống dễ dãi và hưởng thụ. Họ ngại dấn thân và không muốn cam kết
lâu dài vào một lối sống có nhiều đòi hỏi, phải lội ngược dòng. Họ muốn tìm
thành công bằng mọi giá, chạy theo tiền bạc và các giá trị ảo, ngại khó ngại khổ
và sợ hy sinh từ bỏ. Thêm vào đó, con số xuất tu cũng có chiều hướng gia tăng
hơn trước, cho dù đời tu vẫn được trân trọng và đánh giá cao. Điều quan trọng
hơn nữa, phẩm chất đời tu xem ra cũng có phần giảm sút vì những lý do khác
nhau. Đó có thể là do thiếu phân định và động cơ ơn gọi không đúng đắn, những ảnh
hưởng và cám dỗ của các phương tiện truyền thông, những nặng nề tiêu cực do cơ
cấu quản trị và việc thực thi quyền bính, những vấn đề xung khắc trong tương
quan gây chia rẽ, bè phái, chạy theo tinh thần thế tục... Đó cũng có thể là những
gương xấu, những yếu đuối cá nhân, lối sống thiếu chứng tá, quá đề cao công việc,
mạnh ai nấy sống, thiếu sự quan tâm và tình gia đình.
Cơn đại dịch toàn cầu đang xảy ra đã tác động
đáng kể đến đời tu, nhiều Hội Dòng bị giảm sút nhân sự, nhiều tu sĩ sau khi nhiễm
bệnh đã phục hồi nhưng để lại những di chứng và sự sa sút thấy rõ về sức khỏe
tâm thể lý. Nhiều sứ vụ đang được các cộng đoàn tu sĩ mở ra thêm để giúp đỡ những
người nghèo, chữa lành cho những người bị sang chấn sau Covid, đáp ứng những
nhu cầu mới nảy sinh của Giáo hội và xã hội. Điều đó vừa bộc lộ vẻ đẹp của đời
sống dấn thân chia sẻ phục vụ trong yêu thương, vừa tạo ra thêm những gánh nặng
trách nhiệm mới, đòi hỏi sự phân định biện biệt nghiêm túc và sáng suốt của người
tu sĩ, cả ở cấp độ cá nhân lẫn cộng đoàn. Chúng ta cũng đang chứng kiến một tình
huống khủng hoảng toàn cầu, khi cuộc chiến tranh phi lý đang xảy ra tại
Ucraina, mà cho đến nay chưa hề có dấu hiệu suy giảm. Đức giáo hoàng Phanxicô
đã nhiều lần mời gọi toàn Giáo hội cầu nguyện cho hòa bình thế giới cũng như
cho Ucraina, và vừa qua ngài đã tái mời gọi tất cả mọi người hãy thực hiện một
ngày cầu nguyện và ăn chay vì hòa bình ở Ucraina vào ngày Thứ Tư Lễ Tro
02/03/2022[4].
Có thể nói chúng ta đang bước vào một thời điểm rất đặc biệt và quan trọng
trong đời sống của Giáo hội và thế giới. Chính trong bối cảnh đó, lối sống Hiệp
Hành là một lời mời gọi hoán cải canh tân, giúp các tu sĩ cùng nhau nhìn lại thực
trạng và mở ra kết nối để định hướng cho những chọn lựa mới, nhằm giúp đời tu
thực sự có phẩm chất và được tăng trưởng nhiều hơn.
Như một luồng
gió mới của Chúa Thánh Thần thổi vào đời sống của toàn Giáo hội, lối sống Hiệp
Hành của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI tiếp nối tinh thần đổi mới của
Công đồng Vatican II (aggiornamento)[5],
mời gọi những người sống đời thánh hiến cũng như tất cả mọi thành phần Dân Chúa
cùng nhau chung bước với mọi Kitô hữu trên toàn thế giới để hướng đến một Hội
thánh Hiệp Hành, với ba chiều kích hiệp thông - tham gia - và sứ vụ. Cẩm nang
cho Thượng Hội đồng Giám mục số 1.3 nêu rõ rằng mục đích của Thượng Hội đồng hiện
nay không phải là tìm thêm ý tưởng hay soạn thêm tài liệu, mà đúng ra là tạo niềm
hứng khởi để con người có thể ước mơ về một Hội thánh mà chúng ta được mời gọi
trở thành, đó là làm cho niềm hy vọng được nảy nở, là khơi dậy niềm tin, là
băng bó các vết thương, là tạo nên những mối tương quan mới mẻ và sâu sắc hơn,
là học hỏi lẫn nhau, là xây dựng những nhịp cầu, là thắp sáng tâm trí, là sưởi ấm
cõi lòng và phục hồi sức mạnh cho đôi tay để phục vụ sứ mạng chung của chúng
ta.[6]
Tiến trình Hiệp Hành như thế sẽ giúp cho anh chị em tu sĩ quan tâm hơn đến việc
canh tân não trạng và cơ cấu của đời tu, điều chỉnh lại những gì chưa phù hợp,
để có thể thực hiện điều Thiên Chúa mời gọi qua những dấu chỉ thời đại trong
thiên niên kỷ thứ ba này. Nhờ đó họ sẽ hướng tới một lối sống chứng tá cá nhân
và cộng đoàn, để cùng nhau xây dựng đời sống cộng đoàn có phẩm chất, và mở ra
cho sự kết nối hợp tác, giúp cho sứ vụ trổ sinh nhiều hoa trái hơn.
Nhìn vào đời tu hôm nay chúng ta thấy có rất
nhiều khó khăn, trục trặc trong các mối tương quan của người tu sĩ, do những ảnh
hưởng khác nhau. Nhưng chính lối sống Hiệp Hành sẽ giúp chúng ta có khả năng
thay đổi cách tích cực trong các mối tương quan của mình. Nhờ những cuộc gặp gỡ
Hiệp Hành các anh chị em trong cùng một cộng đoàn sẽ có cơ hội lắng nghe tiếng
Chúa để đổi mới tương quan với Chúa và lắng nghe nhau để xây dựng tình huynh đệ
cộng đoàn, đồng thời mở ra trong việc cộng tác với nhau cho những sứ vụ chung của
cộng đoàn. Trước hết, Hiệp Hành là lời mời gọi đổi mới trong tương quan với
Chúa, dành thời gian lắng nghe và xác tín vào sự hiện diện yêu thương của Chúa,
Đấng đang dẫn dắt dòng lịch sử của nhân loại. Cho dù cuộc sống có những đổ vỡ,
bấp bênh, khủng hoảng, chúng ta không nên để cho những suy nghĩ tiêu cực kéo
ghì và làm trì trệ trong cuộc sống, nhưng biết phó thác cho quyền năng quan
phòng và tình yêu thương vô bờ của Chúa. Nhờ đó chúng ta có khả năng để luôn hy
vọng và dám đứng dậy mỗi khi vấp ngã, đồng thời có thể giúp củng cố đức tin cho
anh chị em mình, khi họ gặp đau khổ và ở bên bờ tuyệt vọng. Mối tương quan cá vị
thân tình với Thiên Chúa cũng sẽ giúp tu sĩ biết phân định biện biệt để tìm ý
Chúa, nhờ đó có khả năng đổi mới bản thân mỗi ngày và mở ra cho sự hiệp thông với
anh chị em mình, cho dù có những khác biệt và thách đố.
Người tu sĩ chúng ta cũng được mời gọi để đổi
mới mối tương quan với chính bản thân mình. Trong một thế giới đang chạy theo
những giá trị bên ngoài, lối sống Hiệp Hành mời gọi chúng ta không ngừng phân định
biện biệt dựa trên các giá trị Tin Mừng để xem rằng đâu là những giá trị cốt
lõi của cuộc đời. Từ đó chúng ta có khả năng đặt ưu tiên cho những gì là quan
trọng nhất, để cuộc sống của chúng ta có một định hướng rõ ràng và vững chắc. Một
yếu tố khác cần quan tâm là việc sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông
đa dạng trong tầm tay của mình để mở rộng sự kết nối với anh chị em, và chuyển
tải những thông tin tốt đẹp nhằm mang lại niềm hy vọng và sự chữa lành cho những
anh chị em đau khổ. Để làm được việc này người tu sĩ cần có sự hiểu biết căn bản
về những cạm bẫy trong lãnh vực truyền thông hiện nay. Họ cũng cần nắm vững các
giáo huấn của Giáo hội liên quan đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông,
đồng thời học hỏi nơi Đức Giêsu Kitô là nhà truyền thông đích thực. Nhờ đó người
tu sĩ có thể chuyển trao những giá trị Tin Mừng đến với anh chị em mình, và góp
tay xây dựng một thế giới tốt đẹp an lành, nơi mọi người cảm nhận được tình yêu
thương, niềm vui và sự quan tâm chăm sóc của Giáo hội, để cùng chung tay xây dựng
một Giáo hội như lòng Chúa mong ước.
Các cuộc gặp gỡ Hiệp Hành cũng là cơ hội để
anh chị em tu sĩ đổi mới lại mối tương quan của mình với nhau trong đời sống cộng
đoàn, nhờ đó củng cố tình huynh đệ chân thành và tính thuộc về cùng một gia
đình thiêng liêng. Điều này rất quan trọng, vì khi chọn sống đời tu chúng ta
không sống đơn độc một mình, nhưng sống trong tình hiệp thông với Thiên Chúa, với
anh chị em trong cộng đoàn, và những người chúng ta gặp gỡ phục vụ mỗi ngày qua
những sứ vụ khác nhau. Nhờ gặp gỡ Hiệp Hành, chúng ta mở rộng con tim để đón nhận
tất cả mọi người, nhất là những người “ở ngoại vi”, vì họ thường bị bỏ rơi hoặc
bị gạt ra bên lề cuộc sống.[7]
Đó là những người mà Giáo hội đang cần lắng nghe tiếng nói của họ. Chúng ta cần
nhìn lại xem ngay trong cộng đoàn hoặc chung quanh chúng ta có ai đang cần
chúng ta đi bước trước để nối kết, cảm thông và lắng nghe cách chân thành?
Chúng ta cũng được mời gọi đi đến với những người khác chính kiến, khác niềm
tin tôn giáo, khác về cách sống và cách nghĩ, để đồng cảm và nhận ra thiện ý của
họ... Vì thế Hiệp Hành chính là cơ hội để người tu sĩ đổi mới lại sứ vụ của
mình và xây dựng mối tương quan tốt đẹp với tất cả mọi người.
Khi nói đến Hiệp Hành nhiều người sẽ cảm thấy
đây là một công việc đầy thách thức, đòi hỏi nhiều thời gian để thực hiện và
nhiều giấy mực để đúc kết, báo cáo. Nhưng thực ra ra ý hướng của Giáo hội không
nhắm đến những tài liệu đầy ý tưởng với những ngôn từ thật hay. Điều quan trọng
cần nhắm đến là một kinh nghiệm anh chị em cùng sống với nhau, cùng chia sẻ với
nhau, cùng lắng nghe nhau và cùng nhau tìm kiếm những phương cách mới mẻ và khả
thi để đời sống của mình được tăng trưởng, đồng thời giúp nhau vượt qua những
khó khăn. Để đời tu có phẩm chất và thực sự đem lại bình an hạnh phúc, chúng ta
cần cùng nhau đọc lại đời sống dưới ánh sáng cầu nguyện, để nhận ra đâu là những
cản trở và những yếu tố nào đang tác động khiến cho đời sống của chúng ta suy
giảm, thiếu sức sống, làm mất đi tiếng nói ngôn sứ và chứng tá sống động cho những
người xung quanh. Trước những gì đang xảy ra, chúng ta không thể dừng lại để tự
hào về những gì đã làm được trong thời gian qua, nhưng giữa những thách đố của
một cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn đầy gay cấn, chúng ta cần tìm những phương
pháp phù hợp để giúp anh chị em của chúng ta vượt qua được những khó khăn và có
được một cuộc sống hạnh phúc, vui tươi, an bình.
Là những người sống đời thánh hiến, người tu
sĩ được mời gọi tham gia tích cực vào con đường Hiệp Hành, để góp phần mình vào
đời sống Giáo hội bằng việc phân định và sống chứng tá trong các môi trường nơi
họ hiện diện và phục vụ. Trong Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp
hành, Đức thánh cha Phanxicô đề cập đến những cách thức cụ thể cho phép chúng
ta thực sự lắng nghe và đối thoại khi tham gia vào Tiến trình hiệp hành.[8]
Trước hết chúng ta cần dành đủ thời gian cho việc chia sẻ cũng như tạo một
không gian rộng mở và đón tiếp, để mọi thành viên cảm nhận được bầu khí tự do,
an toàn và được lắng nghe. Một thái độ khiêm tốn và khích lệ, trân trọng không
phê phán, can đảm chia sẻ trong sự thật và bác ái sẽ giúp mỗi người có sự hiểu
biết cách rõ ràng và hiệp thông với nhau cách sâu xa hơn. Người điều phối cần bảo
đảm để mọi người có quyền được lắng nghe và được phát biểu, tránh tình trạng
tranh cãi hơn thua hoặc người mạnh miệng giành hết diễn đàn, đồng thời mở ra
chào đón các khác biệt và cả những ý kiến trái chiều. Đó chính là để cho Chúa
Thánh Thần hướng dẫn và tác động vì lợi ích của toàn Giáo hội.
Mục tiêu của các cuộc gặp gỡ Hiệp Hành nhằm
đưa chúng ta đến sự hoán cải và đổi mới, vì vậy tất cả những người tham dự phải
sẵn sàng thay đổi khi được Chúa Thánh Thần mời gọi qua những gì họ lắng nghe từ
người khác.[9]
Chúng ta cần cật vấn bản thân mình khi chỉ muốn người khác nghe theo những
ý kiến của mình mà thôi, vì đó chưa phải là việc lắng nghe lành mạnh và tích cực.
Chúng ta rất dễ kháng cự với những gì trái ý mình, và khó buông bỏ thái độ tự
mãn muốn điều khiển, hoặc an phận chỉ muốn cho xong việc... Có những điều rất
đòi hỏi, nhưng đó có thể là điều Chúa Thánh Thần đang cố gắng thôi thúc chúng
ta đón nhận. Vì vậy khi tham gia vào tiến trình Hiệp Hành chúng ta cần sẵn sàng
từ bỏ những ảo tưởng và thành kiến, hoặc những cách thức và khuôn mẫu quen thuộc,
để chọn điều Thiên Chúa mời gọi, hướng tới những điều tốt đẹp cho toàn Giáo hội.
Khi có khả năng buông bỏ, chúng ta có thể thay đổi não trạng và cái nhìn chủ
quan, đồng thời mở ra để chọn những điều mới mẻ, tích cực, đầy hy vọng. Điều đó
sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cá nhân mỗi tu sĩ, cũng như cho cả cộng đoàn, giúp
gia tăng tính hiệp thông và tinh thần đồng trách nhiệm, làm nên những cộng đoàn
tu trì có phẩm chất hơn.
Thượng Hội đồng cũng chính là thời gian để mơ
ước và để truyền cảm hứng cho mọi người, giúp mở ra một tương lai mới chất chứa
Niềm Vui Tin Mừng. Vì thế Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp
hành có nói đến các tâm thế Hiệp Hành, là điều sẽ giúp ích rất nhiều cho những
người tham dự (Cẩm nang THĐGM số 2.3). Trước hết tâm thế đó là mở ra với những
quan điểm mới mẻ, đồng thời phát triển những cách tiếp cận mới sáng tạo và táo
bạo, giúp cho người tham dự được cập nhật những hiểu biết về đời sống Giáo hội
và biết cách sống niềm tin của mình cách phong phú hơn. Tâm thế Hiệp Hành còn
mang tính chất quy tụ không loại trừ, nhưng bao gồm cả những ai thường bị quên
lãng hay làm ngơ, để mở ra cho một Hội thánh thông dự và đồng trách nhiệm thể
hiện được tính đa dạng phong phú trong các thành phần của Hội thánh. Một tâm thế
quan trọng nhất là tinh thần cởi mở, biết lắng nghe và học hỏi từ người khác và
kết nối qua các hoạt động đối thoại đại kết và liên tôn, để cùng ước mơ và cùng
đi với nhau trên hành trình chung nhằm mưu ích cho toàn thể gia đình nhân loại.
Như thế chính những điểm mới mẻ trong tiến trình hiệp hành đem lại sức sống cho
tất cả những người tham dự, giúp họ tăng trưởng trong cảm thức đức tin và gắn kết
họ với nhau cũng như với toàn thể Giáo hội trong cùng một năng động mới, hướng
đến một Giáo hội đầy sức sống, biểu lộ được tình yêu thương của Chúa cho nhân
loại.
Trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn hiện nay, lối
sống Hiệp Hành chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội thánh của thiên
niên kỷ thứ ba, đó là một điều nói thì rất dễ, nhưng rất khó thực hiện.[10]
Chúng ta xác tín đó là ý muốn của Thiên Chúa cho tất cả chúng ta, với tư cách
là Dân Chúa và là những người sống đời thánh hiến, và chắc chắn Chúa sẽ ban ơn
giúp sức cho chúng ta. Đặc biệt đối với các tu sĩ, những cuộc gặp gỡ Hiệp Hành
đích thực sẽ giúp cá nhân và cộng đoàn đi vào cuộc hoán cải tâm lòng, giúp biến
đổi đời sống từ bên trong, đồng thời tiếp thêm sinh khí và tăng hiệu quả cho mọi
sứ vụ của mỗi cộng đoàn.
Ngày hôm nay các tài liệu và những hướng dẫn của
các cấp cho việc tổ chức các cuộc gặp gỡ Hiệp Hành rất dồi dào phong phú, có cả
những video clip rất rõ ràng và hấp dẫn, được phổ biến rộng rãi trên mạng
internet để ai ai cũng có thể truy cập tìm hiểu và chia sẻ cho mọi người. Ước
mong rằng mỗi anh chị em tu sĩ hiểu đúng và tự nguyện tham gia cách tích cực
vào tiến trình Hiệp Hành nội bộ của cộng đoàn mình, và cả những cuộc gặp gỡ Hiệp
Hành liên kết, mở ra với các Dòng hoặc các nhóm khác nhau. Nhờ đó cuộc sống của
người tu sĩ sẽ thêm tăng trưởng và phong phú, góp phần xây dựng một Hội thánh
Hiệp Hành ngày càng rõ nét hơn.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 129 (Tháng 5 & 6 năm 2022)
[1] x. Synod.va, Thư hướng dẫn những người sống đời thánh hiến tham gia vào tiến trình
hiệp hành, Nt Ngọc Diệp OP chuyển ngữ, http://gpphanthiet.com/vi/news/nam-hiep-hanh/thu-huong-dan-nhung-nguoi-song-doi-thanh-hien-tham-gia-thdgm-ve-tinh-hiep-hanh-9669.html, truy cập ngày 02/03/2022.
[2] x. Phạm Thủy & Biên Tú, Đại diện Tòa Thánh gặp gỡ các tình nguyện
viên tu sĩ tại Sài Gòn, https://tgpsaigon.net/bai-viet/dai-dien-toa-thanh-gap-go-cac-tinh-
nguyen-vien-tu-si-tai-sai-gon-65133, truy cập ngày 01/03/2022.
[4] Hồng Thủy, ĐTC tái kêu gọi cầu
nguyện cho hòa bình ở Ucraina, https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-02/dtc-phanxico-hoa-binh-ucraina.html, truy cập ngày 02/02/2022.
[5] x. Avery Dulles, Đổi mới của Công Đồng Vatican II - Những
nguyên tắc cơ bản, http://www.simonhoadalat.com/hochoi/namthanh/ductin/91CdVaticanAndChurchInAsia3.htm, truy cập ngày 10/03/2022.
[6] x. Vatican, Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-
ve-tinh-hiep-hanh-42941,
Số 1.3. Truy cập ngày 25/02/2022.
[7] x. Vatican, Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám
mục về tính hiệp hành, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-
ve-tinh-hiep-hanh-42941, số 1.5. Truy cập ngày 25/02/2022.
[8] x. Vatican, Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-
ve-tinh-hiep-hanh-42941,
Số 2.3, truy cập ngày 25/02/2022.
[10] x. Phanxicô, Diễn từ mừng Kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng
Hội đồng Giám mục (17.10.2015), https://www.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2015/october/documents/papa-francesco_20151017_50-anniversario-sinodo.html, truy cập ngày 12/03/2022.
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com