WHĐ (11.04.2024) – Sáng thứ Năm, ngày 11.04, Đức Thánh Cha đã dành cho các tham dự viên Đại hội
thường niên của Uỷ ban Giáo
hoàng về Kinh Thánh buổi tiếp
kiến riêng tại Dinh
Tông Toà. Đại hội năm
nay có chủ đề “Bệnh tật và đau khổ trong Kinh Thánh”.
Được biết, Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh là một thực thể của Tòa thánh có nhiệm vụ giải quyết ba vấn đề: 1) thúc đẩy một cách hiệu quả việc nghiên cứu Kinh thánh nơi tín hữu Công giáo; 2) chống lại những quan điểm sai lầm về những vấn đề liên quan đến Kinh Thánh bằng các phương tiện khoa học; và 3) nghiên cứu và làm sáng tỏ các vấn đề đang được tranh luận cũng như các vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực Kinh Thánh. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài diễn từ của Đức Thánh Cha:
DIỄN TỪ CỦA ĐỨC
THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN ĐẠI HỘI THƯỜNG
NIÊN CỦA ỦY BAN GIÁO HOÀNG VỀ
KINH THÁNH
Dinh Tông Toà
Thứ Năm, ngày 11 tháng 04 năm 2024
Tôi hân hoan chào
đón anh chị em vào cuối Đại hội thường niên của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh, trong đó anh chị em đề xuất nghiên cứu sâu hơn về một chủ đề
hiện sinh, rất hiện sinh đó là: Bệnh tật và đau khổ trong
Kinh Thánh. Đây là một nghiên cứu liên quan đến tất cả mọi người, bởi vì đều phải trải qua bệnh tật, yếu đuối và cái chết. Thật vậy, bản tính bị thương tổn của
chúng ta cũng mang trong mình những thực tại của sự giới hạn và hữu hạn, đồng thời phải chịu đựng những mâu thuẫn của sự dữ và đau khổ.
Chủ đề này rất gần gũi với tâm hồn tôi: đau khổ và bệnh tật là những kẻ thù cần phải đương đầu, nhưng điều quan trọng là phải đương đầu cách xứng hợp với con người, theo cách của con người, chẳng hạn: loại bỏ đau khổ và bệnh tật, biến chúng thành những điều cấm kỵ mà tốt nhất là không nên nhắc đến, có lẽ vì chúng làm tổn hại đến hình ảnh của sự hiệu quả bằng mọi giá, có ích cho việc bán hàng và kiếm tiền, đây chắc chắn không phải là giải pháp. Tất cả chúng ta đều chùn bước trước sức nặng của những trải nghiệm về đau khổ và bệnh tật, và chúng ta cần giúp mình vượt qua bằng cách sống những trải nghiệm này trong các mối tương quan, tránh co cụm vào chính mình, và tránh bản năng nổi loạn dẫn đến sự cô lập, phó mặc, hoặc tuyệt vọng.
Chúng ta biết, cũng từ
chứng tá của rất nhiều anh chị em, rằng dưới ánh sáng đức tin, sự đau khổ và bệnh tật có thể trở thành những yếu tố quyết định trong tiến
trình trưởng thành: lò thử thách đau khổ giúp chúng ta phân định điều gì là thiết yếu và điều gì không.
Nhưng trên hết, chính mẫu gương của
Chúa Giêsu đã chỉ đường cho chúng ta. Người khuyến khích chúng ta chăm sóc
những người đang sống trong cảnh ốm đau, với quyết tâm chiến thắng bệnh tật; đồng thời, Người nhẹ nhàng mời gọi chúng ta kết hợp những
đau khổ của chúng ta với hồng ân cứu
độ của Người, như một hạt giống
sinh hoa kết trái. Một cách cụ thể, tầm nhìn đức tin của chúng ta thôi thúc tôi đề xuất một
số điều để suy tư xoay quanh hai từ
mang tính quyết định: lòng trắc ẩn và sự dung nạp.
Trước hết,
về lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn cho thấy thái độ thường
xuyên và đặc trưng của Chúa Giêsu đối
với những người yếu đuối và cần được giúp đỡ mà Ngài gặp gỡ. Khi nhìn thấy đám đông dân chúng, giống như bầy chiên vất vưởng không
người chăn dắt (x. Mc 6,34), Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương. Ngài chạnh
lòng thương đám đông đói khát và kiệt sức (x. Mc 8,2) và không quản ngại tiếp đón những người
đau bệnh (x. Mc 1,32) là những người nài van Ngài lắng nghe; chúng ta hãy nghĩ đến những người mù cầu xin Ngài, và vô số bệnh nhân xin được chữa lành (x.
Lc 17,11-19); Tin Mừng cho biết rằng, Chúa Giêsu “chạnh lòng
thương” đối với một bà góa đang đưa đi chôn đứa con
trai duy nhất của bà (x. Lc 7,13). Lòng trắc ẩn của Ngài thật lớn lao. Lòng trắc ẩn này biểu lộ qua sự gần gũi và khiến Chúa Giêsu đồng hoá mình với người đau bệnh: “Ta đau yếu và các ngươi đã
thăm nom” (Mt 25,36).
Lòng trắc ẩn dẫn đến sự gần gũi.
Tất cả những điều này cho thấy một khía cạnh quan trọng: Chúa Giêsu không giải thích đau khổ nhưng cúi xuống với những người đau khổ. Người không tiếp cận sự đau khổ bằng những lời động viên chung chung và những lời an ủi vô ích, mà đón nhận hoàn cảnh của mỗi người và để cho mình chạnh lòng thương trước những cảnh ngộ đó. Kinh Thánh soi sáng theo nghĩa này: Kinh Thánh không để lại cho chúng ta một cuốn cẩm nang những lời hay ý đẹp hoặc một cuốn sách công thức về cảm xúc, nhưng cho chúng ta thấy những khuôn mặt, những cuộc gặp gỡ, và những câu chuyện cụ thể.
Chúng ta hãy nghĩ
đến ông Gióp, với sự cám dỗ của bạn bè ông trong việc đưa ra các lý thuyết tôn
giáo liên kết đau khổ với sự trừng phạt của Thiên Chúa, nhưng lại đi ngược lại thực tế của sự đau
khổ, được chứng kiến trong chính cuộc đời của ông Gióp. Vì vậy, câu trả lời của
Chúa Giêsu rất quan trọng, đó là câu trả lời của lòng trắc ẩn mà Người đảm nhận
và bằng việc đảm nhận này, Người cứu độ con người và biến đổi đau khổ của con
người. Đúng vậy, Đức Kitô đã biến đổi đau khổ của chúng ta bằng cách biến những
đau khổ ấy thành của Người cho đến cùng: sống trong đau khổ, chịu đựng đau khổ
và dâng hiến đau khổ như một món quà tình yêu. Chúa Giêsu không đưa ra những
câu trả lời dễ dàng cho những câu hỏi “tại sao” của chúng ta, nhưng trên
thập giá, Người đã biến câu hỏi “tại sao” lớn lao của chúng ta thành của
riêng Người (x. Mc 15,34). Do đó, bất cứ ai thấm nhuần Kinh Thánh đều thanh lọc
trí tưởng tượng tôn giáo của họ khỏi những thái độ sai lầm, học cách đi theo lộ
trình do Chúa Giêsu vạch ra: đó là chạm vào nỗi đau khổ của con người bằng
chính bàn tay của mình, với sự khiêm nhường, hiền lành và chân thành, để nhân
danh Thiên Chúa nhập thể, mang lại sự gần gũi của một ơn cứu độ và sự hỗ trợ cụ thể. Chạm
vào bằng tay chứ không phải về mặt lý thuyết.
Và điều này dẫn
chúng ta đến từ thứ hai: sự dung nạp. Mặc dù không phải là một từ trong
Kinh thánh, nhưng từ dung nạp vẫn diễn tả rõ đặc điểm nổi bật trong phong cách
của Chúa Giêsu: Người đi tìm những người tội lỗi, những người lạc lối, những
người bị gạt ra bên lề xã hội, những người bị kỳ thị, để họ có thể được chào
đón vào nhà của Chúa Cha (x. Lc 15). Chúng ta hãy nghĩ tới những người bị phong
cùi: đối với Chúa Giêsu, không ai bị loại trừ khỏi ơn cứu độ của Thiên Chúa (x.
Mc 1,40-42). Nhưng sự dung nạp cũng bao hàm một khía cạnh khác: Chúa muốn con
người được chữa lành toàn diện: thần trí, tâm hồn và thân xác (x. 1Tx 5,23). Bởi vì việc
chữa lành thân xác khỏi sự ác sẽ chẳng ích gì nếu không chữa lành tâm hồn khỏi
tội lỗi (x. Mc 2,17; Mt 10,28-29). Có một sự chữa lành toàn diện: thân xác, tâm
hồn và thần trí.
Quan điểm này về sự dung nạp dẫn chúng ta đến thái độ chia sẻ: Đức Kitô, Đấng đã đến giữa dân chúng làm việc thiện và chữa lành bệnh nhân, đã truyền lệnh cho các môn đệ chăm sóc bệnh nhân và nhân danh Người chúc lành cho họ (x. Mt 10,8; Lc 10, 9), chia sẻ với họ sứ mạng an ủi của Người (x. Lc 4,18-19). Vì vậy, qua trải nghiệm đau khổ và bệnh tật, chúng ta, với tư cách là một Giáo hội, được mời gọi bước đi cùng với mọi người, trong tình liên đới Kitô giáo và nhân loại, mở ra những cơ hội đối thoại và hy vọng nhân danh sự yếu đuối chung của chúng ta. Dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu “chỉ cho chúng ta thấy cách thức xây dựng lại cộng đồng, khởi đi từ những con người biết đồng cảm với các yếu nhược của người khác, không chấp nhận một xã hội loại trừ, nhưng vì thiện ích chung, sẵn sàng đến bên, nâng dậy và phục hồi người quỵ ngã” (Thông điệp Fratelli tutti, 67).
Anh chị em thân mến
– bài giảng đã kết thúc rồi! – khi để lại cho anh chị em những suy tư này, tôi
cảm ơn anh chị em vì sự phục vụ của anh chị em và khuyến khích anh chị em đào sâu,
với sự nghiêm túc phê bình và tinh thần huynh đệ, về những chủ đề mà anh chị em
đang nghiên cứu, để toả chiếu ánh sáng của Kinh Thánh vào những vấn đề tế nhị mà
mọi người quan tâm. Lời Chúa là liều thuốc giải độc mạnh mẽ chống lại mọi sự khép
kín, trừu tượng và ý thức hệ hóa đức tin: đọc trong Thánh Thần, nơi Lời Chúa được
viết ra, gia tăng niềm say mê đối với Thiên Chúa và con người, cổ võ đức ái và
phục hồi lòng nhiệt thành tông đồ. Đó là lý do tại sao Giáo hội luôn cần được uống
từ nguồn mạch Lời Chúa. Tôi chúc lành cho anh chị em và sứ mạng của anh chị em là
làm dịu cơn khát của Dân Thánh Chúa bằng dòng nước ngọt ngào của Thánh Thần. Và
xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (11. 04. 2024)
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com