GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 58: CÁC THÁNH TRONG CỰU ƯỚC VÀ TÂN
ƯỚC
Hỏi: Tại
sao trong Cựu Ước không có các vị Thánh như thời Tân Ước?
Trả lời:
Trong Cựu Ước vẫn có các Thánh chứ nhỉ. Chẳng
hạn, chúng ta vẫn mừng lễ kính các Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micael, Gabriel
và Raphael. Họ là những nhân vật của Cựu Ước đấy chứ! Giáo Hội Công Giáo cũng mừng
lễ Thánh Gioankim và thánh Anna, song thân Đức Maria. Họ cũng là những nhân vật
sống trước thời Chúa Giêsu, nghĩa là thuộc về Cựu Ước, phải không?
Tuy nhiên,
câu hỏi của bạn là một câu hỏi thú vị. Xoay quanh câu hỏi ấy, rất nhiều điều có
thể được bàn thảo và khám phá về hai não trạng khác nhau giữa Cựu Ước và Tân Ước.
Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu về sự khác biệt của khái niệm “Thánh” trong Cựu
Ước và việc sử dụng khái niệm ấy trong Tân Ước. Sau đó, chúng ta sẽ bàn về khái
niệm “Thánh” như được sử dụng trong Giáo Hội Công Giáo ngày nay.
1.
“Thánh” trong Cựu Ước
Gốc từ Do–tháiקדש (qdš) được dùng trong
nhiều bản văn Cựu Ước khác nhau, và thường được dịch là “Thánh”. Gốc từ ấy xuất
phát từ vùng ngôn ngữ Akkadian, có nguyên nghĩa là “tách biệt”, “tách riêng”,
hoặc “dành riêng”[1].
Nhiều dạng thức khác nhau của gốc từ này thường được dùng để chỉ về một phẩm
tính đặc biệt, tách rời khỏi những gì thuộc thế trần và phàm tục, xa khỏi những
gì là tội lỗi và ô uế (Lv 20,26; 21,7; Ds 6,8; Đnl 7,6). Như thế, “Thánh” trong
Cựu Ước là thuật ngữ được dùng để chỉ về phẩm tính thánh thiêng, vượt lên trên
những gì thấp hèn và trần tục.
Cần biết rằng trong quan niệm của Cựu Ước, chỉ
có Thiên Chúa mới là Đấng Thánh. Tất cả những sự khác: con người, nơi chốn, sự
vật… chỉ là “Thánh” trong mức độ được thông dự vào phẩm tính thánh thiêng của
Thiên Chúa. Chẳng hạn: dân Thiên Chúa chọn làm dân riêng được gọi là dân Thánh
(Xh, 19,6; Đnl 7,6; Lv 19,2). Đất của Thiên Chúa được gọi là Đất Thánh (Xh 3,5;
Dcr 2,16). Thành của Thiên Chúa được gọi là Thành Thánh (Is 48,2; Nkm 11,1).
Nơi phụng thờ Thiên Chúa được gọi là Đền Thánh (Is 64,10; Tv 122,1). Núi của
Thiên Chúa được gọi là Núi Thánh (Tv 14,1; 134,3). Tất cả những gì được gọi là
Thánh đều gắn liền với Thiên Chúa.
Khái niệm “Thánh” ít khi nào được áp dụng cho cá nhân con người.
Trong Cựu Ước, có rất nhiều người ngay chính, hoàn hảo và đẹp lòng Thiên Chúa
như Nô–ê (St 6,8–9); công chính và đầy lòng tin như Tổ Phụ Áp–ra–ham (St 15,6;
x. Rm 4); vẹn toàn, ngay thẳng và kính sợ Thiên Chúa như ông Gióp (G 1,1); có
những ngôn sứ và thủ lãnh vĩ đại như Mô–sê hay Ê–lia… Nhưng trong số họ không
ai được gọi là Thánh.
Con người có thể được thánh hoá cho Thiên Chúa
để làm dân thánh[2],
để làm tư tế chuyên lo việc tế tự và phụng sự cho Thiên Chúa (Lv 21,6; Ds 6,5).
Tuy niên quan niệm của Cựu Ước rất rõ rằng: con người tự bản chất không phải là
Thánh.
Ngược lại, mọi con người đều là tội nhân trước
mặt Thiên Chúa. Thân phận con người được thường được vẽ lên như thế này: “lúc
chào đời con đã vương lầm lỗi, đang mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51,7).
Chẳng một con người nào được xem là thanh sạch từ giữa chốn phàm trần (Gióp
14,4). Không một ai có thể được xem là thánh thiện thanh sạch trước mặt Chúa:
“Trước nhan Thiên Chúa, phàm nhân cho mình là công chính thế nào được? Và đứa
con do người phụ nữ sinh ra, làm sao dám coi mình là thanh sạch?” (Gióp 25,4)…
Thế nên không ngạc nhiên khi chân dung của những
nhân vật trổi trang nhất trong lịch sử Cựu Ước, dù là Tổ Phụ Áp–ra–ham, Mô–sê,
Sa–mu–en, hay vua Đa–vít… đều được hoạ lại không chỉ với những gương sáng nhưng
còn có cả bóng mờ về những lỗi lầm và thất bại của họ.
Tóm lại, chúng ta thấy rằng các tác giả Cựu Ước
không gọi những con người cụ thể là Thánh, dù đó là những con người mẫu mực và
đẹp lòng Chúa. Nếu phẩm tính thánh thiêng được nhìn như là đối nghịch với phàm
trần, thì chỗ của các Thánh là ở trên trời chứ không thuộc trần thế này.
2.
“Thánh” trong Tân Ước
Trong Tân Ước, άγιος là từ Hy–lạp thường được
dùng với nghĩa tương tự như từקדש trong tiếng Do–thái. Tuy
nhiên việc sử dụng từ άγιος trong Tân Ước rất khác.
Trung tâm của Tân Ước là Đức Giêsu Kitô, Thiên
Chúa nhập thể làm người và ở giữa con người. Người vừa là Thiên Chúa thật vừa
là con người thật. Do đó, nơi Người có một sự hiệp nhất bất khả phân ly giữa
hai phẩm tính thánh thiêng và phàm trần. Với Người, “Thánh” không chỉ là một
khái niệm chỉ về những thực tại trên trời. Đúng hơn, khái niệm ấy được hiện thực
hoá dưới đất, nơi những ai tin vào Đức Giêsu và để cho mình được kết hợp với
Người.
Do đó, những người tin và theo Đức Giêsu trong
cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên thường được gọi là “các Thánh” hay “các Thánh của
Chúa” (x.Cv 9,13.32; 26,10). Họ thông dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa,
ngang qua Đức Kitô, và được được kêu gọi là thánh. Cộng đoàn của những người bước
theo để phục vụ và loan báo Tin Mừng về Đức Kitô được gọi là cộng đoàn dân
thánh[3].
Như thế, trong Tân Ước đã có những con người
được gọi là Thánh. Cần lưu ý rằng họ nên thánh không phải nhờ công trạng của
riêng mình hay vì một phẩm chất luân lý nào đặc biệt nơi mình. Đúng hơn, họ được
gọi là Thánh vì họ được thánh hoá và được cứu chuộc trong Đức Kitô. Họ là những
con người bằng xương bằng thịt, sống trong trần thế, nhưng chính việc đón nhận
và sống niềm tin vào Đức Giêsu Kitô đã đảm bảo cho họ một chỗ trên quê hương
thiên quốc. Họ thuộc về Thiên Chúa, vì thế, họ được gọi là Thánh.
3.
“Thánh” trong lịch sử Giáo Hội
Từ việc được sử dụng chung cho tất cả những
người tin vào Đức Giêsu, danh hiệu “Thánh” càng ngày càng được sử dụng theo hướng
hẹp hơn và ngặt hơn trong dòng lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Chỉ những người theo
Chúa và sống một cuộc đời mẫu mực mới xứng đáng được gọi là Thánh. Mẫu mực lớn
nhất là việc sẵn sàng từ bỏ chính mạng sống của mình để tuyên xưng niềm tin vào
Đức Kitô và làm chứng cho Tin Mừng của Người. Bởi thế, rất sớm, tước hiệu
“Thánh” được đặc biệt sử dụng cho các vị tử đạo. Họ được gọi là μάρτυς, nghĩa là chứng nhân. “Họ từ những
đau khổ lớn lao mà đến. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con
Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa” (Kh 7,14–15).
Nên biết rằng trong các Giáo Hội tiên khởi
không hề có một nghi thức chính thức hay long trọng tuyên phong một ai đó là
Thánh. Chính các vị mục tử địa phương là những người quyết định một gương mẫu
chứng nhân nào đó, nhất là gương mẫu chứng nhân của các vị tử đạo, sẽ được tôn
vinh và sùng kính. Họ được gọi là các Thánh.
Cho đến cuối thế kỷ thứ X, việc phong thánh mới
có một nghi thức chính thức trong Giáo Hội Công Giáo. Vị thánh đầu tiên được
tuyên phong bằng nghi thức long trọng là Thánh Ulrich, Giám Mục của thành phố
Ausburg, được phong thánh bởi Đức Giáo Hoàng Gioan XV tại Công Đồng Laterano
vào năm 993. Từ đó trở đi, việc tuyên thánh cho một ai đó trong Giáo Hội Công
Giáo trở thành đặc quyền của Đức Giáo Hoàng, thường là sau một tiến trình điều
tra và xác minh rất dài. Một người được nhìn nhận là Thánh khi người ấy sống một
cuộc đời mẫu mực theo gương Chúa Kitô, và cuộc đời ấy mang theo một sứ điệp đặc
biệt nào đó cho con người ngày nay.
Tuy nhiên, cần phân biệt rằng các Thánh không
chỉ bao gồm những người được Đức Giáo Hoàng tuyên phong, có ngày mừng Lễ, và có
nghi thức tôn kính trong Giáo Hội Công Giáo. Những người được tuyên phong bởi Đức
Giáo Hoàng chỉ là đại diện và là thiểu số của một cộng đoàn đông đảo các Thánh
trên trời. Họ là những người “được diễm phúc chiêm ngưỡng Thiên Chúa, chúc tụng
tôn vinh Người, và không ngừng cầu thay nguyện giúp cho những người còn ở dưới
thế.”[4]
Thế thì thử đặt lại câu hỏi: những nhân vật trổi
trang và thánh thiện trong Cựu Ước có phải là Thánh không? Phải, họ là Thánh.
Ngày nay họ được tôn phong như là Thánh trong lòng các cộng đoàn Do–thái giáo,
Chính Thống Giáo, hay cả Hồi Giáo. Có Thánh Tổ Phụ Áp–ra–ham, các Thánh Ngôn Sứ
như Mô–sê, Ê–li–a, I–sa–ia, v.v... Theo nghĩa rộng, Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận
rằng các vị này đã có một vị trí đặc biệt trên quê hương thiên quốc trước Nhan
Thánh Chúa, và do đó, họ là những vị Thánh. Thế nên Sách Giáo Lý của Giáo Hội
Công Giáo dạy rằng: “các tổ phụ, các ngôn sứ, và những nhân vật khác của Cựu Ước
đã và sẽ luôn được tôn kính như là những vị thánh trong tất cả truyền thống phụng
vụ của Hội Thánh” (Giáo Lý Công Giáo, chương 2, mục 1, số 61).
Vậy tại sao Giáo Hội Công Giáo lại không chính thức
“phong thánh” cho các nhân vật Cựu Ước? Có hai điều cần lưu ý.
Thứ nhất, khi Giáo Hội không có nghi thức
phong thánh cho một người, không hoàn toàn có nghĩa rằng người ấy không phải là
Thánh. Thí dụ: các nhân vật trong Tân Ước như các Thánh Tông Đồ, các môn đệ,
các Thánh Sử… là những vị Thánh mà không cần bất cứ một nghi thức tôn phong
nào. Họ được minh nhiên nhìn nhận là Thánh vì gương sống và tầm quan trọng của
họ trong Giáo Hội tiên khởi. Cũng thế, một số các tổ phụ, các ngôn sứ, các người
công chính của Cựu Ước hoàn toàn có thể được nhìn nhận như là những vị thánh.
Thứ hai, có một phân biệt quan trọng cần phải
lưu ý rằng: trong Giáo Hội Công Giáo, các Thánh được tôn phong phải là những
nhân vật lịch sử có thật, là những con người cụ thể sống một cuộc đời gương mẫu.
Nên biết rằng có nhiều nhân vật của Cựu Ước để lại những mẫu nhân đức sáng ngời.
Nhưng có một số nhân vật được kể lại theo lối văn chương dân gian. Một số nhân
vật không chắc và không nhất thiết là những nhân vật đã từng tồn tại trong lịch
sử.
Chẳng hạn ông Gióp là một nhân vật nổi tiếng về
việc kiên vững trong đức tin, bám tựa vào Thiên Chúa, bất chấp đau khổ và bất
công liên tiếp đổ dồn lên cuộc đời ông. Nhưng chúng ta không gọi ông là Thánh
Gióp. Đơn giản bởi vì nhân vật ông Gióp của Cựu Ước chưa hẳn phải nhất thiết là
một nhân vật có thật. Đó là một câu chuyện về một mẫu gương sống niềm tin anh
hùng. Nhưng nhân vật ấy được kể lại bằng ngôn ngữ truyền thuyết dân gian.
Có rất nhiều chi tiết cho thấy hình ảnh nhân vật
Gióp được xây dựng như là biểu tượng của những người công chính đau khổ, biểu
trưng của dân Thiên Chúa, một dân tộc luôn cố gắng bước đi theo đường lối của
Chúa, nhưng luôn gặp hết đau khổ này đến đau khổ khác. Đó là một nhân vật của
văn chương, và không ai xác minh được chắc chắn liệu đó có phải là một nhân vật
lịch sử hay không. Điều quan trọng là bài học người ta học được từ câu chuyện
và gương mẫu của Gióp, chứ không phải là chính con người của nhân vật ấy.
Điều này cũng có thể đúng với nhân vật các
ngôn sứ. Đương nhiên, trong suốt dòng lịch sử của dân Chúa, có rất nhiều nhân vật
lịch sử là các ngôn sứ. Giê–rê–mia, I–sa–ia, Ê–dê–ki–en, hay các ngôn sứ khác…
đều là những cái tên trổi trang trong Cựu Ước. Nhưng chúng ta không có bất cứ một
tư liệu lịch sử nào đầy đủ và trọn vẹn về cuộc đời của các vị ấy, ngoài một số
rất ít những chi tiết về cuộc đời họ được đề cập ngang qua các bản văn.
Cũng không hẳn các nhân vật ngôn sứ này là tác
giả của những quyển sách mang tên họ, vì các sách ấy là công trình được biên soạn
qua rất nhiều giai đoạn, với nhiều thế hệ học trò khác nhau… Như thế, không có
một chân dung thật sự của một con người cụ thể để có thể gọi con người ấy là
Thánh, theo góc nhìn của Giáo Hội Công Giáo.
Tóm lại, việc chúng ta không minh nhiên gọi
các nhân vật trổi trang trong Cựu Ước là các Thánh không đồng nghĩa với việc
không có các Thánh trong thời Cựu Ước. Thời nào cũng có những con người sống đẹp
lòng Chúa và xứng đáng hưởng hạnh phúc viên mãn mà Thiên Chúa hứa ban. Dù chúng
ta gọi họ bằng bất cứ tước hiệu gì đi nữa, họ vẫn là những vị Thánh của Chúa.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 3, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Đọc thêm:
[1] Cf. F.
Brown, S.R. Drive, C.A. Briggs, A Hebrew and English Lexicon of the Old
Testament (Harvard University Library; Boston - New York – Chicago 1906)
871.
[3] x. Rm 1,7; 8,27; 12,13; 15,31; 16,2.15; 1 Cr
1,2; 6,1-2; 14,33; 16,1.15; 2Cr 1,1; 8,4; 9,1; Ep 1,1.15.18; 2,19; 3,18; 6,18;
Pl 1,1; 4,21; Col 1,2.4.12.26; 1Tx 3,13; Plm 1,5.7; Dt 6,10.
[4] Trích Giáo Lý Công Giáo, số 2683.
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com