BUÔNG BỎ MÌNH CHO CHÚA GIÊSU KITÔ
Lm. Jean
CJ d'Elbée[1]
WHĐ (02.8.2022) – “Per ipsum et cum ipso et in ipso – Chính nhờ Người, với Người và trong Người.”
“Sine me non potestis facere – Không có Thầy, các con
không thể làm gì được.” (Gioan 15: 5)
“Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết mọi sự.”
(Philíp 4:13).
Hãy canh tân những suy tư gắn
bó chúng ta với Chúa Giêsu và để cho chúng ta rơi vào vực thẳm của tình yêu là
Trái tim của Ngài. Hệ quả hợp lý và cần thiết của sự tín thác hoàn toàn vào
Thiên Chúa, vốn đã được rao giảng cho chúng ta, đó là sự từ bỏ hoàn toàn.
Vì nhờ Chúa Giêsu
mà mọi việc phải được hoàn thành, chúng ta càng để cho Ngài hành động thì tác động
của ân sủng lại càng trở nên đẹp đẽ và hoàn hảo.
Tác động của ân sủng
này là gì? Là sự biến đổi linh hồn chúng ta thành Chúa Giêsu, nhờ tình yêu. Tiếp
theo thánh Augustinô, thánh Tôma cho chúng ta thấy Thánh Thể biến linh hồn
chúng ta thành Chúa Giêsu, nhờ tình yêu. Chính nơi đó, ta tìm thấy định nghĩa về
sự thánh thiện, nói tóm lại, ta tìm thấy định mệnh thánh thiêng đã định trước
cho chúng ta, nếu ta có thể nói theo cách đó.
Chúa Giêsu biến đổi
chúng ta thành chính Ngài. Trí thông minh của chúng ta không còn là trí thông
minh của chúng ta nữa, mà là của Ngài: chúng ta nhìn mọi thứ như Ngài nhìn
chúng. Ý muốn của chúng ta không còn là ý muốn của chúng ta nữa mà là ý muốn của
Ngài: chúng ta sẽ làm những gì Ngài muốn, và chúng ta từ chối những gì Ngài từ
chối. Trái tim của chúng ta không còn là trái tim của chúng ta, mà là Trái tim
của Chúa Giêsu: chúng ta yêu những gì Ngài yêu, và chúng ta ghét những gì Ngài
ghét.
“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống
trong tôi” (Galát 2, 20). “Mihi vivere Christus est – Đối
với tôi, sống là Chúa Kitô.” (Philêmon 1,21)
Có lẽ bạn sẽ nói với
tôi, “Cha tuyên bố rằng chúng ta liên tục
được biến đổi ngày càng trở thành Chúa Giêsu hơn, nhưng con không nhận thấy điều
đó; Con không thể chạm ngón tay của con vào điều đó. Và thậm chí, có những
ngày, vì thấy bản thân quá đau khổ, con càng dễ tin vào điều ngược lại.”
Tuy nhiên, phải
chăng bạn không muốn nhìn thấy được mọi thứ, rõ ràng hơn bao giờ hết, như Ngài
nhìn thấy sao? Tất nhiên, bạn muốn nhìn thấy như vậy. Phải chăng bạn không muốn
những gì Ngài muốn, nhiều hơn nữa, mỗi ngày sao? Tất nhiên, bạn muốn như thế.
Tôi chắc chắn rằng hôm nay, bạn muốn yêu Ngài và làm cho Ngài được yêu mến, nhiều
hơn bao giờ hết, với một ước muốn chân thành hơn, thậm chí sâu sắc hơn, với một
ước muốn đích thực hơn bao giờ hết, mặc dù có lẽ không cảm nhận được. Bạn sẽ
không nói, “Tôi muốn yêu Ngài ít hơn và
làm cho Ngài được yêu ít hơn ngày hôm qua.”
Điều khiến chúng ta
vấp ngã là chúng ta nhầm lòng nhiệt
thành đầy cảm tính với sự thánh thiện. Nhưng không phải như vậy. Sự thánh thiện
là sự sẵn sàng của linh hồn, được sinh động bởi ân sủng, là sự sống của linh hồn,
dưới tác động của các nhân đức được rót đổ vào và dưới tác động của các ân huệ
của Chúa Thánh Thần; một sự sẵn sàng để thuộc trọn về Chúa Giêsu hơn bao giờ hết,
để hoàn thành ý muốn của Ngài, để biết Ngài và làm cho Ngài được biết đến, yêu
mến Ngài và làm cho Ngài được yêu mến nhiều hơn.
Chúa Giêsu ngắm
nhìn con người chúng ta nhiều hơn chúng ta nhìn chính con người của minh; và
trong mắt Ngài, chúng ta là những gì mà chúng ta thực sự muốn trở nên cho Ngài.
Bây giờ chúng ta hiểu
tại sao rất nhiều lần Rước lễ – những lần Rước lễ vốn phải biến đổi chúng ta
thành Ngài – lại không mang đến cho chúng ta tất cả những hoa trái siêu nhiên
mà chúng có thể mang lại. Chúng ta mở rộng vòng tay của chúng ta với Ngài,
nhưng chúng ta đóng chặt những cánh cửa của trí thông minh của chúng ta, của ý
chí chúng ta, của trái tim chúng ta, bằng cách không sống sự từ bỏ con người của
mình như vậy. Chúng ta chào đón Ngài đến, nhưng chúng ta không cho phép Ngài bước
vào. Nhưng nếu khi tiếp nhận Ngài, chúng ta để cho Ngài làm Chủ trong chúng ta,
bằng cách từ bỏ hoàn toàn mọi quyền kiểm soát, mọi chìa khóa vào nhà, với toàn
quyền tự do hành động, thì, ôi! sự toàn năng của Ngài lại sẽ không hoàn thành
được trong linh hồn chúng ta những điều kỳ diệu nào sao, khi phục vụ tình yêu của
Ngài?!
Hiểu đúng
Hiểu một cách đúng
đắn thì sự từ bỏ bao gồm tất cả mọi thứ. Sự từ bỏ đó đòi hỏi một sự khiêm nhường
lớn lao, vì đó là việc chúng ta phục tùng Thiên Chúa, nơi các thụ tạo và trong
các biến cố, nhìn thấy chính Chúa Giêsu trong các thụ tạo và trong các biến cố
đó. Nó đòi hỏi một đức tin bao la, sự tín thác từng giây từng phút, để xé mở bức
màn của những nguyên nhân thứ yếu, để phá vỡ bức màn, vốn là các thụ tạo, thường
ngăn cản không cho chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu phía sau chúng, vì Chúa Giêsu
là Đấng cai quản mọi sự, vì không có gì – không gì – xảy ra mà không do Ngài muốn
hoặc không cho phép nó xảy ra.
Từ bỏ không là gì
khác ngoài sự vâng phục được đẩy đến cực điểm, vì nó bao gồm việc phục tùng mọi
thứ trong giới hạn có thể và hợp lý, nhằm vâng lời Thiên Chúa, Đấng đã thấy trước
và mong muốn tất cả.
Cuối cùng, chính
trong sự từ bỏ bản thân mà những ước muốn lớn lao của chúng ta tìm thấy sự thỏa
mãn trọn vẹn của chúng. Tôi đã nói với bạn về đoạn văn tuyệt vời từ thánh nữ
Têrêsa Hài đồng, nơi đó chị nói rằng chị muốn “soi sáng các linh hồn như các nhà tiên tri và các tiến sĩ đã làm, để
bao quanh trái đất và loan báo Tin Mừng đến tận những hòn đảo xa xôi nhất, để
làm một nhà truyền giáo kể từ khi thế giới được tạo thành cho đến khi thế giới
cáo chung, để lãnh chịu tất cả mọi cuộc tử đạo.”
Chị tìm thấy phương
tiện để hiện thực hóa tất cả điều đó bằng tình yêu trong lòng Giáo hội, Mẹ của
chị. Và chị là tình yêu trong trái tim của Hội Thánh như thế nào? Bằng cách sống
hoàn toàn phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, Đấng không là gì khác ngoài Tình
yêu.
Sống với sự từ bỏ
là tái khám phá một sự kết hợp hoàn hảo trong Thiên Chúa; vì xét cho cùng, chính
Thiên Chúa, chính Chúa Giêsu, là Đấng đã viết ra tất cả các dòng chữ, tất cả
các từ ngữ và tất cả các chữ cái của cuộc đời chúng ta. Thật là ấn tượng khi thấy
sự thánh thiện của tất cả các thánh được hoàn thành trong sự từ bỏ bản thân
hoàn toàn như thế nào. Tất cả những nỗ lực của các ngài, tất cả những lời cầu
nguyện của các ngài, tất cả những ánh sáng mà các ngài nhận được từ Thiên đàng,
đã dẫn các ngài đến điều này.
Khi Chúa chúng ta
có những lời trách móc đối với các thánh, ví dụ như với Thánh Gertrude, với
Thánh Margarita Maria, thì điều Chúa thường than thở nhiều nhất là sự thiếu từ
bỏ của các thánh.
Thánh Margarita
Maria, không lâu trước khi qua đời, đã viết rằng cuối cùng bà đã hiểu những gì
Chúa mong đợi nơi bà khi Ngài nói với bà, “Hãy
để Ta làm tất cả những việc đó.”
Thánh nữ viết: “Thánh Tâm của Ngài
sẽ làm mọi thứ cho tôi nếu tôi để cho Ngài làm. Ngài sẽ ước ao, Ngài sẽ yêu
thương, Ngài sẽ khao khát tôi và bù đắp cho mọi lỗi lầm của tôi.”
Giống như Thánh
Margarita Maria, bạn có thể nghe Chúa Giêsu nói với bạn hàng trăm lần mỗi ngày:
“Hãy để Ta làm tất cả những việc đó.”
Trong những khó khăn của chúng ta, trong những vấn đề của chúng ta, trong tất cả
mọi điều trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, đôi khi rất khó khăn, quá đau
khổ, khi chúng ta tự hỏi mình, “Tôi phải
làm gì đây? Tôi phải làm như thế nào?” hãy lắng nghe Ngài nói với chúng ta,
“Hãy để Ta làm tất cả những việc đó.”
Và sau đó hãy trả lời Ngài, “Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa về mọi sự.”
Và đó sẽ là cuộc đối thoại đẹp nhất về tình yêu giữa một linh hồn với Thiên
Chúa toàn năng và yêu thương!
Thánh Têrêsa Hài đồng
Giêsu đã đi theo cách này đến mức không còn ham muốn nào khác ngoài việc yêu mến
Chúa Giêsu đến mức “điên dại”:
Tôi không muốn đau khổ cũng
không muốn chết, nhưng tôi yêu cả hai; nhưng chỉ có tình yêu mới thu hút tôi.
Bây giờ chỉ có sự từ bỏ mới là điều hướng dẫn tôi. Tôi không có la bàn nào
khác.
Trái tim tôi tràn đầy ý muốn của
Chúa Giêsu. A! Nếu tâm hồn tôi chưa được lấp đầy bởi ý muốn của Ngài, nếu nó cần
phải được lấp đầy bằng những cảm xúc vui và buồn nối tiếp nhau quá nhanh, thì
đó sẽ là một cơn thủy triều buồn bã rất
cay đắng. Nhưng những lựa chọn thay thế này không làm được gì khác ngoài việc
lướt nhẹ qua linh hồn tôi. Tôi luôn ở trong một sự bình an sâu lắng mà không gì
có thể gây xao động. Nếu Chúa cho tôi sự lựa chọn, tôi sẽ không chọn gì cả: Tôi
không muốn gì ngoài những gì Ngài muốn. Tôi yêu thích chính những gì Ngài thực
hiện. Tôi thừa nhận rằng tôi đã mất một thời gian dài mới có thể đưa mình đến mức
độ buông bỏ này. Bây giờ tôi đã đạt đến đó, vì Chúa đã dẫn đưa tôi và đặt tôi ở
đó.
Vâng, tôi cầu xin Chúa cũng
đưa bạn đến đó, và đặt bạn ở đó, trong sâu thẳm Trái tim của Ngài!
Sự từ bỏ này đơn giản
chỉ là đỉnh cao của sự thánh thiện, đỉnh cao của tình yêu. Trong quyển Lâu đài Nội tâm, khi Thánh Têrêxa Avila
nói về hôn nhân thiêng liêng, đỉnh cao của đời sống thần bí, thánh nữ mô tả nó
như một sự kết hợp của hai linh hồn giống nhau trong tình yêu cao vời. “Đó là sự hăng say không thể nói nên lời đến
nỗi các linh hồn khát khao ý muốn của Thiên Chúa được thực hiện trong họ và họ
cũng hài lòng như thế với bất cứ điều gì mà Người phối ngẫu thiêng liêng yêu cầu.”
Phêrô Phạm Văn
Trung
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com
(30.6.2021)
[1] Cha Jean CJ d'Elbee là một linh mục người
Pháp, trong cuốn sách Tôi tin vào tình yêu của mình, đã truyền tải một cách tuyệt
vời tinh thần của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, và thông điệp của Thánh nữ về niềm
vui của sự từ bỏ hoàn toàn cho Trái Tim Chúa Giêsu.
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com