CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG WEB TRUYỀN THÔNG GIÁO XỨ THÁNH TÂM      (website đang được phát triển - eMail: GXThanhTamHN@gmail.com) Đức Thánh Cha ra quảng trường thánh Phêrô chào các tín hữu (6/4) Sáng Chúa Nhật ngày 6/4, trong Thánh Lễ Năm Thánh dành cho các bệnh nhân và giới y tế tại quảng trước thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã ra quảng trường để chào các tín hữu tham dự. Đọc tất cả   Nữ tu Dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu Thánh Thể trợ giúp người tị nạn ở Đức Truyền bá tinh thần giáo huấn của Chúa Kitô, đặc biệt là trong những môi trường khó khăn: đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các Nữ tu Dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu Thánh Thể. Đây là một lĩnh vực rất rộng, liên tục thách thức chúng ta nhận ra những dấu hiệu của thời đại và đôi khi phải xem xét những lĩnh vực trách nhiệm mới. Tình trạng này cũng xảy ra ở Đức kể từ năm 2015. Đọc tất cả   Các giám mục Hàn Quốc đến thăm đảo biên giới, cầu nguyện cho hòa bình Ngày 2/4/2025, 5 giám mục và 4 linh mục Hàn Quốc đã đến thăm Đảo Gyodong, ngay bên kia biên giới với Triều Tiên. Đảo này là nơi trú ẩn cho những người phải di dời do Chiến tranh Triều Tiên, chỉ cách Triều Tiên vài cây số. Tại đây, các ngài gặp những người tị nạn Triều Tiên và cầu nguyện cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Đọc tất cả   Đối với người dân Papua New Guinea, Đức Thánh Cha như là một người cha Cha Martin Prado, một nhà truyền giáo người Argentina tại Papua New Guinea chia sẻ rằng người dân nước này xem Đức Thánh Cha Phanxicô như một người cha. Ngài cũng chia sẻ rằng tin tức về việc tuyên thánh cho vị thánh Papua đầu tiên, Peter To Rot, là lý do để khích lệ họ kiên trì trong chứng tá bác ái. Đọc tất cả   Tòa Thánh và Nga thảo luận về các sáng kiến nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ucraina Vào ngày 4/4/2025, Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, đã điện đàm với người đồng cấp Nga để thảo luận về cuộc chiến đang diễn ra ở Ucraina và các sáng kiến nhằm chấm dứt các hành động quân sự, đồng thời đề nghị tiếp tục các nỗ lực nhân đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi tù nhân giữa hai nước. Đọc tất cả   Năm Thánh - Năm Hồng Ân #17: Chú Đậu Việt Hùng, Stuttgart, Đức Chú Đậu Việt Hùng, từng là du học sinh tại Đức và không thể trở về sau biến cố 1975, chia sẻ về cộng đoàn người Việt tại Đức, đặc biệt là ưu tư về người Việt Công giáo tại thành phố Stuttgart nói riêng và tại Đức nói chung. Đọc tất cả   Một linh mục ở bang Kansas, Hoa Kỳ bị bắn chết tại nhà xứ Ngày 03/4, trong lúc đang ở nhà xứ, cha Arul Carasala, linh mục coi sóc giáo xứ Thánh Phêrô và Phaolô ở Seneca, một thành phố ở phía đông bắc bang Kansas, bị một người đàn ông bắn chết. Đọc tất cả   HĐGM Hàn Quốc kêu gọi quốc gia đoàn kết sau khi Tổng thống bị phế truất Sau khi Tổng thống Hàn Quốc bị Toà Hiến pháp phế truất, Hội đồng Giám mục Hàn Quốc kêu gọi mọi người đoàn kết và khôn ngoan để bầu ra một Tổng thống mới, đồng thời yêu cầu các cơ quan nhà nước nỗ lực hết mình để có lại niềm tin của người dân và thực hiện sự hòa hợp. Đọc tất cả   ĐTC Phanxicô gửi sứ điệp đến các tín hữu Slovakia dịp hành hương Năm Thánh Ngày 04/4, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến 4.300 tín hữu Công giáo Slovakia dịp hành hương Năm Thánh. Ngài nhắc lại đức tin là kho báu cần được chia sẻ với niềm vui. Mỗi giai đoạn cuộc sống đều có những thách đố và khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để phát triển lòng tin và phó thác nơi Chúa. Đọc tất cả   Hai nữ tu bị sát hại trong cuộc tấn công của các băng đảng ở Haiti Hai nữ tu của Dòng Thánh Têrêsa, Sơ Evanette Onezaire và Sơ Jeanne Voltaire, đã bị sát hại vào ngày 31/3/2025, tại Mirebalais, một thị trấn nằm cách thủ đô Port-au-Prince khoảng 50 km về phía đông bắc, nơi từng là mục tiêu tấn công của liên minh các băng đảng tội phạm Viv Ansanm. Đọc tất cả  

Giáo Hội Việt Nam

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA - CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY NĂM C

05/04/2025 - 8

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 5 Mùa Chay năm C (03/4/2022) - Thiên Chúa luôn tha thứ

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 5 Mùa Chay năm C (07/4/2019) – Thẩm phán duy nhất là Thiên Chúa

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 5 Mùa Chay năm C (13/3/2016) - Sự khốn khổ và lòng thương xót đối diện với nhau

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 5 Mùa Chay năm C (17/3/2013) - Lòng thương xót có sức biến đổi thế giới

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 5 Mùa Chay năm C (21/3/2010) - Đức Giêsu là nhà lập pháp


Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 5 Mùa Chay năm C (03/4/2022) - Thiên Chúa luôn tha thứ

Vừa tảng sáng, Chúa Giêsu “trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người” (Ga 8,2). Câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình bắt đầu như thế. Bối cảnh thật thanh bình: một buổi sáng ở nơi thánh, tại trung tâm của Giêrusalem. Nhân vật chính là dân Thiên Chúa, những người đang ở trong sân của đền thờ để tìm kiếm Chúa Giêsu, vị Thầy dạy: họ muốn lắng nghe Người, bởi vì những gì Người nói đều soi sáng và sưởi ấm. Lời dạy của Người không trừu tượng, nó chạm đến và giải phóng cuộc sống, biến đổi và canh tân nó. Đây là “khứu giác” của dân Thiên Chúa, những người không hài lòng với ngôi đền làm bằng đá, nhưng tập họp xung quanh con người của Chúa Giêsu. Ở trang này, chúng ta nhìn thấy đoàn tín hữu của mọi thời đại, dân thánh của Thiên Chúa, mà ở Malta này rất đông đảo và sống động, trung thành trong việc tìm kiếm Chúa, gắn bó với một đức tin cụ thể, sống động. Tôi cảm ơn anh chị em vì điều này.

Trước đoàn dân đến với mình, Chúa Giêsu không vội vàng: “Người ngồi xuống - theo lời Tin mừng - và bắt đầu giảng dạy họ” (câu 2). Nhưng có những chỗ trống trong trường học của Chúa Giêsu. Có một số người vắng mặt: họ là chị phụ nữ và những người tố cáo chị. Họ không đến với Thầy như những người khác, và lý do vắng mặt của họ cũng khác: các kinh sư và người Pha-ri-sêu nghĩ rằng họ đã biết mọi sự, rằng họ không cần sự dạy dỗ của Chúa Giêsu; đàng khác, người phụ nữ là một người lạc lối, lạc lối tìm kiếm hạnh phúc bằng những con đường sai lầm. Do đó, các lý do của sự vắng mặt thì khác nhau, và kết quả của câu chuyện của họ cũng khác nhau. Chúng ta hãy tập trung vào những người vắng mặt này.

Trước hết về những người tố cáo chị phụ nữ. Ở họ, chúng ta thấy hình ảnh của những người tự hào mình là người công chính, tuân giữ luật pháp của Thiên Chúa, những người tử tế và trật tự. Họ không để ý đến lỗi của mình, nhưng rất cẩn thận để tìm ra lỗi của người khác. Vì vậy, họ đến gặp Chúa Giêsu: không phải với tấm lòng rộng mở để lắng nghe Người, nhưng “để thử Người và để có bằng cớ tố cáo Người” (câu 6). Đó là một ý định dò xét của những người sùng kính và mộ đạo, những người biết Kinh Thánh, thường xuyên đến đền thờ, nhưng để chiều theo những lợi ích riêng và không đấu tranh chống lại những ý nghĩ xấu đang khuấy động lòng họ. Trong mắt mọi người, họ có vẻ là chuyên gia về Chúa, nhưng họ thực sự không nhận ra Chúa Giêsu, trái lại họ xem Người như một kẻ thù cần phải loại bỏ. Để làm điều này, họ đặt trước mặt Người một con người, như thể đó là một đồ vật, khinh bỉ gọi cô là “người đàn bà này” và công khai tố cáo việc ngoại tình của cô. Họ gây sức ép để người phụ nữ bị ném đá, trút lên cô sự ác cảm của họ đối với lòng thương cảm của Chúa Giêsu. Họ làm tất cả những điều này dưới danh nghĩa sự nổi tiếng là những con người đạo đức.

Anh chị em thân mến, những nhân vật này nói với chúng ta rằng ngay cả trong thực hành tôn giáo của chúng ta, con sâu của thói đạo đức giả và muốn chỉ tay vẫn có thể len lỏi vào. Tại bất kỳ thời điểm nào, trong bất kỳ cộng đoàn nào, luôn luôn có nguy cơ hiểu sai Chúa Giêsu, về việc gọi danh Người trên môi miệng nhưng thực tế lại phủ nhận Người. Và nó cũng có thể được thực hiện bằng cách giương cao các biểu ngữ có hình Thánh giá. Vậy làm thế nào để xác thực chúng ta có phải là môn đệ của trường học của vị Thầy hay không? Từ cái nhìn của chúng ta, từ cách chúng ta nhìn người khác  từ cách chúng ta nhìn vào chính mình. Đây là điểm xác định sự thuộc về của chúng ta.

Từ cách chúng ta nhìn người lân cận của mình: liệu chúng ta có làm như hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta thấy, nghĩa là, với một cái nhìn thương xót, hay một cách phán xét, đôi khi thậm chí khinh thường, giống như những người tố cáo trong Tin Mừng, những người đứng lên bênh vực Thiên Chúa nhưng không nhận ra việc chà đạp lên anh em mình. Thực ra, những người tin rằng họ đang bảo vệ đức tin bằng cách chỉ tay vào người khác cũng sẽ có cái nhìn tôn giáo, nhưng họ không theo tinh thần Tin Mừng, bởi vì họ quên lòng thương xót, là trái tim của Thiên Chúa.

Để xác thực xem chúng ta có phải là môn đệ chân chính của vị Thầy hay không, thì cũng cần phải xác minh cách chúng ta nhìn chính mình. Những người tố cáo người phụ nữ tự tin rằng họ không có gì để học. Quả thực dáng vẻ bên ngoài của họ rất hoàn hảo, nhưng lại thiếu đi sự chân thật của trái tim. Họ là chân dung của những người tin Chúa, trong mọi thời đại, làm cho đức tin trở thành một yếu tố trang trọng, ở đó điều nổi bật là vẻ trang nghiêm bên ngoài, nhưng sự nghèo khó bên trong, vốn là kho tàng quý giá nhất của con người, lại thiếu vắng. Thực ra, đối với Chúa Giê-su, điều quan trọng là sự mở lòng của những ai thấy mình chưa hoàn hảo, cần đến ơn cứu độ. Do đó, thật tốt khi chúng ta cầu nguyện và tham dự các buổi cử hành tôn giáo trang trọng, cũng tự hỏi xem mình có tương hợp với Chúa không. Chúng ta có thể hỏi Ngài trực tiếp: “Lạy Chúa Giêsu, con ở đây với Ngài, nhưng Ngài muốn gì ở con? Ngài muốn con sửa chữa điều gì trong trái tim con, trong cuộc sống của con? Ngài muốn con nhìn người khác như thế nào?”. Thật tốt nếu chúng ta cầu nguyện như thế, bởi vì Thầy không hài lòng với vẻ bề ngoài, nhưng tìm kiếm sự thật của trái tim. Và khi chúng ta mở lòng đón nhận sự thật, Người có thể làm nên những điều kỳ diệu nơi chúng ta.

Chúng ta nhìn thấy điều đó nơi người phụ nữ ngoại tình. Tình trạng của chị dường như nguy kịch, nhưng với cái nhìn của Người, một chân trời mới không thể nghĩ đến, được mở ra trước hết. Bị bao trùm bởi những lời sỉ nhục, chị sẵn sàng nhận những lời nói cay nghiệt và những hình phạt nghiêm khắc, nhưng rồi chị kinh ngạc khi thấy mình được Chúa tha bổng, mở ra cho chị một tương lai bất ngờ: “Không ai lên án chị sao? – Chúa nói với chị - Tôi cũng không lên án chị; thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (các câu 10.11). Một sự khác biệt giữa vị Thầy và những người tố cáo, những người đã trích dẫn Kinh Thánh để lên án; chính Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa, đã hoàn toàn phục hồi người phụ nữ, khôi phục lại hy vọng của chị. Từ câu chuyện này, chúng ta học được rằng mọi đánh giá, nếu không được đánh động bởi lòng bác ái và không chứa đựng lòng bác ái, thì nhấn chìm thêm những ai tiếp nhận nó. Trái lại, Thiên Chúa luôn mở ra một cơ hội và luôn biết tìm cách giải thoát và cứu rỗi.

Cuộc sống của người phụ nữ đó thay đổi nhờ sự tha thứ. Nỗi khốn cùng và lòng thương xót gặp nhau. Người phụ nữ thay đổi. Thậm chí chị có thể đi đến chỗ, được Chúa Giêsu tha thứ, đến lượt mình cũng học cách tha thứ. Có lẽ chị sẽ thấy nơi những người tố cáo không còn là những người cứng nhắc và xấu xa, mà là những người đã cho phép chị gặp gỡ Chúa Giêsu. Chúa muốn rằng cả chúng ta là các môn đệ, chúng ta là Giáo hội, được Người tha thứ, cũng trở thành chứng tá không mệt mỏi của sự tha thứ, của một Thiên Chúa mà đối với Người, không tồn tại từ “không thể phục hồi”; của một Thiên Chúa luôn tha thứ. Thiên Chúa luôn tha thứ. Còn chúng ta thì nản lòng xin sự tha thứ. Thiên Chúa tiếp tục tin tưởng vào chúng ta và luôn trao cơ hội để bắt đầu lại. Không có tội lỗi hay thất bại nào, được mang đến với Người, mà không trở thành cơ hội để bắt đầu một cuộc sống mới, khác biệt, theo dấu hiệu của lòng thương xót. Không có tội nào không thể đi trên con đường này. Thiên Chúa tha thứ tất cả.

Vị Thiên Chúa này là Chúa Giêsu. Người thực sự biết rõ Chúa Giêsu chính là người cảm nghiệm được ơn tha thứ của Chúa, là người, giống như người phụ nữ trong Tin Mừng, khám phá ra rằng Thiên Chúa đến thăm chúng ta ngang qua những vết thương nội tâm chúng ta. Chính tại nơi đó, Chúa ưa thích hiện diện, vì Người đến không phải cho những ai khỏe mạnh nhưng cho những người đau ốm (x. Mt 9,12). Và hôm nay, chính người phụ nữ này, người đã kinh nghiệm được lòng thương xót trong nỗi khốn cùng của chị và là người đi vào thế giới được chữa lành nhờ sự tha thứ của Chúa Giêsu, gợi ý cho chúng ta, với tư cách là Giáo hội, trở lại trường học của Tin Mừng, nơi trường học của Chúa của hy vọng, Đấng luôn tạo nên sự ngạc nhiên. Nếu chúng ta noi gương Người, chúng ta sẽ không đặt trọng tâm vào việc tố cáo tội lỗi, nhưng lên đường với tình yêu để tìm kiếm tội nhân. Chúng ta sẽ không đếm những người có mặt, nhưng chúng ta sẽ tìm kiếm những người vắng mặt. Chúng ta sẽ không lại chỉ tay vào người khác, nhưng sẽ bắt đầu lắng nghe. Chúng ta sẽ không loại bỏ những người bị khinh thường, nhưng sẽ nhìn trước hết đến những người bị coi là cuối cùng. Anh chị em thân mến, đây là điều hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta qua ví dụ này. Chúng ta hãy để mình được Người làm cho ngạc nhiên. Chúng ta chào đón sự mới mẻ của Người với niềm vui.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 5 Mùa Chay năm C (07/4/2019) – Thẩm phán duy nhất là Thiên Chúa

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Trong Chúa nhật thứ Năm Mùa Chay này, phụng vụ giới thiệu trình thuật người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8,1-11). Trình thuật này có sự tương phản giữa hai thái độ: trước hết là thái độ của các kinh sư và người Pharisêu, và thái độ thứ hai của Chúa Giêsu. Những người kinh sư và Pharisêu muốn kết án người phụ nữ, bởi vì họ cảm thấy đòi buộc của người bảo vệ Luật pháp và áp dụng nó cách trung thành. Ngược lại, Chúa Giêsu muốn cứu chị, bởi vì Ngài, là lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng tha thứ để cứu chuộc và hòa giải để canh tân.

Chúng ta hãy nhìn xem sự kiện này. Khi Đức Giêsu đang giảng dạy ở đền thờ, các kinh sư và người Pharisêu mang đến cho Ngài một người phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình; họ đặt chị phụ nữ ở giữa và hỏi Đức Giêsu xem Ngài có ném đá chị đến chết, như Luật Mô-sê quy định hay không. Tác giả Tin Mừng cho thấy rằng họ đặt câu hỏi “nhằm thử Người để có bằng cớ tố cáo Người” (câu 6). Có thể thấy rằng mục đích của họ là thế này – hãy xem sự hiểm ác của họ: nếu “không” ném đá sẽ là một lý do để buộc tội Đức Giêsu không giữ Luật; ngược lại, nếu “có” thì điều này để tố cáo Ngài với chính quyền La Mã, vì đã quy định dành riêng cho chính quyền việc kết án và không ai khác có quyền làm như thế. Và Đức Giêsu phải trả lời.

Những người đối chất với Chúa Giêsu bị đóng khung trong các nút thắt của chủ nghĩa pháp lý và muốn vây Con Thiên Chúa trong quan điểm phán xét và kết án của họ. Nhưng Ngài không đến thế gian để phán xét và kết án, mà là để cứu và ban cho mọi người một cuộc sống mới. Và Chúa Giêsu phản ứng thế nào trước sự thách thức này? Trước hết Ngài im lặng một lúc, và Ngài cúi xuống viết ngón tay trên mặt đất, như để nhắc nhớ rằng Nhà lập pháp và Thẩm phán duy nhất là Thiên Chúa, Đấng đã viết Luật trên đá. Rồi sau đó, Ngài nói: “Ai không có tội, thì hãy lấy đá mà ném trước đi” (câu 7). Bằng cách này, Chúa Giêsu đụng chạm đến lương tâm của những người đó: họ thấy mình là “người bên vực công lý”, nhưng Chúa Giêsu mời gọi họ nhận thức về tình trạng của họ là những người tội lỗi, và họ không thể tự cho mình quyền trên sự sống hay cái chết đối với người đồng loại đang cùng cảnh như họ. Chính lúc đó, lần lượt từng người một, bắt đầu từ người già nhất - nghĩa là người có kinh nghiệm nhất trong những nỗi khốn khổ của chính họ - tất cả đều bỏ đi, bỏ luôn việc ném đá người phụ nữ. Cảnh này cũng mời gọi mỗi chúng ta ý thức rằng chúng ta là tội nhân, và để bỏ đi khỏi tay chúng ta những viên đá chê bai, lên án và nói hành nói xấu mà đôi khi chúng ta muốn ném lên người khác. Khi chúng ta nói sau lưng một ai đó, thì chúng ta ném đá họ, chúng ta cũng giống những người muốn ném đá ngày xưa.

Cuối cùng chỉ còn lại Chúa Giêsu và người phụ nữ thì đứng ở giữa: “người khốn khổ và lòng thương xót”, nói như thánh Augustinô (trong Joh 33,5). Chúa Giêsu là người duy nhất không có tội, là người duy nhất có thể ném đá người phụ nữ, nhưng Ngài không làm thế, vì Thiên Chúa “không muốn cái chết của tội nhân, nhưng muốn họ thay đổi và sống” (x. Ed 33,11). Chúa Giêsu cho người phụ nữ đi bằng những lời quá đẹp: “Chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (c. 11). Chúa Giêsu mở ra trước mặt chị một con đường mới được làm nên bởi lòng thương xót, một con đường đòi hỏi chị không phạm tội nữa. Đây là một lời mời áp dụng cho mỗi chúng ta: Chúa Giêsu khi tha thứ cho chúng ta, Ngài luôn mở cho chúng ta một con đường mới để tiến về phía trước. Trong thời gian Mùa Chay thánh này, chúng ta được mời gọi nhận mình là tội nhân và xin sự tha thứ từ Thiên Chúa. Và sự tha thứ, đến lượt nó, khi hoà giải chúng ta và mang lại cho chúng ta bình an, cũng sẽ làm cho chúng ta bắt đầu lại một lịch sử được đổi mới. Mọi cuộc hoán cải thực sự đều hướng đến một tương lai mới, một cuộc sống mới, một cuộc sống đẹp, tự do khỏi tội lỗi và một cuộc sống quảng đại. Chúng ta đừng sợ xin sự tha thứ của Chúa Giêsu, vì Ngài mở cánh cửa cho chúng ta vào cuộc sống mới này.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta làm chứng cho mọi người về tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Qua Chúa Giêsu, Ngài tha thứ cho chúng ta và làm cho sự hiện hữu của chúng ta trở nên mới mẻ, luôn mang đến cho chúng ta những cơ hội mới.

Nguồn: vaticannews.va/vi


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 5 Mùa Chay năm C (13/3/2016) - Sự khốn khổ và lòng thương xót đối diện với nhau

Anh chị em thân mến,

Tin Mừng của ngày Chúa Nhật V Mùa Chay hôm nay rất đẹp (Ga 8, 1-11). Tôi rất thích đọc và suy gẫm về đoạn Tin Mừng này. Thánh Luca đã trình bày cho chúng ta câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình, qua đó làm nổi bật chủ đề lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống. Câu chuyện diễn ra trong khuôn viên đền thờ. Khi ấy, Đức Giêsu đang giảng dạy dân chúng. Các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Ngài một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa Đức Giêsu và dân chúng (x.c 3), tức là đứng giữa lòng xót thương của Con Thiên Chúa và sự công kích của những người tố cáo chị. Trong thực tế, họ không đến với Thầy Giêsu để xin ý kiến nhưng là để gài bẫy Ngài. Thật vậy, nếu Đức Giêsu theo sự nghiêm khắc của lề luật, tức là chấp thuận việc ném đá người phụ nữ, thì ngay lập tức Ngài sẽ mất đi uy tín. Những gì Ngài rao giảng về sự hiền lành, lòng thương xót mà dân chúng đang say mê lắng nghe sẽ trở nên giả dối. Nhưng nếu Ngài nói không, tức là muốn tỏ lòng thương xót với người phụ nữ, thì Ngài đang đi ngược lại với lề luật. Như vậy Đức Giêsu cũng tự mẫu thuẫn với chính mình vì trước đây Ngài từng tuyên bố: ‘Tôi đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn lề luật’ (x. Mt 5,17). Đức Giêsu đã bị đặt vào hoàn cảnh khó khăn như thế.

Ý định và cạm bẫy nham hiểm của các kinh sư và người Pha-ri-sêu ẩn núp dưới câu hỏi mà họ chất vấn Đức Giêsu: ‘Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?’ Đức Giêsu im lặng không trả lời và làm một cử chỉ bí ẩn, rất khó hiểu: ‘Ngài cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất’ (c. 7). Dường như Đức Giêsu vẽ cái gì đó. Có người cho rằng Ngài viết tội của người Pha-ri-sêu… Tuy nhiên, việc Đức Giêsu viết cũng giống như những việc khác Ngài đã làm thôi. Nhưng chắc chắn rằng, bằng cách viết trên đất như thế, Đức Giêsu muốn mời gọi mọi người bình tĩnh lại, đừng hành động vì sự nôn nóng bốc đồng nhưng hãy tìm kiếm sự công bình của Thiên Chúa. Tuy nhiên, họ lại nhất quyết chờ đợi một câu trả lời từ Đức Giêsu. Dường như họ đang khát máu. Vì họ cứ hỏi mãi nên Đức Giêsu ngẩng lên và bảo họ: ‘Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.’ (c. 7) Câu trả lời này đã hạ đo ván những người đang lên án tố cáo, tước bỏ tất cả vũ khí của họ trong chính nghĩa đen của từ ngữ: tất cả họ đều hạ ‘vũ khí’ xuống, đó là những viên đá đang sẵn sàng để ném ra. Một cách công khai họ muốn giết chết người phụ nữ, nhưng cách âm thầm và đầy ngụ ý họ muốn chống đối và loại trừ Đức Giêsu. Và trong khi Đức Giêsu tiếp tục viết trên đất, những kẻ tố cáo bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi, đó là những người ý thức hơn về tình trạng không sạch tội của mình. Chính chúng ta cũng phải ý thức rằng chúng ta là kẻ tội lỗi. Khi kết án người khác, chúng ta biết rõ tội lỗi của họ. Nhưng sẽ thật tốt đẹp nếu chúng ta có cam đảm bỏ xuống đất hòn đá nắm trong tay để ném người khác và suy nghĩ về tội lỗi của mình.

Cuối cùng chỉ còn lại người phụ nữ và Đức Giêsu: sự khốn khổ và lòng thương xót đối diện với nhau. Điều này cũng xảy ra với mỗi người chúng ta. Khi đến trước tòa giải tội, với sự xấu hổ, thẹn thùng, chúng ta nhận thấy tình trạng khốn khổ của mình và nài xin ơn tha thứ. Đức Giêsu cất tiếng hỏi: ‘Này chị, họ đâu cả rồi?’ (c.10). Như vậy, vụ thẩm tra đã kết thúc. Với đôi mắt tràn đầy xót thương và tình yêu mến, Đức Giêsu nhận thấy rằng người phụ nữ vẫn có phẩm giá của mình. Chị không đáng tội chết. Chị vẫn có thể thay đổi đời sống, vẫn có thể thoát ra khỏi kiếp nô lệ tội lỗi và bước đi trên một con đường mới.

Chị đại diện cho tất cả chúng ta, những tội nhân. Cách nào đó, chúng ta cũng là những người ngoại tình trước mặt Thiên Chúa, là những kẻ phản bội lòng trung tín của Ngài. Kinh nghiệm của chị cũng tượng trưng cho ý định của Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta: Thiên Chúa không kết án chúng ta nhưng cứu độ chúng ta nhờ Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là ân sủng, cứu vớt chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết. Ngài đã lấy ngón tay viết trên đất, trên cái bụi mà từ đó con người được tạo dựng nên (x. St 2,7). Phán quyết của Thiên Chúa là: ‘Ta không muốn con phải chết, nhưng muốn con được sống.’ Chúa không cứ tội ta mà trách phạt, cũng chẳng đồng nhất ta với những lỗi lầm trót phạm. Chúa muốn giải thoát chúng ta. Chúa muốn ở với ta và muốn chúng ta cũng ở lại với Ngài. Chúa mong ước chúng ta đừng sử dụng tự do để làm điều xấu nhưng biết làm điều thiện. Và chúng ta có thể làm được điều ấy với ân sủng Chúa ban.

Đức Trinh Nữ Maria sẽ giúp chúng ra biết tín thác cách tuyệt đối vào lòng thương xót của Thiên Chúa, nhờ đó mà chúng ta sẽ được trở nên những thụ tạo mới.

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 5 Mùa Chay năm C (17/3/2013) - Lòng thương xót có sức biến đổi thế giới

Anh chị em thân mến,

Sau cuộc gặp vào thứ 4 tuần trước, hôm nay một lần nữa tôi lại có cơ hội để gặp gỡ anh chị em. Tôi hạnh phúc vì chúng ta gặp gỡ nhau trong ngày Chúa Nhật, ngày của Thiên Chúa. Điều này thật đẹp và quan trọng đối với mỗi người Kitô hữu chúng ta. Chúa Nhật là ngày chúng ta gặp gỡ, chào hỏi, và chia sẻ cho nhau, điều mà chúng ta đang làm tại quảng trường này.

Trong Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay hôm nay, Lời Chúa trình bày cho chúng ta câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình được Chúa cứu khỏi án tử hình. Chiêm ngắm thái độ của Đức Giê-su, chúng ta không nghe thấy những lời trách mắng, những lời kết án, nhưng là lời của tình yêu, lời thương xót mời gọi chúng ta hoán cải.

Anh chị em thân mến, gương mặt của Thiên Chúa là gương mặt của người cha đầy lòng thương xót, Ngài luôn kiên nhẫn với chúng ta. Anh chị em hãy nghĩ về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, không phải Thiên Chúa luôn kiên nhẫn với mỗi người chúng ta sao? Vâng, đây chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài luôn kiên nhẫn để hiểu, chờ đợi và không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta biết quay lại với Ngài với tất cả con tim. Như lời Thánh vịnh có chép rằng: “Lòng thương xót của Thiên Chúa vĩ đại dường bao”.

Tiếp đến Đức Thánh Cha nói rằng, trong những ngày này Ngài đã đọc một tác phẩm của thần học gia Kasper. Và chính tác phẩm đã gợi hứng cho ngài về lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài nói:

“Đức Hồng Y Kasper nói về việc lắng nghe lòng thương xót, và lời này có thể biến đổi tất cả. Lòng thương xót có thể làm cho thế giới trở nên ấm áp hơn và công bằng hơn. Do đó, chúng ta cần hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài là một người cha đầy lòng thương xót đối với mỗi người chúng ta. Hãy nhớ lại lời của ngôn sứ Isaia: “Tội các ngươi dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết. có thắm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1,18). Lòng thương xót đẹp biết bao!”

Sau đó ngài kể lại một câu chuyện trong kinh nghiệm mục vụ của ngài. Ngài nói:

“Tôi nhớ, vào năm 1992, khi còn là Giám mục, tôi đi dâng lễ tại một nhà thờ cho các bệnh nhân. Trong thánh lễ này tôi cũng giải tội cho một số người. Cuối thánh lễ, tôi đứng dậy vì tôi phải ban bí tích thêm sức. Lúc đó, có một người phụ nữ lớn tuổi tới gần tôi, bà rất khiêm nhường. Tôi nhìn người phụ này và nói với bà:

“Thưa bà, bà có muốn xưng tội không?”

Bà đáp: “Thưa có.”

“Nhưng nếu bà không có tội…”.

Và bà trả lời tôi rằng: “Tất cả chúng ta đều có tội”.

“Nhưng có lẽ Thiên Chúa sẽ không tha thứ cho chúng ta”, Tôi nói.

Bà đáp lại: “Chắc chắn Thiên Chúa tha thứ tất cả”.

“Nhưng làm sao bà biết, thưa bà?” Tôi hỏi lại.

“Vì nếu Thiên Chúa không tha thứ cho chúng ta, thế giới này sẽ không tồn tại”. Nghe những lời đó, tôi định hỏi bà rằng: “Bà ơi, nói cho tôi biết, phải chăng bà học ở trường đại học Gregoriana.” Bởi vì đây chính là sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Một sự khôn ngoan nội tâm về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ quên lời này: Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta, không bào giờ! Và vấn đề của chúng ta là gì? Thưa, vấn đề là chúng ta chán nản, chúng ta không muốn, chúng ta không mong muốn sự tha thứ. Ngài không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ! Thiên Chúa là người cha yêu thương luôn tha thứ. Ngài có một trái tim đầy lòng thương xót dành cho tất cả chúng ta. Và chúng ta cũng cần học và thương xót người khác.

Chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ chúng ta, vì chính ngang qua mẹ, Lòng thương xót của Thiên Chúa đã được thực thi giữa con người.

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 5 Mùa Chay năm C (21/3/2010) - Đức Giêsu là nhà lập pháp

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đã tới Chúa nhật V mùa Chay. Năm nay phụng vụ trình bày cho chúng ta đoạn Tin mừng kể lại việc Chúa Giêsu cứu một phụ nữ ngoại tình khỏi án tử hình (Ga 8,1-11). Khi Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, các kinh sư và biệt phái đưa đến một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình; luật Môsê dự liệu hình phạt ném đá đối với tội đó. Họ yêu cầu Chúa Giêsu xét xử bà với mục đích là để "thử thách Người" và đẩy Người vào ngõ bí. Tình hình thật là bi đát: Mạng sống của bà và kể cả mạng sống của chính Người tuỳ thuộc vào những lời sắp nói. Thực vậy, những kẻ tố giác giả hình giả vờ như đang chờ đợi Người xét xử, nhưng kỳ thực họ muốn tố cáo và xét xử chính Người. Ngược lại, Chúa Giêsu là kẻ "đầy ân sủng và chân lý" (Ga 1,14). Người đọc thấy thâm tâm của mỗi người, Người muốn lên án tội lỗi nhưng cứu vớt tội nhân, và lột mặt nạ kẻ giả hình. Thánh Gioan muốn nêu bật một chi tiết, là đang khi các kẻ tố cáo cứ nằng nặc đòi Người lên tiếng, thì Chúa Giêsu cúi xuống dùng ngón tay viết trên đất. Thánh Augustinô nhận định rằng cử chỉ ấy cho thấy Chúa Giêsu là một nhà lập pháp, bởi vì Thiên Chúa đã viết lề luật với ngón tay trên các tấm bia đá (xc. Chú giải Tin mừng thánh Gioan 33,5). Như thế Đức Giêsu là nhà lập pháp, là chính Công lý. Phán quyết của Người như thế nào? "Ai trong các ông không có tội thì hãy lấy đá ném bà ta trước đi". Những lời này chứa đầy chân lý, nó làm sụp đổ bức tường giả hình, và mở rộng lương tâm đến công lý rộng lớn hơn, công lý của tình yêu, cao điểm của mọi lề luật (xc Rm 13,8-10). Đó là công lý đã cứu thoát cả ông Saulô, biến đổi ông ta trở thành thánh Phaolô (xc. Pl 3,8-14).

Sau khi những người tố cáo "lần lượt rút lui, bắt đầu từ những người gìa nhất", Chúa Giêsu tha thứ tội lỗi cho người phụ nữ, và đưa bà vào cuộc đời mới, hướng đến điều lành: "Tôi cũng không kết án chị đâu; chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa". Đó cũng chính là ân huệ khiến cho thánh Phaolô thốt lên: "Tôi chỉ còn biết một điều là bỏ lại cái gì đàng sau lưng, và lao về trước mặt, tôi chạy đến cùng đích, đến giải thưởng mà Thiên Chúa đã dành cho tôi ở trên trời, trong Đức Kitô Giêsu" (Pl 3,14). Thiên Chúa chỉ muốn cho chúng ta được điều tốt lành và được sống mà thôi. Thiên Chúa đã dự liệu cho sức khỏe linh hồn chúng ta nhờ các tác viên của Người, cứu thoát chúng ta khỏi sự dữ nhờ Bí tích Hòa giải, ngõ hầu không ai bị hư mất nhưng tất cả có cơ hội để hoán cải. Trong năm linh mục này, tôi muốn khuyến khích các vị mục tử hãy bắt chước cha sở họ Ars trong tác vụ bí tích giải tội, ngõ hầu các tín hữu khám phá ý nghĩa và vẻ đẹp của nó, và họ được chữa lành nhờ tình yêu lân tuất của Thiên Chúa, Đấng đã sẵn sàng tự ý quên hết tội, ngõ hầu tha thứ cho chúng ta".

Các bạn thân mến, chúng ta hãy học cùng Chúa Giêsu để đừng xét đoán và lên án tha nhân. Chúng ta hãy học cho biết tỏ ra nghiêm khắc đối với tội lỗi - bắt đầu từ tội lỗi của mình! - và khoan hồng đối với con người.

Chúng ta hãy cầu xin Đức Maria, là Thân mẫu Thiên Chúa, kẻ đã được gìn giữ khỏi mọi tội lỗi, là trung gian chuyển cầu ân sủng mỗi tội nhận thống hối.

Nguồn: archivioradiovaticana.va 



Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com

× Thành công! Câu hỏi của cộng đoàn đã được gửi. Câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.