NỘI DUNG CHÍNH Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 2 Thường Niên năm C (17/01/2016) - Chúa Giêsu, Phu Quân của chúng ta |
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 2 Thường Niên năm C (16/01/2022) - Một dấu lạ tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng Phụng vụ hôm nay thuật lại diễn biến tiệc cưới Cana, nơi Chúa Giêsu biến nước thành rượu trong ngày vui của đôi tân hôn. Và có thể kết luận thế này: “Đây là sự khởi đầu các dấu lạ của Chúa Giêsu; Người đã bày tỏ vinh quang và các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11). Chúng ta lưu ý rằng, thánh sử Gioan không nói về một phép lạ, nghĩa là, một biến cố quyền năng và phi thường tạo ra sự kinh ngạc. Ông viết rằng: một dấu lạ / dấu chỉ xảy ra ở Cana và nó làm khơi dậy đức tin của các môn đệ. Sau đó, chúng ta có thể tự hỏi: theo Tin Mừng, “một dấu lạ” là gì?
Một dấu lạ là dấu vết cho thấy tình yêu của Thiên Chúa, vốn là điều không tạo nên sự chú ý đến sức mạnh của cử chỉ, nhưng hướng đến tình yêu đã khởi phát nó. Nó dạy chúng ta một điều gì đó về tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu luôn gần gũi, dịu dàng và đầy lòng trắc ẩn. Dấu lạ đầu tiên xảy ra khi một đôi tân hôn đang gặp rắc rối trong ngày quan trọng nhất của cuộc đời. Giữa bữa tiệc, một điều thiết yếu, là rượu, đã bị thiếu và niềm vui có nguy cơ bị dập tắt giữa những lời chỉ trích và không hài lòng của khách mời. Làm thế nào mà tiệc cưới tiếp tục diễn ra mà chỉ toàn là nước! Thật là tệ, đôi tân hôn sẽ trông rất tệ!
Chính Đức Mẹ đã nhận ra được vấn đề và kín đáo báo cho Chúa Giêsu, và Người đã can thiệp một cách lặng lẽ, hầu như không để lộ ra. Mọi việc diễn ra trong bí mật, “nơi hậu trường”: Chúa Giêsu bảo các gia nhân đổ đầy nước vào các chum để trở thành rượu. Đây là cách Thiên Chúa hành động, với sự gần gũi và kín đáo. Các môn đệ của Chúa Giêsu nhận ra được điều này: họ thấy rằng nhờ Người mà tiệc cưới càng trở nên đẹp đẽ hơn. Và họ cũng nhìn thấy cách thức hành động, cung cách phục vụ của Chúa Giêsu trong sự ẩn mình - đó là chính Chúa Giêsu, Người giúp đỡ chúng ta, phục vụ chúng ta trong sự ẩn mình, trong khoảng khắc đấy - và rồi, rất nhiều lời khen về rượu ngon dành cho tân lang. Thế nên, hạt mầm đức tin bắt đầu phát triển trong họ, tức là họ tin rằng: Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa, đang hiện diện nơi Chúa Giêsu.
Thật tốt khi nghĩ rằng dấu lạ đầu tiên mà Chúa Giêsu thực hiện không phải là một sự chữa lành phi thường hay một điều kỳ diệu trong đền thờ Giêrusalem, mà là một cử chỉ đáp ứng nhu cầu đơn giản và cụ thể của những người bình thường, một cử chỉ ngay trong nhà, một phép lạ; chúng ta có thể nói như vậy, “đi kiễng chân”, kín đáo, thinh lặng. Người sẵn sàng giúp đỡ và nâng đỡ chúng ta. Và sau đó, nếu chúng ta chú ý đến những “dấu lạ” này, thì chúng ta sẽ được tình yêu của Người chinh phục và chúng ta trở thành môn đệ của Người.
Nhưng có một điểm đặc biệt khác nơi dấu lạ Cana. Nói chung, rượu được đưa ra cho đến cuối bữa tiệc là loại kém ngon, vì đó là loại đã được pha nhiều nước. Thậm chí ngày nay, người ta cũng làm như vậy, người ta không thể phân biệt rõ đâu là rượu ngon và đâu là rượu pha nước. Ngược lại, Chúa Giêsu làm cho bữa tiệc kết thúc với loại rượu ngon nhất. Điều này cho chúng ta thấy một cách biểu tượng rằng Thiên Chúa muốn điều tốt nhất cho chúng ta, Người muốn chúng ta hạnh phúc. Nó không đặt ra giới hạn và không yêu cầu chúng ta về lợi ích. Trong dấu lạ của Chúa Giêsu, không có chỗ cho những động cơ khác để đưa ra yêu sách đối với đôi tân hôn. Không, niềm vui mà Chúa Giêsu để lại trong trái tim là niềm vui tràn đầy và nhưng không. Nó không phải là niềm vui pha nước!
Vì vậy, tôi đề nghị một bài tập có thể giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Hôm nay chúng ta hãy thử lục lại ký ức để tìm kiếm những dấu lạ mà Chúa đã thực hiện trong cuộc đời tôi. Mỗi người hãy nói: trong đời tôi, Chúa đã thực hiện dấu lạ nào? Chúng gợi lên điều gì về sự hiện diện của Người? Những dấu lạ được thực hiện để cho chúng ta thấy rằng Người yêu thương chúng ta; khoảnh khắc khó khăn mà Chúa đã giúp tôi cảm nghiệm được tình yêu của Người... Và chúng ta hãy tự hỏi: qua những dấu lạ nào, kín đáo và ân cần, Người đã làm cho tôi cảm nhận được sự dịu dàng của Người? Khi tôi cảm thấy Chúa gần gũi hơn, khi nào tôi cảm thấy sự dịu dàng, lòng trắc ẩn của Người? Mỗi người trong chúng ta trong lịch sử đời mình đều có những khoảnh khắc này. Chúng ta hãy khám phá ra những dấu lạ đó, ghi nhớ chúng. Làm thế nào tôi khám phá ra sự gần gũi của Người và một niềm vui lớn vẫn còn trong lòng tôi thế nào? Chúng ta hãy hồi tưởng lại những khoảnh khắc mà chúng ta đã cảm nghiệm sự hiện diện của Người và sự chuyển cầu của Mẹ Maria. Xin Mẹ, như ở Cana, Mẹ luôn để ý, giúp chúng ta biết trân trọng những dấu lạ của Chúa trong cuộc đời chúng ta.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 2 Thường Niên năm C (20/01/2019) - Người bảo gi các anh cứ việc làm theo
Anh chị em thân mến,
Chúa nhật tuần trước, với lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta đã bắt đầu hành trình phụng vụ mùa Thường Niên: trong thời gian này chúng ta theo Chúa Giêsu trong cuộc đời công khai, trong sứ vụ mà Chúa Cha đã sai Người đến thế gian để thực hiện. Trong Tin mừng hôm nay (x. Ga, 2,1-11), chúng ta đọc thấy trình thuật kể lại phép lạ đầu tiên trong các phép lạ của Chúa Giêsu.
Dấu chỉ đầu tiên được thực hiện tại Cana, vùng Galilea, trong một tiệc cưới. Không phải tình cờ mà khởi đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu lại được đặt trong bối cảnh của một lễ cưới, bởi vì qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã kết hôn với nhân loại: đây là tin vui, ngay cả khi những người mời Chúa chưa biết rằng Con Thiên Chúa đang ngồi cùng bàn với họ và Người là chàng rể đích thực. Trên thực tế, tất cả mầu nhiệm về phép lạ ở Cana nằm ở sự hiện diện của Chúa Giêsu, chàng rể thần linh, Đấng bắt đầu tỏ mình ra. Chúa Giêsu tỏ mình ra như vị hôn phu của dân Thiên Chúa, đã được các ngôn sứ loan báo và bày tỏ cho chúng ta sự sâu thẳm của mối tương quan liên kết chúng ta với Người: đó là một Giao ước mới của tình yêu.
Trong bối cảnh của Giao ước, chúng ta hiểu trọn vẹn ý nghĩa biểu tượng của rượu, thứ là trọng tâm của phép lạ này. Chính lúc tiệc cưới đang diễn ra nửa chừng thì rượu lại hết, Mẹ Maria, như một người mẹ, nhận ra điều này và ngay lập tức đến nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” (c.3). Các sách Thánh kinh, đặc biệt là các sách ngôn sứ, xác định rượu như yếu tố đặc trưng của bữa tiệc của Đấng Cứu Thế (x. Am9,13-14; Ge 2,24; Is 25,6), khi Đấng Cứu Thế đến. Nước cần thiết để sống nhưng rượu diễn tả sự tràn đầy của bữa tiệc và niềm vui của ngày lễ. Khi biến nước trong các bình được dùng “cho việc thanh tẩy theo thói tục người Do thái” (c.6) thành rượu, Chúa Giêsu thực hiện một dấu chỉ hùng hồn: biến đổi Luật Môsê trong Tin mừng thành điều mang niềm vui.
Và sau đó, chúng ta hãy nhìn sang Mary. Những lời của Mẹ Maria nói với gia nhân trở thành triều thiên của tiệc cưới Cana: “Người bảo gi các anh cứ việc làm theo” (v.5). Ngày hôm nay, Mẹ Maria cũng nói với tất cả chúng ta: “Bất cứ điều gì Người nói với các con, hãy làm theo”. Những lời này là gia sản quý giá mà Mẹ của chúng ta để lại cho chúng ta. Và thực tế là, tại Cana, các gia nhân đã vâng lời Mẹ. “Chúa Giêsu nói với họ: Hãy đổ đầy nước vào chum đi. Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: ‘Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc. Họ liền đem cho ông” (cc 7-8). Thật vậy, trong tiệc cưới này, một Giao ước mới được lập ra và sứ mạng mới được giao phó cho các tôi tớ của Chúa, nghĩa là cho toàn thể Giáo hội: “Bất cứ điều gì Người yêu cầu, các con hãy làm theo”.
Phục vụ Thiên Chúa nghĩa là lắng nghe và thực hành lời Người. Đó là lệnh truyền đơn giản và thiết yếu của Mẹ Chúa Giêsu, đó là chương trình sống của Kitô hữu. Tôi muốn nhấn mạnh đến một kinh nghiệm mà chắc chắn nhiều người chúng ta đã gặp trong cuộc sống. Khi chúng ta ở trong những tình cảnh khó khăn, khi các khó khăn xảy đến mà chúng ta không biết cách giải quyết, khi chúng ta cảm thấy lo lắng đau khổ, khi chúng ta thiếu niềm vui, chúng ta đến với Mẹ Maria và nói: “Con không có rượu, rượu hết rồi: Mẹ hãy nhìn xem con đang thế nào đây; hãy nhìn vào trái tim con, hãy nhìn tâm hồn con.” Hãy nói với Mẹ. Và Mẹ sẽ đến với Chúa Giêsu và nói: “Con hãy nhìn người này: không còn rượu”. Và rồi Mẹ sẽ trở lại và nói với chúng ta: “Bất cứ điều gì Người nói với các con, hãy làm theo”. Đối với mỗi người chúng ta, kín múc nước từ bình nghĩa là dựa vào Lời Chúa và các bí tích để cảm nghiệm ân sủng của Chúa trong cuộc đời chúng ta. Từ đó, cả chúng ta, như người quản tiệc đã nếm thử nước đã hóa thành rượu, chúng ta có thể thốt lên: “Còn Chúa, Chúa đã giữ phần rượu ngon lại cho đến bây giờ” (c. 10). Chúa Giêsu luôn làm chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta hãy thưa với Mẹ để Mẹ nói với Chúa Con và Người sẽ làm chúng ta ngạc nhiên.
Xin Đức Trinh nữ rất thánh Maria giúp chúng ta theo lời mời của Mẹ: “Bất cứ điều gì Người nói với các con, hãy làm theo” để chúng ta có thể hoàn toàn cởi mở với Chúa Giêsu, bằng cách nhận ra trong cuộc sống mọi ngày những dấu chỉ sự hiện diện sống động của Người.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 2 Thường Niên năm C (17/01/2016) - Chúa Giêsu, Phu Quân của chúng ta
Anh chị em thân mến,
Mở đầu bài huấn dụ ĐTC đã đề cập đến trình thuật phép lạ biến nước thành rượu ngon trong tiệc cưới làng Cana, nơi Mẹ Maria, Chúa Giêsu và các môn đệ đầu tiên được mời tham dự. Khi nghe Mẹ Maria cho biết họ hết rượu, Chúa Giêsu trả lời là giờ ngài chưa đến, nhưng rồi ngài đã làm phép lạ và ban cho cô dâu và chú rể rượu ngon nhất trong bữa tiệc. Tác giả Tin Mừng nhấn mạnh rằng đây là dấu lạ đầu tiên mà Chúa Giêsu đã thực hiện; dấu lạ này “bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11).
Như thế các phép lạ là các dấu chỉ kèm theo lời rao giảng Tin Mừng, và chúng có mục đích khơi dậy và củng cố niềm tin vào Chúa Giêsu. Trong phép lạ thực hiện tại Cana, chúng ta có thể nhận ra một cử chỉ lòng nhân hậu của Chúa Giêsu đối với đôi vợ chồng, một dấu chỉ phước lành của Thiên Chúa đối với hôn nhân. Như thế, tình yêu giữa một người nam và một người nữ là một con đường tốt giúp sống Tin Mừng, nghĩa là để tươi vui bước đi trên lộ trình của sự thánh thiện.
Nhưng phép lạ Cana không chỉ liên quan tới đôi vợ chồng. Mỗi người đều được mời gọi gặp gỡ Chúa như Phu Quân của cuộc đời mình. Đức tin kitô là một ơn chúng ta nhận được với bí tích Rửa Tội, và nó cho phép chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Đức tin trải qua các thời gian tươi vui, đau khổ, ánh sáng và bóng tối, như trong mọi kinh nghiệm của tình yêu. Trình thuật đám cưới Cana mời gọi chúng ta tái khám phá ra rằng Chúa Giêsu không tự giới thiệu như là một thẩm phán sẵn sàng lên án các tội lỗi của chúng ta, cũng không như là một vị chỉ huy bắt buộc chúng ta theo lệnh của mình một cách mù quáng. Ngài tự biểu lộ như Phu Quân của nhân loại: như là Đấng đáp trả các chờ mong và các lời hứa của niềm vui ở trong con tim của từng người trong chúng ta.
Như vậy chúng ta có thể tự hỏi: tôi có thật sự biết Chúa như thế không? Tôi có cảm thấy Ngài như là Phu Quân cuộc đời tôi không? Tôi có đang đáp trả lại trên cùng làn sóng của tình yêu hôn nhân, mà Ngài biểu lộ cho tôi và cho mỗi người mọi ngày hay không? Đây là việc ý thức rằng Chúa Giêsu tìm chúng ta và mời gọi chúng ta dành chỗ cho Ngài trong cùng thẳm con tim của chúng ta. Và trên con đường đức tin này với Ngài chúng ta không bị bỏ rơi một mình: chúng ta đã nhận được ơn Máu Chúa Kitô. Các chum nước bằng đá, mà Chúa Giêsu khiến đổ đầy nước để biến thành rượu, là dấu chỉ việc bước từ giao ước cũ sang giao ước mới. Thay vì nước dùng cho việc thanh tẩy theo lễ nghi, chúng ta đã nhận được Máu Chúa Giêsu, đã đổ ra một cách bí tích trong Thánh Thể, và một cách đổ máu của cuộc Khổ Nạn và trên Thập Gía. Các Bí Tích tuôn trào từ Mầu Nhiệm Phục Sinh đổ vào trong chúng ta sức mạnh siêu nhiên, và cho phép chúng ta nếm hưởng lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.
Xin Đức Trinh Nữ, mẫu gương của việc suy gẫm các lời nói và các việc làm của Chúa, giúp chúng ta tái khám phá ra với đức tin vẻ đẹp và sự phong phú của Thánh Thể và các Bí Tích khác làm cho tình yêu của Thiên Chúa hiện diện cho chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ luôn luôn ngày càng say mê Chúa Giêsu hơn, Phu Quân của chúng ta, và đi gặp Ngài với đèn sáng của đức tin tươi vui, và như vậy trở thành các chứng nhân của Ngài trong thế giới.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 2 Thường Niên năm C (20/01/2013) - Rượu ám chỉ máu mà Chúa Giêsu sẽ đổ ra
Anh chị em thân mến,
Hôm nay phụng vụ trình bày Tin Mừng về tiệc cưới Cana, một sự kiện được thánh Gioan là chứng nhân tận mắt kể lại. Sự kiện này được đặt trong Chúa nhật hôm nay, ngay sau mùa Giáng Sinh, vì cùng với cuộc viếng thăm của các Đạo Sĩ đông phương, và biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, họp thành 3 biến cố hiển linh, nghĩa là sự tỏ mình ra của Chúa Kitô. Thực vậy, biến cố tiệc cưới Cana là “khởi đầu các dấu lạ” (Ga 2,11), nghĩa là phép lạ đầu tiên do Chúa Giêsu thực hiện, qua đó Ngài biểu lộ công khai vinh quang của Ngài, khơi dậy niềm tin của các môn đệ. Chúng ta hãy gợi lại vắn tắt những gì xảy ra trong tiệc cưới ở Cana. Xảy ra là họ thiếu rượu và Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, nói với Con của Mẹ về điều đó. Chúa trả lời là giờ của Ngài chưa tới; nhưng rồi Ngài vẫn theo lời yêu cầu của Mẹ Maria và sau khi 6 chum nước lớn được đổ đầy, Chúa biến nước thành rượu, rượu ngon tuyệt hảo, ngon hơn rượu trước đó. Với “dấu lạ” này, Chúa Giêsu tỏ mình ra như vị Hôn Phu cứu thế, đến để thiết lập với dân Ngài giao ước mới và vĩnh cửu, theo lời các ngôn sứ: “Như hôn phu vui mừng vì hôn thê, Thiên Chúa của ngươi cũng vui mừng vì ngươi” (Is 62,5). Và rượu là biểu tượng niềm vui ấy của tình yêu; nhưng rượu cũng ám chỉ máu mà Chúa Giêsu sẽ đổ ra vào thời sau cùng, để ký kết hôn ước của ngài với nhân loại.
Giáo Hội là hiền thê của Chúa Kitô, Đấng làm cho Giáo Hội trở nên thánh thiện và tươi đẹp nhờ ân sủng của Ngài. Nhưng hôn thê này gồm những con người họp thành, luôn cần được thanh tẩy. Và một trong những tội nặng nhất làm biến dạng khuôn mặt của Giáo Hội là tội chống lại sự hiệp nhất hữu hình của Hội Thánh, đặc biệt là những chia rẽ lịch sử đã chia cách các tín hữu Kitô và cho đến nay vẫn chưa khắc phục được. Chính trong những ngày này, từ 18 đến 25-1, đang diễn ra Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, một thời điểm ngày càng được các tín hữu Kitô và các cộng đoàn đón nhận, khơi dậy nơi mọi người ước muốn và sự dấn thân tinh thần để đạt tới sự hiệp thông trọn vẹn. Theo nghĩa đó, buổi canh thức cầu nguyện mà tôi đã có thể cử hành cách đây khoảng 1 tháng, tại Quảng trường thánh Phêrô này, với hàng ngàn bạn trẻ từ các nơi ở Âu Châu tựu về, và cùng với cộng đoàn đại kết Taizé: đó là một thời điểm hồng phúc trong đó chúng ta đã cảm nghiệm vẻ đẹp được liên kết với nhau thành cộng đoàn duy nhất trong Chúa Kitô. Tôi khuyến khích tất cả mọi người hãy cùng nhau cầu nguyện để chúng ta có thể thực hiện “Điều mà Chúa đòi hỏi chúng ta” (Mi 6,6-8), như chủ đề Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất năm nay; một đề tài được một số cộng đồng Kitô tại Ấn độ đề nghị, mời gọi hãy quyết liệt tiến bước về sự hiệp nhất hữu hình giữa tất cả các tín hữu Kitô và, như những anh chị em trong Chúa Kitô, khắc phục mọi thứ kỳ thị bất công. Thứ sáu tới đây (25-1-2013), vào cuối những ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất này, tôi sẽ chủ sự Kinh Chiều tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, trước sự hiện diện của các đại diện các Giáo Hội khác và các Cộng đoàn Giáo Hội.
Các bạn thân mến, ngoài ý nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, một lần nữa tôi muốn thêm ý nguyện cho hòa bình, để trong các cuộc xung đột, rất tiếc là vẫn còn đang diễn ra, các cuộc thảm sát thường dân vô tội được đình chỉ, mọi bạo lực được chấm dứt, và tìm được can đảm đối thoại và thương thuyết. Chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria chí thánh, Đấng trung gian ân phúc, cho cả hai ý nguyện đó.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com