Việc Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đến Malta đã nhấn mạnh vai trò của thánh George Preca, vị thánh đặt trọng tâm rao giảng và truyền bá Tin Mừng, cho phép tín hữu sống trọn vẹn hơn với tinh thần của Thánh Kinh.
Chuyến tông du kéo dài hai ngày của Ðức Thánh Cha đến Malta đã làm nổi bật lịch sử phức tạp và những mối quan tâm đương đại quan trọng của đảo quốc nhỏ bé theo đạo Công giáo ở phía nam Sicily (Ý). Công dân Malta duy nhất từng được tuyên thánh là thánh George Preca, linh mục của Tổng Giáo phận Malta vào nửa đầu thế kỷ 20. Cha Preca được tuyên chân phước năm 2001 dưới thời Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Năm 2007, ngài được Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tuyên thánh.
Thánh nhân dành cả đời để mở rộng việc giảng dạy giáo lý |
Thời thơ ấu và dòng tu mới
Cha Preca sinh năm 1880 ở thủ đô Valetta, và lớn lên tại thị trấn ở vùng ngoại ở thành phố. Sau khi hoàn tất bậc tiểu học và trung học cơ sở, cha được nhận vào Chủng viện ở Malta. Bất chấp các bệnh nghiêm trọng về phổi, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng, cha vẫn được truyền chức linh mục năm 1906.
Các Kitô hữu Malta thời đó đa số không có học thức. Phần đông không đọc hoặc hiểu nhiều về Thánh Kinh mà thay vào đó thường thực hành những điều mà một số linh mục xem là gần như mê tín. Khi còn là chủng sinh, cha Preca dần dần tìm ra hướng đi cho đời sống mục vụ sau này: đó là đào tạo các nam giáo dân, sau này là các nữ giáo dân, thành giáo lý viên. Mục tiêu của vị linh mục là làm sao để cả trẻ em và người trưởng thành được hiểu rõ về đức tin Công giáo và Kinh Thánh.
Khi ấy, việc đào tạo giáo dân để dạy cho những người khác về đức tin được xem là ý tưởng thật sự mang tính cách mạng. Cho đến tận lúc đó, chỉ có các chủng sinh, tu sĩ hoặc linh mục giảng dạy giáo lý. Trước khi được truyền chức, bản thân cha Preca rất tích cực trong việc thảo luận các đề tài tôn giáo với những người lao động bình thường, và kế đến là dạy giáo lý cho các bé trai ở thị trấn gần đó.
Nhóm trẻ em này khi lớn lên đã trở thành cốt lõi của tổ chức xã hội tôn giáo dành cho giáo dân, được cha Preca thành lập với tên gọi Hiệp hội Giáo lý Kitô. Từ đây, cha đã đào tạo các giáo lý viên giáo dân. Theo thời gian, Hiệp hội thiết lập các trung tâm dạy giáo lý cho trẻ em và người lớn gần như tại mọi giáo xứ ở Malta. Các trung tâm đó vẫn còn hoạt động đến ngày nay và tại những quốc gia khác, đặc biệt là Úc.
Rào cản đối với sự truyền giáo
Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 20, những ý tưởng của cha Preca không lập tức nhận được sự đồng ý của các vị bề trên. Trong vòng vài năm kể từ khi thành lập Hiệp hội Giáo lý Kitô, Ðức Tổng Giám mục Malta yêu cầu đóng cửa các trung tâm giáo lý của cha Preca. Dù trải qua cuộc điều tra sâu rộng và kế đến được phép mở cửa lại những năm sau đó, Hiệp hội Giáo lý Kitô phải chờ đến năm 1932 mới được Vatican chính thức phê chuẩn hoạt động. Trong giai đoạn đó và cũng như suốt thời gian còn lại của cuộc đời, cha Preca khuyến khích các thành viên duy trì sự khiêm cung, cởi mở và lòng tử tế dù phải đối mặt với những khó khăn và chỉ trích.
Tháng 7.1962, vị linh mục qua đời. Ðến tháng 10 cùng năm, Công đồng Vaticanô II khởi động tại Rome, với lời kêu gọi của Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII hãy đổi mới Giáo hội Công giáo. Trong số những cải cách được Công đồng nhấn mạnh là tầm quan trọng của Kinh Thánh trong việc đóng vai trò nền tảng của đời sống Kitô hữu, và khuyến khích mọi tín hữu học hỏi về Thánh Kinh. Trên tinh thần đó, cha Preca được xem là người tiên phong trong việc đào tạo giáo dân trở thành các giáo lý viên cho cả trẻ em và người lớn, tập trung vào nỗ lực truyền dạy Lời Chúa bằng cách khuyến khích các tín hữu sống theo thước đo và giá trị của Kinh Thánh. Trên thực tế, tại buổi tuyên Chân phước cha Preca năm 2001, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi ngài là “người cha thứ hai về đức tin” của Malta.
Ngài được tuyên thánh năm 2007 |
Ðến năm 2010, Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đề xuất khởi động chương trình truyền giáo cho mọi tín hữu trong thế kỷ 21. Chương trình này đặt trọng tâm vào nỗ lực truyền giáo và rao giảng trong thế giới hiện đại, rất giống ý tưởng của thánh Preca hồi đầu thế kỷ 20. Cả Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đều mở rộng ý tưởng đó cho việc loan báo Tin Mừng để bao gồm những mối quan tâm đối với phúc lợi của người tị nạn và dân nhập cư.
Vì thế, chuyến tông du Malta của Ðức Phanxicô một lần nữa khôi phục sự chú ý về nỗ lực của thánh George Preca. Việc ngài tập trung truyền giảng ý nghĩa sâu sắc hơn về những lời dạy của Chúa Giêsu có lẽ sẽ mang đến một số hướng dẫn cần thiết cho Malta và những nước khác khi phải đối mặt với những vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay. Ðặc biệt, mối quan tâm lớn vào thời điểm này là làn sóng dân tị nạn gia tăng từ châu Phi và Trung Ðông, cũng như cách thức xã hội Malta tiếp nhận họ.
GIANG VÔ YÊN
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com