“Ai trong các ông sạch tội thì cứ lấy đá mà ném người phụ nữ này trước đi” (Ga 8,7), Chúa Giêsu nói như thế với những người đang đòi ném đá người phụ nữ bị bắt gặp quả tang phạm tội ngoại tình. Lời của Chúa Giêsu là lời mời gọi mỗi người nhìn vào phía bên trong tâm hồn của mình. Và khi người ta nhìn sâu vào trong tâm hồn, vào trong cuộc đời của mình thì người ta bỗng khám phá ra mình chẳng đạo đức hơn ai, mình cũng đầy tội lỗi. Chính vì thế họ không dám ném đá người phụ nữ ngoại tình nữa. Người này rồi người kia từ từ rút lui, những người lớn tuổi rút lui trước (x. Ga 8,9).
Mỗi khi đọc và suy niệm câu chuyện Tin Mừng quen thuộc này, chúng ta thường tập trung vào tư tưởng đó là “một cái nhìn vào phía bên trong, vào chiều sâu tâm hồn, vào cuộc đời mỗi chúng ta”. Dĩ nhiên tư tưởng đó rất tốt. Nhưng khi đặt câu chuyện này đối chiếu với Lời Chúa trong Bài đọc thứ nhất (Is 43,16-21), tôi khám phá được một chiều kích khác, một ý nghĩa khác hết sức phong phú. Ðó là dung mạo của Thiên Chúa là Ðấng không chấp nhận khóa chặt con người vào trong quá khứ tội lỗi của họ. Nhưng Thiên Chúa là Ðấng luôn mở ra một cánh cửa cho con người đi về phía đàng trước, đi về phía tương lai. Thiên Chúa của Kitô giáo là như thế.
Quay lại với lời Thiên Chúa nói qua tiên tri Isaia trong bài đọc 1. Hãy đặt mình trong bối cảnh bấy giờ, khi dân Do Thái bị lưu đày ở Babylon. Họ mất quê hương, mất tự do, mất hy vọng..., sống trong tuyệt vọng. Và chính lúc đó, Thiên Chúa nói với họ thế này: “Ðây là Lời của Ðức Chúa, Ðấng đã vạch một con đường giữa đại dương, một lối đi giữa sóng nước oai hùng. Ðấng đã cho xuất trận nào chiến xa, chiến mã, nào tướng lãnh binh hùng đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn”. Ðây là câu mà Chúa nhắc cho người ta nhớ biến cố kinh thiên động địa mà Chúa đã thực hiện trong cuộc xuất hành thời Môsê, để đưa dân Do Thái từ miền đất nô lệ bên Ai Cập, bắt đầu một hành trình đi về miền đất tự đo. Thiên Chúa là Ðấng luôn mở cho con người cánh cửa đi về phía tương lai. Chúa nói tiếp với dân Do Thái: “Người phán như sau, các người đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm những chuyện thuở trước”. Ðiều đó có nghĩa là biến cố xuất hành là chuyện ngày xưa, nhưng không chỉ là chuyện ngày xưa mà bây giờ Thiên Chúa sắp sửa làm công việc mới là mở một con đường để đưa dân lưu đày trở về quê hương. Thiên Chúa là như vậy! Ngài không chấp nhận để con người bị khóa chặt trong quá khứ của tình trạng nô lệ đau khổ, nhưng Ngài luôn mở cho con người một cánh cửa đi về tương lai hạnh phúc.
Khi ta hiểu bài đọc thứ nhất như vậy và đọc lại câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình, ta sẽ khám phá một ý nghĩa mới. Người ta đang đòi ném đá người phụ nữ, nghĩa là người ta muốn khóa chặt, muốn chôn chặt cuộc đời của chị trong tội lỗi. Chúa Giêsu không chấp nhận như vậy. Ngài tìm cách bênh vực chị để không ai dám ném đá chị nữa: “Ta không kết án chị. Chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Ngài đã không chấp nhận khóa chặt cuộc đời của người phụ nữ này trong quá khứ, dù đó là quá khứ tội lỗi, nhưng Chúa mở cho chị một cánh cửa: “Ðừng phạm tội nữa...”. Tôi tin chắc rằng người phụ nữ này sau khi nghe Chúa Giêsu nói lời tha thứ, chị sẽ sống một cuộc sống mới.
Như thế, các bài Thánh Kinh hôm nay trình bày cho ta dung mạo Thiên Chúa là Ðấng luôn mở cánh cửa cho con người đi về phía tương lai. Nếu chúng ta thực sự tin vào một Thiên Chúa như thế, thì không bao giờ chúng ta được phép khóa chặt cuộc đời của mình trong sự thất vọng, trong mặc cảm tội lỗi... Chúa không muốn chúng ta như vậy. Thánh Phaolô trong Bài đọc 2 cũng chia sẻ một kinh nghiệm rất là cụ thể, ngài nói: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3,13). Chặng đường đã qua của Phaolô là chặng đường tội lỗi, chặng đường đi bắt bớ Chúa Kitô và bắt bớ những ai tin vào ông Giêsu Kitô. Một khi đã trở lại cùng Chúa, thánh Phaolô lao mình về phía trước: “Tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Ðức Kitô Giêsu chiếm đoạt” (3,12). Cũng thế, nếu chúng ta thực sự tin vào Thiên Chúa là Ðấng luôn mở cho con người một cánh cửa tiến về tương lai, thì hãy bắt chước thánh Phaolô, không tự giam mình trong mặc cảm tội lỗi, nhưng lao về phía trước của sự thánh thiện.
Ý thức về tội lỗi là điều tốt, nhưng mặc cảm về tội lỗi thì không tốt. Có những khi Chúa tha cho ta khi đi xưng tội, nhưng chính ta lại không tha cho mình, cứ để mình bị dày vò, dằn vặt, đau khổ trong mặc cảm tội lỗi... Tin vào một Thiên Chúa của tương lai, Thiên Chúa mở cho con người một cánh cửa, niềm tin đó không cho phép chúng ta khóa cuộc đời mình trong quá khứ tội lỗi.
Tin vào một Thiên Chúa của tương lai cũng không cho phép chúng ta khóa cuộc đời anh chị em mình trong quá khứ, dù đó là quá khứ tội lỗi. Thiên Chúa đã mở cho ta một cánh cửa đi về tương lai bằng ơn tha thứ, thì ta cũng phải chia sẻ ơn tha thứ đó cho người khác. Nelson Mandela, vị Tổng thống nổi tiếng của Nam Phi, là một người suốt đời đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi. Vì đấu tranh như vậy, ông bị tù tội 27 năm. Sau này ông kể lại là khi bước chân ra khỏi cánh cổng nhà tù, ông đã tự nhủ điều này: “Nếu tôi vẫn còn tiếp tục giữ sự hận thù trong tâm hồn, thì tôi vẫn cứ bị giam giữ trong nhà tù. Chỉ khi nào tôi tha thứ cho người khác, tôi mới thực sự được giải thoát”. Ðiều mà Nelson Mandela chia sẻ thật gần gũi với Tin Mừng Chúa Giêsu, Ðấng đã tha thứ cho chính những kẻ giết hại Người. Và khi ta noi gương Chúa để tha thứ là chính chúng ta được giải thoát, gặp được niềm vui, sự bình an và hạnh phúc.
Mùa Chay được gọi là mùa sám hối. Sám hối không chỉ là nhìn về quá khứ nhưng còn là nhìn tới tương lai. Ước gì niềm tin đó ăn sâu vào trong đời sống của ta để ta không bao giờ sống trong thất vọng, nhưng luôn sống trong bình an và vui mừng. Ðồng thời niềm tin đó cũng hướng dẫn cách ứng xử hằng ngày của ta đối với nhau từ trong đời sống gia đình cho đến quan hệ xã hội, để xây dựng Nước Trời là Nước bình an, Nước vui mừng và hạnh phúc.
Ðức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm - GP Mỹ Tho
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com