Lọt thỏm giữa thị trấn Cát Bà - Hải Phòng, ngôi nhà nguyện nhỏ cùng tên là nơi sinh hoạt đức tin của hơn 30 gia đình Công giáo trên đảo. Các giáo hữu ở đây sống bằng đủ nghề, từ du lịch, đánh bắt xa bờ, đến... làm thuê. Dù cuộc mưu sinh của mỗi người có những bộn bề theo cách khác nhau, song với họ, chuyện đạo nghĩa vẫn luôn được đặt lên hàng đầu.
Giáo họ Cát Bà thuộc giáo xứ An Hải, được chính thức thành lập ngày 14.2.2013. Ông Ðoàn Ngọc Tuyên, một giáo hữu nhiệt thành nói với chúng tôi về cột mốc đáng nhớ đó: “Hôm ấy trùng ngày lễ Tình yêu, Ðức Tổng Giuse Vũ Văn Thiên bây giờ, lúc đó còn là Ðức cha chánh của Hải Phòng, ra tận đây dâng lễ. Ðó là tình yêu lớn với các anh em chúng tôi. Không chỉ riêng ngày 14.2, chúng tôi xem mọi ngày trong năm đều là ngày tình yêu để sống Tin Mừng…”.
10 giờ sáng, chúng tôi ghé nhà nguyện. Dù đã hẹn trước song sơ phụ trách do bận việc đột xuất của nhà dòng nên đã đi ngược vào đất liền. Tuy thế, khách vẫn được tiếp đãi nồng hậu. Khá bất ngờ khi thấy ngày thường mà các anh em giáo hữu tề tựu đông như vậy. Căn nhà đơn sơ nằm trên trục lộ chính, phía trên gắn Thánh giá nhỏ là dấu hiệu duy nhất nhận ra giữa san sát các hộ gia đình, nếu không để ý sẽ dễ nhầm lẫn. Mấy anh em đang loay hoay sửa lại hệ thống điện. Trong một phòng nhỏ, tạm gọi là phòng khách hay phòng làm việc đều được cả, ông Phạm Ngô Quyền, thư ký giáo họ nói với chúng tôi về nỗi thao thức: “Cố gắng lắm tụi này mới có được ngôi nhà khang trang như vậy. Ở đây, được vậy là quý lắm rồi. Hồi trước, khi mọi thứ chưa chính thức, việc đọc kinh, học giáo lý của con cái cũng chật vật lắm”. Mà thật, ngôi nhà nguyện chia thành hai dãy, phía dưới cùng là nơi dâng lễ, sức chứa khoảng 100 người, tầng trên là dành để học giáo lý. Có một vài phòng dùng để làm bếp và sinh hoạt chung.
Ông Quyền, rồi mấy người đàn ông nữa kể về thời gian chục năm trước vừa phải vất vả mưu sinh trên đảo vừa tìm cách ú ới nhau giữ lễ, nguyện kinh. Tuy đều là các tín hữu đạo gốc, vậy mà chuyện bỏ lễ đôi khi vẫn không tránh được bởi điều kiện sinh hoạt và công việc. Suốt câu chuyện dài, có người tâm sự: “Mang tiếng theo đạo từ nhỏ nhưng hồi ấy có khi quên kinh nữa là…”. Rất thương !
Nhà nguyện giáo họ Cát Bà, nơi sinh hoạt của 30 gia đình Công giáo trên đảo - ảnh: Hùng Luân |
Con cái họ khó khăn lắm mới được học giáo lý do không có chỗ học, chỉ là cha mẹ hướng dẫn. “Chúng tôi sống ngoài này, biết được cũng có nhiều anh em theo đạo như mình. Có người gốc Bùi Chu, có người gốc Hải Phòng, Phát Diệm…, vì thế tìm cách giữ liên lạc và xin cha ra dâng lễ. Rồi từ từ, quy tụ, đóng góp để sinh hoạt như bây giờ”, ông Ðoàn Ngọc Tuấn tâm sự. “Thời gian đầu khổ lắm. Phần vì chính chúng tôi phải tự xoay sở, phần khác do ở địa phương, hàng xóm xung quanh chưa hiểu sinh hoạt chung nên đôi khi có e dè. Dần về sau, khi mọi người nhận ra nếp sống tốt đẹp của tôn giáo mình thì qua lại dễ dàng hơn”, ông Tuấn kể tiếp.
Hiện tại, giáo họ do cha G.B Vũ Văn Kiện coi sóc, cùng với sự cộng tác của sơ Maria Ðoàn Thị Ngăn, tu hội Tận hiến. Các thánh lễ diễn ra thường xuyên. Việc học giáo lý cũng được tổ chức tươm tất. Có nhà nguyện, giáo dân không bỏ lễ. Nhiều người sống nghề biển bôn ba năm này qua tháng khác, mấy chục năm ròng chẳng đến nhà thờ, khi nghe tin thành lập giáo họ, đã chủ động tiếp cận, quay về. Các anh em nơi đây sống tương thân, tương ái, không chỉ thế mà còn cùng nhau làm việc bác ái, chia sẻ với người nghèo trên đảo mỗi khi có dịp thuận tiện.
Chăm lo việc chung - ảnh: Hùng Luân |
Trò chuyện hồi lâu, ông Tuyên dẫn chúng tôi về quán của gia đình mình, thưởng thức đặc sản Cát Bà. Cả nhóm cùng đi. Buổi trưa thật ấm cúng. Một chút rượu giữa biển, các ông lại hồi tưởng về hành trình đức tin của mình, nhìn ngược về quá khứ, rồi nhìn tới tương lai. Trong nỗi xúc động, ông Tuyên xác quyết: “Chúng tôi giờ đây có cảm nhận chung là đang sống trong niềm vui. Từ nhỏ, thế hệ này đã phải gian khổ, có lúc quên bẵng Chúa đi, mải miết tìm kế sinh nhai, vậy mà Chúa vẫn thương dõi theo. Qua bao nhiêu khổ ải, được như hiện tại, tuy cuộc sống còn đó nhiều nỗi lo nhưng mình tin có Chúa đồng hành. Vì vậy mà các anh em luôn luôn nhắc nhở nhau kinh nguyện sốt sắng, rồi đem tinh thần yêu thương đó san sẻ với người xung quanh. Nhiều giáo dân lần đầu ra đảo ngạc nhiên tại sao chỗ này có nhà nguyện tươm tất như vậy? Ðó là nơi để họ có thể đọc kinh, không bỏ lễ ngày Chúa nhật khi đang du lịch ngoài này. Ðấy cũng là niềm vui của chúng tôi…”.
Nơi lưu giữ hình ảnh kỷ niệm - ảnh: Hùng Luân |
Rời Cát Bà, điều đọng lại trong chúng tôi không chỉ là cảnh vật, hoa cỏ, bãi tắm…, mà ấn tượng hơn cả là lòng đạo của những giáo hữu nơi này. Họ, những người cả cuộc đời vất vả trên sóng nước nhưng vẫn trung trinh với lòng mến Chúa, yêu người.
HÙNG LUÂN
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com