CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG WEB TRUYỀN THÔNG GIÁO XỨ THÁNH TÂM      (website đang được phát triển - eMail: GXThanhTamHN@gmail.com) ĐHY Pizzaballa khuyến khích các tín hữu: “Tình yêu mạnh hơn sợ hãi” Trong sứ điệp Chúa Nhật Lễ Lá từ Giêrusalem, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa kêu gọi các tín hữu kiên vững trong đức tin giữa những khó khăn hiện tại, đáp lại hận thù bằng hòa bình, chia rẽ bằng hiệp nhất. Đọc tất cả   Đại hội Thánh Thể đầu tiên tại Hoa Kỳ dành cho người khiếm thính Từ ngày 4 đến ngày 6/4/2025, hơn 200 tín hữu Công giáo khiếm thính từ khắp Hoa Kỳ đã tụ họp tại Đền thánh Quốc gia Thánh Elizabeth Ann Seton ở Emmitsburg, Maryland, để cầu nguyện và tôn vinh Thánh Thể trong một Đại hội Thánh Thể của riêng họ - Đại hội Thánh Thể đầu tiên dành cho người khiếm thính ở Hoa Kỳ. Đọc tất cả   Đàng Thánh Giá của các cựu tù binh và thương binh ở Ucraina Tối ngày 11/4/2025, các cựu tù binh, thương binh và người thân của những người lính mất tích đã tham gia buổi cầu nguyện mang ý nghĩa đại kết có tên “Đàng Thánh Giá dành cho tù binh và cầu mong hòa bình trở lại cho Ucraina”. Buổi ngắm Đàng Thánh Giá đã diễn ra trước Nhà thờ chính tòa Thánh Sophia ở thủ đô của Ucraina. Đọc tất cả   Kiến trúc sư Antoni Gaudí, nhà thiết kế Đền thánh Sagrada Familia ở Barcelona, được tôn là “Đấng Đáng kính” Ngày 14/4/2025, Đức Thánh Cha đã cho phép Bộ Tuyên thánh công bố các sắc lệnh, trong đó có sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Tôi tớ Chúa kiến trúc sư người Tây Ban Nha Antonio Gaudí. Với sắc lệnh này, “kiến trúc sư của Thiên Chúa” Antonio Gaudí trở thành Đấng Đáng kính. Đây là một bước quan trọng trong tiến trình tuyên phong Chân phước và phong thánh. Đọc tất cả   Vatican tiếp tục quá trình chuyển đổi sinh thái với 14 xe điện mới Bắt đầu từ ngày 16/4/2025, Vatican sẽ có 14 xe mới sử dụng điện để cổ võ việc di chuyển bằng năng lượng sạch và giảm ô nhiễm. Hai trong số các xe, được điều chỉnh đặc biệt, sẽ được tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Đọc tất cả   3.000 sinh viên của các đại học Opus Dei tham dự Tuần Thánh tại Roma Từ ngày 13/4/2025, khoảng 3.000 sinh viên đã tụ họp tại Roma để tham dự Đại hội Univ 2025, một cuộc gặp gỡ quốc tế của sinh viên đại học mong muốn cùng Đức Thánh Cha và Roma sống “Tuần Thánh và lễ Phục sinh trong Năm Thánh này”. Đọc tất cả   Trường nội trú Thánh Giá ở Banahappa mang hy vọng cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/SIDA ở Ấn Độ Tại một quốc gia mà HIV/SIDA vẫn còn rất bị kỳ thị, một trường nội trú nhỏ ở Jharkhand đang thay đổi cuộc sống. Trường nội trú Thánh Giá tại Banahappa cung cấp giáo dục, chăm sóc sức khỏe và là nơi trú ẩn cho trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/SIDA. Được thành lập vào năm 2014 với chỉ 45 học sinh, trường hiện đang phục vụ 230 trẻ em. Điều này chứng minh rằng lòng trắc ẩn và sự kiên trì có thể phá vỡ rào cản. Đọc tất cả   Tổng Giám mục Seoul kêu gọi tín hữu hiệp nhất trong hy vọng giữa bất ổn chính trị Trong sứ điệp Phục Sinh năm 2025, Đức Tổng Giám mục Peter Chung Soon-taick của Seoul mời gọi các tín hữu giữ vững tinh thần hiệp nhất trong hy vọng đứng trước tình trạng bất ổn sâu sắc về chính trị mà Hàn Quốc đang đối mặt. Đọc tất cả   Các lãnh đạo của Hội đồng Thế giới các Giáo hội kêu gọi cử hành một ngày lễ Phục sinh chung cố định Lễ Phục Sinh năm nay là một trường hợp đặc biệt bởi vì tất cả các Giáo hội Kitô, Đông phương cũng như Tây phương, đều sẽ cử hành vào ngày 20/4/2025. Nhân sự kiện này, các lãnh đạo Hội đồng Thế giới các Giáo hội đang kêu gọi để việc cử hành cùng một ngày trở thành cố định, như một “dấu hiệu rõ ràng của sự hòa giải và là biểu hiện cụ thể của sự hiệp nhất mà Chúa Kitô đã cầu nguyện”. Đọc tất cả   Israel chỉ cấp giấy phép cho 6.000 Kitô hữu Palestine ở Bờ Tây tham dự lễ Phục Sinh tại các nơi thánh Cha Ibrahim Faltas, Đại diện Dòng Phanxicô tại Thánh Địa, chia sẻ với hãng tin SIR rằng Phục Sinh năm nay, chính quyền Israel chỉ cấp 6.000 giấy phép, chỉ cho một tuần, cho các Kitô hữu Palestine ở Bờ Tây đến tham dự các nghi lễ Tuần Thánh tại các nơi thánh ở Thánh Địa. Đọc tất cả  

Giáo Hội Việt Nam

“Noli me tangere”: Câu này có ý nghĩa gì?

11/04/2024 - 19


“NOLI ME TANGERE”: CÂU NÀY CÓ Ý NGHĨA GÌ?

WGPQN (09.04.2024) – Ai đã nói: “Noli me tangere” trong Tin Mừng? Tại sao Đức Giêsu nói với Maria Mađalêna rằng “Đừng chạm vào Thầy”? Sự từ chối này có ý nghĩa gì? Ta giải thích như thế nào? Tại sao Đức Giêsu nói “Đừng chạm vào thầy” trong khi né tránh Maria Mađalêna vào buổi sáng Phục Sinh?

Đừng bỏ qua những câu cuối trong đoạn Kinh Thánh này. Đây là sự thông sáng cuối cùng của đoạn Tin Mừng Ga 20, 1-18 với câu chuyện về Maria Mađalêna tại ngôi mộ vào buổi sáng Phục Sinh. Bây giờ, ta đi vào một câu khó dịch mà Đức Giêsu đã nói khi né tránh bàn tay Maria Mađalêna.

“Noli me tangere”: Câu dịch tiếng Latin cổ

Đơn giản, sự sáng tỏ tập trung vào chỉ một câu ngắn: Ga 20, 17. Đây là những gì chúng ta đang nói đến:

Đức Giêsu nói với [Maria Mađalêna]: Hãy thôi chạm vào thầy (cesse de me toucher)[1] vì thầy chưa lên cùng Cha thầy. Nhưng hãy đi đến với các anh em thầy và nói với họ: “Thầy lên cùng Cha thầy và là Cha của anh em, Thiên Chúa của thầy và là Chúa của anh em” (Ga 20, 17).

Từ môi miệng Đức Giêsu Phục Sinh, cụm từ ở đây được dịch là “Hãy thôi chạm vào thầy” (cesse de me toucher), thực sự khá phức tạp khi dịch. Tuy nhiên, nếu cách diễn đạt đã khó dịch thì nó lại càng khó chú giải hơn nữa. Tóm lại, có điều gì đó cần phải đào sâu thêm nữa!

Bản dịch tiếng Latinh, thậm chí có trước cả bản Phổ Thông (Vulgate) nổi tiếng của Thánh Giêrônimô được thực hiện vào cuối thế kỷ thứ IV, đã dịch từ nguyên bản tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh theo nghĩa đen và tạo ra thành ngữ: “Noli me tangere”, đơn giản có nghĩa là: “Đừng chạm vào thầy” (Ne me touche pas).

Được phổ biến rộng rãi giữa thời Trung cổ và Phục hưng (vì tiếng Latinh đã trở thành ngôn ngữ chính thức của Giáo hội và phiên bản tiếng Latinh của Kinh thánh trở thành tài liệu tham khảo), do đó câu dịch "Noli me tangere" này đã đặt tên cho rất nhiều bức tranh minh họa lúc Đức Giêsu xuất hiện dưới dáng vẻ một người làm vườn, đã né tránh và từ chối bàn tay của Maria Mađalêna, người đang cố chạm vào Ngài.

Dịch câu này như thế nào? Nó có nghĩa gì?

Bản dịch mà chúng tôi đang đề xuất, là kết quả của chương trình nghiên cứu Kinh thánh và các Truyền thống của Trường Kinh thánh và Khảo cổ học Pháp ở Giêrusalem (l’École Biblique et Archéologique française de Jérusalem, gọi tắt là EBAF), dựa trên văn bản tiếng Hy Lạp (chứ không phải trên bản Vulgate của thánh Giêrônimô). Câu này dịch là: “Hãy thôi chạm vào thầy" (Cesse de me toucher).

Tại sao dịch câu nói nổi tiếng này như thế? Và thậm chí còn điều cơ bản hơn (vì bản dịch bao hàm một cách giải thích nào đó): Cách diễn đạt này từ môi miệng Đức Kitô có nghĩa là gì?

Trước hết, chúng ta hãy bước sang một bên. Sự đa dạng của các bản dịch cho chúng ta biết rằng có điều gì đó thật quan trọng cần phải đặt câu hỏi. Đây là điểm xuất phát của chúng ta. Nhiều cách giải thích đã được đưa ra. Chúng ta hãy bắt đầu ngay bằng cách nhớ rằng không có bản dịch nào lấn át những bản dịch khác đến mức coi như “điều bí ẩn đã được giải quyết”. Trên thực tế, độ khó khăn vẫn còn y nguyên.

Một gợi ý dịch khác: “Đừng chạm vào thầy nữa” (Ne me touche plus)

Bây giờ chúng ta hãy đi sâu vào bản văn tiếng Hy Lạp: Μή μου ἅπτου (mè mou haptou). Trên thực tế, động từ tiếng Hy Lạp haptesthai (chạm, toucher) không thể đồng nghĩa với kratein (giữ lại, retenir). Do đó, chúng ta phải giữ nguyên ý nghĩa của từ “chạm” (toucher) như phần lớn bản dịch Kinh thánh.

Trong một bài chú giải xuất sắc về câu này, học giả và dịch giả Kinh thánh dòng Đa Minh Pierre Benoit (1906-1987), đồng thời cũng là cha Giám đốc EBAF từ năm 1964 đến năm 1972, đã dịch “Đừng chạm vào thầy nữa” (ne me touche plus) thay cho câu truyền thống “Đừng chạm vào thầy” (Ne me touche pas).

Tại sao có sự thay đổi này? Cha đã giải thích với một chi tiết ngữ pháp:[2]

1) Trong tiếng Hy Lạp, câu mệnh lệnh hiện tại của động từ thường biểu thị một hành động đã bắt đầu.

2) Do đó, sự phủ định này thể hiện rằng hành động của Maria Mađalêna không được tiếp tục nữa, đó là điều mà cụm từ "ne / plus" trong tiếng Pháp muốn nói, chẳng giống như "ne / pas" không bao hàm mối liên hệ với thời gian.

Cuối cùng, khó khăn của bản dịch trên hết phải được thừa nhận chứ không thể lẩn tránh. Để loại bỏ những từ ngữ nghịch lý và bí ẩn này, như Pierre Benoît đã nói: “Người ta đã tưởng tượng ra đủ loại thủ thuật để loại bỏ sự khó khăn. Bản dịch “Đừng giữ thầy lại như thế” (ne me retiens pas ainsi) của cuốn Kinh thánh Giêrusalem cũ (Bible de Jérusalem), là một trong những thủ thuật này. Nghịch lý mà chúng ta muốn xóa đi theo cách này cũng tương ứng với một bí ẩn sâu xa”.

Đức Giêsu cho thấy Ngài không thuộc về Maria Mađalêna

Chúng ta hãy đưa ra một giả thuyết nữa: Đức Giêsu từ chối Maria Mađalêna nhằm nói cho bà hiểu rằng Ngài không thuộc về bà. Theo nghĩa này, câu nói của Đức Kitô có nghĩa là: Ngay cả khi chúng ta rất thân thiết và bản thân bạn biết rõ tôi, tôi không phải là của bạn, bạn không sở hữu tôi. Bởi vì “Chúa Giêsu dành cho mọi người”, và chính xác hơn, Ngài dành cho mỗi người, một cách cá nhân chứ không bao giờ dành riêng cho ai.
Chúa Giêsu từ chối một người nào đó độc chiếm các ân sủng của mình. Ngài không hiện ra với Maria Mađalêna chỉ cho riêng bà mà thôi nhưng còn trao cho bà sứ mệnh loan báo sự Phục Sinh. Vì vậy, Đức Giêsu kết thúc bằng một mệnh lệnh rất rõ ràng: Hãy đi làm chứng: “Bà Maria Mađalêna đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20, 18).

Từ Maria Mađalêna đến Tôma: Cùng một vấn đề về đức tin

Câu “noli me tangere” nên được so sánh với một đoạn khác – chứ không phải bất kỳ đoạn nào, vì đây chính xác là phần tiếp theo của cùng chương 20 này trong Tin Mừng Thánh Gioan – đoạn được gọi là “sự cứng lòng của Thánh Tôma”.

Trong cả hai trường hợp, cảnh tượng diễn ra ngay sau sự Phục Sinh, khi Đức Giêsu tìm cách cho những người quen biết “nhận ra mình”. Trong cả hai trường hợp, vấn đề là chạm vào thân xác của Đức Giêsu phục sinh - như thể để tin chắc về “tính vật chất” của Đức Giêsu phục sinh, về “tính vật chất” của thân xác mà vài ngày trước đó đã nằm trên thập giá cách thành phố cổ Giêrusalem vài trăm mét, “tính vật chất” của cơ thể này đã trở thành xác chết, đã kinh nghiệm cái chết. Vì vậy, câu chuyện về Maria Mađalêna đã khai mạc và mở ra vấn đề về cảnh tiếp theo liên quan trực tiếp với Thánh Tôma, người vắng mặt trong lần hiện ra đầu tiên của Đức Giêsu phục sinh với các Tông đồ.

Chi tiết đặt Maria Mađalêna song song với Thánh Tôma

Maria Mađalêna quay sang Đức Giêsu và gọi Ngài là “Rabbouni” (Ga 20, 16). Đây là một tên gọi trang trọng hơn là “Rabbi”; và tên này thường được sử dụng khi thưa gởi với Thiên Chúa. Thánh Tôma thưa với Đức Giêsu phục sinh rằng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28). Cuối cùng, với Maria Mađalêna cũng như với Thánh Tôma, cảnh nhận ra Đức Giêsu được kết thúc bằng một hành vi đức tin thực sự. Và đây chắc chắn là điểm mấu chốt của bản văn, gợi ý rằng cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu phục sinh đòi hỏi chính xác… một sự gắn bó, một sự nhìn nhận, một hành vi đức tin.

Ta chỉ có thể thật sự chạm đến Đức Kitô phục sinh bởi đức tin. Hơn nữa, nó thay đổi mọi mối quan hệ cá nhân của chúng ta, như Thánh Phaolô nói trong Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô: “Cho nên từ nay chúng tôi không còn biết ai theo xác thịt nữa, và cho dẫu theo xác thịt, chúng tôi đã được biết Ðức Kitô, thì trái lại nay chúng tôi không còn biết (như thế) nữa” (2 Cr 5, 16).[3]

Lời cuối

Để kết luận về câu nói khó dịch này, học giả Kinh thánh Pierre Benoît đã tìm ra một vài chú giải về tình tiết đáng kinh ngạc này.

“Nếu Đức Giêsu nói với Maria Mađalêna: Đừng chạm vào Thầy nữa, đó không phải chỉ vì bà không nên giữ Ngài, mà là để Ngài lên cùng Chúa Cha. Đây đúng hơn là trạng thái mới mà Ngài bước vào qua sự Phục sinh không còn cho phép những mối quan hệ quen thuộc như trước khi Ngài chết.

Những người phụ nữ khác (hoặc theo một số người thì cũng chính người phụ nữ này) trước đây đã có thể chạm vào Ngài: Chẳng hạn như người phụ nữ tội lỗi trong Lc 7, 37-39 (hãy chú ý từ haptetai, trong Lc 7, 39[4]), bà Maria thành Bêtania mà đặc điểm của bà trong cộng đoàn là xức dầu chân Chúa (Ga 11,2.12,3). Từ nay trở đi, không còn vấn đề phải phục vụ Ngài một cách ân cần nữa, bởi vì thân xác của Ngài đang ở trong một trạng thái mới và chưa nhận được sự thánh hiến dứt khoát qua việc gặp gỡ với Chúa Cha. […] Trước khi được tôn vinh, Đức Giêsu không thể ban Thánh Thần (Ga 7, 39[5]). Điều này có nghĩa là sau khi được tôn vinh qua sự Phục Sinh và Trở về với Chúa Cha, Ngài sẽ sở hữu trong chính thân xác mình sự sung mãn của Thánh Thần, mà Ngài sẽ có thể ban phát qua các bí tích. […] Chắc chắn, chính những sự tiếp xúc thiêng liêng này của việc phân phát bí tích mà Gioan đang nghĩ đến khi chép rằng Đức Giêsu nói với Mađalêna rằng cô không được chạm vào ngài nữa cho đến khi ngài lên cùng Chúa Cha; chỉ sau đó bà mới có thể làm như vậy một lần nữa, khi ngài trở lại với bà, cũng như với tất cả các tín hữu, dưới hình thức thân xác đã thiêng liêng hóa để ban sự sống”.

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Nguyển ngữ từhttps://www.prixm.org

Nguồn: gpquinhon.org


[1] Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là: "Ðừng cầm Ta lại!”. Cha An Sơn Vị dịch là: “Đừng níu Thầy lại đây như thế”. Nhóm CGKPV dịch là: “Đừng giữ Thầy lại!

[2] Pierre Benoit, “L’Ascension”, Revue Biblique, n°56, 1949, tr. 183-184.

[3] Bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn. Bản dịch của nhóm CGKPV: “Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa”

[4] “Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng (haptetai) vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!”

[5] “Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh”.



Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com

× Thành công! Câu hỏi của cộng đoàn đã được gửi. Câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.