Tin Tức
Vài Lưu Ý Khi Sáng Tác Tác Phẩm Văn Chương (Phần 1)
05/07/2022 - 53
VÀI LƯU Ý KHI SÁNG TÁC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG (Phần 1)
Nguyễn Hùng Luân
Mọi tác phẩm văn học đều là đứa con tinh thần của người viết nhằm phản ánh một hay hàng loạt vấn đề được ưu tư, trăn trở từ hiện thực đời sống. Vì sao chúng ta viết? Những người cầm bút ý thức sứ mạng của văn chương là xây dựng cuộc đời, thúc đẩy tiến trình phát triển xã hội để con người biết đối xử chan hòa, yêu thương, sống nhân văn hơn. Nhà văn, với tác phẩm của mình đương nhiên không đủ sức thay đổi ý thức hệ, thay đổi cả thế giới, song, có thể tác động ít hoặc nhiều đến một bộ phận, một giai tầng nhất định. Muốn chạm đến trái tim bạn đọc, người viết phải nói ra được những lời gan ruột của mình. Điều đó đồng nghĩa, phải hết sức nhiệt tâm với ngòi bút và nghiêm túc sáng tạo nghệ thuật. Sự thành công của tác phẩm văn học biểu lộ chiều sâu trong nhận thức và tư tưởng của nhà văn đối với hiện thế. Vì vậy, muốn viết hay, trước hết người viết phải là người quan sát giỏi, có cái nhìn đa chiều, thấu đáo, sở hữu một trái tim nhạy cảm, những giác quan tinh tế và dám lên tiếng chống lại cái ác, sự bất công, bênh vực lẽ phải. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, việc có một tác phẩm đặc sắc, nổi bật không hề dễ. Mọi giai đoạn trong quá trình sáng tác văn học đều cần chỉn chu đòi hỏi sự tập trung cao độ, miệt mài. Văn học là nghệ thuật. Cho nên sáng tác văn học là công trình sáng tạo nghệ thuật. Mà nghệ thuật viết văn đòi hỏi phải liên tục trau dồi, rèn luyện, phấn đấu để có thể chinh phục những tầm cao mới.
Trong phạm vi bài này, người viết trình bày một số lưu ý khi sáng tác văn học ở hai loại thể chính là văn xuôi và văn vần.
1.Truyện, văn xuôi.
1.1 Đề tài và chủ đề
Tác phẩm văn chương phải xoay quanh một hoặc một vài đề tài cụ thể trong cuộc sống. Trước khi chấp bút, người viết cần tự hỏi, tôi viết về ai? Về đối tượng nào? Về hiện thực nào? Đề tài là phạm vi đời sống được biểu đạt, một đối tượng cụ thể hoặc nhiều đối tượng cùng chung trong tác phẩm. Chẳng hạn: đề tài nạn đói năm 1945 trong tác phẩm của Nam Cao, Kim Lân; đề tài cái nghèo, đề tài người nông dân, đề tài người phụ nữ có chồng đi chinh chiến… Khi xác định được đề tài, điều nên làm là trả lời các câu hỏi: tôi viết để phán ánh điều gì? Tôi sẽ giải quyết vấn đề ra sao? Thông điệp nào được gởi gắm? Sẽ viết như thế nào? Thực hiện được các bước cơ bản này, người viết đang vạch ra một hướng đi đúng đắn cho quá trình sáng tác. Tác phẩm có nội dung, đề tài và ý tưởng rõ ràng. Dẫu chỉ là mơ hồ, việc phác thảo và xác định đề tài, nội dung câu chuyện, mục đích sáng tác sẽ giúp tác giả có cái nhìn khái quát, xuyên suốt theo quá trình dài kể câu chuyện.
1.2 Nhân vật văn học
Tác phẩm truyện được viết theo hình thức kể, tự sự. Đã là truyện, phải có nhân vật. Trong tác phẩm, không phải chỉ có một nhân vật mà hệ thống nhân vật có mối quan hệ chằng chịt với nhau: quan hệ xã hội của các nhân vật; quan hệ nhân - quả trong câu chuyện… Mỗi nhân vật, thông thường được nhà văn phú cho tên tuổi, hình hài, vóc dáng, tính cách, sở thích, đặc điểm, thân phận, hoàn cảnh sống... Dẫu vậy, không nhất thiết các nhân vật phải được phác thảo với toàn bộ hình ảnh, tiểu sử, nhân thân mà có khi chỉ được giới thiệu đôi nét. Nghị Quế trong Tắt đèn - Ngô Tất Tố xuất hiện không nhiều lần, chỉ với mấy lời thoại lúc xem chó, mua cái Tí và được giới thiệu sơ về gia cảnh. Còn lại, không ảnh hưởng xuyên suốt cuộc đời chị Dậu cũng như câu chuyện.
Nhân vật trong tác phẩm có thể là người, đồ vật, con vật. Có khi chỉ là cái tên giả định: “người đàn bà hàng chài” (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu); A.Q (A.Q chính truyện - Lỗ Tấn). Tuyến nhân vật có thể phân theo tuyến câu chuyện: những người cùng chí hướng; những người phản bội; những người giả tạo; những người theo một phe phái nhất định hoặc phân tuyến theo tính cách: hiền, ác, nhu nhược, nhịn nhục… Trong truyện Tấm Cám, tuyến chính diện, hiền lành gồm có: Tấm, ông Bụt, nhà vua, bà lão hàng nước… Ngược lại, tuyến phản diện là mẹ con Cám. Hai bên đấu tranh, tác động qua lại lẫn nhau.
Tuy nhiên, cần thiết phải nhắc lại điều này rằng văn học tự bản chất là nghệ thuật gắn liền với cuộc đời. Con người trong văn học tuy mang tính hư cấu, nhưng phải có tính người. Tính người thì phức tạp. Mỗi người trong chúng ta không hoàn toàn tốt, không hoàn toàn xấu. Có khi tốt ở phương diện này, với người này nhưng lại xấu với người khác, phương diện khác. Vì những ích kỷ, tị hiềm, tham lam, bất chính của bản thân… Do nhiều lý do trong tính cách lẫn nhận thức mà con người bất toàn. Nhân vật văn học càng giống tính người thì càng thành công. Chúng ta có quá trình vấp ngã, sai lầm, có sự đố kị, thù hận, có yêu thương, ganh ghét, có những dằn vặt bản thân hay giằng xé tâm hồn, sự đấu tranh trong chọn lựa giữa hai bờ thiện và ác… thì, nhân vật văn học tùy vào câu chuyện nếu càng có những biểu hiện tâm lý, tính cách giống con người càng thuyết phục. Tào Tháo trong Tam quốc diễn nghĩa được La Quán Trung xây dựng là nhân vật tuyệt gian, gian hùng, mưu mô, xảo quyệt. Khác với Tào Tháo, Lưu Bị là người tuyệt nhân, tuy so với các bậc anh hùng cùng thời có vẻ không được nổi bật về tài, nhưng ông là người giàu lòng nhân nghĩa, tận trung vì nước, bậc chính nhân quân tử, biết thu phục nhân tâm. Trương Phi trong tác phẩm nổi bật lên là kiểu người nóng nảy, thiển cận. Khổng Minh lại là người tuyệt trí, thông minh, sắc sảo, am hiểu sâu rộng. Nói về sự thành công trong tác phẩm này, không thể bỏ qua cách xây dựng nhân vật.
Sự xuất hiện của nhân vật luôn có mục đích, không bắt buộc phải hiện diện trong suốt tiến trình câu chuyện. Có những nhân vật xuất hiện để tạo thêm mâu thuẫn, hay xuất hiện để giải quyết vấn đề. Có những nhân vật chỉ lóe lên với vài ba dòng trong trí nhớ của các nhân vật khác. Chẳng hạn, Độc Cô Cầu Bại trong các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung là nhân vật không trực tiếp xuất hiện. Chỉ tồn tại trong giới giang hồ qua lời kể, giai thoại của các nhân vật. Dù vậy, nhân vật này đóng vai trò quan trọng trong giới, được xem là người có võ thuật tuyệt đỉnh, không có tri kỷ, phải sống cô độc và luôn mong mỏi có kẻ đánh bại. Khi viết về ông bà, người quá cố, người viết có thể cho nhân vật hồi tưởng, kể lại kỷ niệm...
Xét về chức năng trong tác phẩm, có những nhân vật chính, phụ, trung tâm. Nhân vật chính và trung tâm được tập trung miêu tả nhiều hơn hoặc các sự kiện trong diễn biến câu chuyện đều có sự liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới nhân vật chính. Nhân vật phụ tuy đóng vai trò thứ yếu nhưng không thể bỏ quên và khắc hoạ sơ sài. Vì lẽ, có người phụ thì người chính mới nổi bật. Và, nhân vật phụ cùng với các nhân vật, hệ thống chi tiết, sự kiện, lời miêu tả của tác giả sẽ giúp bạn đọc hình dung bối cảnh cuộc sống, làm tác phẩm có tính đời. Lục Vân Tiên trong truyện cùng tên của Nguyễn Đình Chiểu là nhân vật chính, song, nếu không có tuyến phụ như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, Hớn Minh… thì sắc màu cuộc sống trong câu chuyện thật tẻ nhạt, đơn điệu và phẩm chất ưu tú của nhân vật chính sẽ không thể hiện một cách triệt để.
Cuối cùng, nhân vật văn học không đơn thuần là một con người hay cá thể bình thường mà mang tính hình tượng, tượng trưng. Nhân vật điển hình cho một loại người, kiểu người nào trong xã hội. Hamlet trong vở kịch cùng tên của William Shakespeasre là kiểu nhân vật đấu tranh tâm lý. Là con người giàu hoài bảo và lý tưởng, song le, Hamlet được đặt vào những trạng huống khó xử mà bản thân phải nhiều lần chất vấn chính mình: “to be or not to be - tồn tại hay không tồn tại”. Có những phút hoài nghi, đau đớn, khắc khoải trong chính anh và tạo ra hình tượng chung cho các sáng tác sau này, một kiểu Hamlet luôn suy tư, lý luận, đấu tranh nhưng không tin tưởng và đủ dũng cảm để hành động. Anh Pha trong Bước đường cùng - Nguyễn Công Hoan là nhân vật điển hình cho người nông dân nghèo, u mê, ít học ở xã hội cũ, bị địa chủ cường hào hãm hại, cướp ruộng để cuộc sống lâm vào cảnh khốn đốn.
Nói tóm lại, cho dù mang tính hư cấu và chỉ là bản dập của con người ngoài đời, với ý nghĩa là đơn vị trung tâm của tác phẩm văn học, nhân vật đóng vai trò sống còn, góp phần quan trọng làm nên sự thành bại của sáng tác. Nhân vật thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả. Miêu tả một ánh mắt, một lời nói của nhân vật đều có giá trị dựng xây nhân vật, phát triển câu chuyện…
(Còn nữa…)