Tin Tức
Thứ Năm trong tuần thứ Bảy Mùa Phục Sinh
16/05/2024 - 9
16.5 Thứ Năm trong tuần thứ Bảy Mùa Phục Sinh
Cv 22:30; Tv 16:1-2,5,7-8,9-10,11; Ga 17:20-26
Xin Cho Sự Hiệp Nhất Của Họ Được Hoàn Hảo
Một trong những mong ước tha thiết nhất của Chúa Giêsu trước khi xa rời các kẻ thuộc về Ngài, đó là họ hiệp nhất nên một với nhau. Ngài biết rõ sự hiệp nhất có một giá trị và một hiệu năng truyền giáo đặc biệt. Sở dĩ thế, vì Thiên Chúa và Nước Trời là những mầu nhiệm, những thực tại vô hình người ta không dễ gì tin, bởi mắt phàm không thấy. Trái lại, khi nhìn thấy đời sống yêu thương, hiệp nhất của các tín hữu, người ta sẽ dễ nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa và của Nước Trời, "Dấu chỉ hiệp nhất giữa các kẻ tin là đường lối và khí cụ của việc Phúc âm hóa".
Chúa Giêsu chẳng những cầu nguyện cho các tông đồ, mà còn cầu cho tất cả chúng ta là những kẻ đã nghe lời giảng dạy của các tông đồ và của Giáo hội mà tin theo Chúa. Chúng ta có thể nhận ra diều đó trong Tin mừng hôm nay;
Chúa Giêsu cầu xin cho tất cả được sống trong tình yêu thương của Chúa: Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta . Thiên Chúa đã ra điều luật: hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn thì bây giờ, Chúa Giêsu cầu nguyện để Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta sống trọn vẹn điều luật ấy.
Chúa Giêsu cầu cho tất ca chúng ta được kết hợp với nhau và yêu thương nhau. Thật ra, đây chỉ là kết quả của lời cầu nguyện trước, vì nếu chúng ta kết hợp và yêu mến Thiên Chúa, thì chúng ta cũng phải kết hợp và yêu thương nhau. Mến Chúa, yêu người, không phải là một lề luật dựa trên lý luận, nhưng là một thực tại thiết yếu. Chúng ta không thế nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương lo lắng cho người khác, nhất là nhưng người nghèo khổ, bất hạnh. Nói như thánh Gioan Tông đồ: Nếu ai nói mình yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em, thì người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây làđiều răn chúng ta nhận dược từ Ngài: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình .
Chúa Giêsu cầu cho Giáo hội được hiệp nhất. Chúng ta cũng được nhắc nhở cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo hội và cho sự hiệp nhất giữa các khô hữu, nhất là chúng ta cầu xin để có thái độ đối thoại và tôn trọng những giá trị của các tôn giáo khác.
Trong thời gian qua, lòng con dân Nước Việt luôn thể hiện lòng yêu mến quê hương đất nước và mong sao cho quê hương được thanh bình, không có chiến tranh. Lòng yêu mến đó được chứng minh qua sự can đảm, bất chấp mọi khó khăn..., sẵn sàng đứng lên để đấu tranh cho sự thật, công lý và hòa bình trên Biển Đông. Qua những gì vừa xảy ra, hẳn ai cũng hiểu được rằng: chỉ có đoàn kết, chung lòng thì mới có thể chiến thắng được ngoại xâm.
"Xin cho chúng nên một".Đây là lời nguyện khẩn thiết của Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha cho các môn đệ của mình. Đức Giêsu cũng nêu lên mẫu gương hiệp nhất giữa Chúa Cha và Ngài. Và như thế, Đức Giêsu cũng mời gọi các môn đệ cũng hiệp nhất với nhau như Chúa Cha và Chúa Con là một. Qua đó, mọi người sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Thầy, đó là chúng ta yêu thương nhau.
Hiện nay chúng ta đang chứng kiến bao nhiêu sự thay đổi trong xã hội xoay quanh vấn đề hiệp nhất. Có bao nhiêu luật lệ lan tràn khắp các thành phố, quận huyện, ủy ban giáo dục. Trong vài năm, chúng ta đã trở nên thành viên, không những của một ngôi làng nhỏ hay một trường có thế giá, mà còn là của cả một cộng dồng thành phố hay tỉnh lỵ.
Cấu trúc xã hội được sắp xếp theo các nhóm qui tụ. Sự thay đổi trong xã hội được dựa trên các ủy ban nhân dân, sự thăng tiến của Giáo hội dựa trên các cộng đoàn cơ bản, phương pháp học tập tại trường dựa trên công cuộc nghiên cứu tập thể, sức mạnh kinh tế dựa trên sự tập hợp các thương vụ. Một triết gia khẳng định rằng thế giới đã trở thành một ngôi làng, nhờ các phương tiện truyền thông đa dạng và nhanh chóng.
Vũ trụ đang tiến dần về sự hiệp nhất, thống nhất, và qua đó có vẻ đáp ứng lời mời gọi của Chúa Kitô: xin cho họ nên một, và cũng qua đó trở thành một bằng chứng về công trình của Chúa Con: xin cho họ nên một trong Chúng Ta, hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con.
Nhưng không phải bất cứ sự hiệp nhất nào cũng là một mặc khải và bằng chứng của Chúa Kitô. Chúng ta có thể thành lập một nhóm đoàn kết, thậm chí một cộng đoàn tu sĩ và vẫn qui hướng về mình chớ không phải về Chúa. Những nhóm người bàng quan với kẻ khác, không có khả năng chia sẻ lương thực và của cải mình. Chúng ta có thể ở cùng chung một nhà mà không tạo được một gia đình.
Hiện nay, chúng ta nhận thức được những sức mạnh đang thôi thúc con người đi đến hiệp nhất; mặc khải của Chúa Kitô đang có mặt tại đấy, như trong tình trạng phôi thai. Nhưng sự hiêp nhất hoàn hảo chỉ có thể được thực hiện trong Chúa: “Xin cho họ nên một trong Chúng Ta”.
Những cộng đoàn Kitô hữu ngày hôm nay có thể trở nên những dấu chỉ cho sự hiệp nhất hoàn thiện đó bằng cách sống một sự chia sẻ thực sự về đức tin, về tình cảm và hoạt động. Đấy là một trong những vai trò của Giáo hội đối với xã hội: giúp xã hội đạt được điều vô cùng qua nỗ lực của mình để qui hướng về Chúa.
Ngày nay, người Kitô hữu chúng ta sống sự hiệp nhất ấy qua lời cầu nguyện, bằng hành vi đức tin và sự liên đới. Sự hiệp nhất chỉ có thể có khi chúng ta chấp nhận “hiệp nhất trong đa dạng”. Biết lắng nghe, thông cảm và tôn trọng mọi người.
Ước gì lời Chúa hôm nay giúp chúng ta kết hợp với Chúa và với nhau trong tình thương. ước gì chúng ta có tâm hồn cởi mở để đón nhận sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống và trong mọi sinh hoạt cuộc sống.