Sứ điệp cho Ngày Thế giới Di cư và Tị nạn lần thứ 108
13/05/2022 - 49
Thứ Năm 12/5/2022, Toà Thánh công bố sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Di cư và Tị nạn lần thứ 108, sẽ được cử hành vào Chúa nhật 25/9 tới đây. Chủ đề của sứ điệp - “Xây dựng tương lai với người di cư và người tị nạn” - dựa theo tinh thần của đoạn Kinh Thánh “Trên đời này, chúng ta không có thành trì bền vững, nhưng đang tìm kiếm thành trì tương lai” (Hr 13,14).
Anh chị em thân mến!
Ý nghĩa cuối cùng của “hành trình” của chúng ta trong thế giới này là tìm kiếm quê hương đích thực, Vương quốc Thiên Chúa do Chúa Giêsu Kitô khai mạc, sẽ được nhận ra trọn vẹn khi Người trở lại trong vinh quang. Vương quốc của Người vẫn chưa hoàn thành, nhưng đã hiện diện nơi những ai đón nhận ơn cứu độ. “Vương quốc Thiên Chúa ở trong chúng ta. Mặc dù vẫn còn mang tính cánh chung, trong tương lai của thế giới, nhân loại, và trong chính chúng ta”.
Tất cả đều được mời gọi xây dựng thành Giêrusalem mới
Thành tương lai là một “thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng” (Hr 11,10). Kế hoạch của Chúa kêu gọi ráo riết xây dựng, và tất cả chúng ta cảm thấy chính mình phải tham gia. Đó là một công việc tỉ mỉ hướng đến hoán cải cá nhân và biến đổi thực tại, để ngày càng phù hợp hơn với kế hoạch của Thiên Chúa. Những thảm kịch lịch sử nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta vẫn còn xa mục tiêu của mình, Giêrusalem Mới, “nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại” (Kh 21,3). Tuy nhiên, điều này không làm chúng ta nản lòng. Dưới ánh sáng những gì chúng ta đã học được trong những khó khăn của thời gian gần đây, chúng ta được kêu gọi canh tân dấn thân xây dựng một tương lai phù hợp hơn với kế hoạch của Chúa, về một thế giới nơi mọi người có thể sống trong hòa bình và phẩm giá.
“Chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2Pr 3,13). Công lý là một trong những yếu tố nền tảng xây dựng Nước Chúa. Trong những nỗ lực hằng ngày để thi hành ý Chúa, công lý phải được xây dựng bằng sự kiên nhẫn, hy sinh và quyết tâm, để tất cả những ai đói khát được thỏa lòng (x. Mt 5,6). Công lý Nước Trời phải được hiểu là hoàn thành kế hoạch hài hoà của Thiên Chúa nhờ bởi Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại, nơi mọi thụ tạo trở lại “tốt đẹp”, và một lần nữa nhân loại lại nên “rất tốt đẹp” (x. St 1,1-31). Nhưng để sự hòa hợp kỳ diệu này trị vì, chúng ta phải đón nhận ơn cứu độ Chúa Kitô, Tin Mừng tình yêu của Người, để xóa bỏ những bất bình đẳng và phân biệt đối xử trong thế giới hiện tại.
Không ai bị loại trừ trong kế hoạch của Chúa
Không ai bị loại trừ. Kế hoạch của Chúa về cơ bản là bao gồm và ưu tiên cho những người sống ở vùng ngoại vi hiện sinh. Trong số đó có nhiều người di cư và tị nạn, những người phải di dời và nạn nhân của nạn buôn người. Vương quốc Thiên Chúa phải được xây dựng cùng với họ, vì nếu không có họ thì đó không phải là Vương quốc Thiên Chúa muốn. Bao gồm những người dễ bị tổn thương nhất là điều kiện cần thiết để có được quyền công dân trọn vẹn trong Nước Chúa. Thật vậy, Chúa phán: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25, 34-36).
Xây dựng tương lai với những người di cư và tị nạn
Xây dựng tương lai với những người di cư và tị nạn cũng có nghĩa là công nhận và đề cao những gì mà mỗi người trong số họ có thể mang lại cho quá trình xây dựng. Tôi thích cách tiếp cận hiện tượng di cư này được phản ánh trong một thị kiến của ngôn sứ Isaia, trong đó khách ngoại kiều không phải là kẻ xâm lược và hủy diệt, nhưng là những người lao động sẵn sàng tái thiết thành luỹ Giêrusalem mới, Giêrusalem sẽ luôn luôn mở rộng cho muôn dân (x. Is 60, 10-11).
Người di cư và tị nạn làm phong phú cộng đoàn
Cũng trong vị ngôn sứ này, sự xuất hiện của người ngoại kiều được trình bày như một nguồn phong phú: “Nguồn giàu sang sẽ đổ về biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi” (Is 60,5). Thật vậy, lịch sử dạy chúng ta rằng sự đóng góp của người di cư và người tị nạn là nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế và xã hội chúng ta. Điều này tiếp tục đúng trong thời đại chúng ta. Việc làm, khả năng hy sinh, tuổi trẻ và sự nhiệt tình của họ làm phong phú thêm cho các cộng đồng chào đón họ. Nhưng đóng góp này có thể lớn hơn nhiều nếu được trân trọng và hỗ trợ qua các chương trình và sáng kiến được phát triển cẩn thận. Đây là tiềm năng vô cùng lớn, sẵn sàng thể hiện, chỉ cần trao cho họ cơ hội.
Cơ hội phát triển văn hóa và tinh thần
Cũng vẫn tiếp tục ngôn sứ Isaia, cư dân thành Giêrusalem mới luôn mở rộng cửa thành, để người lạ có thể vào với quà của họ: “Các cửa thành ngươi sẽ luôn luôn mở rộng, ngày đêm không đóng lại bao giờ, để người ta đem nộp cho ngươi của cải muôn dân, để vua chúa của chúng đến trình diện” (Is 60,11). Sự hiện diện của người di cư và người tị nạn thể hiện một thách đố lớn nhưng cũng là cơ hội để phát triển văn hóa và tinh thần cho tất cả mọi người. Nhờ họ, chúng ta có cơ hội để hiểu thêm về thế giới và vẻ đẹp đa dạng của nó. Chúng ta có thể trưởng thành về nhân tính và cùng nhau xây dựng một “chúng ta” lớn hơn. Trong sự trợ giúp hỗ tương, những không gian trao đổi hiệu quả giữa tầm nhìn và truyền thống khác nhau mở ra, đồng thời mở tâm trí cho những chân trời mới. Nó cũng dẫn đến việc khám phá ra sự phong phú có trong các tôn giáo và tâm linh mà chúng ta chưa biết đến, và điều này giúp chúng ta đào sâu niềm tin của chính mình.
Người di cư và tị nạn Công giáo mang lại nguồn năng lượng mới cho đời sống cộng đoàn
Trong Giêrusalem mới của các dân tộc, đền thánh Chúa được làm cho đẹp hơn bởi những của lễ đến từ nước ngoài: “Mọi chiên dê của Kêđa sẽ được tập trung lại nơi ngươi, cừu tơ của Nơvagiốt sẽ được ngươi dùng vào việc tế tự: chúng sẽ được dâng tiến trên bàn thờ để làm của lễ đẹp lòng Ta. Ta sẽ làm cho nhà vinh hiển của Ta càng thêm vinh hiển” (Is 60,7). Theo quan điểm này, sự xuất hiện của những người di cư và tị nạn Công giáo mang lại nguồn năng lượng mới cho đời sống Giáo hội của các cộng đoàn chào đón họ. Thường họ mang đến một sự nhiệt tình có thể làm sống động các cộng đoàn và các cử hành. Chia sẻ những cách thể hiện đức tin và lòng sùng kính khác nhau thể hiện một cơ hội đặc biệt để sống trọn vẹn hơn tính công giáo của Dân Chúa.
Thế hệ tương lai không phải gánh trách nhiệm về những quyết định cần phải thực hiện ngay bây giờ
Anh chị em, đặc biệt các bạn trẻ thân mến! Nếu chúng ta muốn cộng tác với Cha Trên Trời trong việc xây dựng tương lai, chúng ta hãy làm như vậy cùng với anh chị em di cư và tị nạn của chúng ta. Hãy xây dựng điều này ngay hôm nay! Vì tương lai bắt đầu từ hôm nay và bắt đầu từ mỗi chúng ta. Chúng ta không thể để lại cho các thế hệ tương lai trách nhiệm về những quyết định cần phải thực hiện ngay bây giờ, để kế hoạch của Chúa dành cho thế giới có thể được thực hiện và Vương quốc công lý, tình huynh đệ và hòa bình của Người có thể đến.
Lời nguyện
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con trở thành những người mang lại hy vọng,
để nơi nào có bóng tối, ánh sáng của Chúa ngự trị,
và nơi nào có chán nản, sự tin tưởng vào tương lai sẽ tái sinh.
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con trở thành khí cụ công bình của Chúa,
để nơi nào có loại trừ, tình huynh đệ được triển nở,
và nơi nào có lòng tham, tinh thần chia sẻ có thể lớn lên.
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con thành những người xây dựng Vương quốc của Chúa, cùng với những người di cư và tị nạn và tất cả những ai sống ở ngoại vi.
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con học biết rằng
thật tốt đẹp khi tất cả đều sống với nhau như anh chị em. Amen.