Tin Tức
OUSIAS, BION Và Sống Chính Danh - Tác giả: Nhân Tâm, MRP
07/03/2024 - 22
Ousias, và Bion tưởng như nghe xa lạ với mọi người Ki-tô hữu nhưng đó là hai danh từ Hy Lạp xuất hiện trong đoạn Tin Mừng về người cha nhân hậu. Trong ấn phẩm Kinh Thánh của Nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ, hai danh từ này được dịch là Gia tài và Tài sản nhưng lại không lột tả hết được ý nghĩa khi thánh Luca dùng οὐσίας và βίον.
τῆς οὐσίας (ousias): dịch tiếng anh là property – Gia tài. Trong văn hóa Hy Lạp, từ này hiểu như “Being – Cái là”. Đó là những cái riêng làm nên cá nhân, địa vị của mỗi người.
τὸν βίον (bion): dịch tiếng anh là wealth – sự giàu sang, của cải. Nhưng nguyên nghĩa Hy Lạp: τὸν βίον là cuộc sống (lifehood), là “Having - Cái có”.
Nguyên văn câu Kinh Thánh Hy Lạp như sau:
πάτερ, δός μοι τὸ ἐπιβάλλον μέρος τῆς οὐσίας. καὶ διεῖλεν αὐτοῖς τὸν βίον.
(Cha ơi – xin chia cho con “Cái là” của Cha. Người cha đã chia cho hai người “Cái Có” của ông ta.)
Người con thứ xin “Cái là” của người cha. Nó xin cái địa vị làm cha, cái quyền làm chủ trên cuộc đời nó. Nó không muốn xin phép, không còn muốn trình bày. Chính xác, người con thứ xin “thay Cha để quyền tự quyết của cuộc đời nó”. Nhưng người cha chỉ cho nó “Cái có”. Bởi thực tế, người con thứ không thể là người Cha, không thể có quyền quyết định trong vai trò người Cha. Người con mãi mãi là con, điều anh nhận được từ cha là tình yêu và sự sống, sự hi sinh của người cha, kèm theo đó là gia tài và ân huệ. Và, chính khi người con đi hoang trở về, người Cha đã trao trả lại tất cả cái Bion – cái có cho cậu: áo đẹp, nhẫn, dép, những thú vật, gia nhân – bởi vì người Cha đã không chia cái Ousias, mãi mãi cậu vẫn là “Đứa Con”.
Lịch sử loài người luôn xuất hiện những xáo trộn khi người này muốn giành lấy “cái là” của người khác. Những trang đầu tiên của Thánh Kinh, Tổ Tông loài người đã muốn chiếm lấy “cái là” của Thiên Chúa khi chọn ăn trái biết lành biết dữ. Hai ông bà muốn được bằng Thiên Chúa. Nhưng hậu quả mà hai ông bà nhận ra là hai ông bà vẫn sống “cái là” của chính bản thân họ - cái là của thân phận con người từ bùn đất và phải chết. Ở thập niên 21 của thế kỷ 20, những cuộc chiến tranh đẫm máu tại Ukraine khi nước Nga muốn chiếm lấy “Cái Là” của những vị lãnh đạo nước này. Ngay tại thánh địa, cuộc chiến Gaza vẫn nổ ra khi Hamas muốn giành lấy “Cái Là – cái lãnh đạo của nhà nước” Israel trên mảnh đất Gaza.
Những xung đột trong gia đình cũng chỉ vì con người luôn muốn sống cái “Ousias- cái là” của người khác, mà quên đi sống trọn cái “Ousias và Bion” của mình. Người con muốn thay cha mẹ quyết định cuộc sống, người mẹ muốn phá thai vì cho rằng mình có quyền làm như thế. Người công nhân muốn giành quyền lãnh đạo của sếp bằng nhiều thủ đoạn để được lương cao.
Và đời sống cộng đoàn của những người thánh hiến cũng có những bất ổn khi tự cho mình là có quyền sống “cái là” của riêng cá nhân mà không vâng phục – tùng phục “cái là” của người khác.
Có cách nào để sống trọn “cái Là” và “cái Có” của mình chăng?
Khổng Tử (khoảng năm 551 đến năm 479 TCN) một nhà triết gia và chính trị gia Trung Hoa đã đưa ra một triết thuyết nổi tiếng với ước mơ giúp vua bình ổn đất nước – Thuyết Chính Danh với câu nói nổi tiếng: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử” – nghĩa lã: “Làm vua thì phải sống cho ra vua, thần sống trọn vai trò của thần, người cha sống đúng vai trò của người cha, và người con phải sống đúng danh của người con”. Nếu không sống chính danh thì đất nước sẽ loạn, gia đình bất ổn.
Sống chính danh mời gọi mỗi người sống đúng vai trò và làm tròn trách nhiệm trong bậc sống của mình. Đó là cách con người sống trọn cái có và cái là, như thế sẽ không còn bất đồng mà cùng nhau giúp cho xã hội và Giáo Hội thăng tiến.
Những bài Tin Mừng trong Mùa Chay thánh xuất hiện hình ảnh hai người con đối lập nhau. Người con hoang đàng luôn muốn quyền tự quyết – muốn cái Ousias của cha. Và cái đó anh không bao giờ có được, anh rời xa Cha và một ngày nhận ra anh đã sai lầm và trở về. Người con thứ hai xuất hiện trong biến cố Biến Hình. Chúa Giê-su xuất hiện trong tâm tình người con đã sống trọn cái có nhận được từ nơi Chúa Cha, cũng như sống hết tình với “cái là” của chính Ngài khi chấp nhận một thân phận yếu hèn để Chúa trở nên mẫu gương sống tâm tình con thảo. Chính Chúa Cha đã công nhận và muốn mọi người vâng lời Con: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”.
Chính Chúa Giê-su cũng muốn người Ki-tô hữu sống trọn thân phận làm con cái Thiên Chúa và anh em với nhau. Ngài còn lấy một ví dụ về người quản gia bất lương khi thay chủ đánh đập tôi trai tớ gái, không cấp phát lương thực cho gia nhân, hay một dụ ngôn khác về những người tá điền sát nhân, khi họ muốn chiếm “cái là” của ông chủ - chiếm đất và chiếm quyền thừa tự. Những bất ổn xảy ra khi con người không sống đúng địa vị được Thiên Chúa đặt cho trong cuộc sống. Người cha không sống chính danh khi uống rượu không chăm lo cho con cái làm gia đình bất ổn, người mẹ vì chăm sóc sắc đẹp, vì mải mê công việc làm ăn không quan tâm đến chồng con làm gia đình đình bất hòa….
Tội lỗi chính là vì con người không sống chính danh là: con cái Thiên Chúa, con cái Giáo Hội, không đi theo những chỉ dẫn của Luật Chúa, luật Giáo Hội. Trong Mùa Chay Thánh, tiếng gọi Sám Hối – Canh Tân luôn thúc bách các Ki-tô hữu đến với tòa Giải tội để giao hòa.
Chúa Giê-su đã sống chính danh của mình: “Ngôi Hai Thiên Chúa đến yêu thương nhân loại” – đó là mẫu gương để mỗi người soi vào để nhìn về cách sống của mình. Khi mỗi người đều sống chính danh, trong ‘cái là’ mà Thiên Chúa đặt để cho từng người sẽ giảm bớt những bất ổn, tránh được mâu thuẫn trong gia đình, trong tập thể có thể xảy ra giữa các thành viên với nhau.
Nhân Tâm, MRP