Thánh Maria Anna, còn gọi là “Bông Huệ Quitô,” có cuộc đời rất giống Thánh Rôsa ở Lima. Ngài cũng hãm mình, sống cô độc, được xuất thần và ơn nói tiên tri.
Sinh ở Quito, Ecuador, ngay từ khi còn nhỏ, Maria Anna rất sùng kính Ðức Mẹ và đã muốn đi tu. Lúc mười tuổi ngài thề sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Lúc đầu ngài muốn trở thành một nữ tu dòng Ða Minh, nhưng sau đó ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô, trở nên một ẩn tu sống khắc khổ trong nhà người chị, dưới sự linh hướng của cha giải tội dòng Tên.
Cũng như Thánh Rôsa, Maria Anna thường tự cho mình là “Maria Anna của Chúa Giêsu”, ngài chăm sóc người nghèo và dạy dỗ các trẻ em người thổ dân ngay tại nhà của mình. Về lối sống khắc khổ, ngài ăn rất ít và ngủ có ba giờ mỗi đêm. Ngài được ơn tiên tri, biết được tâm hồn người khác, chữa lành người bệnh tật qua dấu Thánh Giá hoặc rảy nước phép, và đã có lần làm cho người chết sống lại.
Sau trận động đất năm 1645 ở Quito, một trận dịch lan tràn và Maria Anna đã dâng hiến cuộc đời mình để hy sinh cho thành phố, và thật vậy, ngài đã từ trần ngay sau khi trận dịch bắt đầu giảm bớt.
Ngài được phong thánh năm 1950.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô Assisi đã chiến thắng chính mình khi ngài ôm hôn một người cùi. Nếu sự từ bỏ mình không dẫn đến đức bác ái, thì việc ăn năn đền tội đã mất lý do chính đáng. Sự hy sinh hãm mình của Thánh Maria Anna đã giúp ngài nhậy cảm hơn với nhu cầu của tha nhân, và can đảm hơn khi phục vụ người nghèo.
Lời Trích
“Khi được thúc giục bởi tình yêu Thiên Chúa và đồng loại, thánh nữ đã tự hành hạ thân xác mình để đền bù tội lỗi cho tha nhân. Quên đi thế giới chung quanh và ngài đắm chìm trong sự ngây ngất, như được nếm trước hạnh phúc vĩnh cửu. Do đó, được biến đổi và phong phú bởi ơn Chúa, với tất cả khả năng, ngài thật hăng say lo lắng đến sự cứu độ không những cho chính mình mà còn cho người khác. Thánh nữ độ lượng giúp vơi bớt sự bất hạnh của người nghèo và xoa dịu sự đau khổ của người đau yếu. Khi các thiên tai như động đất và bệnh dịch làm kinh hãi người dân thành phố, thánh nữ đã phấn đấu qua sự cầu nguyện, sự đền tội và sau cùng, ngài đã dâng hiến cuộc đời để nài xin lòng thương xót của Chúa Cha mà thánh nữ không thể hoàn thành được bằng nỗ lực con người” (Ðức Giáo Hoàng Piô XII).