Thánh Đavít I sinh năm 1080. Ngài là người con út của thánh nữ Magarita, hoàng hậu xứ Scốtlen và vua Malcom tốt lành. Chính Đavít I cũng làm vua lúc khoảng bốn mươi tuổi. Ai biết rõ Đavít I thì đều nhận thấy rằng ngài chẳng muốn nhận lấy vương miện của hoàng gia chút nào. Nhưng khi lên ngôi, Đavít I đã là một quân vương rất tốt. Thánh Đavít I cai trị vương quốc ngài với quyền tài phán đặc biệt. Thánh nhân rất có lòng từ tâm độ lượng với những người nghèo khổ. Hết mọi thần dân được tự do thăm viếng ngài bất cứ lúc nào họ muốn. Thánh nhân nêu gương sáng cho mọi người bằng tấm lòng yêu mến cầu nguyện. Dưới sự trị vì của quân vương thánh thiện này, thần dân xứ Scốtlen càng ngày càng hiệp nhất hơn trong một đất nước. Họ cũng trở nên những Kitô hữu ngoan đạo hơn.
Vua Đavít I đã thiết lập nhiều giáo phận mới. Ngài cũng xây cất thêm nhiều tu viện. Trong thời gian khoảng hai mươi năm trị vì của mình, thánh vương Đavít I đã cung cấp cho Giáo hội rất nhiều tiền của.
Hai ngày trước khi qua đời, thánh Đavít I đã lãnh nhận các phép bí tích sau cùng. Thánh nhân dùng thời giờ cầu nguyện với những người hiện diện xung quanh ngài. Ngày hôm sau, họ nài xin thánh nhân nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng Đavít I trả lời: “Hãy để ta tưởng nghĩ tới những sự thuộc về Thiên Chúa, để linh hồn ta được kiện toàn trên hành trình tiến về quê nhà từ nơi lưu đày này.”
“Về quê nhà,” thánh vương Đavít I có ý nói đến “quê nhà trên trời” của chúng ta. “Khi ta đứng trước ngai tòa Thiên Chúa, các người đâu có thể trả lời hay biện hộ thay ta được,” ngài nói. “Không ai có thể cứu ta khỏi tay Thiên Chúa được!” Vì thế, thánh nhân cứ tiếp tục cầu nguyện cho tới lúc qua đời. Thánh Đavít I Scốtlen về trời ngày 24 tháng Năm năm 1153.
Chúng ta có thể bị cám dỗ tự khoan thứ cho những lầm lỗi của mình bằng cách nói: “Người ta cũng đều làm như vậy mà!” Nhưng chúng ta biết rằng sự tự miễn thứ này chẳng có giá trị gì khi chúng ta đứng chịu phân xử trước nhan Thiên Chúa. Chúng ta có thể nài xin thánh vương Đavít I Scốtlen giúp chúng ta có được tấm lòng chân thành và lương thiện như ngài trong mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa.