Ngày lễ Ðức Mẹ dâng mình được cử hành ở Giêrusalem từ thế kỷ thứ sáu, và một nhà thờ được xây cất ở đây để kính nhớ mầu nhiệm này. Giáo Hội Ðông Phương rất tha thiết với ngày lễ này, trong khi Giáo Hội Tây Phương chỉ mừng lễ này vào thế kỷ 11. Sau đó, có quãng thời gian không thấy ngày lễ này trong niên lịch phụng vụ, và mãi cho đến thế kỷ 16, lễ này mới được chính thức đưa vào lịch Giáo Hội. Như sự sinh hạ của Ðức Maria, chúng ta biết về việc dâng Ðức Mẹ vào đền thờ cũng qua các văn bản được gọi là ngụy thư (apocrypha). Trong một văn bản không có giá trị lịch sử là Tin Mừng Tiên Khởi của Thánh Giacôbê cho chúng ta biết, khi Ðức Maria lên ba tuổi, Thánh Anna và Thánh Gioankim đã lên Ðền Thánh để dâng ngài cho Thiên Chúa. Ðiều này được thực hiện là vì một lời hứa của Thánh Anna với Thiên Chúa khi ngài còn hiếm muộn. Mặc dù không có giá trị lịch sử, việc dâng Ðức Maria mang ý nghĩa thần học quan trọng. Ngày lễ này được coi như tiếp nối lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội và lễ sinh nhật của Ðức Maria. Nó nói lên sự thánh thiện được trao ban cho Ðức Maria từ lúc lọt lòng, qua thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành.
Lời Bàn
Ðôi khi thật khó cho người Tây Phương để quý trọng ngày lễ này. Tuy nhiên, Giáo Hội Ðông Phương thật dễ đón nhận ngày lễ này và có lúc còn bó buộc phải cử mừng. Mặc dù ngày lễ không có căn bản lịch sử, nó nói lên một chân lý về Ðức Maria: Ngay từ lúc đầu đời, ngài đã được dâng hiến cho Thiên Chúa. Chính ngài trở nên một đền thờ cao trọng hơn bất cứ đền thờ nào khác do tay con người tạo nên. Thiên Chúa đã đến ngự trong con người của ngài qua một phương cách kỳ diệu, và thánh hóa ngài vì vai trò độc đáo của ngài trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Ðồng thời, sự tráng lệ của Ðức Maria lại ảnh hưởng đến con cái của ngài. Họ cũng là những đền thờ của Thiên Chúa và được thánh hóa để có thể vui hưởng và chia sẻ trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.