Thánh Lu-y là một người nổi tiếng thời bấy giờ vì ngài sinh trong một gia đình quý tộc, nhưng đời sống như thiên thần, và cái chết thật thánh thiện. Lu-y là con cả của Hầu Tước Ferrante ở Castiglione nước Ý, phục vụ dưới triều Philip II của Tây Ban Nha. Cha ngài mong cho con mình trở nên một nhà lãnh đạo quân sự tài ba, do đó ngay từ khi bốn tuổi Lu-y đã được tự do tung tăng trong trại lính, làm quen với các vũ khí. Nhưng khi lên bảy, đời sống tâm linh Lu-y thay đổi lạ lùng và hàng ngày cậu đã đọc kinh sách, thánh vịnh và đặc biệt kính mến Ðức Maria. Lúc 13 tuổi, cùng với người em, Lu-y theo cha mẹ lên triều đình và cả hai giữ nhiệm vụ phục dịch cho Don Diego, thái tử người Asturias ở Tây Ban Nha. Càng nhìn thấy sinh hoạt triều đình bao nhiêu, Lu-y càng chán ngán bấy nhiêu và tìm cách khuây khỏa qua hạnh các thánh.
Chính trong thời gian này, khi nghe biết về công cuộc truyền giáo của các cha dòng Tên ở Ấn Ðộ, Lu-y đã có ý định đi tu và tập sống kham khổ cũng như tụ tập các trẻ em nghèo để dạy giáo lý cho chúng. Mơ ước đi tu của Lu-y phải trải qua bốn năm tranh đấu với chính người cha của mình cũng như sự dụ dỗ của rất nhiều chức sắc trong triều. Sau cùng, Lu-y đã chinh phục được tất cả và được nhận vào đệ tử viện dòng Tên lúc 17 tuổi.
Vì nhận thấy sức khỏe yếu kém của Lu-y, các cha giám đốc đã buộc Lu-y phải chấm dứt sự kham khổ, phải ăn nhiều hơn, phải sinh hoạt với các đệ tử khác và không được cầu nguyện ngoài những giờ ấn định. Lu-y được gửi lên Milan đi học, nhưng vì sức khỏe yếu kém nên đã phải trở về Rôma.
Vào năm 1587, Lu-y tuyên khấn. Ðược vài năm sau, trận dịch hạch tấn công Rôma. Các tu sĩ dòng Tên mở một bệnh viện của nhà dòng. Chính cha bề trên cũng như nhiều linh mục đích thân chăm sóc bệnh nhân. Dù sức khỏe yếu kém, Lu-y cũng tận tình phục vụ bệnh nhân và bị lây bệnh. Sau ba tháng bệnh hoạn, Lu-y đã từ trần ngày 21 tháng Sáu 1591, lúc ấy mới 23 tuổi.
Ðời sống thánh thiện của Lu-y được cha linh hướng Robert Bellarmine (sau này là thánh) minh xác. Và ngài được Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIII phong thánh năm 1726 và được đặt làm quan thầy các học sinh Công Giáo.
Lời Bàn
Thánh Lu-y dường như không thích hợp là quan thầy của các người trẻ trong một xã hội mà sự khổ hạnh chỉ tìm thấy trong các đội thể thao hay võ thuật. Có thể nào một xã hội luôn dư thừa và đầy tiện nghi lại tự ý khép mình vào kỷ luật? Ðiều đó chỉ có thể xảy ra nếu nó tìm thấy một lý do, cũng như Thánh Lu-y trước đây. Ðộng lực để Thiên Chúa thanh luyện chúng ta là phải cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa qua sự cầu nguyện.
Lời Trích
“Anh em thân mến, khi cầu nguyện chúng ta phải tỉnh thức và tha thiết với tất cả tâm hồn, sốt sắng cầu nguyện. Hãy gạt bỏ tất cả những ý tưởng trần tục, cũng như đừng để linh hồn chúng ta lo lắng về bất cứ điều gì ngoại trừ đối tượng của sự cầu nguyện là Thiên Chúa” (Về Kinh Lạy Cha, Thánh Cyprian).