Sinh trưởng năm 50 ở Syria, Ignatius trở lại Kitô Giáo và sau đó làm Giám Mục Antioch. Vào năm 107, hoàng đế Trajan ghé thăm Antioch và buộc các Kitô Hữu phải chối đạo hoặc chịu chết. Ignatius cương quyết không chối bỏ đức tin và do đó bị án tử hình ở Rôma.
Trên đường từ Antioch đến Rôma để chịu tử đạo, Ignatius đã viết bảy lá thư nổi tiếng. Năm lá thư cho các Giáo Hội ở Tiểu Á; khuyến khích các Kitô Hữu trung thành với Thiên Chúa và vâng lời bề trên. Ngài cảnh giác họ hãy đề phòng những giáo thuyết lầm lạc, và dạy bảo họ những chân lý vững chắc của đức tin Kitô Giáo.
Lá thư thứ sáu gửi cho Polycarp, Giám Mục ở Smyrna, là người sau này cũng tử đạo vì đức tin. Lá thư sau cùng ngài xin các Kitô Hữu ở Rôma đừng ngăn cản ngài chịu tử đạo. “Ðiều duy nhất tôi xin các bạn là hãy để tôi được tự do dâng hiến máu tôi cho Thiên Chúa. Tôi là hạt lúa của Thiên Chúa, ước chi tôi được nghiền nát dưới nanh thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền của Ðức Kitô.”
Lời ước của ngài đã được thể hiện và Ignatius chịu tử đạo dưới nanh vuốt của sư tử ở Colosseum năm 107. Thánh tích của ngài hiện còn tại VCTĐ Thánh Phêrô ở Rome.
Lời Bàn
Ðiều quan tâm lớn lao của Thánh Ignatius là sự hiệp nhất và trật tự trong Giáo Hội. Lớn lao hơn nữa, là ngài ao ước được tử đạo hơn là chối bỏ Ðức Giêsu Kitô. Không phải vì sự đau khổ mà người ta chú ý đến Ignatius, nhưng là vì tình yêu Thiên Chúa đã giữ vững ngài. Ngài biết cái giá của sự trung tín và không chối bỏ Ðức Kitô, dù có phải mất mạng sống.
Lời Trích
“Cùng với các Giáo Hội của Thiên Chúa ở Smyrna, tôi chào mừng các bạn. Các giáo dân đã an ủi tôi trong mọi phương cách, cả về phần xác lẫn phần hồn. Xiềng xích tôi mang vì Ðức Giêsu Kitô, như nài xin tôi hãy hân hoan trên con đường tiến đến Thiên Chúa, và tôi thúc giục các bạn: hãy kiên trì trong sự hoà thuận với nhau và trong sự cầu nguyện chung” (Ignatius Antioch, Thư Gửi Giáo Ðoàn Tralles).