Thánh Louise sinh ngày 15 tháng 8 năm 1591 ở Ferrieres-en-Brie gần Meux, nước Pháp, mồ côi mẹ khi còn nhỏ, và khi được 15 tuổi thì mồ côi cha. Ao ước của thánh nữ là trở nên một nữ tu nhưng cha giải tội đã ngăn cản, và sau đó ngài kết hôn với ông Antony LeGras. Trong hôn nhân này họ có được một đứa con trai. Nhưng sau đó không lâu, ông Antony đã từ giã cõi đời sau một thời gian đau yếu lâu dài năm 1625.
Bà Louise may mắn có được các cha linh hướng khôn ngoan và dễ mến, đó là Thánh Francis de Sales, và người bạn của ngài là Ðức Giám Mục của Belley, nước Pháp. Bà không gặp hai vị thường xuyên, nhưng tận trong thâm tâm, bà linh cảm thấy rằng mình sẽ đảm nhận một công việc nặng nề dưới sự hướng dẫn của một người chưa bao giờ quen biết. Ðó là vị linh mục thánh thiện Vincent, mà sau này là Thánh Vincent de Paul.
Lúc đầu, Cha Vincent do dự nhận lời làm cha giải tội cho bà Louise, vì sự bận rộn của ngài với tổ chức “Các Chị Em Bác Ái.” Hội viên của tổ chức này là các bà quý tộc có lòng nhân từ, giúp đỡ cha chăm sóc người nghèo và các em bị bỏ rơi, là công việc rất cần thiết trong những ngày ấy. Nhưng các bà cũng phải bận rộn với nhiệm vụ và công việc gia đình. Trong khi công việc của cha thì cần rất nhiều người giúp đỡ, nhất là những người nông dân vì họ gần gũi với người nghèo và dễ có cảm tình với họ. Ngài cũng cần ai đó có thể dạy cho họ biết đọc biết viết và tổ chức hội đoàn cho họ.
Chỉ sau một thời gian khá lâu, khi Cha Vincent ngày càng quen biết với bà Louis, thì ngài mới nhận ra rằng bà là người mà Chúa đã gửi đến để đáp lại lời cầu xin của cha. Bà Louis thông minh, khiêm tốn và có sức chịu đựng bền bỉ. Sau một thời gian thi hành các công việc mà cha giao phó, bà tìm thêm được bốn phụ nữ bình dị khác đến tiếp tay. Căn nhà thuê của bà ở Balê đã trở thành trung tâm săn sóc người nghèo và người đau yếu. Và đó là khởi đầu của tu hội Nữ Tu Bác Ái của Thánh Vincent de Paul (mặc dù Cha Vincent muốn gọi tổ chức này là “Nữ Tử” Bác Ái). Bà tuyên khấn năm 1634 và tu hội đã thu hút được nhiều người tham gia.
Cha Vincent thường từ tốn và khôn ngoan trong cách cư xử với bà Louis và tổ chức mới này. Ngài nói không bao giờ ngài muốn thành lập một cộng đoàn mới, mà chính là Thiên Chúa thi hành mọi sự. Cha nói, “Tu viện của con sẽ là nhà của người bệnh; phòng của con là phòng thuê mướn; nhà nguyện của con là nhà thờ của giáo xứ; khuôn viên nhà dòng là đường phố hay các khu vực nhà thương.” Y phục của họ là y phục của phụ nữ nông dân. Mãi cho đến vài năm sau, Cha Vincent de Paul mới cho phép bốn phụ nữ khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Và phải mất nhiều năm hoạt động thì Tòa Thánh mới chính thức công nhận tu hội này và đặt dưới sự hướng dẫn của Cha Vincent và Tu Hội Truyền Giáo.
Bà Louis đi khắp nước Pháp, thành lập chi nhánh trong các bệnh viện, cô nhi viện và các tổ chức khác. Cho đến khi từ trần, ngày 15 tháng Ba 1660, tu hội của bà đã có trên 40 nhà ở nước Pháp. Kể từ đó họ đã phát triển trên toàn thế giới.
Bà Louise de Marillac được Đức Giáo Hoàng Benedictus XV tôn phong lên bậc Chân Phước ngày 9 tháng 5 năm 1920 và Đức Thánh Cha Pius XI đã nâng bà lên hàng hiển thánh ngày 11 tháng 3 năm 1934 và năm 1960 thánh nữ được Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đặt làm Quan Thầy các Cán Sự Xã Hội.