Thánh Barnaba là một trong bảy mươi môn đệ đầu tiên đã nghe Chúa Giêsu giảng dạy và đã trở thành môn đệ của Ngài.
Thánh nhân cùng với thánh Phaolô đi truyền giáo ở Antiôkia, nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy và tài giảng thuyết, ngài đã đưa được biết bao nhiêu người trở về với Chúa. Barnaba và Phaolô được Chúa trao cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Dân bản xứ và các người ngoại giáo, đón tiếp các ngài một cách nhiệt tình, và tin theo các ngài. Tuy nhiên cũng có những người Do Thái có óc thủ cựu, hẹp hòi đã tìm cách gièm pha, chế giễu, xúi giục những thành phần bất hảo ngược đãi và trục xuất các ngài (Cv 13,50). Chúa cho các ngài làm nhiều phép lạ: xua trừ ma quỷ, chữa bệnh, làm cho kẻ chết sống lại để củng cố niềm tin của các tân tòng.
Xin Chúa cho chúng ta cũng biết nhiệt thành công tác trong công việc nhà Chúa.
I. ĐÔI HÀNG TIỂU SỬ
Banaba “là một người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin’’ (Cv 11,23). Ngài được sách Công Vụ nhận là Tông Đồ (14,4) cho dù ngài không thuộc nhóm Mười Hai
Ngài là một người Do Thái thuộc giáo tỉnh Cypern, gốc Lêvi và tên gọi là Giuse. Chúng ta không biết ngài đã gia nhập Kitô giáo lúc nào. Như Sách Tông Đồ Công Vụ ghi, ngài có lòng đại độ: “Giuse, người đã được các Tông Đồ đặt tên là Banaba nghĩa là con của sự an ủi một người Lêvi, người gốc Kyprô, có một thửa ruộng, ông đã bán đi và đem bạc đặt dưới chân các Tông Đồ” (Cv 4,36-37)
Ngài là người hướng dẫn Saolô sau khi Saulô trở lại đến gặp các vị Tông Đồ ở Giêrusalem (Cv 9,26-27). Sau này vào khoảng năm 42, Barnaba đã tìm đến với Saolô ở Tarsô rồi cùng với Phaolô sang truyền giáo tại Antiôkia. Trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất này, cả hai đi Kyprô và mạn nam Tiểu Á. Chính các ngài đã đi Giêrusalem dự Công Nghị Tông Đồ để đấu tranh cho việc những người dân ngoại, khi gia nhập Kitô giáo, không phải lệ thuộc Lề Luật cũ. Sau đó xẩy ra một cuộc tranh cãi giữa hai người. Lý do là vì Phaolô không muốn đem theo Marcô, bà con của Banaba đi theo mình trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai cho nên Banaba đã đem Marcô đi với mình đến Kyprô (Cv 15,39).
Theo truyền thuyết, sau này Banaba bị ném đá chết tại Salamít. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)
II. CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH
Phaolô và Banaba đều là những tông đồ nhưng cá tính và cách đối xử khác hẳn nhau. Phaolô thì nguyên tắc và cứng rắn, còn Banaba thì tình cảm và mềm dẻo. Bởi thế đôi khi hai ông đụng độ nhau:
Lần thứ nhất là về vấn đề ăn chung (Ga 2,13). Số là Giáo Hội đã có quyết định rằng lương dân tòng giáo không bị buộc giữ tục lệ Do thái giáo, trong đó có tục lệ phân biệt những món ăn nào sạch những món ăn nào dơ. Bởi đó các tông đồ đều hòa đồng với lương dân, ăn chung bàn với họ. Nhưng một lần kia vì sự có mặt của những người Do thái nên và vì muốn tránh không muốn gây khó chịu cho họ, nên thánh Banaba và cả thánh Phêrô đã tránh ngồi chung bàn ăn với những người lương tòng giáo. Lần đó Phaolô đã nổi giận đứng lên công khai trách hai người nặng lời. Sách thánh không viết gì về phản ứng ngược lại của hai vị, tức là hai vị đã nhịn. Chúng ta nên để ý: Lúc đó Phêrô vị lãnh đạo Giáo Hội, và Banaba người đỡ đầu cho Phaolô. Phaolô chỉ là một người đến sau, một người cấp dưới. Là một người đến sau và người cấp dưới vậy mà hôm nay Phaolô dám công khai chỉ trích hai bậc trưởng thượng của mình trước mặt cả người Do thái lẫn người lương mới tòng giáo. Vậy mà hai Phêrô và Barnaba vẫn nhịn. Đây phải nói là một tấm gương hết sức sống động về lòng khiêm tốn và coi trọng hòa khí.
Lần đụng độ thứ hai là về việc có liên quan đến Marcô (Cv 15,39): Trong chuyến truyền giáo thứ nhất, Banaba đã cho Marcô nhập đoàn. Nhưng sau một số gian khổ, Marcô đã bỏ cuộc về nhà với mẹ. Phaolô rất giận. Đến khi chuẩn bị chuyến truyền giáo thứ hai, Banaba lại rủ Marcô đi theo, có ý là để cho Marcô đoái công chuộc tội. Nhưng Phaolô cương quyết không nhận. Phần vì Banaba thiết tha muốn cứu vớt Marcô nên nhất định giữ anh này lại. Kết quả là Banaba và Phaolô đành phải chia tay nhau, mỗi người dẫn một đoàn truyền giáo riêng đi giảng mỗi người một hướng. Thật không dè rằng chuyện bất đồng này lại đưa đến kết quả tốt. Đó là việc truyền giáo càng ngày càng được đẩy mạnh hơn. Và thêm một kết quả nữa cũng hết sức tốt đẹp. Nó đã chứng minh cho quan điểm của Banaba là hợp lý. Đó là Barnaba đã thực sự cứu chữa được Marcô, không những đã giúp Marcô trở thành một tông đồ nhiệt thành mà sau này còn là tác giả quyển Tin Mừng thứ hai.
Tóm lại chúng ta thấy mỗi người chúng ta khi sinh ra đã mang sẵn một loại tính tình. Hãy sống Tin Mừng và loan Tin Mừng theo cá tính riêng của mình.