Micae sinh tại thành Turin sinh ngày 9 tháng 6 năm 1837, con của một công nhân. Đến năm lên 7, ngài đã gặp Cha Bosco, lúc đó là một vị linh mục mới có 30 tuổi, và Micae đã nhập trường của Cha Bosco. Thân phụ của Micae vừa mới từ trần, và lòng cảm mến đối với Cha thánh đã giúp em cảm thấy bớt trống rỗng vì cái chết của thân phụ. Đối với Micae, Cha Bosco đã trở nên người cha thứ hai.
Năm 1853, Micae gia nhập chủng viện, và trở nên cánh tay phải của Cha Bosco. Micae được trao phó trách nhiệm giúp cho các học sinh tuân giữ kỷ luật. Cũng như Vị sáng lập, Micae Rua tỏ ra luôn kiên nhẫn và thông cảm. Cha Bosco cũng trao cho Micae trách nhiệm thanh toán các hoá đơn, trong khi ngài đi quyên tiền. Thêm vào những bổn phận này, Cha Bosco xin Micae chép lại quyển sách Lịch sử Nước Ý của ngài. Trong gần hai tháng trời, tất cả các thì giờ rảnh rỗi của Thầy đều được dành cho công việc này.
Trong khi bận bịu thi hành tất cả các bổn phận đó, thầy chủng sinh trẻ này còn phải tiếp tục chương trình học vấn để lãnh chức linh mục. Thầy đạt được điểm tối hảo bằng cách thức dậy lúc 4 giờ sáng và đi nghỉ sau 12 giờ đêm. Chính đây là một phép lạ nhỏ – một người với thân thể mỏng manh, một người chưa bao giờ có một sức khoẻ cường tráng; thêm vào đó, lúc Micae mới được 16 tuổi, thì 7 người trong gia đình Thầy đã được Chúa gọi về. Dù vậy, Thầy vẫn theo đuổi một đời sống thật nhiệm nhặt.
Ngày 25 tháng 3 năm 1855, Micae trở nên một trong những người đầu tiên theo Cha Bosco được tuyên khấn trong tu hội Sa-lê-diêng. Thầy được lãnh chức linh mục ngày 28 tháng 7 năm 1860. Một năm sau khi lãnh chức linh mục, Cha Rua được chỉ định trông coi trường Sa-lê-diêng đầu tiên được thiết lập tại Mirabello. Mặc dù khi mới đến, Cha đã gặp phải nhiều khó khăn trong vấn đề tài chánh, nhưng Cha Rua đã có thể vượt thắng tất cả. Đến năm 1884, Cha được gọi trở về Rôma và được chỉ định làm tổng phụ tá dòng.
Sự quan tâm và để ý đến mỗi một phần tử Dòng là một dấu chứng nói lên tấm lòng hiền phụ của ngài. Ngài quan tâm đến mọi vấn đề, dù những vấn đề xem ra không mấy quan trọng. Thánh giá và hy sinh cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của người kế vị Cha Bosco. Lụt lội, động đất và nhiều thiên tai khác hoành hành các xứ truyền giáo. Sự đàn áp các dòng tu trong một vài quốc gia, cũng như sự quấy nhiễu của các nhà chính trị tại một số quốc gia khác đã làm ngài thật đau buồn. Trong số đó, nỗi buồn lớn hơn cả là những vu cáo đối với trường Sa-lê-diêng ở gần Genoa. Khi nghe những điều thuật lại này, Cha Rua đã buồn đến rơi lệ. Dù rằng đó chỉ là những điều vu oan, nhưng việc tố tụng này đã làm cho ngài phải đau khổ nhiều.
Ngày 15 tháng 2 năm 1910, Cha Micae Rua đã kiệt lực sau nhiều năm làm việc. Sau cơn bệnh kéo dài gần 2 tháng, Cha Micae Rua đã được Chúa gọi về cách an bình ngày 6 tháng 4 năm 1910.
Dâng hiến trót cả cuộc đời cho công việc giáo dục Kitô giáo là đặc điểm của cuộc đời Cha Micae Rua. Cuộc đời Ngài phản ảnh một tình yêu không giới hạn cho các trẻ em, đặc biệt là những trẻ em nghèo, mồ côi và những trẻ em bị bỏ rơi ngoài đường phố.