Tin Tức
Làm Sống Lại Niềm Vui Trong Đời Sống Thánh Hiến Để Sống Niềm Vui Thuộc Về
27/09/2024 - 5
I. Bối cảnh
Niềm vui là món quà quý giá và là nguồn nâng đỡ Thiên Chúa ban cho con người. Niềm vui giúp chúng ta thêm yêu cuộc sống, thăng hoa sự hiện hữu và nghiệm ra ý nghĩa của những gì chúng ta đang có. Tuy nhiên, nhân loại ngày hôm nay đang phải đối diện với bức màn đen của sự cô độc, buồn thảm và sự thất vọng, phát sinh từ độc ác và tham lam, từ lối sống trần tục thiếu vắng giá trị luân lý, đạo đức và tâm linh1 . Khi trái tim bị đóng kín bởi sự ích kỷ và tự mãn, con người không còn nghe được tiếng kêu của tha nhân, thiên nhiên, nghe được tiếng Thiên Chúa, do đó họ không còn khả năng để hưởng nếm niềm vui ngọt ngào của tình yêu mà Thiên Chúa ban tặng qua cuộc sống thường ngày2. Bên cạnh đó, toàn cầu hóa là một quá trình phức tạp và không thể đảo ngược đang xảy ra trên thế giới. Những thay đổi nhanh chóng và mang tính cách mạng trong lĩnh vực truyền thông và công nghệ mang lại những hậu quả sâu rộng về mặt đạo đức xã hội3. Mối đe dọa ngày càng tăng của chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa tiêu dùng, cũng như chủ nghĩa cá nhân đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thánh hiến, làm cho nhiều tu sĩ phải mang vẻ mặt mệt mỏi, buồn chán, thất vọng giữa một thế giới mà họ được kêu gọi là chia sẻ niềm vui Tin Mừng4.
Bởi đó, trong nhãn quan tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, ĐTC Phanxicô đã mời gọi những người sống ĐTH trở thành chứng nhân niềm vui tin mừng cho thế giới5. Tu sĩ là những người được thánh hiến cho sứ mạng, được kêu gọi để đánh thức thế giới, làm chứng nhân cho niềm vui - một niềm vui của sự nhận thức sâu sắc rằng chúng ta được yêu và được cứu độ6. Họ phải là máng chuyển thông niềm vui và hy vọng cho mọi người đặc biệt những người đã đánh mất hy vọng và niềm vui trong cuộc sống, trong một thế giới thiếu vắng niềm vui, thay vào đó sự buồn chán, thất vọng7. Chẳng hạn những bậc cha mẹ phải bỏ rơi những đứa con vì những khó khăn và nhu cầu khác nhau của gia đình; giới trẻ bối rối về tương lai và mất định hướng, hy vọng, nhiệt huyết sống; người già bị bỏ rơi; người giàu không có những giá trị tinh thần và đạo đức; những con người đang phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, khủng bố… Tất cả đều đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc đời và tìm kiếm Thiên Chúa như nguồn mạch của niềm vui và hy vọng cho cuộc đời họ.
Quả thực, Giáo Hội không cần số lượng nhiều nam nữ tu sĩ, nhưng cần những tu sĩ vui tươi và hạnh phúc. Bởi khi họ vui và hạnh phúc, họ sẽ trở thành những chứng nhân sống động cho niềm vui được chính Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại. Vì thế, tái khám phá và làm mới lại niềm vui thánh hiến – niềm vui được an ủi bởi niềm vui Tin mừng là điều rất cần thiết giúp ta có thể sống cách tròn đầy và trở thành chứng nhân của niềm vui cho con người trong xã hội tục hóa đầy dẫy chiến tranh hận thù, đánh dấu nhân loại hóa thế giới của chúng ta8.
II. Nguồn mạch niềm vui
Niềm vui trước hết được diễn tả trong Kinh Thánh. Thiên Chúa chính là nguồn mạch của niềm vui9. Vì yêu, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, chúc lành cho họ và trao cho họ quyền làm chủ. Niềm vui tràn ngập nơi con người khi chính Thiên Chúa thiết lập giao ước với họ và được Thiên Chúa hứa ban: “...Anh em được sống, được trở nên đông đúc, và được vào chiếm hữu đất mà Đức Chúa đã hứa với cha ông anh em” (Đnl 8, 1). Niềm vui lớn nhất là chính họ được thánh hiến cho Thiên Chúa, trở thành dân riêng của Ngài.
Tiếp tục với mối quan hệ giao ước, Thiên Chúa đã ban cho con người niềm vui đích thực và trọn vẹn là chính Đức Kitô - Con Một của Người: “Tôi báo cho anh em một Tin mừng trọng đại là: hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2, 10). Việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa đã mở ra một chiều kích mới của niềm vui giao ước – niềm vui cứu độ. Niềm vui là món quà tuyệt vời của Đấng Thiên Sai và Đức Giêsu Kitô chính là niềm vui đích thực10. Người đến để: “cho chiên được sống và được sống dồi dào” (Ga 10, 10). Chính xác hơn: “Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15, 11). Niềm vui được ban tặng cho tất cả mọi người, bắt đầu từ Đức Maria, các tông đồ, các môn đệ và tất cả những ai bước theo Ngài.
Người Kitô hữu cảm nghiệm niềm vui khi sống hài hòa với thiên nhiên, trong sự gặp gỡ, chia sẻ, hiệp thông với tha nhân11. Họ nhận được niềm vui đích thực trong Thiên Chúa khi họ sống tốt, chu toàn mọi bổn phận trách vụ trong gia đình, với xã hội, sống đức ái và đặc biệt trong việc sống theo Lời Chúa. Người thánh hiến cũng có được niềm vui này tuy nhiên, họ sống niềm vui trong một mối tương quan đặc biệt với Thiên Chúa, như là những người môn đệ được yêu, thuộc về Thiên Chúa và là những người bạn nghĩa thiết với Người: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang” (1Pr 1, 8). Trái tim họ đầy ắp niềm vui khi được gặp gỡ mật thiết với Thiên Chúa trong sự thánh hiến, hiệp thông và sứ vụ của mình12. Họ vui vì chính họ được Thiên Chúa chọn gọi, được ở trong nhà của Người, bước theo Người và nên một với Người: “Một ngày tại khuôn viên thánh điện, quý hơn cả ngàn ngày” (Tv 83, 11). Sự thánh hiến là một dòng suối sống động của niềm vui, do đó với giao ước thánh hiến, họ cảm nghiệm được niềm vui khi được thánh hiến bản thân cho Thiên Chúa để hoàn toàn thuộc về Người và được người yêu thương, được cộng tác vào sứ vụ của Người, được hiệp thông với Ba Ngôi. Chính khi họ nhận thức được vinh quang của sự phục sinh chiếu sáng đằng sau Thập giá, họ sẽ có được niềm vui trong tâm hồn.
Họ có Lời Chúa là căn tính nền tảng của đời sống thánh hiến. Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, ĐTC Phanxicô cho thấy suối nguồn niềm vui không hề vơi cạn, luôn mới mẻ và dâng trào trong trái tim của người tu sĩ khi họ kết hiệp liên lỉ với Tin Mừng: “Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu”. Niềm vui ĐTH của họ chính là sống niềm vui Tin Mừng với tình yêu và niềm hy vọng do đó, họ có thể loan truyền và giới thiệu Chúa cho mọi người. Việc trung thành sống các lời khấn, đặc sủng Dòng, sống tròn đầy đời sống cộng đoàn, thi hành tốt sứ mạng, đem lại cho họ niềm vui. Đặc biệt khi họ có Mẹ Maria, Đấng là nguồn bình an và niềm vui, an ủi và nâng đỡ họ trên hành trình dâng hiến.
III. Nguyên nhân làm cho người tu sĩ đánh mất niềm vui trong đời thánh hiến. Tuy nhiên, đối với một số người, niềm vui thiêng liêng ấy nhiều lúc trở nên quá mờ mịt, ít ỏi giữa những nỗi thất vọng và vòng quay đều đặn đến tẻ nhạt của cuộc sống thường ngày. Cuộc sống xuất hiện nhiều thứ quá đơn điệu, nhiều người cảm thấy trì trệ, uể oải, và buồn chán dẫn đến một sự sa sút thậm chí đến mức xao lãng và từ bỏ đời sống thiêng liêng và sứ mệnh của mình13.
1. Đời Sống Cộng Đoàn
Sống đời thánh hiến, ai cũng cảm nghiệm được niềm vui cũng như sự quan trọng của đời sống cộng đoàn. Tuy nhiên, để sống hài hòa và an bình với những khác biệt muôn màu về tính cách, phong cách sống, văn hóa lại là một thách thức cho người tu sĩ. Nhiều người đã không giữ được niềm vui trong đời sống vì họ không cảm nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ, cộng tác và hiệp thông lẫn nhau từ những người khác. Họ phải đối diện với một sự so sánh không lành mạnh, ganh đua, ghen tỵ, hiểu nhầm, thiếu kiên nhẫn và lòng khoan dung. Tất cả những điều này dần bóp nghẹt đời sống cộng đoàn, thay vì sự hiệp thông, sự chia rẽ và phân biệt sẽ len lỏi vào gây ra chia rẽ trong cộng đoàn. Chính khi không cảm nghiệm được niềm vui trong cộng đoàn, họ đánh mất niềm vui sống và nhiệt huyết dấn thân. Một số không cảm nghiệm được niềm vui khi nhìn thấy những gương sống chưa tốt lành từ những người thánh hiến khác. Cũng có những người cảm thấy chán chường với những luật lệ, nguyên tắc cứng nhắc, những khoảng cách và xung đột thế hệ.
2. Sứ vụ
Một số khác lại gặp khó khăn trong đời sống sứ vụ. Gánh nặng và những khó khăn trong trách vụ và công việc trong đời sống hằng ngày làm giảm đi nơi họ sức sống, lòng nhiệt huyết, tình yêu và sự dấn thân. Họ làm việc và thực hiện các trách vụ chỉ vì lợi ích danh nghĩa và thường không có niềm đam mê, niềm vui và sự nhiệt tình thực sự. Đôi khi họ làm việc quá tải, không còn thời gian để cầu nguyện, để xét mình, xem xét đời sống nội tâm và mối quan hệ với Thiên Chúa của họ tiến hay lùi hằng ngày. Họ không thể cảm nghiệm được niềm vui của Thiên Chúa khi họ ở trong sự hiện diện của Ngài. Dần dần, thay vì tìm kiếm Thiên Chúa và sống trong niềm vui của Ngài, họ chỉ tập trung vào công việc. Có lúc, họ cảm thấy thất vọng và đánh mất niềm vui khi họ không gặt hái được kết quả trong sứ vụ như họ mong đợi.
3. Phương tiện truyền thông
Sự đam mê, gắn bó quá mức và sử dụng cách chưa trưởng thành các phương tiện truyền thông hiện đại cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc sống các lời khấn. Vì nhu cầu việc học cũng như mục vụ, nhiều người được sử dụng điện thoại, máy tính cũng như các phương tiện truyền thông khác. Điều này thật ích lợi cho việc học, giao tiếp thậm chí cho việc loan báo Tin Mừng một cách nhanh và dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nó cũng đưa người thánh hiến vào những cám dỗ khác nhau một cách thật tinh vi, đặc biệt khi đời sống cộng đoàn phải đối mặt với chủ nghĩa cá nhân, sự thất vọng tạo nên xu hướng tìm kiếm sự thoải mái và vui vẻ từ các phương tiện điện tử này. Hậu quả, những phương tiện truyền thông này trở thành niềm vui cho họ thay vì niềm vui đến từ Thiên Chúa và đời sống cộng đoàn.
4. Bệnh tật
Ốm đau, bệnh tật cũng là một trong nguyên nhân làm cho một số người đánh mất đi niềm vui đích thực của mình. Đối với những người lớn tuổi, những người kinh qua những khổ đau, họ nhận thức cách sâu xa rằng, sau những khó khăn, thử thách, họ luôn nhận ra được niềm vui trong Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa là niềm vui duy nhất của họ. Tuy nhiên, cũng có một số, khi rơi vào tình trạng ốm đau, dễ cảm thấy vô dụng bởi vì họ không thể làm được việc gì, thay vào đó họ cảm thấy mình trở nên gánh nặng cho người khác. Hơn thế nữa, bệnh tật cũng dễ tạo ra một cảm giác cô đơn và bất lực trong trái tim của họ. Tất cả những điều này trở thành những cám dỗ ám ảnh họ từng ngày và khiến họ mất đi niềm vui sống đời thánh hiến.
5. Tương quan với thiên nhiên
Một số người không có được cảm thức mạnh mẽ mình là một phần của thiên nhiên, thuộc về thiên nhiên và gắn kết với thiên nhiên. Cuộc sống quá bận rộn làm cho họ không còn thời gian để khám phá vẻ đẹp và đón nhận được niềm vui mà thiên nhiên mang lại.
6. Huấn luyện
Việc thiếu một chương trình huấn luyện hợp lý và cập nhật cũng tạo ra một ảnh hưởng không nhỏ. Một số đã không đạt được sự trưởng thành mong đợi về đời sống thiêng liêng, tri thức, nhân bản (bao gồm tâm lý, cảm xúc, giới tính) và đời sống sứ vụ. Họ nín thở qua cầu trong giai đoạn huấn luyện và sau khi khấn trọn, họ sống đời sống thánh hiến một cách thụ động và máy móc. Hậu quả, họ đánh mất đi khả năng sống là chính họ, khả năng sống niềm vui từ đời sống hằng ngày, với thiên nhiên, các mối tương quan, thậm chí những giá trị thiêng liêng. Một số chưa có được sự hiểu biết cách sâu xa và đúng đắn về bản chất ý nghĩa cũng như những đòi hỏi của đời sống thánh hiến. Do đó, họ thiếu nhãn quan đức tin để có thể khám phá niềm vui trong mọi sự, thiếu sự trung tín trong việc sống các lời khấn. Khi gặp khó khăn thử thách, họ đi tìm sự cảm thông, nâng đỡ từ người khác, từ những công việc họ yêu thích thay vì tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và nguồn vui duy nhất của họ. Bởi đó, họ dễ rơi vào tình trạng buồn chán và muốn bỏ cuộc.
7. Đặc sủng Dòng
Lơ là trong việc ưu tiên sống đặc sủng dòng cũng là một nguyên nhân đáng kể. Đặc biệt ngày nay, thế hệ trẻ đang phải đối diện với những khó khăn khủng hoảng của xã hội hiện đại, làm cho họ trở nên những tu sĩ với vẻ mặt mệt mỏi, buồn chán giữa những con người mà họ được kêu gọi là chia sẻ niềm vui Tin Mừng cho họ. Với sự phát triển của xã hội, Dòng đã đón nhận những thay đổi tích cực và đáp ứng những nhu cầu của Giáo hội và xã hội. Tất cả đều cảm nghiệm được niềm vui trong việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người. Tuy nhiên, tinh thần sống đặc sủng của dòng nơi người trẻ hôm nay có phần thay đổi. Khi công việc mục vụ của dòng được mở rộng, đôi khi họ lại quá tập trung vào những công việc tông đồ chỉ đơn thuần là vì công việc mà quên đi vị trí ưu tiên là Đặc Sủng dòng.
8. Tương quan với Thiên Chúa
Trên tất cả, nguyên nhân sâu xa làm cho người tu sĩ mất đi niềm vui trong Thiên Chúa là khi họ đánh mất đi mối quan hệ mật thiết gắn bó với Người. Theo thời gian biểu, họ có đủ thời gian cho đời sống thiêng liêng. Tuy nhiên thời gian để nuôi dưỡng đời sống tâm linh nhiều khi đã bị xao lãng và thường trở nên những nghi lễ trống rỗng, trên môi miệng. Thời gian cho việc suy gẫm được rút ngắn lại bởi nhiều lý do khác nhau. Do đó, họ không còn nhìn thấy mọi sự xảy ra với cái nhìn đức tin, không thể nhận ra Thiên Chúa là sức mạnh và là niềm vui của họ, do đó thay vì sống tâm tình biết ơn. Thật đáng tiếc!
Lời mời gọi và sứ mạng của đời sống thánh hiến đòi hỏi người tu sĩ phải luôn ở lại trong niềm vui như chính Chúa Giêsu đã hứa ban thậm chí khi họ phải gieo vãi trong nước mắt. Do đó thế giới mà họ đang sống sẽ đón nhận Tin Mừng không phải từ những người chán nản, thất vọng, thiếu kiên nhẫn và đầy lo lắng nhưng từ những người có cuộc sống đầy tình yêu, niềm vui và lòng nhiệt thành, những người đã đón nhận được niềm vui từ Đức Kitô.
IV. Những cách thức hay con đường giúp ta làm sống lại niềm vui trong đời sống thánh hiến để sống “Niềm vui thuộc về”.
1. Xuất phát lại từ Đức Kitô để lớn lên trong mối hiệp thông với Thiên Chúa.
Đức Kitô chính là trung tâm của đời thánh hiến bởi đó, người tu sĩ cần phải gắn bó mật thiết với Người, mang lấy lối sống và hành động của Người “trở nên một với Người, mang cùng những tâm tình, cùng một lối sống” hay nói cách khác đó là một cuộc sống “bị Đức Kitô chiếm hữu”14. Trong Người, người tu sĩ được mời gọi hoán cải canh tân đời sống và được thúc đẩy để luôn làm sống lại tình yêu thuở ban đầu, tia sáng lôi cuốn họ bước theo Người.
Bí tích Thánh Thể là nơi chốn đặc trưng cho họ gặp được Chúa, là phương tiện của sự hiệp thông hằng ngày. Người tu sĩ phải đặt chỗ đứng trung tâm của việc cử hành thành lễ, và chuyên cần Chầu Thánh Thể lâu giờ mỗi ngày, để được tháp nhập vào thời gian của Thiên Chúa, được sưởi ấm cõi lòng, soi sáng tâm trí và được mở đôi mắt để nhận ra Người trong mọi sự15.
Thánh Alphongso từng nói: “Tu sĩ là cô dâu của Chúa Giêsu, vì thế họ có thể ở lại trong mối tương quan mật thiết với Người. Họ không cần phải đi bất cứ nơi đâu để thờ lạy Người bởi vì Người ở chung một mái nhà với họ, họ có thể gặp Người bất cứ khi nào họ muốn. Người luôn hiện diện nơi bí tích Thánh Thể, mở rộng vòng tay đón họ, lắng nghe họ, trả lời họ và chúc lành cho họ bằng những ơn lành của Người, để dạy dỗ họ như Người đã từng dạy dỗ các môn đệ16. Chính trong mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa, trái tim của người tu sĩ được gắn kết với trái tim của Người, họ sẽ biết được đâu là ý muốn của Người và khi đó, niềm vui đích thực sẽ ngập tràn tâm hồn họ. Họ luôn có được cảm thức thuộc về Thiên Chúa, được Thiên Chúa ở cùng và sẵn sàng hiến dâng con người và đời sống của mình cho Người.
2. Đọc - suy niệm - sống - chia sẻ Lời Chúa.
Lời Chúa là lời hướng dẫn, chất vấn, hình thành cuộc sống, là lương thực cho đời sống, cho việc cầu nguyện, cho cuộc hành trình hằng ngày và là nguyên lý hiệp nhất cộng đoàn17. Bởi thế, người tu sĩ cần phải liên lỉ lắng nghe, suy niệm và phải sống trong chính sự sống của Tin Mừng. Khi sống Tin Mừng, người tu sĩ sẽ tìm được khoảng bình an sâu thẳm tận bên trong cõi lòng, khám phá ra suối nguồn bất tận của niềm vui, một niềm vui luôn mới mẻ, và là nguồn cảm hứng cho mọi hoạt động dấn thân của đời thánh hiến, một niềm vui luôn luôn được tái sinh. Nhờ việc lắng nghe và để cho Lời Chúa biến đổi, người tu sĩ sẽ luôn có được niềm vui trong mọi cảnh huống, sẽ là nguyên lý của niềm vui, một niềm vui luôn có Chúa ở cùng và họ trở thành chứng tá Tin Mừng bình an cho nhân loại. Sống theo quy luật của Tin Mừng một cách say mê, là luôn gắn bó và say mến Chúa. Nhờ đó người tu sĩ có thể nói cho mọi người về Chúa, về hồng ân Cứu Độ của Ngài. Đó cũng là vai trò và sứ vụ “ngôn sứ” của người tu sĩ trong thời đại hôm nay. “Cầu nguyện là oxy của linh hồn” (Thánh Padre Pio).
3. Trung thành trong việc sống các lời khấn.
Lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục mà Đức Kitô đã sống được biểu lộ như một con đường thực hiện nhân vị cách viên mãn ngược lại với sự phi nhân hóa, là những phương dược chữa lành đời sống tinh thần con người, nói lên sự tự do và niềm vui sống các giá trị tin mừng18.
Trong đời sống thánh hiến, đôi khi người tu sĩ chỉ quan tâm tới việc tại sao mình quyết định trở thành một tu sĩ mà không tự hỏi rằng tại sao tôi lại quyết định chọn đời sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, cho rằng khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục chỉ là điều kiện đi kèm với ơn gọi thánh hiến. Bởi đó, để có thể trung thành, sống triển nở và tròn đầy điều mình đã chọn, người tu sĩ cần đưa ra cho mình những lý do đủ mạnh tại sao tôi lại chọn lối sống độc thân khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục? Tình yêu- được làm cha làm mẹ, sự tự do, quyền sở hữu là những điều căn bản của con người và ai cũng khao khát tìm kiếm, vậy tại sao tôi lại chọn lối sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục theo Đức Kitô? Khi đưa ra cho mình được những lý do đủ mạnh tại sao, người tu sĩ mới có đủ động lực, cũng như tìm cho mình những giải pháp thích hợp để sống điều mình đã tự nguyện cam kết. Và như thế, niềm vui của sự hy sinh, từ bỏ, hiến dâng và cả của cái chết sẽ luôn ngập tràn tâm hồn họ.
Lời khấn vâng phục là lời khấn quan trọng nhất giúp người tu sĩ sống tròn đầy lời khấn khiết tịnh và khó nghèo nhưng lại khó thi hành, bởi vì nó liên quan đến tự do, cái tôi và ý chí của họ. Khi từ bỏ ý chí, họ đang phải chết đi cho bản thân, và cần có một đức tin mạnh mẽ.
4. Huấn luyện
4.1 Giai đoạn sơ khởi19
4.1.1 Nhân bản:
Trước khi trở thành một tu sĩ, một nhà truyền giáo, người tu sĩ cần được đào luyện để trở thành một con người- một người Kitô hữu trưởng thành. Có 6 lãnh vực :
- Thể chất và khả năng cho công việc: cần phải có đủ sức khỏe để làm việc và thích ứng với những khó khăn của cuộc sống hằng ngày. Lao động giúp họ hiểu được giá trị của mọi công việc cũng như sự khó khăn vất vả của tha nhân. Do đó, cần phải giữ sức khỏe thể lý; ăn uống tập- thể dục- ngủ nghỉ cách đúng đắn và hợp lý; lao động thủ công; sự khổ hạnh, hy sinh.
- Sự cân bằng cảm xúc: Hiểu rõ bản thân cũng như thấu hiểu người khác, chế ngự cảm xúc tiêu cực để thích ứng với hoàn cảnh sống và kiểm soát các cảm xúc. Nó giúp họ có một sự lạc quan nơi bản thân, có khả năng thích nghi, tìm được sự hòa hợp trong một tập thể, có thể xử lý được những thăng trầm của cuộc sống với một sự bình tĩnh vốn có, dễ dàng nhận được sự hợp tác. Cần ý thức cảm xúc của mình, hiểu tại sao tôi lại cảm thấy như thế, học cách xử lý nó, hiểu người khác cảm thấy như thế nào và tại sao.
- Tương quan tốt đẹp với tha nhân: Theo các nhà nghiên cứu tại trường Đại Học Harvard, các mối quan hệ thân thiết mới là vấn đề quan trọng cho sự hạnh phúc và sức khỏe thể lý của con người. Để có được những mối quan hệ tốt, cần: Sống chân thành, Biết giúp đỡ, Biết Lắng nghe, Kỹ năng giao tiếp, Mở rộng vòng tay với tha nhân, Không nói xấu, Không tiết lộ bí mật khi nghe chuyện thầm kín của người khác, Không nói dối… Đây là những yếu tố quan trọng giúp ta sống hạnh phúc trong đời sống cộng đoàn.
- Sự hòa hợp tâm lý-tính dục: Nếu có sự hòa hợp tốt, nó sẽ làm cho người tu sĩ trở thành những con người ấm áp, đầy năng lượng, biết quan tâm, sáng tạo và dịu dàng. Cần đón nhận tính dục của mình với thái độ biết ơn, như là một trong những món quà tuyệt vời của Thiên Chúa, học cách để hòa hợp nó với các yếu tố khác một cách chân thành, khiêm tốn dưới sự hướng dẫn khôn ngoan.
- Sử dụng tự do có trách nhiệm: Khi người thụ huấn cảm thấy được yêu thương và sự chân thành của người huấn luyện, họ sẽ mở rộng trái tim, chấp nhận sự sửa dạy, sửa chữa sai lầm, có khuynh hướng để làm điều tốt dù đôi khi hơi chậm trễ, theo cách riêng của họ. Nhà huấn luyện cần tạo cho họ những cơ hội để học hỏi, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm về các lĩnh vực:
+ Hạnh phúc: Người khác có thể làm nhiều điều cho tôi, họ có thể giúp tôi hoặc làm tổn thương tôi, nhưng họ không thể cho tôi hạnh phúc. Tôi có trách nhiệm tạo hạnh phúc cho chính mình.
+ Lòng tốt: Hội dòng, cộng đoàn có thể cho tôi nhiều cơ hội. Nhưng nó không thể làm cho tôi tốt. Tôi có thể tiếp tục trong đời sống thánh hiến và trở thành một vị thánh hay một kẻ lừa đảo.
+ Những quyết định chính: Những quyết định chính của cuộc đời tôi là do tôi quyết định. Người khác không thể quyết định thay cho tôi.
+ Sử dụng thời gian, khả năng và cơ hội: làm sao để tôi sử dụng 3 món quà này một cách trưởng thành?
- Tiếp xúc với thực tế: Khi mọi thứ được cung cấp sẵn, người tu sĩ dễ đánh mất đi cơ hội để đương đầu với những khó khăn của con người, trở nên không có trách nhiệm, đòi hỏi cách vô lý và không thể hiện được lòng thương xót. Cần có sự tiếp xúc với đời sống thực tế, nghĩa là tiếp xúc với mọi người từ nhiều hoàn cảnh khác nhau – tôn giáo, ngôn ngữ, nôi chốn, sắc tộc,…
4.1.2 Tri thức
Người tu sĩ cần ý thức học tập là một phương thức giáo dục toàn diện con người, giúp họ trau dồi tri thức, mở rộng tầm nhìn, chuyển hóa bản thân, phát huy óc phán đoán- sáng tạo, say mê tìm kiếm chân thiện mỹ, tìm kiếm Thiên Chúa và phục vụ sứ mạng của Người cách hữu hiệu.
4.1.3 Thiêng liêng
Đời sống thiêng liêng phải được đặt lên hằng đầu đối với người tận hiến. Họ phải luôn quy hướng về Thiên Chúa là trung tâm đời sống của họ. Họ phải để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn để có thể hiểu – yêu - say mê Chúa Giêsu, bước theo Người sát hơn, sống thân tình với Người hơn, khao khát mặc lấy lối sống của Người và chia sẻ trọn vẹn sứ mạng của Người20.
4.1.4 Sứ vụ
Người tu sĩ cần được đào luyện để có thể yêu thương với trái tim của Đức Kitô, đi tới nơi Người đã đi và làm điều Người đã làm (X. Mt 20, 28); chăm sóc hình ảnh Thiên Chúa đang bị bóp méo trên bộ mặt anh chị em mình, trong những nền văn hóa khác nhau, nhìn thấy Chúa trong mọi sự và nhìn mọi sự trong Chúa21. “Đời sống tu trì của người tu sĩ phải thấm nhiễm tinh thần truyền giáo và tất cả hoạt động truyền giáo của họ đều được thấm nhuần tinh thần tu trì” (ĐC. Phêrô Nguyễn Huy Mai).
4.2 Thường Huấn22:
Sống thánh hiến là phải không ngừng bắt chước thái độ của Đức Kitô. Bởi đó, người thánh hiến phải tự huấn luyện mình qua cuộc sống hằng ngày, qua cộng đoàn, tha nhân, môi trường sống, qua việc cầu nguyện và hoạt động tông đồ, qua những niềm vui và nỗi buồn trong đời sống. Cần phải có tinh thần học tập suốt đời ở mọi lứa tuổi, mọi giai đoạn, bối cảnh nhân loại, từ mọi người, mọi nền văn hóa để có thể học hỏi bất cứ mọi sự thật, vẻ đẹp chung quanh. Biết học hỏi những điều tích cực của thời đại. Cởi mở với người khác, tôn trọng sự khác biệt, nhất là nắm bắt vấn đề của thời đại trở nên rất cần thiết để có thể hòa nhập chứ không hòa tan.
5. Noi gương Mẹ Maria- mẫu gương sống niềm vui
Ngay từ những trang đầu tiên của Tin Mừng, Thánh Sử Luca đã phác họa hình ảnh Mẹ Maria tràn đầy niềm vui, không ngừng ca ngợi Thiên Chúa. Đó là niềm vui từ nội tâm, một cảm thức sâu sắc vì được yêu, là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Trái tim của Mẹ đã bị lưỡi gươm đâm thâu nhưng niềm vui của Mẹ không bị suy giảm hay mất đi. Niềm vui của Mẹ được khởi đi từ sự ý thức sâu xa Mẹ là người được tuyển chọn, được thánh hiến, được yêu, được bảo vệ, là Mẹ của Thiên Chúa- người gần nhất với Đấng Cứu Thế-nguồn mạch của niềm vui . Cũng như Mẹ Maria, người tu sĩ phải ý thức sự thánh hiến chính là một dòng suối sống động của niềm vui. Khi ý thức sâu xa mình là người được kêu gọi để sống như Giêsu, được tham gia vào sứ vụ của Người, được đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần giúp ta biến đổi mỗi ngày, được mời gọi vào sự hiệp thông với Ba Ngôi làm cho niềm vui ngập tràn tâm hồn họ. Niềm vui khởi đi từ sự nhận thức này sẽ không bao giờ bị tàn lụi dẫu bị bủa vây bởi biết bao khó khăn, thử thách, vất vả và chịu đựng.
6. Trung thành với tinh thần dòng và dấn thân cho sứ mạng
“Khỉ không thể sống dưới nước, Cá không thể leo cây”, bởi đó, người tu sĩ sẽ không có được niềm vui thực sự nếu không sống đúng căn tính của mình là sống theo tinh thần Đặc Sủng của Dòng.
Khi bản thân đã được nếm cảm suối nguồn niềm vui đích thực từ Thiên Chúa, người thánh hiến không thể không nói về niềm vui ấy cho tha nhân. Truyền giáo là say mê Đức Kitô nhưng đồng thời cũng là say mê dân của Người. Do đó, người tu sĩ truyền giáo phải dấn thân, gần gũi với dân chúng, phát triển cảm thức thuộc về họ, trở thành người của họ, hội nhập chia sẻ cuộc sống, lắng nghe những lo lắng ưu tư của họ, sát cánh với họ. Đây chính là nguồn của một niềm vui lớn lao, khi làm được điều đó, người tu sĩ sẽ cảm nghiệm được niềm vui truyền giáo, làm cho cuộc đời họ trở nên ý nghĩa. Cần giữ một khoảng cách an toàn, nhưng dám đụng chạm vào sự khốn cùng và đi vào thực tại đời sống của họ với tình yêu và lòng thương xót. Một nhà truyền giáo hết lòng tận tụy sẽ trải nghiệm trong công việc của mình một niềm vui được trở thành một nguồn suối, làm cho người khác được tràn đầy và tươi trẻ . Đòi hỏi chính của thời đại chúng ta đối với sứ vụ là sự sáng tạo. Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và niềm vui thích của Ngài là sáng tạo vũ trụ. Ngài không chỉ làm nên thụ tạo mà còn làm nên những người sáng tạo.
7. Tương quan với thiên nhiên25
Thiên nhiên chất chứa đầy lời của tình yêu. Cảm thức thuộc về giúp người tu sĩ nhận ra rằng thiên nhiên chính là “mẹ”, là “anh chị em” của họ. Hạnh phúc đòi buộc người tu sĩ phải biết thu hẹp lại một số nhu cầu, và như thế, họ có thể sẵn sàng cho nhiều niềm vui do cuộc sống đem đến. Do đó, người tu sĩ cần phát triển ý thức điều độ và khiêm tốn thăng bằng với môi trường. Chăm sóc môi sinh, gắn bó, yêu mến thiên nhiên và sống hài hòa với giai điệu tự nhiên của vũ trụ, giúp họ có được lối sống thăng bằng, khám phá ra những kinh ngạc, đưa cuộc sống vào trong thâm sâu của niềm vui và bình an nội tâm.
V. Kết Luận
“Niềm vui thuộc về ” là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Tự bản chất, khi tạo dựng và cho ta hiện hữu trên thế gian chúng ta đã thuộc về Thiên Chúa và thuộc về nhau. Niềm vui thuộc về Chúa, Giáo hội, Hội Dòng hay tha nhân đòi hỏi ta phải có thái độ của một trái tim đầy lòng biết ơn. Lòng biết ơn chính là chìa khóa của niềm vui. Lòng biết ơn giúp người tu sĩ lệ thuộc vào Thiên Chúa, nhận ra rằng tất cả những gì ta có đều là ân ban. Khi có được lòng biết ơn, ta hoàn toàn sống mỗi giây phút như một quà tặng của Thiên Chúa, sống một cách trọn vẹn và sung mãn, dễ dàng khám phá ra những niềm vui từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống. Chính lòng biết ơn sẽ giúp ta kết hợp với Thiên Chúa, liên đới với tha nhân và môi sinh và như thế cuộc sống của ta sẽ tràn đầy niềm vui.
Meryt, MRP