CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG WEB TRUYỀN THÔNG GIÁO XỨ THÁNH TÂM      (website đang được phát triển - eMail: GXThanhTamHN@gmail.com) Giám mục Cartagena của Tây Ban Nha kêu gọi không dùng bạo lực chống người nhập cư Trước các cuộc đụng độ giữa các nhóm cực hữu và các nhóm thanh niên gốc Maghreb ở Bắc Phi, vào những ngày cuối tuần qua, Đức cha José Manuel Lorca Planes, Giám mục Cartagena kêu gọi người dân Torre Pacheco tiếp tục sống như những Kitô hữu, “tránh mọi hành vi cực đoan”, và làm chứng cho hòa bình, tình yêu và sự tha thứ. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha Lêô và sự hồn nhiên của một em bé qua một cái ôm bất ngờ Trong bản Tin nội bộ của Tỉnh Dòng Augustinô Ý, cha Bruno Silvestrini phụ trách Phòng thánh của Giáo hoàng, kể lại một khoảnh khắc đầy trìu mến mà ngài đã chứng kiến vào tháng Sáu vừa qua tại Dinh Tông Tòa: Trong một buổi tiếp kiến riêng với một gia đình, một em bé - thành viên của gia đình - đã chạy đến phía Đức Thánh Cha. Và ngài đã cúi mình xuống để ôm em vào lòng trong một cái ôm trìu mến. Đọc tất cả   TGM Jacques Mourad: Chúa Giêsu muốn Giáo hội tiếp tục ở lại Syria Đức Tổng Giám Mục Jacques Mourad của Homs, Hama và Dabek, ở Syria nói với hàng tin Fides của Bộ Loan báo Tin Mừng rằng, mặc dù tình hình bi thảm, nhưng Giáo hội vẫn tiếp tục ở lại với người dân Syria, vì đây là ý muốn của Chúa Giêsu. Đọc tất cả   Khủng hoảng nhân đạo tại Gaza: Caritas Giêrusalem kêu gọi ngừng bắn và hành động khẩn cấp Ngày 14/7, Caritas Giêrusalem và UNICEF đồng loạt cảnh báo về mức độ tàn phá chưa từng có tại Dải Gaza, nơi mạng sống con người đang bị đe dọa từng ngày. Các tổ chức Công giáo và nhân đạo tiếp tục lên tiếng vì phẩm giá con người và tính thánh thiêng của sự sống. Đọc tất cả   Kinh Truyền Tin (13/7): Khát vọng sống đời đời của con người Sau khi dâng Thánh Lễ tại nhà thờ thánh Tôma, Đức Thánh Cha đã ra quảng trường Tự do ở Castel Gandolfo, nơi ngài nghỉ hè, để chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường. Đọc tất cả   ĐTC Lêô dâng Thánh Lễ tại Castel Gandolfo: Hãy đi và cũng hãy làm như vậy Sáng Chúa Nhật ngày 13/07, Đức Thánh Cha Lêô đã dâng Thánh Lễ tại Giáo xứ thánh Tôma ở Castel Gandolfo, nơi ngài đang nghỉ hè trong tháng 7. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng trưởng bộ Phục vụ Phát triển con người toàn diện và Đức cha Vincenzo Viva, giám mục của Albano, và một số linh mục của giáo phận. Đọc tất cả   Châu Âu được kêu gọi đưa ra kế hoạch chống lại chủ nghĩa bài Kitô giáo Hiệp hội "Đài quan sát Tự do Tôn giáo và Lương tâm" đang kêu gọi Liên minh Châu Âu lập một kế hoạch chống lại chủ nghĩa bài Kitô giáo, như các kế hoạch chống chủ nghĩa bài Do Thái và bài Hồi giáo đã có hiệu lực ở Châu Âu. Đọc tất cả   Thêm một nhà thờ Kitô giáo cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ bị chuyển thành đền thờ Hồi giáo Nghị sĩ Kitô giáo của phong trào Dân chủ người Kurd George Aslan đã đưa ra cảnh báo rằng giống như hai đền thờ Hagia Sophia và Chora, từng là đền thờ Kitô giáo bị chuyển thành bảo tàng và hiện tại là các đền thờ Hồi giáo, nhà thờ chính tòa Ani, một nhà thờ cổ của người Armenia, được xây dựng từ thế kỷ 10 tại tỉnh Kars, gần biên giới Armenia, cũng có nguy cơ chịu chung số phận. Đọc tất cả   Sổ tay thông tin cần thiết cho Ngày Năm Thánh Giới trẻ Vatican đã cho công bố "sổ tay" tổng quát trực tuyến cho các bạn trẻ hành hương tham dự Ngày Năm Thánh Giới trẻ, được tổ chức tại Roma từ ngày 28/7 đến ngày 3/8/2025. Sổ tay bao gồm mọi thông tin cần thiết cho sự kiện, từ chương trình đến ứng dụng, từ bộ dụng cụ đến "Julia", trợ lý ảo giải thích cách di chuyển trong thành phố. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha mời gọi các tu sĩ tham gia cuộc phiêu lưu "theo sát Chúa Kitô" Sáng thứ Bảy ngày 12/7/2025, tại Dinh thự Giáo hoàng ở Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha Lêô đã tiếp các tu sĩ tham dự các tổng tu nghị của Hội Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại, thường được gọi tắt là PIME; và các dòng nữ: Maestre Pie Filippini, Maestre Pie Venerini, Nữ tử của Giáo hội, Salêdiêng Hiến sĩ Thánh Tâm, Phanxicô Thiên thần nhỏ, Hiến sĩ Chúa Giêsu và Mẹ Maria và Nữ tử Đức Maria, còn gọi là Scolopie. Ngài cảm ơn công việc và sự hiện diện trung thành của họ ở nhiều nơi trên thế giới. Đọc tất cả  

Tin Tức

ĐAU KHỔ Có Thể Là Một MỐI PHÚC Cho Chúng Ta - Tác giả: Giuse hạt bụi tro

18/07/2022 - 56
ĐAU KHỔ Có Thể Là Một MỐI PHÚC Cho Chúng Ta
Suy tư về thái độ sống đức tin khi đối diện với đau khổ

 

 
Ai trong chúng ta cũng đã từng chứng kiến và nếm trải những nỗi đau. Có những lúc cuộc sống tưởng chừng như vô vọng và hoàn toàn bế tắc. Thiên Chúa cũng có vẻ im lặng! Chúng ta mong đợi một sự giải thoát nhưng chẳng ai có thể cứu giúp, ngoài chính mình. Hãy tự rèn luyện cho mình một thái độ sống đức tin, để vững tâm giữa sóng gió cuộc đời. Hãy học từ Chúa Giêsu cách đối diện với đau khổ, và bạn sẽ có một cuộc sống an vui tự tại trong đức tin.

Đau khổ, một thực tại của cuộc sống nhân sinh

 

 
Ai trong chúng ta cũng đã từng chứng kiến và nếm trải những nỗi đau. Ngay cả khi đang sung sướng hạnh phúc nhất, thì vẫn còn đó những điều khiến chúng ta chưa như ý, toại lòng. Người ta hay nói: đời không như là mơ. Chính bởi vì cuộc đời không được như ý, nên người ta mới mơ ước và mộng tưởng những điều mình muốn mà không được. Nhưng rồi, thực tế lại không được như mơ, nên phải chấp nhận một cuộc sống không trọn vẹn như mơ. 
Dường như sự khiếm khuyết và trái ý luôn tồn tại trong cuộc sống. Có biết bao nhiêu cái nghịch lý đến lạ. Cùng một sự kiện, nhưng nó là nỗi đau cho người này và lại là niềm vui cho kẻ khác. Bởi thế, cách tốt nhất để an vui hạnh phúc không phải là phủ nhận hay tránh né cái khiếm khuyết - chưa trọn vẹn, nhưng là chấp nhận nó và tìm yêu những cái tốt đẹp đang tồn tại nơi nó.
 
Cuộc sống chỉ ý nghĩa khi có một lý tưởng để sống

 

 
Có một lý tưởng để sống và một thái độ sống tích cực là nền tảng cho một cuộc sống hạnh phúc. Lý tưởng của người đi tu là theo Chúa Giêsu và trở nên giống Ngài. Người lập nghiệp thì mang lý tưởng làm giàu. Người lập gia đình thì có lý tưởng làm cho người mình yêu được hạnh phúc…

Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi chúng ta tìm được một lý tưởng để sống. Tôi sống để làm gì? Tôi có ý nghĩa gì cho những người xung quanh tôi và thế giới này? Tầm tay của chúng ta nhỏ bé lắm, và sức ảnh hưởng của chúng ta cũng nhỏ bé theo những giới hạn của bản thân. Tuy nhiên, chính Thiên Chúa đã tạo dựng đôi tay nhỏ bé đó, và Người tuôn đổ biết bao nhiêu hồng ân xuống đôi tay ấy. Vì thế, Thiên Chúa không muốn chúng ta sống trong đau khổ. Người muốn chúng ta sống hạnh phúc, làm việc và mang lại ý nghĩa cho đời, cho người, trong tầm tay của chúng ta.

Chính chúng ta là người quyết định màu sắc cho cuộc sống của mình, và cách chọn lựa một thái độ sống đúng đắn khi đối diện với sự dữ và đau khổ có ảnh hưởng tiên quyết đến sự bình an và hạnh phúc của chúng ta. Đó là điều mà chúng ta cần phải học hỏi và rèn luyện mỗi ngày. Nếu chúng ta không thể thay đổi những sự kiện xảy đến với mình, thì hãy thay đổi thái độ khi đối diện với chúng. Ít ra, chúng ta sẽ không bị chúng đè bẹp, và có thể vững tâm vượt qua bão tố.

Ở đây, chúng ta không đi tìm nguyên nhân tại sao lại có đau khổ, làm sao để thoát khỏi chúng, Thiên Chúa ở đâu khi chúng ta gặp đau khổ... Thật may mắn cho chúng ta là những Kitô hữu, những người có niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta có Chúa Giêsu Kitô là Con Đường để bước đi. Hãy bước theo Ngài và ở lại với Ngài, để xem cách Ngài đối diện với đau khổ như thế nào mà học theo. 

Bài học đối diện với đau khổ từ Chúa Giêsu 

 

 
Khi đến trần gian, Chúa Giêsu không hề tìm kiếm đau khổ, cũng không dẹp bỏ nó ra khỏi trần gian. Khi đối diện với đau khổ, Chúa Giêsu không hề lẩn trốn, mà anh dũng đương đầu với tất cả niềm tin và tình yêu thương trong trái tim Ngài. 

Chúa Giêsu đã muốn chia sẻ mọi kinh nghiệm đau thương nhất của phận người. Ngài không yêu thương chúng ta cách nửa vời. Ngài không chỉ muốn nếm thử đau khổ một tí cho biết, rồi thôi, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang Thiên Chúa, để trở nên giống phàm nhân mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi (x. Dt 7,15). Như thế, Con Thiên Chúa đã đảm nhận trọn vẹn cuộc sống con người, nếm trải đủ mọi kinh nghiệm thất bại, đau khổ, bệnh tật, bị phản bội, bị chối bỏ, sỉ nhục, và cái chết đau thương. 

Tân ước không trình bày sự dữ và đau khổ như một thực tại tự nó có giá trị. Chính Chúa Giêsu cũng muốn tránh sự đau khổ, khi cầu nguyện trong vườn Giêtsêmani (x. Lc 22,42). Bởi lẽ, đau khổ không làm Thiên Chúa vui lòng, nhưng là cách thức Chúa Giêsu đón nhận nó. Ngài chấp nhận trong tâm tình hết mực tin yêu - vâng phục Chúa Cha và yêu thương con người.

Chúa Giêsu không miễn cưỡng cam chịu đau khổ và sự chết, nhưng đã chấp nhận một cách tự do. Ngài đã có thể tránh được cái chết, nhưng vẫn kiên quyết chấp nhận vì tình yêu. Ngài vẫn xin cho ý Cha thể hiện. Sự tuân phục của Chúa Giêsu không nằm ở chỗ thụ động chấp nhận, nhưng ở chỗ Ngài không từ bỏ đau khổ vì tình yêu, vì một sứ mạng, dẫu cho sứ mạng đó rất khó khăn, đòi hỏi nhiều nghị lực, nguy hiểm, và không được kẻ khác thấu hiểu hay đồng cảm.

Đau khổ có thể là một mối phúc cho chúng ta

 

 
Thái độ của người Kitô hữu trước đau khổ không phải là kiêu hãnh hay lạnh lùng như các triết gia khắc kỷ, cũng không phải là tránh né hoặc đặt cho nó một cái tên khác. Thư thứ nhất của thánh Phêrô khuyên bảo các Kitô hữu: chúng ta không hề tìm kiếm đau khổ để noi gương Chúa Giêsu. Tuy nhiên, nếu nó xảy đến, hãy đau khổ với Chúa Giêsu, vì chúng ta sẽ được hiển trị với Người. 

Khi phải đối diện với đau khổ, chúng ta không thể tránh qua một bên hoặc làm như thể không có gì xảy ra. Tốt hơn, chúng ta hãy hiểu rằng sự dữ và đau khổ có thể là một mối phúc cho chúng ta. Nói gì nghe nghịch lý thế! Tuy nhiên, đó chính là điều mà thánh Phêrô muốn nhắc nhở chúng ta: 
Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng thì đó là ơn Thiên Chúa ban. Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người” (1Pr 2, 20-21).

Trước sự dữ và đau khổ, các Kitô hữu không giỏi giang hơn những người khác. Kể cả kinh nghiệm đau khổ của Chúa Giêsu cũng không thể mang lại một lời giải đáp thỏa đáng nào về mặt lý thuyết cho chúng ta. Tuy nhiên, là người Kitô hữu, chúng ta hạnh phúc hơn những người khác vì xác tín rằng: trong Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã đến trần gian không phải để mang tới một lời giải thích cho câu hỏi tại sao lại có sự dữ và đau khổ, nhưng là để hiện diện với con người. Chúa Giêsu đến trần gian không phải để tiêu diệt đau khổ, nhưng để đau khổ với chúng ta. Ngài đến trần gian không phải để loại bỏ thập giá, nhưng để nằm lên đó.

Thú thật, chúng ta không thể có được một câu trả lời thỏa đáng cho vấn nạn tại sao lại có đau khổ. Điều mà chúng ta biết là: chính Chúa Giêsu, Thiên Chúa của chúng ta, đã đi qua lối đó. Và rồi, Ngài khẳng định với chúng ta: chính Ngài là con đường, là sự thật dẫn đưa tới sự sống đích thực. Ngài đã nếm trải đủ mọi đau khổ và mang tới cho nó một ý nghĩa, bằng thái độ chấp nhận nó vì người khác, trong tình yêu, trong tinh thần phục vụ, và liên đới với Thiên Chúa và con người.

Chính vì thế, Ngài đã được Thiên Chúa Cha tôn vinh và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu (x. Pl 2,9). Khi siêu tôn Chúa Giêsu, Chúa Cha chứng nhận và vui lòng trước phương cách sống và thái độ đối diện trước đau khổ của Chúa Giêsu, cũng như của mỗi người chúng ta, nếu chúng ta bước đi trên chính con đường mà Ngài đã đi qua. 

Một thái độ sống hiên ngang trước đau khổ và sự dữ như Chúa Giêsu không tự dưng mà có được. Không còn cách nào khác, muốn giỏi thì chúng ta phải học thôi; học từ những chứng nhân.

Chứng nhân của tình yêu và hy vọng

 

 
Giáo hội Việt Nam rất tự hào khi có một vị Giám mục thánh thiện, giỏi giang và nổi tiếng khắp đó đây. Đó chính là Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài đã phải trải qua hơn 13 năm tù đày với biết bao nhiêu khó khăn gian khổ, khó mà diễn tả hết được. Đọc lại các chứng từ ngài để lại, chúng ta có thể hiểu được phần nào những gian khổ mà ngài đã chịu và cách ngài đối diện với chúng như thế nào.

Trong tác phẩm “Năm Chiếc Bánh Và Hai Con Cá”, ngài có kể ra một số những khốn khó trong tù và cách ngài đối diện với chúng ra sao để làm chứng nhân cho Chúa. Giữa biết bao nhiêu gian lao thử thách, đòn roi, sỉ nhục, nhồi sọ… ở các trại giam, ngài vẫn đón nhận với thái độ của một người có đức tin, một chứng nhân của tình yêu và hy vọng, kiên cường như một vị thánh.

Trong một đêm đông lạnh giá nọ, ngài nghe có tiếng nhắn nhủ rằng: “Tại sao con dại thế? Con còn giàu lắm: con mang tình thương Chúa Giêsu trong tim con. Hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu con.” Từ hôm đó, ngài bắt đầu yêu mến họ, yêu mến Chúa Giêsu trong họ, tươi cười với họ, trao đổi đôi ba câu với họ, là những kẻ xem ngài như kẻ thù, như một đối thủ cần phải đàn áp và loại bỏ.

Chính nhờ thái độ sống tích cực trong đức tin như thế, ngài đã tạo được một tương quan tốt với những người đàn áp ngài. Dần dần họ trở thành bạn của ngài. Những chiến sĩ canh gác ngài đã trở thành học trò của ngài. Ngoài ra, ngài còn cảm hóa được rất nhiều bạn tù khác. Như thế, con người và cách sống của ngài trong gian khổ là chứng từ gần gũi và hùng hồn cho chúng ta noi theo.

Trong tác phẩm “Đường Hy Vọng”, từ số 691 đến số 717, Đức Hồng Y cũng chia sẻ với chúng ta những kinh nghiệm khi đối diện với đau khổ - trái ý. Xin biên soạn ra đây một số lời khuyên hữu ích của ngài về gian khổ và thái độ đối diện với nó.

Gian khổ là cơm bữa của đời người. Đường con đi có hoa thơm, cảnh đẹp, có chông gai, có hùm beo, có bạn hiền, có trộm cướp gian manh, lúc mưa sa, lúc nắng cháy… Đó là chuyện bình thường, không thể tránh được. 

Đau khổ sẽ nặng nề nếu con khiếp sợ và trốn tránh, nhưng đau khổ sẽ dịu dàng nếu con can đảm chấp nhận. Hãy hiệp nhất với Chúa Giêsu trong những giây phút hãi hùng tăm tối nhất của đời con. Bình an sẽ trở lại và con sẽ nói được như Chúa Giêsu: Con phó mạng sống con trong tay Cha.

Giá trị cứu chuộc của đau khổ sẽ rất lớn lao, nếu con hiệp với sự thương khó của Chúa Giêsu. Vì quả thật, không có cơn thử thách nào lớn hơn thử thách của Chúa Giêsu trên thánh giá. Lúc sắp hấp hối, tâm hồn Ngài còn cảm thấy chính Chúa Cha cũng bỏ rơi mình. Ngài đã phải thốt lên nỗi đau khổ ê chề nhất trong đời Ngài: Sao Cha bỏ rơi con? 

Trong giờ tử nạn, Chúa Giêsu đã đem theo những tông đồ mà Ngài yêu thương nhất. Con có sợ Chúa thương con không? Con phản đối bất công. Lòng con tức tối trước việc xảy đến gây khổ tâm cho con. Hãy nghĩ lại xem, Chúa Giêsu đã làm gì nên tội mà phải chịu đóng đinh? Như thế có công bình không? Gian nan luyện người Chúa đã muốn cho chịu đau khổ, để thông cảm với người đau khổ.

Trong gian khổ có ba điều con nên tránh: đừng điều tra tại ai. Hãy cảm ơn dụng cụ Chúa dùng để thánh hóa con; Đừng than thở với bất cứ ai. Chúa Giêsu Thánh thể, Đức Mẹ là nơi con tâm sự trước hết; Khi đã qua, đừng nhắc lại và trách móc, hận thù. Bỏ qua đi, và nói Alleluia. Và rồi, nếu gặp cơn đau khổ cực độ, con hãy nhìn lên thánh giá, ôm choàng lấy thánh giá và con sẽ thinh lặng đứng vững như Đức Mẹ. Thánh giá chính là phương pháp Chúa muốn tôi luyện con đó.

Để tóm kết, chúng ta có thể nhắc lại lời của ông Gióp, hầu làm phương châm sống cho chính mình khi phải đối diện với đau khổ - trái ý, để tìm ra thánh ý Chúa trong mọi sự. Vững tin rằng “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).

Thân trần truồng sinh từ lòng Mẹ, tôi sẽ trở về lòng đất cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi. Người muốn sao nên vậy. Xin chúc tụng Danh Người. Chúng ta biết đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?” (G 1,21; 2,10)

Giuse hạt bụi tro


× Thành công! Câu hỏi của cộng đoàn đã được gửi. Câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.