CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG WEB TRUYỀN THÔNG GIÁO XỨ THÁNH TÂM      (website đang được phát triển - eMail: GXThanhTamHN@gmail.com) Đức Thánh Cha Lêô XIV mời gọi các tu sĩ Dòng Augustinô sống hiệp thông và gần gũi nhau Thứ Ba 13/5/2025, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã bất ngờ đến trụ sở Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Augustinô, gần Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài đã dâng Thánh lễ trong nhà nguyện của cộng đoàn và dùng bữa trưa với các tu sĩ đang cư ngụ tại đây. Đọc tất cả   Bài hát “KINH KÍNH MỪNG” - Vatican News Tiếng Việt phát hành nhân ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima – 13/5 🎶 “Kính Mừng Maria…” – lời kinh quen thuộc với mỗi người Công giáo, nay hoà trong một giai điệu mới, nhẹ nhàng và thánh thiện. Đọc tất cả   Ảnh hưởng của Đức Thánh Cha Lêô XIV giúp gia tăng hoạt động bác ái trong Giáo hội Theo ông Ward Fitzgerald, Chủ tịch tổ chức “Papal Foundation”, một tổ chức bác ái của Tòa Thánh có trụ sở tại Hoa Kỳ, các hoạt động bác ái của Giáo hội có thể gia tăng dưới triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Lêô XIV. Đọc tất cả   Ngày Năm Thánh các Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương Ngày Năm Thánh dành cho các Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương diễn ra từ ngày 12 đến 14/5, với sự tham dự của khoảng 5.000 tín hữu cùng với các thượng phụ và tổng giám mục trưởng, đến từ Ý, Hoa Kỳ, Ucraina, Tây Ban Nha, Ethiopia, Pháp, Brazil, Argentina, Mexico, Canada, Pakistan, Colombia và Bangladesh. Đọc tất cả   Toà Thánh mời gọi Kitô hữu và Phật tử đối thoại để giải quyết thách đố ngày nay Nhân lễ Phật Đản, ngày 12/5/2025, Bộ Đối thoại Liên tôn gửi sứ điệp đến các cộng đồng Phật giáo trên toàn thế giới, mời gọi các Kitô hữu và các Phật tử đối thoại để giải quyết những thách đố ngày nay. Đọc tất cả   Các cử hành phụng vụ của Đức Thánh Cha trong tháng 5 Chúa Nhật ngày 18/5/2025, Đức Thánh Cha Lêô XIV sẽ chủ sự Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Giám mục Roma. Điều này đã được Văn phòng Phụng vụ của Đức Thánh Cha xác nhận trong lịch cử hành phụng vụ của ngài trong tháng 5. Đọc tất cả   Tổng thống Ucraina điện đàm với Đức Thánh Cha Lêô và mời ngài thăm Ucraina Tổng thống Ucraina, Volodymyr Zelensky, thông báo qua tài khoản mạng xã hội X rằng ông đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV và cảm ơn ngài vì sự ủng hộ dành cho Ucraina. Ông cũng cho biết đã mời Đức Thánh Cha Lêô XIV thăm Ucraina. Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, Matteo Bruni, đã xác nhận tin này. Đọc tất cả   Thánh Lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV (18/05) Múi giờ: 10:00 sáng giờ Roma, tức 15:00 giờ Việt Nam. Đọc tất cả   Ngày Năm Thánh các Ban nhạc: Tổng Giám mục Fisichella mời gọi hãy tiến tới trong sự thiện Sáng Chúa Nhật ngày 11/5/2025, Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, Trưởng ban tổ chức Năm Thánh 2025, đã cử hành Thánh lễ với hơn 13 ngàn tham dự viên Ngày Năm Thánh các ban nhạc và giải trí đại chúng. Ngài mời gọi họ hãy ca hát, chơi nhạc nhưng đừng dừng lại; hãy tiến lên trong điều thiện. Đọc tất cả   Người nghèo vui mừng và xác tín Đức Thánh Cha Lêô XIV được Thánh Thần chọn Đức Hồng Y Konrad Krajewski, Tổng trưởng Bộ Bác ái cho biết người nghèo, đặc biệt những người nghèo sống gần khu vực Quảng trường Thánh Phêrô, rất vui mừng vì cuộc bầu chọn Đức tân Giáo Hoàng và khẳng định chính Chúa Thánh Thần đã chọn ngài. Đọc tất cả  

Tin Tức

Chúa Nhật XXI TN A - Chúa Giêsu Là Ai?

21/08/2023 - 91
Chúa Nhật XXI TN A
Mt 16,13-20
Chúa Giêsu Là Ai?


Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 15-16)

Lời Chúa hôm nay là một đoạn trao đổi giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Sau thời gian theo Thầy, các môn đệ được chứng kiến biết bao phép lạ Thầy làm, được nghe những lời bàn tán, khen ngợi và thán phục về Thầy mình. Hôm nay, Chúa Giêsu hỏi: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” (Mt 16,13). Nhưng Chúa Giêsu muốn các môn đệ trả lời về chính cảm nghiệm của họ, sau khi đã sống với Thầy: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15). Chúa Giêsu cũng đang hỏi chúng ta câu hỏi đó. Liệu chúng ta cảm nghiệm Ngài là ai đối với chúng ta?

Riêng ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16). Chúa Giêsu nói không phải tự ông nói ra điều ấy nhưng nhờ Thánh Thần của Chúa Cha mặc khải và tác động nơi ông. Ông Phêrô vốn bộc trực, khẳng khái và chân thành. Tin mừng thuật lại khá nhiều những cuộc đối thoại giữa ông và Chúa Giêsu. Nhất là đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa đặt ông làm Tảng Đá và trao cho ông chìa khoá Nước Trời: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16,18-19) Thật là một vinh dự lớn lao cho Thánh Phêrô! 

Chúa Giêsu trao cho ông Phêrô chìa khoá Nước Trời để khi ông cầm buộc hay tháo cởi cho một người ở dưới đất thì trên trời cũng quyết định người đó được cầm buộc hay tháo cởi, bị phạt hay được hưởng phúc. Chúa không chỉ trao riêng cho ông Phêrô mà còn ủy thác cho Giáo Hội quyền này để thay mặt Chúa hướng dẫn mọi người đạt đến ơn cứu độ: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.” (Mt 18,18). Cho đến nay, Giáo Hội vẫn tiếp nối sứ mạng Chúa trao để thông truyền ơn thánh đến cho mọi người qua các Bí Tích. Mỗi khi Giáo Hội cử hành các Bí Tích, Chúa Giêsu hiện diện thật sống động và ban ơn cho những người lãnh nhận. 

Chúa trao quyền cho ai là để phục vụ dân Chúa, nếu không, Chúa sẽ tước quyền. Như trong bài đọc một, Chúa phán với ngôn sứ Isaia: “Hãy đi gặp viên quan ấy là Sép-na, tể tướng triều đình, và nói: “Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ, Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị.” (Is 22,15.19) Vì Sép-na bất trung nên Thiên Chúa loại bỏ ông và cho Engiakim thay thế. Khác với Sép-na, Chúa Giêsu được Thiên Chúa trao quyền trên trời dưới đất: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18) nhưng Ngài “đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ.” (Mc 10,45). Chúa cũng trao cho chúng ta những ơn cần thiết để chúng ta phụng sự Chúa và phục vụ những người xung quanh. Chúng ta phục vụ trong yêu thương và khiêm tốn để trở thành những nhà truyền giáo, can đảm làm chứng cho Tin Mừng ở khắp nơi bằng chính đời sống của mình. Chúng ta không chỉ nói về sự thật, mà còn sống cho sự thật để mọi người nhận ra Chúa sống động nơi chúng ta.

Chúa Kitô vẫn đang sống động nơi chúng ta khi chúng ta sống chứng nhân cho Chúa trong đời sống thường ngày. Ngài đã, đang và sẽ hướng dẫn đời sống chúng ta theo đường lối của Ngài mà đôi khi chúng ta không nhận ra. Thật vậy, trong bài đọc hai, Thánh Phaolô cho biết Thánh ý Chúa nhiệm mầu, vì: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được!” (Rm 11,33). Chúng ta không thể nào am tường hết đường lối Chúa, nhưng Chúa biết rõ những suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Do đó, chúng ta sống cảm thức thiêng liêng dưới ánh mắt của Chúa và quy hướng về Chúa, vì: “Muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người.” (Rm 11,36). Đức Thánh Cha Phanxicô qua tông huấn “Đức Kitô sống” mời gọi chúng ta có tương quan với Chúa Giêsu như một người bạn, để “chúng ta nói chuyện, chia sẻ, ngay cả những điều thầm kín nhất và sống kinh nghiệm đẹp khi biết mình luôn được đồng hành” như các môn đệ trên đường Emmaus (số 156).

Chúng ta thắc mắc tại sao cuối đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu “Cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô” (Mt 16,20) Phải chăng vì dân chúng mong đợi một Đấng Thiên Sai đến để giải thoát họ theo nghĩa chính trị hơn là có niềm tin vào Đấng Cứu Thế thật sự. Chúng ta tin nhận Chúa là Đấng Kitô vẫn đang hiện diện sống động trong cuộc sống hôm nay, nhờ những giờ cầu nguyện và những trải nghiệm cụ thể. Ngoài ra, chúng ta trau dồi Kinh Thánh, học biết Chúa Giêsu là ai trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa và Ngài là ai trong đời sống chúng ta. Như Thánh Augustinô, chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta biết Chúa và biết mình: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.” Biết Chúa hết lòng yêu thương chúng ta để sống yêu thương những người chung quanh và biết mình còn giới hạn để không ngừng học hỏi nơi Chúa. Từ đó, chúng ta sống với niềm xác tín mạnh mẽ và không ngần ngại rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho tình yêu Chúa giữa mọi người.

Lạy Chúa, chúng con vẫn nghe Lời Chúa, sống Lời Chúa và tham dự Thánh lễ mỗi ngày nhưng đôi khi chúng con ngại tuyên xưng Chúa là ai trước mặt mọi người. Chúng con chưa thật sự ra khỏi chính mình để lên đường, chia sẻ tình yêu của Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa. Xin cho chúng con dám sống và làm chứng cho niềm tin của mình cách sinh động và cụ thể, để mọi người nhận ra Chúa sống động nơi chúng con. Xin cho chúng con không ngại ra đi đến với những người đang đau khổ về thể xác cũng như tinh thần, để phục vụ, yêu thương họ như chính Chúa đã yêu thương chúng con. Xin tình yêu Chúa ngày càng lan rộng đến mọi người qua những tâm hồn quảng đại, hy sinh quên mình để người khác được hạnh phúc. Amen.
Sr. Maria Kim Yến, MRP


× Thành công! Câu hỏi của cộng đoàn đã được gửi. Câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.