Tin Tức
Chúa Nhật XVIII TNA - Chúa Hiển Dung
31/07/2023 - 20
Chúa Nhật XVIII TN A – Lễ Chúa Hiển Dung
(Mt 17,1-9)
Chúa Hiển Dung
.jpg)
“Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.” (Mt 17,2)
Hiệp với Giáo Hội trong ngày lễ kính Chúa Giêsu hiển dung, chúng ta suy niệm về biến cố Chúa tỏ mình ra cho các môn đệ: Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi Tabor. Vẻ đẹp thánh thiện của Ngài chiếu sáng: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng (Mt 17,2). Viễn tượng thiên đàng như mở ra với ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa trên Chúa Giêsu và lời Chúa Cha chứng nhận Ngài là Con yêu dấu. Cảnh tượng đẹp đã khiến Phêrô thốt lên: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” (Mt 17,4). Tuy nhiên, Chúa Giêsu không muốn các môn đệ xa rời thực tại cuộc sống mà mạnh mẽ và vững tin để bước theo Ngài lên Giêrusalem.
Cuộc biến hình là dịp Chúa Giêsu củng cố niềm tin cho các môn đệ sau khi tiên báo về cuộc thương khó và cái chết của mình. Trong cuộc Hiển Dung của Chúa Giêsu có tiên tri Êlia đại diện cho ngôn sứ và Môsê đại diện cho Lề Luật. Cả hai khẳng định việc Chúa Giêsu chịu khổ nạn và bước vào vinh quang nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa mà Thánh Kinh đã tiên báo.Tiên tri Êlia xưa đã chịu đau khổ vì dân tộc trước khi được cất lên trong đám mây thì nay Chúa Giêsu là Êlia mới, cũng sẽ chịu đau khổ trước khi bước vào vinh quang của Ngài. Môsê trong cuộc Xuất hành đưa dân vượt qua Biển Đỏ xưa thì nay Chúa Giêsu là Môsê mới trong Giao ước mới, dẫn đưa nhân loại vào sự sống đời đời. Chúa Giêsu cho các môn đệ thấy căn tính thần linh của Ngài để các ông can đảm bước theo Ngài vào cuộc thương khó, chịu đau khổ chịu chết trước khi phục sinh vinh hiển.
Cuộc biến hình trên núi Tabo liên quan mật thiết với cuộc thương khó và biến cố Phục Sinh. Rồi đây vẻ đẹp rạng ngời của Chúa Giêsu như các ông thấy lúc này sẽ bị biến dạng khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá. Gương mặt rạng ngời vinh quang của Chúa Giêsu mà các ông thấy lúc này sẽ thấm đầy mồ hôi máu tại núi ô-liu: “Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.” (Lc 22,44) Khuôn mặt rạng ngời của Chúa Giêsu lúc biến hình cũng chính là khuôn mặt bị quân lính phỉ báng: “Chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.” (Mt 27,30). Chúng ta có can đảm bước theo Chúa Giêsu trên con đường khổ giá để đạt đến vinh quang không?
Chúa Giêsu Hiển Dung để nâng đỡ đức tin của các môn đệ và của mỗi người chúng ta. Ngài không ở lại mãi trong vinh quang của cuộc biến hình nhưng sẽ bước vào cuộc khổ nạn đau thương. Cũng vậy, Chúa Giêsu không muốn Phêrô dựng lều ở lại mãi trên núi, nhưng xuống núi, đối diện với cuộc sống thực tế. Chúng ta cũng phải xuống núi tiếp tục cuộc lữ hành trần thế, đối diện với khổ đau để hiệp thông với Chúa. “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.” (2Tm 2,11-12). Chúng ta có trải qua đau khổ mới đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu. Do đó, chúng ta kiên trì đón nhận những thách đố trong đời sống để ngày càng mạnh mẽ trưởng thành hơn. Đồng thời giúp nhiều người thêm tin tưởng và hy vọng trên bước đường tiến về quê Trời.
Chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu biến hình trên núi để mạnh mẽ đón nhận mọi khổ đau trong đời. Thực ra, những khổ đau chúng ta chịu chẳng là gì so với hạnh phúc Chúa ban thưởng. Thánh Phaolô viết: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời.” (2Cr 4,17). Chúng ta nhẹ nhàng để Chúa dẫn dắt đời mình “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em.” (1Pr 5,7) Khi sống tâm tình trông cậy phó thác vào Chúa như thế, chúng ta sẽ được Chúa nâng đỡ vượt qua mọi thách đố. Khi có được tình yêu của Chúa chúng ta sẽ thấy những đau khổ thử thách là dịp để chúng ta gần Chúa hơn, kết hiệp với Chúa hơn và chứng tỏ tình yêu đối với Ngài hơn. Hơn nữa, chúng ta lắng nghe Lời Chúa như Lời của Chúa Cha nhắn nhủ: “Hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17, 5) để Lời Chúa biến đổi chúng ta nên giống Chúa mỗi ngày một hơn.
Vì yêu thương chúng ta mà Chúa Giêsu đón nhận thập giá để chúng ta cũng biết yêu thương như Ngài. Từ khuôn mặt yêu thương và trao ban của Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta nhận ra Ngài nơi những người xung quanh, nhất là những người đau khổ về thể xác cũng như tinh thần. Ngài mời gọi chúng ta thực thi bác ái đối với họ: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40). Chúng ta không chỉ an ủi họ qua những lời nói suông mà còn chăm sóc, yêu thương, xoa dịu nỗi đau của họ cách cụ thể: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1 Ga 3,18). Cần lắm những tâm hồn yêu thương, dấn thân phục vụ cách quảng đại cho những người bé nhỏ hôm nay. Chúng ta có nhận ra Chúa nơi người khác để yêu thương phục vụ họ như chính Chúa đã yêu thương phục vụ chúng ta không?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã Hiển Dung hé lộ thần tính của Chúa để nâng đỡ đức tin của các môn đệ và của mỗi người chúng con. Xin cho chúng con sống tâm tình tạ ơn khi nhận ra tình yêu của Chúa đang thể hiện trong cuộc sống chúng con. Chúa vẫn tỏ mình cách cụ thể nơi những người chúng con gặp gỡ. Xin cho chúng con khi chiêm ngắm Chúa hiển dung biết mạnh mẽ sống niềm tin của mình qua đời sống yêu thương phục vụ mọi người. Nhất là nhận ra Chúa hiện diện nơi những người nhỏ bé nghèo hèn để thực thi bác ái. Xin Chúa biến đổi chúng con mỗi khi chúng con lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành hầu nên giống Chúa, kết hiệp với Chúa trong những khổ đau, can đảm theo Chúa trong cuộc vượt qua để được hưởng nếm vinh quang với Chúa. Amen.
Sr. Maria Kim Yến, MRP