Tin Tức
Chúa Nhật XVII TN C - Cứ Xin Sẽ Được
18/07/2022 - 129
Chúa Nhật XVII TN C
Lc 11,1-13
Cứ Xin Sẽ Được
.jpg)
“Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11,13)
Các môn đệ thấy Đức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha nên xin Ngài dạy cầu nguyện: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông” (Lc 11,1). Hẳn Gioan Tẩy Giả đã dạy môn đệ ông cầu nguyện nhưng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu khác hẳn. Ngài cầu nguyện trong tương quan với Chúa Cha và dạy: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến…” (Lc 11,2). Các ông thật hạnh phúc vì được gọi Chúa là Cha. Chúa Giêsu thông ban quyền làm con của Ngài trong sự sống thần linh cho các môn đệ. Lời Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy thật đẹp, ngắn gọn, xúc tích và phong phú. Chính Ngài đã cầu nguyện với Chúa Cha sau mỗi ngày bận rộn với việc rao giảng và chữa bệnh. Ngài gắn kết, hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha trong thinh lặng và yêu mến, để thi hành thánh ý Chúa Cha.
Chúng ta cũng cất lời kinh “Lạy Cha” với lòng tôn kính mến yêu của những người con thảo đầy niềm tin tưởng cậy trông phó thác. Lời kinh làm cho chúng ta được hưởng những ơn thiêng lạ lùng và tâm hồn tràn ngập lòng tin mến. Lời kinh làm cho chúng ta nhớ đến lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu: “Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.” (Ga 17, 26). Lời kinh “Lạy Cha” giúp chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa cách mạnh dạn, tin tưởng và kiên trì, vì: “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì gặp, ai gõ cửa thì sẽ được mở cho” (Lc 11, 10). Liệu mỗi khi đọc lời kinh Lạy Cha, chúng ta có cảm thấy hạnh phúc vì mình được gọi Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con không?
Chúng ta xin Chúa tha thứ cho những lỗi lầm thiếu sót của chúng ta. Như tổ phụ Abraham đã xin Chúa tha phạt cho dân thành Sôđôma và Gômôra. Lời cầu nguyện của tổ phụ thân tình và đầy tin tưởng, toát ra từ một đời sống gắn bó mật thiết với Thiên Chúa. Từ con số 50 người công chính, Abraham đã hạ dần xuống 45, rồi 40, 30, 20 và 10. Abraham khẩn cầu Thiên Chúa tỏ lòng thương xót nhưng tiếc thay số người công chính quá ít để Chúa tha cho cả thành. Chúa cũng sẵn sàng tha thứ và lắng nghe lời cầu xin của chúng ta: “Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11, 3-4). Đó là những nhu cầu cần thiết cho đời sống của chúng ta.
Nếu chúng ta chưa nhận được điều mình xin, thì không phải là Chúa không sẵn sàng ban ơn, nhưng có thể điều chúng ta xin không mang lại ơn ích cho phần rỗi của chúng ta, hoặc Chúa muốn ban cho chúng ta những ơn lớn hơn. Chúa chưa đáp ứng những gì chúng ta cầu xin lúc này, thì Chúa sẽ ban cho chúng ta những ơn khác hay lúc khác với sự khôn ngoan, quan phòng và yêu thương của Ngài. Có thể chúng ta xin Chúa cho chúng ta sức khoẻ nhưng Ngài lại ban cho chúng ta sự yếu đuối để khiêm tốn trong Ngài. Hoặc chúng ta xin Chúa cho chúng ta giàu sang hạnh phúc nhưng Ngài lại ban cho chúng ta sự nghèo khó để chúng ta giống Ngài hơn. Tuy chúng ta chẳng được những điều chúng ta xin nhưng chúng ta sẽ được những ơn ích cho phần rỗi của chúng ta.
Hẳn nhiên, cầu nguyện không phải chỉ là cầu xin theo ước muốn của mình, nhưng còn là cảm tạ, tôn thờ, yêu mến và thống hối. Chúng ta cảm tạ và ca ngợi Chúa vì những hồng ân Người ban. Sau đó chúng ta mới cầu xin cho các nhu cầu của chúng ta. Lời cầu nguyện Chúa Giêsu dạy thật gần gũi với chúng ta. Ngay từ tấm bé chúng ta đã đọc Kinh Lạy Cha khi vừa thức dậy, trước mỗi bữa ăn, trong giờ kinh tối của gia đình. Đây là tâm tình cầu nguyện phát xuất tự con tim mà nếu có quên những kinh khác cũng khó quên kinh này được. Nhờ Chúa Giêsu nhập thể làm người mà Thiên Chúa trở thành Cha của tất cả chúng ta và chúng ta là anh chị em của nhau. Chúng ta cầu nguyện để biết ý Cha mà cộng tác và tuân phục chương trình yêu thương của Ngài. Chúa Giêsu còn kể dụ ngôn người kia đã cho tất cả những gì bạn anh ta cần để khỏi bị quấy rầy. Ngài nhắc nhở chúng ta kiên trì, tin tưởng cậy trông vào Chúa khi cầu nguyện. Vì Thiên Chúa vốn tốt lành sẽ ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta khi chúng ta kiên trì cầu xin Người.
Thiên Chúa biết chúng ta cần gì và ước muốn điều gì. Tuy nhiên chúng ta là những kẻ yếu hèn và không biết cầu nguyện thế nào cho phải, chính “Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.” (Rm 8,26-27) Chúng ta tín thác, trông cậy vào Chúa qua việc cầu nguyện chân thành để đón nhận những hồng ân Chúa ban. Tuy nhiên, Thiên Chúa đáp ứng những nhu cầu của chúng ta và ban ơn cho chúng ta theo cách của Người chứ không theo cách của chúng ta. Vì thế, chúng ta sẵn sàng thuận theo những gì Chúacho xảy đến, để thánh ý Chúa thực hiện trong đời sống chúng ta.
Lạy Chúa, qua lời kinh Chúa Giêsu dạy, chúng con tạ ơn Chúa vì cho chúng con được gọi Chúa là Cha và chúng con là anh chị em của nhau. Xin cho chúng con siêng năng, kiên trì, tin tưởng và khiêm tốn cầu xin với tâm tình con thảo, để ơn Chúa đổ xuống trên những người đang cần đến. Xin Chúa tha thứ cho chúng con vì đôi khi chúng con chưa thực sự cầu nguyện với lòng thành. Xin Chúa gia tăng lòng ước muốn cầu nguyện nơi chúng con, để chúng con cầu nguyện liên lỉ cho ý Chúa được thực hiện. Xin cho danh Chúa được cả sáng và mọi dân nước tin nhận suy phục Chúa. Chúng con cũng cầu nguyện cho các nhu cầu của Giáo hội, cho việc truyền giáo, cho những người đau khổ, tội lỗi và những người đang cần đến ơn Chúa, để Nước Chúa ngự trị trong lòng mọi người trên trần gian này. Amen.
Sr. Maria Kim Yến