Tin Tức
Chúa Nhật XIV TN Năm A - Hiền Lành và Khiêm Nhường
03/07/2023 - 79
09/07/23 CHÚA NHẬT TUẦN 14 TN – A
Mt 11,25-30
Hiền Lành Khiêm Nhường
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,28-29)
Tin Mừng hôm nay là lời nguyện tạ ơn, ngợi khen của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” (Mt 11,25-27). Sự hiểu biết thân tình giữa Chúa Cha và Chúa Con trong mối dây liên kết của Chúa Thánh Thần mạc khải cho những người bé mọn biết thánh ý Chúa để sống hiền lành và khiêm nhường.
Chúng ta tự hỏi tại sao “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4) nhưng lại giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, mà lại mặc khải cho những người bé mọn? Phải chăng Thiên Chúa phân biệt đối xử? Không, Thiên Chúa không phân biệt đối xử giữa người khôn ngoan và người bé mọn. Nhưng người khôn ngoan tự cho mình đã hiểu biết đủ nên khó đón nhận những mặc khải của Chúa, còn ai thành tâm tìm kiếm thì Chúa cho biết kế hoạch yêu thương cứu độ qua Chúa Giêsu. Chúng ta biết những người kinh sư và Pharisêu giỏi về Sách Thánh và luật cha ông để lại nên khó lòng đón nhận những giáo huấn mới mẻ của Chúa Giêsu. Trái lại, những người bé mọn dễ mở lòng đón nhận mặc khải của Chúa hơn. Liệu chúng ta có là người bé mọn đón nhận mặc khải của Chúa để sống hiền lành và khiêm nhường như Chúa Giêsu không?
Chúa Giêsu khiêm nhường tự hạ đến thẳm sâu: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,6-8) Sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu từ khi nhập thể làm người, sinh hạ ở Bêlem, sống âm thầm ở Nazarét cho đến khi bị lăng nhục, đánh đòn và chịu chết trên Thập giá mà không một lời kêu ca. Chúa Giêsu thực sự là Người Tôi Trung mà Tiên tri Isaia nhắc đến: “Chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53,4) và “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. (Is 53,7)
Chúa Giêsu đã sống điều Ngài giảng dạy: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.” (Mt 5,4) Ngài còn dạy: “Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.” (Mt 5,39-42). Với con người tự nhiên, khó có ai hiền lành khiêm nhường như thế, nhưng đây là sự khôn ngoan thật: “Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa” (1Cr 3,18). Thánh Phaolô nói: “Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1Cr 1,25).
Chúa Giêsu đã đi đến tận cùng của mầu nhiệm tự hủy và mời gọi chúng ta sống như Ngài: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Chính Ngài đã hiền lành và khiêm nhường khi vâng lời chịu chết để đem lại ơn công chính hóa cho loài người mà Ađam xưa đã đánh mất: “Vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.” (Rm 5,19). Tiên tri Dacaria trong bài đọc hai cũng nhắc đến hình ảnh Đấng Messia khiêm tốn ngồi trên lưng lừa con (Dcr 9,9). Chúng ta học nơi Chúa Giêsu sự hiền lành và khiêm nhường để sống hiệp thông với mọi người, quên mình phục vụ tha nhân và yêu thương họ cách chân thành. Nhất là sống tâm tình tạ ơn Chúa, biết ơn những người xung quanh và trân trọng mọi người, để tâm hồn bình an, hạnh phúc trong tình Chúa tình người.
Chúng ta cũng học hiền lành và khiêm nhường nơi Mẹ Maria. Trong lời ca Magnificat, Mẹ Maria tung hô ca tụng Chúa đã yêu thương những người khiêm nhường: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1,51-52). Chính Mẹ đã sống hiền lành và khiêm nhường từ khi đón nhận lời truyền tin của Sứ Thần cho đến những gì xảy trong đời Mẹ và cho Chúa Giêsu Con Mẹ trong cuộc khổ nạn và chết trên Thập giá. Mẹ đã khiêm nhường “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Mẹ khiêm tốn nhìn nhận mình là “nữ tỳ hèn mọn được Chúa thương nhìn tới” (Lc 1,48) nên xin vâng trong mọi biến cố Chúa cho xảy đến. Noi gương Mẹ, chúng ta lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa mỗi ngày, để Lời Chúa biến đổi chúng ta theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, hầu thánh ý Chúa được thực hiện trong đời sống chúng ta.
Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường như chính Chúa đã nêu gương. Xin cho chúng con thấm nhuần lời Chúa hầu noi theo Chúa trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động. Xin Chúa biến đổi chúng con từng ngày trên bước đường đi đến hoàn thiện, để chúng con loại bỏ đi tính nóng giận tự nhiên, tính kiêu ngạo muốn được người khác nể trọng. Xin cho chúng con hiền lành, khiêm nhường trước mặt Chúa và tha nhân để được Chúa yêu thương, bổ sức hầu vượt qua mọi vất vả trong cuộc sống thường ngày. Xin giúp chúng con khiêm nhường phục vụ mọi người xung quanh để họ được hạnh phúc, an bình trong tình Chúa tình người. Amen.
Sr. Maria Kim Yến, MRP