Các Thánh
9.9 Thánh Phêrô Claver - Ý Nghĩa Của Lề Luật
08/09/2023 - 78
9.9 Thánh Phêrô Claver, Lm
Cl 1:21-23; Tv 54:3-4,6,8; Lc 6:1-5
Ý Nghĩa Của Lề Luật
Vào thời Chúa Giêsu, không thiếu những người nhân danh luật pháp để triệt hạ và chối bỏ người khác. Truyện được ghi trong Tin Mừng hôm nay là một điển hình cho biết bao trường hợp nhân danh pháp luật để đè bẹp con người. Chúa Giêsu đã thách thức cho đến cùng thái độ như thế. Thật ra, Chúa Giêsu không phải là một con người sống ngoài luật pháp, Ngài đến để kiện toàn lề luật. Nhưng sở dĩ Chúa Giêsu chống lại luật pháp là bởi vì luật pháp đó phi nhân hoặc chối bỏ con người.
Các môn đệ vì đói nên bứt bông lúa mà ăn, thật ra không phải là vi phạm ngày Hưu lễ. Không có khoản luật nào trong các sách luật xem một hành động như thế là vi phạm ngày Hưu lễ; nếu có thì chỉ là vi phạm một trong 39 hành động mà các nhà chú giải Do thái đã thêm vào qui định của ngày Hưu lễ mà thôi. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã dẫn chứng hành động của Vua Ðavít và Ngài khẳng định: hành động của các môn đệ không hề vi phạm ngày Hưu lễ. Lề luật vì con người, chứ không phải con người vì lề luật. Ðó là ý nghĩa của luật pháp mà Chúa Giêsu nêu bật trong cuộc tranh luận với những Biệt phái. Khi luật pháp chống lại con người, nghĩa là chối bỏ phẩm giá và quyền lợi cơ bản của con người, thì luật pháp đánh mất ý nghĩa và không còn lý do để hiện hữu nữa; trong trường hợp đó, dĩ nhiên không tuân hành luật pháp là một thái độ thích đáng.
Thật ra, khi luật pháp chối bỏ hoặc chà đạp những quyền cơ bản của con người, thì luật pháp đó cũng xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Thánh Phêrô và thánh Gioan đã hành động một cách cương quyết khi dõng dạc tuyên bố trước Công nghị Do thái: "Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người". Chẳng hạn, khi luật pháp một quốc gia cho phép phá thai, nghĩa là tước đoạt quyền sống của con người, thì chống lại luật pháp đó là một nghĩa vụ. "Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người". đó là nguyên tắc nền tảng hướng dẫn người Kitô hữu trong các quan hệ xã hội của họ. Chúa Giêsu luôn đòi hỏi các môn đệ của Ngài một thái độ dứt khoát tận căn: không thể vừa vâng lời Thiên Chúa, vừa chạy theo những gì chống lại Thiên Chúa.
Ngày sabát nghỉ việc là để ghi nhớ việc Thiên Chúa nghỉ ngơi sau khi tạo dựng nên thế giới (Xh 20,8-11). Đồng thời nó cũng loan báo việc dân Thiên Chúa khi kết thúc thời gian, đi vào nơi yên nghỉ và bình an của Chúa.
Hôm nay Chúa Giêsu và biệt phái tranh luận nhau về việc sống ngày sabát. Biệt phái chỉ biết giữ luật nghỉ ngơi ngày sabát. Nên khi họ thấy các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa trong ngày này thì họ lên án. Chúa Giêsu hiểu luật ngày sabát nhằm giải phóng con người, nên trách biệt phái quá câu nệ chữ nghĩa của luật mà không hiểu tinh thần.
Bộ luật của người Do thái nhận tại núi Sinai khi Chúa truyền cho Maisen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích cách tỉ mỉ trong sách Lêvi và Đệ Nhị Luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ sabát, thuộc giới răn thứ ba trong thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết.
Thực ra, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần dà, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ, luật sĩ, biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Câu chuyện trong bài Tin mừng hôm nay nói lên sự dị biệt của Chúa Giêsu và người biệt phái về ngày sabát, ví dụ như việc các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa ăn khi đi qua cánh đồng. Mọi sự việc tầm thường không đáng kể, nhưng cái tính hay ghen tương nghi ngờ, cái tính hay vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết của những người biệt phái đã gây nên cớ xung đột giữa họ với Chúa Giêsu về việc kiêng việc xác ngày sabát. Tính ghen tương hay soi mói và nghi ngờ thường xảy ra những xung đột và chia rẽ nhau trong đời sống cộng đoàn và xã hội.
Ngày sabát, bứt mấy bông lúa như thế chẳng có lỗi gì, luật chỉ cấm cày cấy hay gặt hái, nhưng những người biệt phái coi đó như việc gặt hái, là một trong những việc cấm làm trong ngày sabát. Đây là tính hay xét nét, khắt khe, quét nhà ra rác... để sinh ra mất lòng nhau.
“Đức Giêsu trả lời: Các ông chưa đọc...”
Chúa Giêsu bênh vực các môn đệ bằng cách giải thích cho họ nhớ lại những trường hợp được miễn giữ luật. Và Chúa Giêsu đã rút ra từ Thánh kinh hai trường hợp được miễn giữ luật để minh chứng: 1Sm 21,1-6 và Ml 12,5-6. Ở đây Luca chỉ ghi lại trường hợp thứ nhất về câu chuyện vua Đavít cùng với thuộc hạ vì đói quá, nên đã ăn bánh trưng hiến trong đền thờ, thứ bánh mà chỉ dành riêng cho tư tế mới được ăn.
Nại đến bằng chứng này, Chúa Giêsu muốn nêu lên rằng: được miễn giữ luật khi có việc tối cần, mà ở đây là trong lúc quẫn bách không có gì ăn cho đỡ đói ngoài thứ bánh trưng hiến.
Hôm nay lời Chúa nói với chúng ta rằng Ngài là chủ của ngày sabát, nghĩa là Ngài có quyền qui định luật lệ cho ngày lễ nghỉ nói riêng và mọi luật lệ tôn giáo. Chính những luật lệ ấy nâng chúng ta lên cao khỏi những khuynh hướng thấp lè tè của bản năng, để đến gần và nên giống Đức Kitô hơn.
Chúa Giêsu vẫn coi việc giữ luật là việc tốt, là việc đạo đức. Nhưng Ngài muốn rằng, việc giữ luật phải phát xuất từ tình thương; nếu không, việc giữ luật chỉ là việc đạo đức ở bên ngoài, mà bên trong không có thực chất. Giữ luật là thể hiện tình thương, không có tình yêu thương thì không còn phải là luật của Chúa.
Ngày nay, nhiều người cũng đã quên đi ý nghĩa của ngày “sa-bát”; khi vì miếng cơm, manh áo họ không phân biệt ngày thường và ngày Chúa nhật; tất bật với cuộc sống, họ quên đi quyền lợi được nghỉ ngơi, giải trí sau những ngày lao động trong tuần – của chính bản thân và của những người thân yêu trong gia đình; vẫn lao động vất vả trong ngày Chúa Nhật, thiếu bổn phận thờ phượng Thiên Chúa và thiếu trách nhiệm duy trì mối tương quan với người thân, với cha mẹ, ông bà bằng sự thăm viếng, ủi an. Ngược lại, nhiều người khác lại xử dụng ngày nghỉ vào những việc làm vô bổ và quên đi việc thánh hóa ngày Chúa Nhật của người tín hữu.