Các Thánh
28.10. Thánh Simon và Jude, Tông Đồ
27/10/2023 - 20
28.10. Thánh Simon và Jude, Tông Đồ
Rm 8:1-11; Tv 24:1-2,3-4,5-6; Lc 13:1-9
Chọn Và Gọi
Hai vị thánh hôm nay chúng ta mừng Lễ luôn đứng bên nhau trong danh sách 12 Tông Đồ. Simon là một con người nhiệt thành, không quãng sự khó nhọc và hăng say. Chúa Giêsu đã biến đổi ông từ một người nhiệt thành với nước Israel trần thế, thành một vị Tông Đồ nhiệt thành với Nước Trời. Giuđa còn gọi là Tađêô. Ông được gọi là Giuđa trung kiên, vì ông đã trung kiên với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Noi gương hai vị thánh Tông đồ, chúng ta cũng phải trở nên những dụng cụ đắc lực cho Hội Thánh và tích cực siêng năng trong bổn phận của người tín hữu.
Trong suốt cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, người ta thấy Ngài luôn dành cho việc cầu nguyện một vị trí quan trọng. Người ta thấy Ngài cầu nguyện mọi nơi: trong hội đường, trên núi, ngoài bãi biển… và mọi lúc: lúc sáng sớm, khi đêm về, sau một ngày giảng dạy hay trước một việc làm quan trọng, như hôm nay, trước khi chọn và gọi các tông đồ. Với Chúa Giêsu cầu nguyện là lẽ sống của đời mình, nơi đó Ngài gặp Chúa Cha, nhận ra ý Ngài để thực hiện. Ngày cũng dạy các tông đồ và những ai đi theo Ngài phải biết cầu nguyện luôn; “Phải cầu nguyện luôn mãi không ngừng nghỉ” (Lc 18,1); hoặc “Không có Thầy, chúng con không thể làm được gì” (Ga 15,5). Nhờ cầu nguyện mà chúng ta biết mình phải làm gì và công việc của chúng ta cũng nhờ đó mà thực sự là công việc của Chúa và để làm vinh danh Chúa.
Sau khi Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha: “Người gọi các môn đệ và chọn Nhóm Mười Hai mà Người gọi là Tông Đồ: Đó là Simon mà Người gọi là Phêrô, và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philípphê và Bartôlô mêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt là kẻ phản bội.” Đây là nhóm các ông đã theo Chúa Giêsu từ những buổi đầu rao giảng, đầy nhiệt thành, và tin vào Lời Chúa, là khởi sự của Giáo hội sơ khai, Chúa không ngừng dạy dỗ, chỉ bảo và gìn giữ các ông.
Tin Mừng hôm nay kể lại sự kiện Đức Giêsu chọn gọi và thiết lập nhóm mười hai, đội quân tay phải của Ngài. Ngài không quảng cáo tuyển nghề, mà chỉ “chộp” một cách giản đơn: “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn.” “Lên núi” được dùng ở đây để nhớ lại ngọn núi Sinai trong Cựu Ước, nơi xưa Môsê đã tụ họp mười hai chi tộc Israel để biến họ trở thành dân riêng của Thiên Chúa. Trước khi gọi các ông, Ngài đã cầu nguyện suốt đêm. Con số mười hai cho thấy Ngài muốn khai sinh một dân mới, kết thành một cộng đoàn, trước hết là “cùng ở với Ngài”, tham dự vào sứ mệnh, rồi thực tập đi loan báo Tin Mừng kèm theo quyền năng Ngài thông ban và tiếp tục sứ mệnh của Ngài trên trần gian.
Ngài không tuyển những người có thế giá, nổi nang, học thức, mà lại gọi những ngư phủ tầm thường ít học, tính khí khác nhau. Hầu hết họ là những người nhút nhát, sau này chạy bỏ Thầy trong cuộc thương khó. Matthêu là hàng thu thuế tội lỗi công khai. Có những người nóng tính được mệnh danh là “con của thiên lôi”. Phêrô chối Thầy, người thì ngày sau bán Thầy như Giuđa Iscariô. Nhưng họ lại là “những kẻ Người muốn.” Đường lối của Chúa thì khác xa với đường lối của con người. Cách huấn luyện của Đức Giêsu là cho họ được ở với Thầy, tập suy nghĩ, ăn nói, cư xử, hành động như Thầy trực tiếp trong cuộc sống. Ở với Thầy có cơ hội để Thầy quan sát, nhắc nhở, sửa sai, tập tành, rèn luyện thành người môn đệ đích thực, làm nền tảng lưu truyền Tin Mừng cho khắp thế gian sau này.
Chúa Giê-su luôn cầu nguyện cùng với Chúa Cha để hiểu thánh ý Người, dù bận rộn nhiều việc trong ngày nhưng Chúa Giê-su vẫn dành riêng thời gian cầu nguyện đôi khi cả đêm trong thinh lặng thanh vắng. Khi khởi đầu mọi công việc, Chúa Giêsu đều cầu nguyện với Chúa Cha, Thầy Giêsu cũng dạy chúng ta hãy thường xuyên cầu nguyện là lúc tâm hồn lắng đọng, đặt hết tâm trí vào lời cầu nguyện, lắng nghe tiếng nói tận đáy lòng để giúp chúng ta biết làm những việc theo dẫn dắt của Thần khí Chúa. Kinh nghiệm của Thánh Bênađô:“Ba yếu tố giúp ta thành công trong việc tông đồ: lời giảng, gương sáng và cầu nguyện, nhưng cầu nguyện là hơn cả.”
Qua đó, có thể thấy mối quan hệ giữa cầu nguyện và loan báo Tin Mừng: chúng ta cầu nguyện để có thêm sức mạnh, thêm vững tin và đem niềm tin đó trao cho những người chưa nhận biết Chúa; ngược lại, loan báo Tin Mừng giúp họ biết cách cầu nguyện, trò chuyện cùng Chúa và tiếp tục công cuộc truyền giáo ấy. Giữa hai hành động ấy có một mỗi tương hỗ sâu sắc, không thể tách rời. Hai thánh tông đồ Simon và Giuđa chúng ta mừng kính hôm nay là một trong những minh chứng hữu hiệu cho việc cầu nguyện và loan báo Tin Mừng. Các ngài luôn vững tâm tin tưởng vào Thiên Chúa mà các ngài loan báo, luôn cầu nguyện cùng Người và sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ niềm tin ấy.
Chúa Giêsu là Trưởng Tử của Thiên Chúa mà còn kiên trì, vững tâm cầu nguyện và loan báo Tin Mừng thì chúng ta là ai mà dám không làm điều đó. Nếu có tư tưởng vì là Con Thiên Chúa nên Người có thể làm việc đó cách hoàn hảo, còn chúng ta chỉ là phận người, làm sao có thể sánh được? Khi đó, chúng ta hãy nhìn thấp hơn và suy ngẫm về các tông đồ. Các ngài cũng là phận người như chúng ta, đôi khi còn chưa hoàn hảo bằng chúng ta, nhưng các ngài đã tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa và hằng thi hành thánh ý Người. Do đó, nếu các ngài làm được, chúng ta cũng phải noi theo tấm gương của các ngài, biết chuyên cần cầu nguyện và loan báo Tin Mừng.
Hằng năm, vào chủ nhật tuần áp cuối tháng 10, Giáo hội dành đặc biệt để cầu nguyện cho việc truyền giáo cũng như nhắc nhở về sứ mệnh truyền giáo của mỗi người Kitô hữu. Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo năm 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô: “ Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra.” Cv 4,20. Có phải chúng ta thực hiện việc truyền giáo là lan tỏa tình yêu thương với tha nhân bằng những hành động nhỏ thiết thực như biết chia sẻ giúp đỡ bữa ăn cho những người khó khăn, an ủi những gia đình đau khổ vì người thân qua đời trong nạn dịch, đóng góp vật chất tiếp sức cho công cuộc truyền giáo ở các vùng xa xôi hẻo lánh…