Tin Tức
13.9 Thánh Gioan Chrysostom, Gmtsht - Đừng Bới Móc
13/09/2024 - 6
13.9 Thánh Gioan Chrysostom, Gmtsht
1 Cr 9:16-19,22-27; Tv 84:3,4,5-6,8,12; Lc 6:39-42
ĐỪNG BỚI MÓC
Sự mơ hồ và mưu đồ trong thời đại Thánh Gioan Kim Khẩu, vị thuyết giáo đại tài của Antioch, là đặc tính của bất cứ ai có địa vị sống ở thành phố lớn trong thời ấy. Ðược đưa đến Constantinople sau mười hai năm sống đời linh mục ở Syria, bỗng dưng Thánh Gioan thấy mình là nạn nhân bất đắc dĩ của vị hoàng đế mưu mô muốn đưa ngài làm giám mục của thành phố lớn nhất triều đình. Là một người khổ tu, không bệ vệ nhưng có phẩm cách, và bị đau bao tử vì những ngày sống trong hoang địa như một ẩn sĩ, Thánh Gioan bắt đầu chức giám mục dưới mây mù chính trị của triều đình.
Nếu thân xác ngài yếu đuối thì miệng lưỡi của ngài lại mạnh dạn. Nội dung các bài giảng của ngài, điều ngài dẫn giải về Kinh Thánh, không bao giờ sai vấn đề. Có khi những quan điểm ấy chọc giận giới quyền cao chức trọng. Có khi một số bài giảng kéo dài đến hai giờ đồng hồ.
Lối sống của ngài ở triều đình không được một số cận thần ưa thích. Ngài đề nghị một chỗ ngồi khiêm tốn cho các kẻ bợ đỡ hàng giáo phẩm đang chầu chực để được hưởng ơn mưa móc của triều đình và giáo hội. Thánh Gioan phàn nàn về nghi thức triều đình đã đưa ngài lên địa vị cao hơn các viên chức chính phủ. Ngài không phải là người muốn được ưu quyền.
Vì nhiệt huyết nên ngài hành động. Những giám mục hối lộ để được quyền cao chức trọng đều bị truất phế. Nhiều bài giảng của ngài kêu gọi những hành động thực tiễn để chia sẻ của cải cho người nghèo. Người giầu không thích thú gì khi nghe thánh nhân nói rằng, sở dĩ có của cải trần gian là vì Adong phạm tội, cũng như các ông không thích nghe ngài nói về sự trung tín trong hôn nhân của người chồng cũng giống như người vợ. Ðối với vấn đề công bình và bác ái, Thánh Gioan không bao giờ chấp nhận thái độ kỳ thị trong việc áp dụng.
Vì lối sống tách biệt, vì tính khí thẳng thắn, nhất là khi trên tòa giảng, Thánh Gioan chắc chắn là mục tiêu để nhiều người chỉ trích và hục hặc cá nhân. Ngài bị kết tội tham ăn uống một cách lén lút. Vì trung thành trong công việc linh hướng cho một quả phụ giầu có, là bà Olympia, ngài đã bị cho là giả hình trong vấn đề của cải và bác ái. Hành động của ngài chống đối các giám mục bất xứng ở Tiểu Á bị các giáo sĩ khác coi là hám danh, lạm dụng quyền thế trái với quy tắc giáo luật.
Hai nhân vật nổi tiếng thời ấy đã đích thân làm mất uy tín Thánh Gioan là Theophilus, là Tổng Giám Mục Alexandria, và Hoàng Hậu Eudoxia. Theophilus sợ rằng địa vị của Ðức Giám Mục Constantinople ngày càng quan trọng nên đã nhân cơ hội kết án Thánh Gioan là dung dưỡng tà thuyết. Ðứng sau Theophilus và các giám mục không ưa gì Thánh Gioan là hoàng hậu Eudoxia. Bà bực tức với bài giảng của thánh nhân về sự tương phản giữa giá trị phúc âm và cuộc sống xa hoa của triều đình. Không biết vô tình hay cố ý, một số bài giảng của ngài đề cập đến Jezebel* đáng ghê tởm và Herodias** vô đạo như những đồng minh của bà hoàng hậu, là người sau cùng đã xoay xở để Thánh Gioan phải lưu đầy. Ngài chết trong cảnh đầy ải năm 407.
Tin Mừng hôm nay theo thánh Lu-ca: “Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy?” Lc 6,41. Hình ảnh cái rác và cái đà tương phản về hình dáng lớn nhỏ khác nhau, Chúa Giêsu đưa ra trong dụ ngôn ám chỉ đến cái xấu mà con người hay mắc phải, người ta thường coi lỗi nhỏ của người khác là lớn, trong khi những khuyết điểm tày trời của mình là nhỏ. Một so sánh cho chúng ta nhìn ra giới hạn của mình và khuyết điểm của người anh em mình. Sự trung thực khi nhìn nhận về khuyết điểm của bản thân mình trước khi phê phán một ai đó, giúp cho chúng ta nhận ra con người mình bất toàn, mình cũng có tội lỗi sao lại phê phán gay gắt người khác được. “Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”. Lc 6,42.
Chúa Giêsu cảnh báo đừng chỉ thấy lỗi của người khác, mà quên xét lại bản thân mình, “nhân vô thập toàn”, chỉ có Chúa mới phán xét những việc con người đã làm, phân định đúng hay sai. Chúng ta cầu nguyện với Chúa để Người biến đổi tâm trí chúng ta, thánh Eprem cho biết: “Hãy nói chuyện nhiều với Chúa, còn với người ta, hãy nói ít thôi”. Chúng ta được mời gọi thể hiện tình yêu thương, lòng bao dung, nhân hậu, thay vì chúng ta trách cứ, than phiền với nhau mãi, thì chúng ta tâm tình với Chúa, xin Người cất đi những nỗi buồn bực đang diễn ra trong lòng chúng ta.
Một tật xấu khác là hay thích nghe chuyện bàn tán về việc làm của một ai đó, sau đó kể lại cho người khác, câu chuyện cứ xoay vòng và đến tai người mình nói xấu, chuyện gì sẽ đến: làm mất hòa khí, không muốn nhìn mặt nhau… thánh Anphongsô cho chúng ta lời khuyên: “Nghe thấy kẻ nói xấu về chị em nào con đừng đem nói lại với chị em ấy: đó là căn cớ sinh nhiều chuyện sự bất thuận, hằn thù nhau hằng tháng, hằng năm”.
Chúa muốn ta tự sửa mình vì ta biết ta nhiều nhất: “Sao anh thấy cái rác trong mắt của người anh em, mà cái xà trong mắt của mình thì lại không để ý tới”. Người cực ghét thái độ bới lông tìm vết người ta một cách bất công sai lầm, nên đã dùng cách nói quá khích: “Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ở trong con
mắt người anh em”.Mặt khác để thực thi luật bác ái Chúa muốn ta phải đi bước trước: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”(Mt7,7). Ở đây Chúa muốn mình phải sửa mình trước,rồi mới đến anh em.
Con người ngày nay cũng đã ý thức được lời Chúa Giêsu dạy xưa, nên đã để lại câu phương ngôn: “Chân mình thì lấm lê thê, còn đem bó đuốc mà rê chân người”. Ý thức được như vậy, nhưng mỗi người quyết tâm sửa đổi mình trước vẫn còn không là việc dễ.Họ vẫn thích tự đưa mình lên và hạ thấp người khác.
Việc phê phán, bới móc tội người khác là ta rất dễ bị sai lầm.