CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG WEB TRUYỀN THÔNG GIÁO XỨ THÁNH TÂM      (website đang được phát triển - eMail: GXThanhTamHN@gmail.com) 🎥 DINH TÔNG TÒA | Vlog Năm Thánh 2025 | #11 Trong năm Thánh, mỗi tín hữu được mời gọi trở nên gần gũi hơn với Thiên Chúa, với chính đời sống đức tin của Hội Thánh. Có lẽ không chỉ như thế, trong số vlog này, Vatican News Tiếng Việt cũng mong muốn đem đến sự gần gũi ấy bằng một cách rất cụ thể – đó là mời quý vị cùng chiêm ngắm, bước vào một vài nơi thường ngày vốn kín đáo và ít được biết đến trong Thành quốc Vatican. Đó chính là Dinh Tông Tòa. Đọc tất cả   Sứ điệp Phục Sinh và phép lành Urbi et Orbi Sau Thánh Lễ, lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha xuất hiện trên ban công chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô để ban Phép Lành Toàn Xá “Urbi et Orbi” cho thành Roma và toàn thế giới, dù sức khoẻ vẫn còn yếu. Đức Thánh Cha đã chào với lời chúc Phục Sinh: Anh chị em thân mến, Chúc mừng Phục Sinh! Sau đó, Đức Thánh Cha nhờ Đức ông Ravelli đọc sứ điệp Phục Sinh. Đọc tất cả   Chúa đã sống lại: Lễ vọng Phục Sinh tại đền thờ thánh Phêrô Tối Thứ Bảy, ngày 19/04, ĐHY Giovanni Battista Re, đại diện Đức Thánh Cha cử hành Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền thờ thánh Phêrô với khoảng 5000 tín hữu tham dự. Đức Hồng Y Re đã đọc bài giảng đã được Đức Thánh Cha soạn cho thánh lễ. Đọc tất cả   Thánh lễ Phục Sinh tại Quảng trường thánh Phêrô Sáng Chúa Nhật ngày 20/4, Chúa Nhật Phục Sinh, Đức Hồng Y Angelo Comastri đã thay mặt Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ Phục Sinh tại quảng trường thánh Phêrô với khoảng 40 ngàn tín hữu. Đọc tất cả   Đàng Thánh Giá do Đức Thánh Cha Phanxicô soạn Nội dung Đàng Thánh Cha năm 2025 do chính Đức Thánh Cha soạn cho buổi Đi Đàng Thánh Giá tối thứ Sáu Tuần Thánh tại đấu trường Colosseo. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha đến thăm nhà tù chiều Thứ Năm Tuần Thánh Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô lại thực hiện một cử chỉ cụ thể dành cho những người đang sống sau song sắt: “Tôi luôn muốn đến nhà tù để thực hiện nghi thức Rửa Chân. Năm nay tôi không thể, nhưng tôi vẫn gần gũi anh chị em”. Khoảng 70 tù nhân thuộc nhiều độ tuổi và quốc tịch đã chào đón Đức Thánh Cha với những lời hô vang và vỗ tay, xen lẫn tiếng hò reo từ các khu biệt giam khác. Đọc tất cả   Thứ Năm Tuần Thánh: Bài giảng của Đức Thánh Cha cho Lễ Dầu (17/4) Sáng Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 17/04, Đức Hồng Y Domenico Calcagno đã thay mặt Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ Dầu cùng với khoảng 1800 linh mục và 2500 tín hữu hiện diện. Đức Hồng Y đã đọc bài giảng của Đức Thánh Cha chuẩn bị cho Thánh Lễ này, với những lời trước hết dành cho các linh mục và sau đó là cho mọi tín hữu. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha: Dù chúng ta lạc lối ở đâu Thiên Chúa cũng luôn tìm kiếm chúng ta Trong bài giáo lý được dọn sẵn cho buổi tiếp kiến chung ngày 16/4/2025, suy tư về dụ ngôn người cha thương xót, Đức Thánh Cha nhắc với các tín hữu rằng Thiên Chúa luôn tìm kiếm, tha thứ và thương xót chúng ta, bất kể chúng ta lạc lối ở đâu và như thế nào. Đây là niềm hy vọng của chúng ta. Đọc tất cả   Philippines sẽ được thánh hiến cho Lòng Chúa Thương xót Khi xã hội Philippines ngày càng chia rẽ trên bình diện xã hội và chính trị, để tìm kiếm sự thống nhất, các Giám mục nước này đã đưa ra sáng kiến sẽ thánh hiến quốc gia và phó thác cho Lòng Thương Xót Chúa vào ngày 27/4/2025, Chúa Nhật thứ hai mùa Phục Sinh, được gọi là Chúa Nhật Lòng Chúa Thương xót. Đọc tất cả   Đức Thánh Cha soạn các bài suy niệm Đàng Thánh Giá năm nay Ngày 15/4/2025, Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết sức khỏe của Đức Thánh Cha đang tiến triển và thông báo rằng Đức Thánh Cha đã viết các bài suy niệm cho Đàng Thánh Giá sẽ được Đức Hồng y Baldassare Reina, Giám quản Roma, chủ sự vào tối thứ Sáu Tuần Thánh, ngày 18/4/2025, tại đấu trường Colosseo ở Roma. Đọc tất cả  

Giáo Hội Việt Nam

Tiếp kiến chung 08-6-2022: Người già chỉ cho chúng ta thấy sự dịu dàng của Thiên Chúa

09/06/2022 - 58


Đức Thánh Cha tiếp kiến chung

Ngày 01.6.2022

NGƯỜI GIÀ CHỈ CHO CHÚNG TA THẤY SỰ DỊU DÀNG CỦA THIÊN CHÚA

Hồng Thủy - Vatican News

Vatican News (08.6.2022) - Trong buổi Tiếp kiến Chung hàng tuần vào sáng thứ Tư ngày 8/6, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sứ mạng thiêng liêng và văn hóa của tuổi già là xua tan “ảo tưởng kỹ thuật về sự sống còn của người máy và sinh học”, và dẫn đến “sự dịu dàng của cung lòng sáng tạo và tạo thành của Thiên Chúa”. Ngài xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nhận ra sứ mạng của người già để chúng ta không theo văn hoá vứt bỏ, loại trừ người già vì họ không còn có ích.

Tiếp tục loạt bài giáo lý về giá trị của người già và tuổi già dưới ánh sáng Lời Chúa, Đức Thánh Cha suy tư về nhân vật Nicôđêmô trong Kinh Thánh, và nói rằng người cao tuổi là sứ giả của sự dịu dàng, khôn ngoan và tình yêu thương.

Giải thích lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô, “Không ai có thể nhìn thấy Nước Thiên Chúa nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (Ga 3,3), Đức Thánh Cha nói rằng sự tái sinh thiêng liêng này không phủ nhận hay làm giảm giá trị của sự sống của chúng ta trên trái đất, nhưng hướng nó tới sự viên mãn cuối cùng trong cuộc sống vĩnh cửu và niềm vui trên thiên đàng.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng thời đại của chúng ta, với việc điên cuồng theo đuổi huyền thoại về tuổi trẻ vĩnh cửu, cần phải học lại sự thật này và xem mọi lứa tuổi của cuộc sống là sự chuẩn bị cho hạnh phúc vĩnh cửu mà chúng ta đã được tạo ra. Chúa Giê-su nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (câu 16). Những người cao tuổi, thông qua đức tin, sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mình, có thể làm chứng thuyết phục về sự hiện diện của Nước Thiên Chúa ở giữa chúng ta và ý nghĩa đích thực của cuộc sống của chúng ta trên trần thế như một cảm nếm trước về “tuổi trẻ vĩnh cửu” đích thực đang chờ đợi chúng ta trong cuộc sáng tạo mới được khai mạc bởi Chúa Kitô và Thánh Thần của Người.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng sứ mạng thiêng liêng và văn hóa của tuổi già là xua tan “ảo tưởng kỹ thuật về sự sống còn của người máy và sinh học”, và mở ra “sự dịu dàng của cung lòng sáng tạo và tạo thành của Thiên Chúa”. Ngài xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nhận ra sứ mạng của người già để chúng ta không theo văn hoá vứt bỏ, loại trừ người già vì họ không còn có ích.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

 Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong số những nhân vật cao tuổi nổi bật nhất trong các Tin Mừng có ông Nicôđêmô - một trong những nhà lãnh đạo Do Thái, người vì muốn biết Chúa Giêsu nên đã đến gặp Người vào ban đêm, mặc dù cách bí mật (x. Ga 3,1-21). Trong cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, cốt lõi điều mặc khải của Chúa Giêsu và sứ mạng cứu chuộc của Chúa được nêu rõ khi Người nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (câu 16).

Sinh lại bởi ơn trên là sự sinh ra trong Thánh Linh

Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng để “nhìn thấy Nước Thiên Chúa”, người ta cần “được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (xem câu 3). Điều này không có nghĩa là bắt đầu lại từ khi sinh ra, lặp lại việc chúng ta đến với thế giới với hy vọng rằng một sự tái sinh mới sẽ mở ra cơ hội có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Việc lặp lại này không có ý nghĩa. Nói đúng hơn, nó sẽ làm mất đi tất cả ý nghĩa của cuộc sống mà chúng ta đã sống, xóa sạch nó như thể đó là một thử nghiệm thất bại, một giá trị đã hết thời, một khoảng trống lãng phí. Không, điều này không phải là như thế. Việc sinh ra một lần nữa này, điều Chúa Giêsu nói, là một điều khác. Cuộc sống này thật quý giá trong mắt Thiên Chúa - nó xác định chúng ta là những thụ tạo được Thiên Chúa yêu thương cách dịu hiền. Việc “sinh ra bởi ơn trên”, điều cho phép chúng ta “đi vào” Nước Thiên Chúa, là một sự sinh ra trong Thánh Linh, một cuộc đi qua dòng nước hướng về miền đất hứa của một thụ tạo được hòa giải với tình yêu của Thiên Chúa. Đây là một sự sinh lại bởi ơn trên, với ân sủng của Thiên Chúa. Nó không phải sự tái sinh về thể xác.

Ông Nicôđêmô hiểu sai việc sinh ra này và đặt nghi vấn bằng cách dùng tuổi già làm bằng chứng cho sự bất khả thi của nó: con người chắc chắn sẽ già đi, giấc mơ trẻ mãi không già là điều mãi mãi xa vời, hao mòn là số phận của mọi sự chào đời trong thời gian. Làm sao người ta có thể tưởng tượng được một đích đến mang hình thức của sự sinh ra? Và ông Nicôđêmô nghĩ như thế và không thể hiểu lời của Chúa Giêsu. Việc sinh ra lần nữa này có nghĩa là gì?

Tuổi già - thời gian thích hợp để hiểu về việc sinh lại trong Thánh Linh

Sự phản đối của ông Nicôđêmô rất hữu ích cho chúng ta. Trên thực tế, theo lời của Chúa Giêsu, chúng ta có thể đảo ngược nó với việc khám phá ra một sứ mạng phù hợp với tuổi già. Thật vậy, tuổi già không những không phải là một trở ngại đối với việc sinh ra lại bởi ơn trên như Chúa Giêsu nói đến, mà còn trở thành thời gian thích hợp để soi sáng cho việc sinh ra này, khiến nó không bị đánh đồng với niềm hy vọng bị mất.

Huyền thoại về tuổi trẻ vĩnh cửu 

Thời đại của chúng ta và nền văn hóa của chúng ta, vốn thể hiện xu hướng đáng lo ngại khi coi việc chào đời của một đứa trẻ là vấn đề đơn giản của quá trình sản sinh và tái sản xuất sinh học của con người, nuôi dưỡng huyền thoại về tuổi trẻ vĩnh cửu như nỗi ám ảnh - tuyệt vọng - về một thân xác không bị hư hoại. Bởi vì tuổi già - theo nhiều cách - bị xem thường. Nhưng tại sao tuổi già không được đánh giá cao? Bởi vì nó mang bằng chứng không thể chối cãi về việc bác bỏ huyền thoại này, một huyền thoại khiến chúng ta luôn muốn trở lại trong lòng mẹ để trở lại với một thân xác trẻ trung.

Công nghệ kỹ thuật bị thu hút bởi huyền thoại này theo mọi cách. Trong khi chờ đợi đánh bại thần chết, chúng ta có thể giữ cho cơ thể sống bằng thuốc và mỹ phẩm, những thứ có tác dụng làm chậm, che dấu, xóa đi tuổi già. Đương nhiên, một đàng là hạnh phúc, đàng khác là việc nuôi dưỡng huyền thoại. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng sự nhầm lẫn giữa hai khía cạnh đang tạo ra một sự hoang mang tinh thần nào đó trong chúng ta.

Nhầm lẫn hạnh phúc và điều khác là đang nuôi dưỡng huyền thoại về tuổi trẻ vĩnh cửu, và người ta làm rất nhiều điều để có lại được tuổi trẻ này. Nhưng rất nhiều thủ thuật, nhiều cuộc phẫu thuật để trông trẻ ra. Tôi nhớ lại lời của một nữ diễn viên người Ý, Magnani, khi họ nói với cô ấy rằng họ phải xóa nếp nhăn cho cô ấy, và cô ấy nói: “Không, đừng chạm vào chúng! Tôi đã có rất nhiều năm để có chúng: đừng chạm vào chúng!” Các nếp nhăn là biểu tượng của kinh nghiệm, một biểu tượng của cuộc sống, biểu tượng của sự trưởng thành, biểu tượng của việc đã trải qua một chặng đường. Đừng xử lý chúng để trở nên trẻ ra, mà chỉ trẻ về gương mặt: điều quan trọng là toàn bộ tính cách, là con tim, và trái tim vẫn còn nguyên sự trẻ trung của rượu ngon, rượu càng lâu ngày càng ngon.

Cuộc sống trần thế là một thực tại đẹp đẽ nhưng “chưa hoàn thành”

Cuộc sống trong xác phàm của chúng ta là một thực tại đẹp đẽ “chưa hoàn thành”, giống như một số tác phẩm nghệ thuật có sức hấp dẫn độc đáo chính xác do tính chưa hoàn thiện của chúng. Bởi vì cuộc sống ở thế gian này là một “sự khởi đầu”, không phải là sự hoàn thành. Chúng ta bước vào thế giới như thế, giống như những con người thật, như những con người luôn luôn già đi, nhưng luôn luôn thật. Nhưng sự sống trong xác phàm của chúng ta là một không gian và thời gian quá nhỏ để có thể giữ cho phần quý giá nhất của sự hiện hữu của chúng ta nguyên vẹn và hoàn thiện trong thời gian của thế giới. Chúa Giêsu nói rằng đức tin, điều đón nhận lời loan báo Tin Mừng về vương quốc của Thiên Chúa được định sẵn cho chúng ta, chứa đựng một hiệu quả chính yếu đặc biệt. Nó cho phép chúng ta “nhìn thấy” vương quốc của Thiên Chúa. Chúng ta trở nên có khả năng thực sự nhìn thấy nhiều dấu hiệu của sự gần đến của hy vọng của chúng ta về sự hoàn thành điều mà trong cuộc sống của chúng ta, mang dấu hiệu hướng đến sự vĩnh cửu trong Thiên Chúa.

Các dấu chỉ là những dấu hiệu của tình yêu theo Phúc Âm, được Chúa Giêsu soi sáng bằng nhiều cách. Và nếu chúng ta có thể “nhìn thấy” chúng, chúng ta cũng có thể “đi vào” vương quốc, bằng hoạt động của Chúa Thánh Thần nhờ nước tái sinh.

Tuổi già tiến bước, tiến về đích của nó

Tuổi già là thời gian, được ban tặng cho nhiều người trong chúng ta, trong đó điều kỳ diệu của việc sinh bởi ơn trên này có thể được đồng hóa một cách mật thiết và trở nên đáng tin cậy đối với cộng đồng nhân loại. Nó không nói lên nỗi nhớ về việc sinh ra trong thời gian, mà là tình yêu dành cho đích điểm cuối cùng của chúng ta. Theo quan điểm này, tuổi già có một vẻ đẹp độc đáo: chúng ta đang hành trình hướng tới Đấng Vĩnh cửu. Không ai có thể trở vào lại trong dạ mẹ của mình, ngay cả bằng cách sử dụng các yếu tố công nghệ và tiêu dùng thay thế. Việc này không mang lại sự khôn ngoan, nó là nhân tạo. Điều đó thật đáng buồn, ngay cả khi nó có thể xảy ra. Tuổi già tiến bước, tiến về đích của nó, hướng tới thiên đàng của Thiên Chúa. Tuổi già bước đi với sự khôn ngoan được trải nghiệm trong cuộc sống. Do đó, tuổi già là thời gian đặc biệt để tách tương lai khỏi ảo tưởng của kỹ thuật về một sự sống còn của người máy và sinh học, đặc biệt là vì nó đưa chúng ta đến với sự dịu dàng của cung lòng sáng tạo và tạo thành của Thiên Chúa.

Sự dịu dàng của người già - sự dịu dàng của Thiên Chúa

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh từ này: sự dịu dàng của người già. Hãy nhìn một người ông hoặc một người bà nhìn những đứa cháu, cách họ vuốt ve chúng: sự dịu dàng đó, không bị ảnh hưởng bởi mọi thử thách của con người, đã vượt qua thử thách của con người và có khả năng tự do trao gửi tình yêu thương, sự gần gũi yêu thương của người này cho người kia. Và nó mở ra cánh cửa để hiểu được sự dịu dàng của Chúa. Chúng ta đừng quên rằng Thánh Thần của Thiên Chúa là sự gần gũi, cảm thông và dịu dàng. Thiên Chúa là thế, Người biết vuốt ve. Và tuổi già giúp chúng ta hiểu được chiều kích này của Thiên Chúa nhân từ. Tôi đã nói, tuổi già là thời điểm đặc biệt để giải thoát tương lai khỏi ảo tưởng kỹ thuật; là thời gian của sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng, tạo ra một con đường cho tất cả chúng ta.

Đón nhận sứ mạng thiêng liêng - và văn hóa - của tuổi già

Xin Chúa Thánh Thần giúp cho chúng ta tái mở lòng với sứ mạng thiêng liêng - và văn hóa - của tuổi già, điều hòa giải chúng ta với việc sinh ra bởi ơn trên. Khi chúng ta nghĩ về tuổi già như thế này, chúng ta nói: tại sao nền văn hóa vứt bỏ này lại quyết định loại bỏ những người già, có phải bởi vì họ không hữu ích? Những người già là các sứ giả của tương lai, các sứ giả của sự dịu dàng, các sứ giả của sự khôn ngoan của một cuộc đời đã được trải nghiệm. Chúng ta hãy tiến bước và nhìn vào những người già. Cảm ơn anh chị em.

Nguồn: vaticannews.va/vi



Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com

× Thành công! Câu hỏi của cộng đoàn đã được gửi. Câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.