TÍNH BỔ TRỢ, TÌNH LIÊN ĐỚI VÀ LÒNG BÁC ÁI TRỔ SINH HOA TRÁI GIỮA MÙA DỊCH COVID
Sr. M. Theresia Kim Dung
MỤC LỤC 1. NGUYÊN
TẮC BỔ TRỢ VÀ NGUYÊN TẮC LIÊN ĐỚI TRONG HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO 1.3. Mối
tương quan giữa hai nguyên tắc bổ trợ và liên đới 2. ĐỨC ÁI KITÔ GIÁO TRONG ĐẠI DỊCH COVID |
WHĐ (11.7.2022) - Bác ái đóng vai trò quan trọng trong Học thuyết Xã hội của Giáo hội.[1]
Mỗi trách nhiệm và cam kết được giải thích trong giáo huấn xã hội, đều bắt nguồn
từ tình yêu, từ đức ái. Giáo hội nhìn thấy nơi mỗi người hình ảnh sống động của
chính Thiên Chúa (x. St 1,27). Từ đó, tất cả các giá trị được nối kết với phẩm
giá con người được xem là giá trị chủ đạo. Khởi đi từ niềm tin Kitô giáo về phẩm
giá bất khả xâm phạm của con người, Giáo hội đã rút ra một số nguyên tắc, chuẩn
mực, và nhận định về giá trị nhằm đóng góp vào việc xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Đó là bước đầu để thúc đẩy nền nhân bản toàn diện và liên đới. Vì thế, bài viết
này được chia làm hai phần chính: Phần thứ nhất trình bày hai nguyên tắc cột trụ
trong học thuyết xã hội - bổ trợ và liên đới - để chúng ta cùng nhau suy tư; Phần
thứ hai đề cập đến lòng bác ái trổ sinh giữa mùa dịch Covid khi áp dụng các định
hướng của Giáo hội vào trong thực tế cuộc sống.
Bổ trợ là một trong những định hướng bền vững
và đặc thù nhất của Học thuyết Xã hội Công giáo và cũng là nguyên tắc quan trọng
nhất của triết học xã hội. Nguyên tắc bổ trợ
hiện diện trong tất cả các văn kiện xã hội quan trọng đầu tiên của Giáo hội.
Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo đã đưa ra một định nghĩa về nguyên tắc bổ trợ
như sau: Hội thánh đề ra nguyên tắc bổ trợ:
một tập thể cấp cao không được can thiệp vào nội bộ tập thể cấp thấp đến độ tước
mất các thẩm quyền của nó, nhưng đúng hơn phải nâng đỡ nó khi cần thiết, và
giúp nó phối hợp hoạt động với những tập thể khác, để mưu cầu công ích”.
[2]
Dưới góc nhìn quản trị điều hành, nguyên tắc bổ
trợ đề ra một giới hạn phù hợp trong việc quản lý của tổ chức cấp cao, tạo ra mối
tương quan hài hòa giữa cá nhân với xã hội, chống lại mọi hình thức lãnh đạo
gia trưởng, tập quyền, quan liêu giấy tờ... Nguyên tắc này cũng đòi hỏi tổ chức
cấp cao hơn tôn trọng sự hiện hữu, tính tự lập và thẩm quyền của các tổ chức
trung gian (vd: tổ chức địa phương, hiệp hội, nhóm, gia đình, cá nhân). Nói
cách khác, nguyên tắc bổ trợ phải được thực hiện thông qua sự tôn trọng quyền tự
chủ và năng lực chủ động của tất cả mọi người, trong đó sáng kiến, khả năng và
trách nhiệm của những cá nhân và các tổ chức nhỏ được đề cao và khuyến khích.
“Nguyên tắc bổ trợ ra đời để gia tăng quyền tự do của cá nhân, nhóm, đoàn thể,
và để ngăn chặn sự tập trung quyền lực quá mức. Sáng kiến cá nhân cần phải được
khuyến khích vì có khả năng giúp đỡ chính mình là một yếu tố quan trọng của phẩm
giá làm người”.[3]
Dựa trên nguyên tắc này, các cá
nhân có thẩm quyền cao hơn hoặc các tổ chức cấp trên chỉ hỗ trợ (subsidium),
giúp đỡ, thúc đẩy, bổ túc và phát triển các cá nhân và tổ chức xã hội (nhỏ
hơn), họ chỉ can thiệp khi các cá nhân hoặc tổ chức trung gian không đủ khả
năng chu toàn nhiệm vụ. Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp gọi đây là hành động
“can thiệp kỹ thuật” của người có thẩm quyền hay tổ chức cấp trên để hỗ trợ các
cấp dưới.[4]
Hệ quả đặc trưng của bổ trợ là sự tham gia. Nguyên tắc bổ trợ cho phép mọi người đảm
nhận trách nhiệm đối với vận mệnh của xã hội. Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đề cập
đến nguyên tắc bổ trợ qua việc trao quyền (empowerment) cho các tổ chức trung
gian. Ngài nhắc đi nhắc lại từ khóa “khả năng” (capacity) nhiều lần trong Thông
điệp Laudato Si' nhằm thúc đẩy người Kitô hữu phát huy khả năng của mình trong
sự hoán cải vừa sinh thái vừa xã hội. Theo đó, trao quyền hoặc ủy quyền được hiểu
là giao một phần công việc cho cá nhân hoặc tổ chức trung gian chịu trách nhiệm
thi hành và đồng thời giao cho họ quyền hành tương xứng với trách nhiệm được
giao. Việc trao quyền cần có một số điều kiện kèm theo như sự hiểu biết, sự trưởng
thành và tinh thần trách nhiệm mà các thuộc cấp cần phải có. Để được như thế,
người lãnh đạo cần hỗ trợ những người cấp dưới thông qua việc đào tạo nhằm nâng
cao năng lực.
Con người được tạo dựng giống hình ảnh của
Thiên Chúa và được Chúa Giêsu cứu chuộc. Từ niềm tin Kitô giáo này, các Học
thuyết xã hội của Giáo hội đều nhìn nhận phẩm giá và ngôi vị của con người, điều
mà xã hội phải tôn trọng, bảo vệ và phát huy. “Tôn trọng nhân vị gồm cả việc
tôn trọng các quyền phát sinh từ phẩm giá của thụ tạo con người. Các quyền này
không do xã hội ban cho và xã hội phải công nhận chúng”.[5]
Chỉ khi phẩm giá con người được phát huy và tôn trọng, thì cơ cấu xã hội mới vững
chắc. ĐTC Bênêđictô XVI nhấn mạnh trong Thông điệp Caritas in Veritate: “Sự bổ trợ tôn trọng phẩm giá con người, khi
nhìn họ như một chủ thể có khả năng trao ban một cái gì đó cho người khác. Khi
công nhận tính hỗ tương như tâm điểm của đời sống con người, sự bổ trợ thực sự
là phương tiện đối kháng hữu hiệu với bất cứ hình thức nào của hệ thống xã hội
nặng tính gia trưởng”.[6]
Giáo hội đặt nguyên tắc bổ trợ trên nền tảng
thần học về tạo dựng. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa ban cho con người tự
do. Ngài luôn đồng hành hỗ trợ con người chứ không làm hoặc quyết định thay họ.
“Thiên Chúa không muốn dành cho riêng mình việc thi hành mọi quyền hành. Người
trao lại cho mỗi thụ tạo những phận vụ có thể thi hành theo khả năng của bản
tính riêng. Cách lãnh đạo này phải được noi theo trong đời sống xã hội. Đường lối
hành động lãnh đạo của Thiên Chúa khi cai trị thế giới cho thấy Ngài rất tôn trọng
quyền tự do của con người. Đó phải là đường hướng chỉ đạo cho những ai cầm quyền
trong các cộng đồng nhân loại. Họ phải xử sự như những thừa tác viên của Chúa
quan phòng”.[7]
Lược lại dòng lịch sử về các giáo huấn xã hội
của Giáo hội, chúng ta nhận thấy các ĐTC đã suy tư và áp dụng nguyên tắc bổ trợ
này trong hoàn cảnh lịch sử và bối cảnh xã hội toàn cầu của các ngài. Những phần
liên quan này sẽ không được đề cập chi tiết trong khuôn khổ bài viết.
Tình liên đới xuất phát từ tình yêu, là sự thể
hiện của bác ái và là mối dây liên kết tất cả mọi người thành một gia đình nhân
loại. Tình liên đới nhân loại đem lại lợi ích cho chúng ta, đồng thời cũng là một
bổn phận, một trách nhiệm phổ quát. Tình liên đới thúc bách chúng ta chia sẻ
không những của cải vật chất mà cả của cải tinh thần.[8]
“Nguyên tắc liên đới diễn tả chiều kích xã hội của con người. Không ai có
thể sống cho riêng mình, mà luôn dựa vào người khác, không chỉ để nhận sự giúp
đỡ thực tế, mà còn để trò chuyện, để thăng tiến nhờ hiểu biết các ý tưởng, lý lẽ,
nhu cầu, mong ước của người khác, và có thể phát triển nhân cách của mình trọn
vẹn hơn”.[9]
Cũng như nguyên tắc bổ trợ, tình liên đới được
nhắc tới một cách xuyên suốt và hệ thống trong giáo huấn xã hội của Giáo hội. Học
thuyết Xã hội Công giáo kể tình liên đới vào số những nguyên tắc căn bản, nhưng
không đưa ra một định nghĩa chính xác về thuật ngữ này. Điều chúng ta ngày
nay gọi là nguyên tắc liên đới, thì ĐTC Lêô XIII thường sử dụng cụm từ “tình
thân hữu”, ĐTC Piô XI đề cập đến thuật ngữ “tình bác ái xã hội”, và ĐTC Phaolô
VI nói về “nền văn minh tình yêu”, khi ngài mở rộng khái niệm này để bao hàm
nhiều khía cạnh hiện đại của vấn đề xã hội.[10]
Tình liên đới là một nguyên tắc xã hội và là một
đức tính luân lý.[11]
Trước tiên, là một nguyên tắc xã hội, liên đới giúp khắc phục “các cơ cấu tội lỗi”
từng chi phối các quan hệ giữa các cá nhân và các dân tộc, giúp xây dựng một “nền
văn minh tình yêu”. Thứ đến, liên đới cũng là một đức tính luân lý đích thực, bởi
vì tình liên đới nhấn mạnh đến sự cam kết muốn dấn thân lo cho công ích. Một cá
nhân không thể mang lại lợi ích chung cho cộng đồng xã hội, công ích chỉ đạt được
bằng những nỗ lực của nhiều người hợp lại. “Nhân đức liên đới được định nghĩa
là ‘ý định bền bỉ và kiên quyết cam kết cho điều thiện chung; nghĩa là cho điều
thiện của tất cả và mỗi người, ngõ hầu tất cả mọi người thực sự mang trách nhiệm
với hết mọi người'”.[12]
Ngoài ra, liên đới còn là một thái độ xã hội. Nói về mối tương quan mật thiết giữa
liên đới và công ích, ĐTC Phanxicô diễn giải trong Thông điệp Fratelli Tutti:
“Liên đới có nghĩa là suy nghĩ và hành động vì cộng đồng, ưu tiên cho cuộc sống
của tất cả mọi người hơn là cho việc sở hữu thiện ích của một ít người”.[13]
Điều này mời gọi người Kitô hữu quan tâm đến thiện ích chung của tất cả mọi người,
bao gồm cả những người nghèo khổ, những người yếu thế và bị gạt ra bên lề xã hội
vì họ không có tiếng nói cũng không có quyền lực. Trong tinh thần đó, tình liên
đới cổ võ sự hiệp nhất trong đời sống xã hội và sự bình đẳng của các phần tử,
cũng như chống lại mọi hình thức cá nhân chủ nghĩa, lối sống ích kỷ, vô cảm,
bàng quan trước những mất mát, khó khăn của anh chị em đồng loại.
Đề cập đến liên đới và sự phát triển chung của
nhân loại, sách Tóm lược Học thuyết Xã hội, số 195 ghi rõ: “Nguyên tắc liên đới
đòi hỏi con người hôm nay phải ngày càng nhận thức rõ hơn rằng họ chính là người
mắc nợ xã hội mà trong đó họ là thành viên”.[14]
Tự bản chất sâu xa, con người là một hữu thể xã hội, một thành phần của nhân loại,
vận mệnh của người này nối kết và gắn chặt với vận mệnh của người khác, vì thế,
khi mời gọi các tín hữu chung tay chăm sóc Ngôi nhà chung, xây dựng một nền
sinh thái toàn diện, ĐTC Phanxicô nhắc đến tầm quan trọng của tình liên đới giữa
các thế hệ hướng tới sự phát triển bền vững. Ngài lên tiếng cách mạnh mẽ: “Nếu
không có sự liên đới giữa các thế hệ, thì không thể nào nói đến việc phát triển
lâu dài được”.[15]
Tình liên đới của Đức Giêsu với nhân loại giải
thích lý do tại sao người Kitô hữu cần phải thực hành tình liên đới. Nơi Người
chúng ta luôn nhận ra dấu chỉ sống động của một tình yêu khôn lường và siêu việt
của Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu “không chỉ công bố tình liên đới của mình
với toàn thể loài người mà còn từ bỏ mạng sống vì chúng ta nữa. Sự tự hiến đến
cùng này vì người khác thể hiện mức độ cao nhất của tình yêu và tình liên đới,
và phải trở thành chuẩn mực cho hành động của các tín hữu Kitô giáo”.[16]
Noi gương Chúa Giêsu, Giáo hội mời gọi chúng ta thực hiện tình liên đới với con
người và thế giới hôm nay: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người
ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng
và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là
của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ”.[17]
Liên đới là đức tính Kitô giáo, là nhân đức
thúc đẩy mọi thành viên trong gia đình nhân loại chia sẻ của cải vật chất và
tinh thần. Nguyên tắc bổ trợ được nhắc đến ở đây là cách điều phối các hoạt động
của xã hội, tránh sự lạm quyền của cấp cao hơn, khi họ lấy đi những gì các cá
nhân và các đoàn thể trung gian có thể tự làm được. Hai nguyên tắc liên đới và
bổ trợ đều xây dựng trên việc tôn trọng phẩm giá siêu việt của con người và đều
hướng đến lợi ích chung, hướng về công ích. Mối tương quan giữa hai nguyên tắc
bổ trợ và liên đới không bao giờ có thể được xem là điều đương nhiên, điều “tất
nhiên phải có”, trong thực tế mối tương quan này thường không đối xứng (not
symmetrical), đặc biệt khi liên quan đến kinh tế xã hội. Tình liên đới có thể rất
cao và sự bổ trợ, phụ đới thấp là điều có thể xảy ra. Tương tự, sự bổ trợ không
thể thực hiện được nếu không có tình liên đới.[18]
Ngày nay, tình liên đới dựa vào cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong những
hoạt động bác ái. Trong Thông điệp Caritas in Veritate, ĐTC Bênêđictô XVI nhấn
mạnh đến sự liên kết chặt chẽ của hai nguyên tắc bổ trợ và liên đới trong việc
cứu trợ như sau: “Nguyên tắc bổ trợ phải liên kết chặt chẽ với nguyên tắc liên
đới và ngược lại. Vì bổ trợ nếu không có tình liên đới sẽ rơi vào chủ nghĩa địa
phương xã hội; cũng thế, liên đới mà không có bổ trợ cũng rơi vào một hệ thống
gia trưởng, hạ thấp giá trị của những người được giúp đỡ”.[19]
Giới
thiệu về UB. BAXH - Caritas Việt Nam
UB. BAXH - Caritas Việt Nam là tổ chức hoạt động
bác ái xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Caritas Việt Nam (CVN) bao
gồm Văn phòng CVN và 27 Caritas Giáo phận (CGP). Trong mỗi CGP, mạng lưới
Caritas được triển khai đến giáo hạt, giáo xứ. Dưới ánh sáng của Lời Chúa và Học
thuyết Xã hội của Giáo hội, mọi thành viên trong gia đình Caritas thực thi hoạt
động bác ái mang đặc tính Kitô giáo, hướng đến việc loan báo Tin Mừng. Việc phục
vụ bác ái này không những bao gồm các công việc cứu trợ khẩn cấp, đặc biệt khi
có lũ lụt thiên tai, dịch bệnh, mà còn hướng đến việc thăng tiến và phát triển
con người toàn diện. CVN là một tổ chức thành viên của Caritas Quốc tế.
Áp dụng
hai nguyên tắc bổ trợ và liên đới
Nói về việc áp dụng nguyên tắc bổ trợ và liên
đới, Caritas Quốc tế và các tổ chức thành viên buộc phải tuân theo những quy định
đã được ghi rõ trong bộ quy tắc đạo đức và quy tắc ứng xử của Caritas Quốc tế.
Bổ trợ:
“Chúng tôi bảo đảm rằng quyền lực, các quyết định và
trách nhiệm được chuyển giao cho cấp thấp nhất mà tại đó những điều này có thể
được thực thi một cách hợp lý. Khi làm như vậy, chúng tôi cố gắng tối đa hóa và
xây dựng dựa trên khả năng và nguồn lực của địa phương. Bản sắc trung tâm của
Caritas bao gồm các thành viên Caritas quốc gia, giáo phận và giáo xứ, và tất cả
chúng tôi sẽ cố gắng thúc đẩy và củng cố những điều này để giúp họ có thể tự chủ
và chịu trách nhiệm nhiều hơn”.[20]
Liên đới:
“Chúng tôi làm việc liên đới với những người nghèo khổ
và người bị thiệt thòi, qua đó mà đạt được những thành quả của hòa bình, công
lý và phát triển con người. Tình liên đới gắn kết chúng tôi với nhau trong tầm
nhìn chung về việc thiết lập một thế giới nơi tất cả mọi người nhận được những
gì thuộc về mình một cách chính đáng với tư cách là con cái của Thiên Chúa”.[21]
Là một tổ chức thành viên của Caritas Quốc tế,
CVN cam kết tuân thủ các quy tắc trên. Nói cách khác, mọi hoạt động bác ái xã hội
của CVN đều được chi phối bởi hai nguyên tắc liên đới và bổ trợ. Thật vậy, tình
liên đới gắn kết mọi thành viên trong đại gia đình CVN với nhau, có chung một tầm
nhìn, một sứ mạng, một đối tượng phục vụ là anh chị em nghèo khó và đau khổ. Ở
mỗi cấp Caritas (quốc gia, giáo phận hay giáo xứ) nguyên tắc bổ trợ nhắc nhở
các cá nhân hoặc tập thể cấp cao hơn không can thiệp vào nội bộ của cấp thấp
hơn, nếu như họ có thể tự mình giải quyết được vấn đề. Nguyên tắc này mời gọi
các nhà lãnh đạo cấp trên đặt niềm tin vào người cấp dưới, trao cho họ trách
nhiệm và quyền tương ứng đi theo để họ chu toàn công việc. Lãnh đạo là một nghệ
thuật, người lãnh đạo không phải là người làm hết mọi việc nhưng là người truyền
cảm hứng và thúc đẩy người khác cùng nhau thực hiện để đạt mục đích đã đề ra.
Vì thế, nguyên tắc bổ trợ nói lên bổn phận hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm
vụ, thúc đẩy trách nhiệm và sáng kiến cá nhân, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của
sự bổ túc cho nhau. UB. BAXH - CVN là thực thể / tổ chức mà chính các thành
viên (CGP, Caritas Giáo xứ, hội viên, tình nguyện viên...) làm nên. Vì thế, việc
khích lệ từng thành viên sẵn sàng đóng góp sức lực, khả năng và sáng tạo của
mình vào việc chung là điều cần thiết. Qua đó, nguyên tắc bổ trợ giúp Caritas
các cấp (giáo phận, giáo hạt, giáo xứ), các nhóm (người khuyết tật, người có
HIV, người di dân...) hoặc cá nhân (nhân viên, cộng tác viên, tình nguyện
viên), tự tin và phát triển năng lực của mình để đóng góp xây dựng cộng đồng xã
hội.[22]
Việc trao quyền (empowerment) ở đây không đồng nghĩa với chia quyền, vì chia
quyền thường dẫn đến việc tạo ra “địa phương chủ nghĩa” và cạnh tranh.
Áp dụng nguyên tắc bổ trợ và liên đới vào
trong thực tế, Văn phòng CVN đã nỗ lực thực hiện các hoạt động sau: tổ chức các
khóa tập huấn đào tạo nhằm nâng cao năng lực nhân viên CGP, đồng hành hỗ trợ
CGP thiết lập văn phòng, xây dựng và kết nối mạng lưới CGP với các tổ chức
khác, hợp tác và thực hiện các chương trình dự án... Trong tinh thần đó, mỗi
CGP có thể chủ động và phát huy sáng kiến khi triển khai các hoạt động bác ái
phù hợp với hoàn cảnh địa phương, vùng miền. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam
việc áp dụng hai nguyên tắc trên vào thực tế vẫn còn là thách đố lớn cho những
cá nhân và tập thể cấp cao hơn. Điều này cần đến sự đổi mới tư duy và phong
cách lãnh đạo sao cho phù hợp với những chỉ dẫn nguyên tắc của Giáo hội và với
con người ngày nay. Thiết nghĩ, để có thể từng bước vận dụng các nguyên tắc
liên đới và bổ trợ vào thực tế, việc học hỏi các nguyên tắc này cần được đẩy mạnh
trước tiên. Hướng tới phát triển tổ chức cách bền vững, CVN cần có những quy chế
hướng dẫn rõ ràng, bao gồm cả quy tắc đạo đức và quy tắc ứng xử cho mọi thành
viên để họ thi hành.
Xuất phát từ tình yêu Đức Kitô, người Kitô hữu
cảm thấy được thôi thúc phải yêu thương anh em đồng loại. “Mọi thứ đều bắt nguồn
từ tình yêu của Thiên Chúa, mọi thứ đều được định hình bởi tình yêu, mọi thứ đều
quy hướng về tình yêu. Tình yêu là quà tặng lớn nhất mà Thiên Chúa trao ban cho
loài người; tình yêu là lời hứa của Ngài, và là niềm hy vọng của chúng ta”.[23]
Trong sự hiệp thông của Giáo hội, tình yêu Thiên Chúa được con người tiếp nối,
và tỏa lan đến anh chị em đồng loại. Nói cách khác, mọi hoạt động của Giáo hội
đều là lời diễn tả tình yêu - một tình yêu tìm kiếm điều thiện ích cho con người.
Thật vậy, “Giáo hội sống trong thế giới, và dù không thuộc về thế giới (x. Ga
17,14-16), Giáo hội cũng được mời gọi phục vụ thế giới theo ơn gọi sâu xa của
mình”.[24]
Vì thế “tình yêu chính là công việc phục vụ mà Giáo hội tiến hành để luôn đáp ứng
với đau khổ và những nhu cầu của con người, kể cả những nhu cầu vật chất”.[25]
Đại dịch Covid-19 xảy ra như một thảm họa đau
thương cho toàn nhân loại. Chúng ta đã chứng kiến biết bao tang thương, mất
mát, đổi thay, xáo trộn, khủng hoảng trong mọi lãnh vực từ kinh tế, chính trị,
văn hóa, xã hội, tôn giáo, v.v...
nhưng đồng thời đại dịch cũng là cơ hội để chia sẻ và trao ban yêu thương, là
cơ hội để phản tỉnh giúp con người tìm về những giá trị cốt lõi của cuộc sống.
ĐTC Phanxicô từng chia sẻ rằng đại dịch Covid-19 đã nhắc nhở nhân loại nói
chung và người Kitô hữu nói riêng về sự mong manh của thân phận con người. Và
chính trong những giây phút đau thương tàn khốc, tình liên đới là mối dây liên
kết chúng ta lại với nhau. Tất cả chúng ta phụ thuộc lẫn nhau về mọi mặt, cả tốt
lẫn xấu, mọi hành động của chúng ta đều ảnh hưởng đến người khác, chúng ta cùng
trên một con thuyền. “Đại dịch Covid-19, có lúc đã khơi lại rõ ràng cái cảm thức
chúng ta là một cộng đồng thế giới đang chèo chống trên cùng một con thuyền, ở
đó điều gây tổn hại cho người này cũng gây tổn hại cho những người khác”.[26]
Để có thể vượt qua cơn khủng hoảng Covid, chúng ta cần phải chung lòng chung sức
với nhau. Đại dịch này cần phải được điều trị bằng kháng thể của tình liên đới.
Tình yêu thúc đẩy con người liên đới với nhau thành cái “Chúng ta”. “Sự liên đới,
được biểu lộ cụ thể trong việc phục vụ, có thể có những hình thức rất khác nhau
trong trách nhiệm chăm lo cho người khác. Mà phục vụ ‘phần lớn là quan tâm đến
những hoàn cảnh bấp bênh. Phục vụ có nghĩa là chăm sóc những thành viên yếu kém
của gia đình chúng ta, xã hội chúng ta, dân tộc chúng ta'”.[27]
Tình liên đới, nghĩa đồng bào, tinh thần “Lá
lành đùm lá rách” đã làm cho đức ái được trổ sinh trong thời gian dịch bệnh
Covid. Giữa những khó khăn bủa vây chồng chất, người ta lại càng thấy tình người
trở nên ấm áp. Sài Gòn trước đây luôn sẵn sàng chia sẻ quảng đại với các nạn
nhân thiên tai trên cả nước. Giờ đây, khi Sài Gòn gặp thử thách, hàng triệu con
tim ở mọi miền đất nước đều hướng về Sài Gòn với tất cả sự yêu thương, đùm bọc.
Mọi người đều cảm thấy có trách nhiệm với nhau, cảm nhận nỗi đau của người khác
là nỗi đau của chính mình. Ở đây, tình liên đới được hiểu là cho đi nhưng
không, một cách vô vị lợi và không tính toán. Điều này mời gọi chúng ta nhìn nhận
mỗi người, dù thân quen hay xa lạ, nhất là những người nghèo và đau khổ, là anh
chị em của mình, những người “mà Đức Kitô đã chết cho họ” (Rm 14,15). Dụ ngôn
người Samari nhân hậu vẫn là một chuẩn mực đòi buộc chúng ta tỏ bày tình yêu phổ
quát đối với người gặp nạn trong những tình huống khẩn thiết (x. Lc 10,31). Thật
vậy, đáp lời kêu gọi của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh - Chủ tịch Hội
đồng Giám mục Việt Nam - trong thư “Thương quá Sài Gòn ơi!”, hàng ngàn chuyến
xe chở đầy yêu thương đã hướng về Sài Gòn và miền Nam thân yêu. Các Caritas
giáo phận, nhiều dòng tu nam nữ, các tổ chức... phát huy sáng kiến để có thể hỗ
trợ sẻ chia nỗi đau với người cùng khổ. Mọi nhà, mọi xứ, già trẻ ngày đêm vẫn
thống thiết vang lên lời kinh cầu mong cho đại dịch mau qua. Nhiều linh mục,
nam nữ tu sĩ, giáo dân đã tham gia vào đội ngũ tình nguyện viên chăm sóc người
nhiễm Covid trong các bệnh viện dã chiến. Phối hợp với y bác sĩ Công giáo và
tình nguyện viên, CVN có chương trình đồng hành và chăm sóc F0 tại nhà. Thật là
cảm kích, khi biết rằng nhiều người quanh ta, dẫu có sợ hãi, vẫn sẵn sàng dấn
thân chấp nhận rủi ro nguy hiểm. Mỗi người đều cảm nghiệm rằng cuộc sống của
chúng ta được đan dệt và đỡ nâng bởi những con người bình thường nhưng dũng cảm,
họ là những bác sĩ, y tá, điều dưỡng, tài xế lái xe cấp cứu... và đã có người
hy sinh khi tham gia điều trị, cứu chữa bệnh nhân Covid. Tại nhiều giáo xứ, cha
xứ cùng với Caritas giáo xứ thực hiện những bữa cơm 0 đồng, chia sẻ những bó
rau, củ hành, bao gạo... cho những gia đình đang gặp khó khăn, không phân biệt
tôn giáo. Cũng vậy. một bức tranh Đức ái muôn màu muôn sắc được các dòng tu dệt
nên, nhằm xoa dịu nỗi đau của anh chị em mình. Người tu sĩ đã trở thành những
cánh tay nối dài giữa những mạnh thường quân và những người nghèo khổ qua việc
cung cấp lương thực cho anh chị em di dân trong những khu nhà trọ chật hẹp, cho
những người dân trong khu cách ly hoặc thăm viếng ủi an những mảnh đời bất hạnh.
Các hội viên, tình nguyện viên Caritas Phan Thiết, Nha Trang, Qui Nhơn, Mỹ Tho,
Vĩnh Long chia sẻ gói lương thực đi đường, xăng dầu cho đoàn người trốn dịch, bỏ
phố về quê... Kể sao cho hết những tấm lòng quảng đại, những nghĩa cử yêu
thương. Đức ái Kitô giáo trở nên nhịp cầu đến với anh chị em, và cũng là con đường
ngắn nhất để đến với tha nhân và đến với Thiên Chúa. Việc phục vụ bác ái là hoa
trái của đức tin. Nói cách khác, hành động của đức tin chính là đức ái. Mỗi việc
bác ái chúng ta làm cho anh chị em là làm cho chính Chúa (x. Mt 25, 34-36). Nơi
những gương mặt của người nghèo, chúng ta nhận ra những đường nét đau khổ của Đức
Kitô. “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của
Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
Hoạt động bác ái là trách nhiệm của Hội thánh,
nó thuộc về bản chất của Hội thánh.[28]
Những gì mà Giáo hội Công giáo Việt Nam làm là quan tâm đến người nghèo, bảo vệ
và chia sẻ với họ. Vâng, người nghèo phải là ưu tiên hàng đầu trong sứ vụ của
Giáo hội, nếu không, Giáo hội đi ngược lại sứ mệnh của mình. “Một Giáo hội
không thể hiện tình liên đới sẽ hóa ra mâu thuẫn với chính danh nghĩa của mình.
Giáo hội là nơi diễn ra tình liên đới vĩnh viễn của Thiên Chúa với con người”.[29]
Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung, UB. BAXH - CVN nói riêng, không phải là
một tổ chức phi chính phủ chuyên lo việc từ thiện, nhưng Giáo hội thực thi sứ vụ
bác ái theo lệnh truyền yêu thương của Chúa Giêsu. Trong cơn đại dịch, Giáo hội
Việt Nam với những nỗ lực của mình cùng với ơn Chúa đang đưa ra một lời chứng đức
tin sống động về tình bác ái huynh đệ.
Trích Bản tin Hiệp
Thông / HĐGMVN, Số 128
(Tháng 3 & 4 năm 2022)
[4] x. Nguyên tắc bổ trợ http://www.conggiaovietnam.net/index.php?=module2&v=detailarticle&id=98&ia=8992
[18] x. Solidarity, Subsidiarity, and
Preference for the Poor: Extending Catholic Social Teaching In Response to the
Climate Crisis; How Solidarity and Subsidiarity can work together
[29] Docat
số 27
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - hdgmvietnam.com